0

From: all (ANHLUULINH)
To: ALL

Balan, một lần đến

 

"Em ơi! Balan mùa tuyết tan. Đường bạch dương, sương trắng nắng ngàn"

Lớp trẻ chúng tôi, những người lớn lên sau cuộc chiến ít nhiều thì cũng từng nghe qua hai câu thơ đó. Chúng tôi không biết Balan ở đâu, cũng chưa từng thấy tuyết. Chỉ biết là đâu đó ở Đông Âu, một nước cộng sản anh em nơi có những người du kích kiên cường  những nụ hồng nhung đỏ thẫm chớm rực rỡ khi tuyết vẫn còn phơn phớt đâu đó khi mùa xuân trở lại. Và không ít trong bọn trẻ ngây thơ chúng tôi đã dành nhiều tình cảm cho đất nước và con người xứ Balan đó.

...

Việc công việc tư bề bộn nhưng mình vẫn quyết định đi Balan. Ở đâu đó trong thâm tâm mình vẫn muốn đến Balan, để tìm lại ký ức trẻ thơ hơn là thỏa mãn sự tò mò. Mình sẽ đến Balan 1 tuần, việc công hết 3 ngày. Mình từng nuôi mấy con gà Balan (polish chicken), đầu đội cái mão lông to đùng trông rất buồn cười, thân nhỏ nhưng rất lanh lẹn và hung dữ. Mình cũng từng làm công chung với mấy người Balan, hiền lành, trực tánh, tiết kiệm và khá đơn thuần và nguyên tắc (có phần hơi cứng nhắc). Và dĩ nhiên, mình đã ăn qua món dồi và bắp cải chua đặc trưng của Balan.

Chiều thứ 7 khởi hành, 10 giờ đêm thứ 6 mình mới về đến nhà. Sáng thứ 7 mình vội vã quơ vội ít đồ nhét vào xách tay. Mình tranh thủ cho mấy con gà ăn và làm vội cái thùng uống nước cho chúng khi mình vắng nhà. Tranh thủ chở hai nhóc đi học đàn và đem con chó đi gởi, sau đó thì dẫn cả nhà đi tập bơi. Về đến nhà ngoại hai nhóc thì cũng gần đến lúc phải đi ra phi trường. Mẹ hai nhóc cằn nhằn, “sao cứ đợi tới phút chót rồi chạy như ma đuổi”. Ừ, mình có cái tật như thế, việc gì cũng muốn thử và phải tự mình làm mới khoái, thế nên cứ  mãi chạy cong đít như con vụ và chả có việc nào ra việc nào.

Còn hơn 1 giờ nữa mới phi cơ mới cất cánh, mình tranh thủ chuẩn bị làm nốt số việc công và cũng tranh thủ tìm xem cách đơn giản nhất về khách sạn. Xe buýt quá phức tạp vì phải qua 3 trạm chuyển tiếp, xe điện cũng vậy, và taxi thì 80 đồng Euro. “Úi trời, chưa đầy 7 cây số mà ăn tám mươi đồng Euro”. Mình sẽ bay đến Lodz, một thành phố nằm giữa Balan, sau đó sẽ ghé thăm thành phố Wroclaw nằm về phía tây nam của Lodz và gần biên giới Đức, sau đó đến Krakow ở phía nam, rồi ngược lên Warsaw (Vác Sa Va) thủ đô của Balan nằm phía bắc để bay về.  Bản đồ Balan đã download sẳn vào google map, và tiếng Balan vào google translate. Kể như mọi thứ đã đã sẳn sàng.    

Trong hơn chục giờ bay, mình tìm cách dỗ giấc ngủ nhưng không được. Những hồi ức cứ tràn về.

… còn nhớ . . .

Năm đó mình vừa lên cấp 2 lại được xếp ngay vào 1 trong 3 lớp tiếng Nga. Bố bảo: “học tiếng Nga làm gì, xin vào lớp tiếng Anh cho hữu dụng”. Trường không cho, chỉ cho mình chuyển vào lớp tiếng Pháp. Bố bảo: “ừ, dù gì thì Pháp cũng đỡ hơn Nga”. Thế là từ đó mình cứ “ lơ lơ đơ vông, bông rua mông sơ”. Có hôm có cô giáo trẻ đi ngang lớp, ông thầy râu quặp khua tay, “moét moi dzen”, thế là cả lớp “lơ lơ đơ vông, bông rua moét moi dzen”, ông thầy thò cái đầu hói bóng ra cửa và nhe hàm răng vàng khè ra cười dê, cô giáo nọ bước vội, xoay mặt nhìn đi chỗ khác. Một hôm, sau khi mình nộp bài kiểm tra , ông thầy dạy tiếng Pháp hỏi mình, “trò T, sao không thấy em học thêm?”. Mình chỉ biết ú ớ. Mình thừa biết mấy đứa đi học thêm đều biết trước những câu hỏi, nên vài ba phút là chúng làm xong. Tiếng “lành” đồn xa nên đứa nào cũng đi học thêm. Thế là mình xin trở lại lớp tiếng Nga, bà hiệu phó quát cho một hồi vì cứ đổi qua đổi lại.   

Thời đó có một số người được chọn đi Nga và các nước Đông Âu. Đây là một niềm vinh dự và cũng là cơ hội đổi đời cho hầu hết mọi người trong thời tem phiếu. Mình cũng muốn. Cô giáo dạy tiếng Nga, vừa từ Nga về, bảo nếu không phải là con cán bộ gộc thì phải là học thật giỏi, tốt nhất là được chọn đi thi cấp quốc gia. A, cơ hội đây rồi, chỉ cần giật giải cấp tỉnh thì được chọn đi thi cấp quốc gia. Mình đi dự thi vào lớp chuyên, bởi vì hầu hết chỉ có học sinh lớp chuyên mới được chọn đi thi, vì đây là lò luyện gà. Mình được cho vào chuyên Nga và chuyên văn. Cứ tới những tiết này thì mình phải sách cặp đi học chung với bọn lớp chuyên. Sau vài tháng thì mình không đi nữa vì hiểu rằng mình chỉ hoài công, dù có may mắn sao đi nữa thì cái lý lịch “gia đình ngụy quân ngụy quyền” sẽ biến hiện thực thành giấc mơ mà thôi.        

Lodz – Thành phố dệt vải

Phi cơ nhỏ đáp xuống Lodz, không quá chục người. Khí hậu Lodz vào trung tuần tháng chín đã se se lạnh, nhiệt độ chỉ vào khoảng 50 độ F, trong khi nơi mình ở đang lúc hè và nhiệt độ khoảng 90F. Phi trường nhỏ vắng bóng người.

https://goo.gl/photos/DWWdDoUo4GTXRLFW7

Ngồi chờ hành lý  

Taxi về khách sạn chỉ tốn 40 đồng zua, khoảng 10 đô, chứ không phải 80 Euro như mình đã đọc được. Ông taxi cởi mở trò chuyện bằng tiếng . . . Balan, thỉnh thoảng chêm vào vài chữ tiếng Ăng Lê, còn mình thì dùng google translate đáp lời ông ta.

Chiều chủ Nhật, trời còn sớm, mình đi bộ tìm đường đến nơi mình sẽ làm việc sáng ngày hôm sau. Đường phố khá sạch sẽ, có những tòa nhà kính to đùng, hầu hết các sản phẩm tên tuổi trên thế giới đều thấy được ở đây.

https://goo.gl/photos/Ma2RuDHMz3wdkNHr7 mall Sukcesja

Mình bước vào công viên đối diện đại học Politechnik. Công viên này khá thơ mộng, có những hàng cây thẳng tắp được chăm chút khá cẩn thận. Mưa lất phất rơi, mình bước ngang một góc công viên nơi những bia mộ cẩm thạch đen ghi tên những chiến binh tử trận trong đệ nhị thế chiến, một cảm giác buồn buồn thật khó tả dâng lên. Mình ngã mũ và  chụp vội ít tấm hình làm dấu rồi rảo bước đi.

https://goo.gl/photos/ZVgwdoufbP7oFajF6

Lá cây xào xạc dưới chân, những căn nhà ố màu thời gian, và những căn hộ chung cư cũ kỹ xen kẽ tạo nên một bức tranh khá hòa đồng về tính . . . ảm đạm. Khung cảnh không khác gì VN những năm cuối 80, khi những khu chung cư như những hộp diêm quẹt được chất chồng. Mình chợt nhớ tới thành tựu của nước Nga lúc đó mà VN hằng ước – họ đúc sẵn những căn nhà hộp và đem chất chồng nó lên như bọn trẻ xắp hình lego. Cả nước là một công xưởng. Toàn cảnh là hai quá khứ của một thời hoàng kim bị rụi tàn và một thời đói khổ.  

https://goo.gl/photos/guFzPWRk6rB7fNHz5 (công sở)

Đó đây có vài tòa nhà khá khang trang, và nhìn kỹ nhưng căn nhà cũ thì cũng có những tu sửa với những nét hiện đại, nó như những chồi non mọc lên sau đám cháy. Một sự hồi sinh.  Mình thắc mắc, Balan đã qua bao nhiêu năm rũ bỏ cộng sản, lẽ nào giờ mới có sự thay da đổi thịt.  

https://go.gl/photos/jRXAPom8T6tFLcQXs5  

Mình tò mò dừng chân tại trạm xe điện với mái vòm màu sắc lung linh tìm hiểu cách mua vé. Vé bán theo phút, 20 phút hoặc 40 phút dùng chung cho cả xe buýt lẫn xe điện, du khách có thể trả bằng tiền xu hoặc credit card có mang dấu hiệu wi-fi. Máy bán vé tại trạm và cả trong toa xe với 3 ngôn ngữ Balan, Đức và Ăng Lê. Khi lên xe thì đút vé vào để đánh dấu thời gian, khi hết hạn thì mua vé khác. Google map cho mình biết chính xác giờ nào đón xe số mấy tại điểm nào. Mọi sự quá đơn giản, mình chọn một điểm trên bản đồ và tìm đúng xe bus và nhảy lên về  thẳng khách sạn.  

https://goo.gl/photos/aLgVBcPNsgKZjc1J6  

Trời đã tối, tuy không đói nhưng mình vẫn phải kiếm tí gì dằn bụng. Tripadvisor cho biết Soplicowo gần đó còn mở cửa và bán thức ăn thuần Balan rất ngon. Mình đi kiếm ăn. Con đường vắng vẻ và mờ tối. Tìm đến nơi thì mình gặp thêm mấy người nữa cũng đang tìm đến. Khung cảnh ấm cúng và đang có tiệc. Mình nhủ thầm: “ăn mặc làng nhàng như thế này không biết có được tiếp không nữa!”.  Cô tiếp viên dẫn cả bọn vòng ra sau xuống tầng hầm  trang trí khá lãng mạn, cái lãng mạn của châu Âu của nhiều thập kỷ trước. Mỗi bàn ăn được ngăn giữa hai phên gỗ. Mình đi lẻ nên trở nên lạc lõng. Mình chọn những món được giới thiệu bởi du khách trong trang web Tripadvisor.

Món bánh mỳ khá cứng nhưng món bơ  trét lênlại khá thú vị. Cô phục vụ trẻ gắng giải thích cho mình biết món bơ đó làm như thế nào. Có lẽ nhìn mình quá ngu ngơ hay có giới hạn về ngôn ngữ, cô bảo thôi thì mày lên google kiếm đi. Ừ, thế cũng được. Món kế tiếp là xúp … lòng bò. Thiên hạ bảo ngon thì mình ăn thôi. Mình nghĩ bụng, nếu cô phục vụ đừng đem cái lát bánh mỳ còn lại kia đi thì đem nó chấm với xúp này ăn cũng khá thú vị.

https://goo.gl/photos/3ScsuvEtJL6tcFhW6 Xúp lòng bò

Mình ngồi nhâm nhi, ăn thì ít, nhưng ngầm để ý vào bàn đối diện thì nhiều - bàn đó có một đôi bạn trẻ ăn mặc rất trịnh trọng. Thi thoảng, anh chàng rót thêm rựu vang đỏ vào ly cho cả hai, đôi tình nhân khe khẽ, nhẹ nhàng thầm thì. Anh nọ cứ mươi phút lại bỏ đi đâu đó, cô nàng ngồi lóng ngóng, hai tay hết đan vào nhau rồi thì se se những lọn tóc. Trong tiếng dương cầm khẽ khẽ dạo những bản nhạc đêm Nocturnes của Chopin, thật lãng mạn - mình đứng dậy bước ra cửa. Đêm tĩnh mịch, nâng cao cổ áo khoác mình bước dạo vài con phố trước khi về khách sạn. Sự vồn vã của công việc hằng ngày, mọi lo toan của cuộc sống dường như chững lại. Còn lại chăng là một cảm giác nhẹ nhàng lâng lâng, dư âm của tiếng dương cầm vẫn còn vang vang,  cái lạnh của những đêm thu rợn từng chân tơ - thật thú vị.

https://goo.gl/photos/iG374wfUSRrT5XbA9 Đôi bạn trẻ

Hai ngày kế tiếp, sáng đi làm, chiều về sớm mình rong chơi khắp phố. Dọc đường đi có những bãi xe đạp công cộng của NextBike mà cứ mỗi 20 phút đầu miễn phí và mỗi giờ sau đó vào khoảng 10 xu. Nếu siêng thì cứ 20 phút thì dừng lại trả xe vào và lấy xe ra thì có thể dùng miễn phí. Mình tự đăng ký và đóng khoảng $5 và tha hồ đạp xe lang thang đến lúc đi vẫn còn hơn $3.  Chiều hôm thứ 3 mình mua vé xe buýt cho hôm sau đi từ Lodz đến Wroclaw chỉ khoảng $5.

Đêm đó nói chuyện với Rake mình mới biết Lodz là nơi tập trung sinh viên mới đến để học tiếng Balan. Mình xin địa chỉ để sáng mai tìm đến. Mình trả xe đạp, rảo bộ tìm đến Studium Języka Polskiego dla nằm ngay trên đường Matejki 21/23 lúc trời hừng sáng.

https://goo.gl/photos/2DNt5Px8ynZ4aMS87 cư xá

Mình xô cửa đi vào, vắng hoe. Mình đi dạo một vòng, có vài ba người hối hả đi làm việc. Balan mùa này chưa đến lúc nhập học, mấy vạn học trò bỏ đi xa kéo theo nhiều dịch vụ cũng tạm đóng cửa. Đây có lẽ là yếu tố làm thành phố khá vắng lặng. Mình thả từng bước chân trên những lối mòn tai lắng nghe, hy vọng bắt được một tiếng cười hay giọng Bắc Kỳ đâu đó. Mình tìm xem những dấu ấn để lại của những sinh viên VN đã từng đến đây. Tuyệt nhiên không tìm thấy gì cả. Nếu có, chỉ là một cái quán nhỏ cách đó vài con đường.

https://goo.gl/photos/WecQjxiWPDEZoZoa8 quán VN

Cũng đã đến giờ mình phải theo đoàn đi tour sau đó lên xe buýt đến Wroclaw. Tạm biệt nhé Lodz, thành phố với biểu tượng một chiếc thuyền con, của mấy trăm dòng sông đã biến một vùng quê xa sôi thành một khu công nghiệp dệt to lớn và sung túc nhất của châu Âu một thời. Tạm biệt Lodz, nơi mấy mươi ngàn cư dân gốc Do Thái, đã bị nhét đầy trong những toa xe dùng để chở xúc vật, để đưa vào lò giết mổ.


Wroclaw - Thành phố thơ mộng