0

From: tieutuong (HTHINH)
To: ALL
NGỌC SÁNG TRONG ĐÊM ĐEN...

Dương Thủy



Đây là một kỷ niệm đến với mình cũng khá lâu rồi..
..Từng muốn đi gặp lại cô nhưng lần hồi vẫn chưa có dịp..
Chiều nay, lục và xóa các ảnh không cần thiết trong điện thoại,..
Chợt thấy những bức ảnh này..Ráng ghi chép vài ký ức nhỏ nhoi..
nhân duyên của của mình đến với Sáng..Người phụ nữ trong hình bắt đầu như sau..

Hôm ấy, trong một chuyến xe từ Miền tây lên Sài gòn khoảng gần nửa đêm, sau khi xuống xe, mình ra bãi để nhận xe chạy về phòng trọ thì phát hiện bánh xe xẹp lép..
Trời đất, nửa đêm nửa hôm mà gặp cảnh này, nản lòng quá...
Kéo cái valy nặng kịch, vác cái baolo cùng cái máy ảnh nặng quằn vai,
hai cái thứ này nó chèn cột sống gây đau nhức tới cả nửa thân người..
Mặc dầu vậy, mình vẫn phải dắt xe cà lê, đi bộ với tâm trạng e chề vì giờ này chẳng biết có chỗ nào sửa vá xe cả..

Đang lết lết, bỗng có một graber ngồi bên đường hỏi..
Xe cô bị sao vậy, hết xăng hay hư..
Mình đáp, xe lủng bánh anh ơi..
Ổng chỉ tay ra phia trước,
Cô đi tiếp một chút, tới ngã tư thấy cái nhà lụp xụp nằm kế nhà vệ sinh công cộng, chỗ đó có vá xe đêm đấy..
Mừng hơn bắt được vàng, pá già gồng tay dắt xe tới điểm vá..

Tới nơi, mình la lên, có ai vá xe hông vậy?
Một người phụ nữ đa đen nhẻm, đang mò mẫm các cái rổ quay lại trả lời gọn lỏn..
Có , tui ra liền..
Dòm mặt cô này, mình đoán chắc nhỏ hơn chừng vài tuổi, mình hạ giọng..Xe chị gửi trong bãi, bây giờ tới lấy bị lủng lỗ, em vá giúp chị..
Im lặng, cô dùng mấy cái cây sắt gì đó đẩy một cái là vỏ xe bung ra, vừa lôi ruột ra bơm và ấn vào thau nước, ..
Liếc sơ tình trạng bọt tăm nổi lên,
cô nói..Xe của chị bị cán dằm nên lỗ nhỏ xíu hà..Để tui vá xong ruột rùi chị soi đèn cho tui kiểm dằm rút ra nha..
Tò mò , mình hỏi, sao em biết bịnh của xe hay dữ vậy,
Cô cười..Trời ui..Tui mần nghề sửa vá xe 35 năm rùi chị ơi, dòm cái bánh xẹp cỡ nào là tui biết liền hà..
Thôi chị cầm cái điện thoại của tui để soi giúp, tui mò dằm rút ra cho chị về nhà sớm nha..
Hai chị em ngồi cà mò khá lâu, ...

Cuối cùng, cô kêu mình tới chỉ vào 1 khe trong cái vỏ rồi nói..
Xe chị cán trúng cái kim bấm giấy, nó bị gãy nên chỉ còn dính 1 khúc nhỏ xíu trong khe vỏ,
Tui mò nãy giờ mới ra..để tui lấy cái bấm móng tay kẹp nó..
Nhìn cô thoăn thoắt tháo lắp vỏ bơm xe ..

Nể bụng quá, mình hỏi tiếp..Năm nay em bao nhiêu tuổi, em có mấy cháu?
Cô cười: Em sanh năm 1972, em có 3 đứa con, con lớn mới có 18 tuổi, hai đứa nhỏ thì 1 đứa 12 và 1 đứa 7 tuổi..

Nhìn mặt cô , mình hỏi tiếp..Xin lỗi em có phải là người Miên không?..
Lý do mình nói từ người Miên thực ra không được cư dân Kh' mer chuộng,
Nhưng khi đối thoại cùng cô , mình đã nói như vậy nên đành viết đúng như lúc trò chuyện..
Nhìn mặt mình, cô cười và lắc đầu..

Nhìn kỹ cô một chút, mình la lên..Vậy ra em là Mỹ lai da đen phải không..
Cô gật gật
Mình hơi bất ngờ nên hỏi tới..
Vậy sao em không làm giấy tớ đi Mỹ vậy...?
Xóm chị ngày xưa có mấy người có con là Mỹ lai. Ho làm giấy tờ đi hết từ lâu lắm rồi..
Nếu em đi Mỹ có lẽ em không cực như vầy đâu..

Cô cười nói nhẹ..
Má em hổng cho em đi chị ơi..
Má nói, mấy cái vụ làm giấy tờ đi Mỹ , thôi mình hổng rành bị lừa là má mất con.
Sanh con cực khổ rồi , má hổng giao con cho ai hết..
Qua trò chuyện mình mới biết..

Vào năm 1970..
Má của cô mới có 16 tuổi, nhà nghèo nên đi lãnh giặt đồ thuê cho mấy ông lính Mỹ ở trong một trại tại Vũng Tàu.
trong những ngày đó,
má cô đã gặp một ông lính Mỹ , cả hai yêu thương nhau được 2 năm, sau đó má cô có thai và sanh ra cô..
Biết má sanh ra cô, ông Mỹ rất mừng, có đem sữa tới và cho má cô vài trăm đô..
Rủi thay, khoảng 6, 7 tháng sau..Ông Mỹ có lệnh về nước..
Trước khi về ổng đến đem hết bánh trái và ghi cho má cô một tờ giấy trong đó toàn chữ tiếng Anh không hà,
Chẳng ai biết là gì cả..

Nói cũng đúng, bởi má của cô vốn là người mù chữ, nên cái giấy ông đưa, dù có cất nhưng sau năm 1975, lộn lạo đâu đó nên bỏ quên luôn
Cho tới giờ này cô cũng hổng biết ông Lính Mỹ vốn là cha ruột của cô đã viết gì cả..

Đẻ ra cô lúc tuổi chỉ vượt qua 18 có chút xíu, má cô đã rất cực khổ khi phải chịu đựng những chê bai nhiếc móc của hàng xóm về một đứa con Mỹ lai, đen xấu hoắc, nhìn hổng ưa chút nào....

Nhưng vượt lên trên hết, má cô vẫn lầm lũi mần nghề giặt đồ mướn, rảnh thì đi làm cá phơi khô, băng qua những cười chê và nuôi cô khôn lớn..

Chính biến 1975 diễn ra..

Năm 1977, má cô gá nghĩa với một người thợ đốt than ở Xuyên mộc, sanh thêm vài đứa em..
Cho đến năm 1984. chính phủ không cho đốn cây rừng đốt than nữa..
Ba má cô dắt díu 4 đứa con về Sài gòn, căng chòi vá bơm xe đạp, lất lây kiếm sống..
Lúc bấy giờ, chính phủ Mỹ cho phép bảo lãnh diện con lai qua MỸ rất ồ ạt..Tuy vậy, nhà cô chẳng có ai đi cả

Bởi biết ba má cô vốn là người mù chữ,

Thay vì giúp gia đình cô, nhưng nhiều người đến gặp má cô .Họ thẳng thắn đề nghị mua cô đặng làm giấy tờ giả để tìm đường qua Mỹ
Dù họ có dụ dỗ bao nhiêu cây vàng, má cô cứ lắc đầu quầy quậy..
Tui hổng bán con gái tui đâu, mấy cô chú đi tìm người khác giùm..Nhà tui nghèo chớ mẹ con hổng xa nhau, sống cùng sống, chết cùng chết..
Nghe kể mà mình nể phục mẹ cô vô cùng..

Bởi vào năm 1972,.
Mình không thể nghĩ nổi rằng;
Vào thời ấy, ..
Có một cô gái chỉ vừa 18 tuổi, tay ôm 1 đứa con lai, sống trong bêu riếu mà cương quyết không buông tay , chăm con cho tới khi lìa đời nhắm mắt..
Hỏi thăm về mẹ của cô..Cô trả lời đơn giản: má em mất hơn 3 năm nay rồi chị..

Câu chuyện của mình và cô chỉ có bấy nhiêu..
Khi tính tiền..cô nói..cho em hai chục nghen chị..
Thiệt tình, lúc đó cô có nói 100 ngàn mình cũng phải chịu..

Nhưng với cô, ban ngày lỗ vá xe gắn máy có giá là 15 ngàn, ban đêm thì tăng thêm 5 ngàn..như vậy cũng là nhiều rồi, bởi 5 ngàn đó dành cho tiền điện..

Tần ngần tạm biệt cô..
Lan man phóng xe về nhà, mình chợt nghĩ..
Cô đúng là một viên ngọc đen nhẻm. Nhưng trong đêm tối, nó vẫn tỏa ánh sáng rực rỡ..
Ánh sáng ấy khiến cho mình hiểu rằng..

Đời mỗi con người chúng ta , ai cũng có những câu chuyện của riêng mình thật lý thú..
Cũng như cô, người phụ nữ đen đủi , vai u thịt bắp này,
Cuộc đời cô không có gì là cao xa cả.
Nhưng với cái tâm trong nghề vá xe để mưu sinh khá vất vả
và khi gặp nhau

Cô đã tặng cho mình 1 câu chuyện rất thật về cuộc đời của hai mẹ con cô,

Cầu chuyện ấy rất mộc mạc đơn sơ, nhưng ẩn chứa những dấu ấn đậm đầy yêu thương của tình mẫu tử ./.