0

From: Dama
To: ALL
LDV: Có một số tác giả và nhà phê bình văn học nhận xét Nguyễn Ngọc Ngạn đã đem văn chương đến với đám đông thay vì đến những độc giả chọn lọc qua những sáng tác truyện ma (rất ăn khách) và kịch nghệ (rất hài hước). Hiện nay, khi tra Google tên “Nguyễn Ngọc Ngạn” thì có hơn 1 triệu kết quả! Nguyễn Ngọc Ngạn thích là một nhà văn được đồng nghiệp đánh giá cao, hay là một người có nhiều fan hâm mộ ở mọi tầng lớp?

NNN: Theo chú, bất cứ nhà văn nào ở hải ngoại cũng đều không nên tin vào sự đánh giá của đồng nghiệp! Thời tiền chiến, có những nhà phê bình văn học nghiêm chỉnh như Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Hoài Chân. Họ làm việc có phương pháp và quan trọng nhất là có tinh thần khách quan. Ở hải ngoại, văn giới bị chi phối bởi phe nhóm, cho nên phê bình thường dựa trên cảm tính. Bởi vậy dù khen hay chê cũng đều không phản ánh sự thật. Chú nhớ hồi chú mới về Toronto, Hội Văn Hóa Việt Mỹ ở Cali do chính quyền Mỹ tài trợ, mỗi năm thường tổ chức hội thảo. Giáo sư Đỗ Đình Tuân phụ trách chương trình này, mời chú sang làm diễn giả vì lúc ấy chú sáng tác nhiều, in sách nhiều và nhất là vì chú có sách tiếng Anh được nhà xuất bản Mỹ ấn hành. Một số các nhà văn bên Mỹ đã phàn nàn với giáo sư Tuân: Tại sao không mời một nhà văn ở Cali mà lại mời người từ Canada sang thuyết trình!

Rõ ràng họ vẫn có cái tự hào Cali là thủ đô, Canada chỉ là ngoại biên!

Một chuyện nhỏ khác: Thời Báo Toronto có lúc trao đổi bài vở với một tờ báo ở Cali. Thời Báo nhận một số bài của họ và để đổi lại, Thời Báo đưa truyện dài của chú cho họ đăng. Họ cũng biết truyện của chú mang lại nhiều độc giả. Nhưng họ từ chối vì “đăng truyện Nguyễn Ngọc Ngạn thì các nhà văn bên này sẽ không vui!”

Chuyện phe nhóm trong văn giới hải ngoại là điều có thật, có ngay từ buổi ban đầu, đến giờ này vẫn tồn tại. Mà khi đã có phe nhóm thì sự đánh giá của đồng nghiệp làm sao còn khách quan được nữa!

Nhà văn Mạc Ngôn của Trung Hoa có nhiều giải thưởng quốc tế kể cả giải Nobel. Vậy mà khi một nhà báo Việt Nam phỏng vấn, ông nói: “Bên Trung Quốc có nhiều người chống tôi. Nhờ vậy tôi mới biết mình quan trọng!”

Chúng ta có thể thấy ngay sự cay đắng trong câu trả lời của Mạc Ngôn. Truyện “Cao Lương Đỏ” của ông được thực hiện thành phim, cả phim ngắn (Củng Lợi đóng) lẫn phim bộ (Châu Tấn đóng). Ông nổi tiếng quá, khó tránh được sự ganh ghét của đồng nghiệp..

Ở Mỹ hay bất cứ quốc gia tân tiến nào, đều có hai phương thức đánh giá tác phẩm: Academy’s Choice và People’s Choice. Cộng đồng chúng ta nhỏ bé quá nên không thể có Academy’s Choice mà chỉ có People’s Choice. Chú đã đạt được cái thứ hai là People’s Choice, tức là sự lựa chọn của quần chúng, điều mà ngay từ lúc mới đặt bút viết văn chú đã mong muốn. Chú là người có đông độc giả nhất, nếu tính cả audio books. Hơn 80 băng đọc truyện của chú tràn ngập trên mạng dù chú không biết ai đưa lên.. Chú viết khoảng 70 vở kịch, có những vở như “Con Sáo Sang Sông”, Thúy Nga bỏ lên YouTube, có đến 25 triệu lượt người xem. Nhà văn Thế Uyên nhận xét về chú như sau: “Ngày nào chính quyền Cộng Sản bãi bỏ lệnh cấm bán sách từ hải ngoại, chắc chắn sách của Nguyễn Ngọc Ngạn sẽ bán chạy trong nước. Lý do ông là người kể chuyện có tài, dùng một bút pháp của đời thường, dễ hiểu, nên sách của ông đặc biệt thành công nơi phụ nữ.” (Hợp Lưu, tháng 10 & 11/2006).

Đọc đoạn văn này, chắc cháu không vui! Vì cứ theo nhà văn Thế Uyên thì nhờ chú viết “dễ hiểu” nên phụ nữ mới đọc được!

LDV: Vâng, chắc chắn vậy. Nếu Thế Uyên còn sống, LDV sẽ phản đối thẳng với ông ấy rồi. Nhưng riêng Nhà Văn có nghĩ rằng thành công của các tác phẩm Nguyễn Ngọc Ngạn đến từ độc giả nữ và lối viết dễ hiểu hay không, bởi là một phụ nữ, LDV không nghĩ rằng văn Nguyễn Ngọc Ngạn “dễ hiểu”, mà thật ra, chứa đựng nhiều ẩn dụ châm biếm xã hội.

NNN: Nhà văn viết cho độc giả, không viết cho đồng nghiệp. Đó là điều hiển nhiên. Mỗi nhà văn chọn cho mình một loại đối tượng độc giả. Phần chú, chú không nhắm riêng vào thành phần độc giả nào, mà nhắm vào tất cả mọi người. Chú làm video mong có đông người coi, viết truyện mong có đông người đọc, thu audio book mong có đông người nghe. Đó là sở nguyện của chú. Chỉ có điều, chú vẫn tưởng chuyện của chú đàn ông đọc nhiều, cho đến khi đọc bài của nhà văn Thế Uyên, chú mới biết chuyện của chú “đặc biệt thành công nơi phụ nữ”! Điều này làm chú rất mừng! Nhân đây cháu cũng cho chú nói qua về truyện ma của chú mà cháu vừa đề cập đến.

Có lần chú đọc một bài báo viết về chú: Nguyễn Ngọc Ngạn là người đùa giỡn với văn chương. Ngay cả những truyện nghiêm trang nhất, độc giả vẫn bắt gặp những nụ cười trong đó.

Chú nảy ra ý định viết một loại truyện mà không thể chen nụ cười vào được, đó là truyện ma, hay đúng hơn là truyện kinh dị giống như Stephen King. Sau chuyến lưu diễn ở Âu châu về, chú viết thử truyện ma đầu tiên, đặt tựa là “Đêm Trong Căn Nhà Hoang”.

Trước đó chú đã đọc hầu hết các truyện ma của các tác giả tiền bối như Nhất Linh, Nam Cao, Thế Lữ, Vũ Hạnh, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Tuân, Hồ Trường An, Phạm Cao Củng, Bồ Tùng Linh, v.v. Nhưng chú thấy những truyện đó… nhẹ quá, giống như ăn ớt không đủ cay! Liêu Trai Chí Dị thì toàn ma sexy đêm đêm hiện về! Chú tự đặt ra mục tiêu: Đọc truyện ma, người ta phải sợ. Nếu không sợ là mình thất bại!

Quả nhiên chú đã làm được công việc đó, gây chấn động ở quốc nội, hàng loạt báo trong nước yêu cầu ngăn cấm vì học sinh nghe, sợ quá không ngủ được! Truyện ma của chú ăn khách đến nỗi nhà xuất bản Văn Học và Tuổi Trẻ lấy đem in trộm, đổi tựa truyện và tên tác giả. Báo Người Lao Động phát giác ra và lên tiếng tố cáo, gây ồn ào cả năm trời.

Hôm nay nói chuyện với cháu về truyện ma, chú phải… khai thật là, lúc ấy chú hơi tham vọng, muốn thử một khúc rẽ mới xem mình có khả năng hay không! Sau này chú lại liều thêm một lần nữa là chuyển sang viết kịch. Cháu có thấy ai vừa viết truyện ma cho người ta sợ, lại viết hài kịch cho người ta cười không?

LDV: Đức Giáo Hoàng Francis cũng đã có tài khoản trên Twitter với hơn 16 triệu người theo, và Ngài thường dùng phương tiện này để cảm hóa và truyền thông điệp. Đức Giáo Hoàng đã viết: May social media always be spaces that are rich in humanity! [Hy vọng trang mạng xã hội sẽ là những không gian giàu tính nhân bản.] Là một giáo dân, Nhà Văn đồng ý hay không ủng hộ việc Đức Giáo Hoàng làm như thế? Tại sao cho đến bây giờ, Nhà Văn vẫn kháng cự nổi sự lan tràn của Internet? Năm mới, Nhà Văn có ý định thay đổi cái nhìn này hay không?

NNN: Twitter hay Facebook là những phương tiện thông tin rất hữu ích đối với những người biết xử dụng nó một cách trách nhiệm. Tất nhiên chú hoàn toàn ủng hộ Đức Giáo Hoàng bởi Ngài dùng Twitter như một diễn đàn để gửi ra những thông điệp của Ngài.

Nhưng cũng có những trường hợp xài Twitter tầm bậy như ông Trump chỉ để gây tranh cãi vô ích!

Mới đây, ngày lễ Noel 25/12/2017 chú làm show ở Minnesota, có bà khán giả chạy lại ôm chú và xúc động nói: “Gặp chú, cháu mừng quá! Cháu coi trên Internet loan tin chú chết rồi! Không ngờ chú vẫn còn sống!”

Khởi đầu, chú không xài internet, không Facebook, không Twitter, không Youtube, là gì chú muốn giữ vị trí “low key”, tránh bớt sự ngứa mắt của nhiều người! Nhưng không ngờ người ta cứ đưa hình ảnh và thông tin về chú lên bừa bãi trên mạng. Hiện có khoảng 15 cái Facebook mang tên Nguyễn Ngọc Ngạn. Tất cả đều là giả! Hơn 80 băng đọc truyện của chú, họ đưa lên hết mà thậm chí còn đổi tựa truyện nữa. Chú nhờ người hỏi Facebook. Họ bảo: Ông muốn chúng tôi dẹp những cái Facebook Nguyễn Ngọc Ngạn giả, thì ông phải mở Facebook thật của ông!

Biết thế, nhưng hiện chú vẫn còn lưỡng lự, cố chống lại sức cám dỗ của Internet! Chú nhớ khoảng 10 năm đầu làm Paris by Night, thư khán giả viết về ào ạt. Ai cũng gọi chú là người “uyên bác”. Nhạc sĩ Thanh Sơn lần đầu từ trong nước ra, gặp chú, chạy lại nói: “Xin chụp tấm hình với người thông thái”. Nhưng bây giờ thì hết rồi. Ai cũng có thể uyên bác hơn chú bởi ai cũng có Google trong tay, chỉ mình chú ngoan cố chưa xài tới!
.