0

From: Kcl
To: ALL
Công Chúa Triều Nguyễn

Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017.  Bài viết mới của bà trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018, hiện đang phát hành khắp nơi. Đây là tự sự của một tôn nữ thời đổi đời: Làm tài xế Taxi tại Huế. Định cư, kết hôn với người Mỹ.

Cuu Pho Tinh Truong Thua Thien

Tại làng Truồi gần Huế, có đền thờ Ngài Trấn Định Quân Công tức Hoàng tử Miên Miêu, con vua Minh Mạng.  Là hậu duệ dòng Trấn Định, sau 1975, ông Vĩnh Bạch định cư tại Hoa Kỳ, trong khi con gái ở lại Huế làm tài xế taxi.

Ton Nu di lai Taxi

Tác giả bài viết, Tôn nữ Trấn Định Minh Nguyệt trong đồng phục tài xế taxi tại Huế, lái xe đưa thân phụ Vĩnh Bạch từ Mỹ về, thăm làng Truồi, cúng đền thờ Trấn Định Quận Công.

 
***
 

Hồi đứa con gái tôi  còn học lớp 5, có làm môt cái project gọi là “Family Tree.” Tôi giúp cho con làm bài, sưu tầm tranh ảnh, tra cứu Google, khá công phu.

Sau khi được cô giáo cho điểm 10, nó vui sướng về nhà khoe: “Mẹ ơi, con nói với tụi bạn, con là Princess mà tụi nó không tin. Có đúng con là Công Chúa không mẹ?”

Tôi cười, “Không đúng. Mẹ là công chúa, nhưng con thì không.”

Thế là con bé khóc oà lên, nhất định không chịu! Tôi đành phải vỗ về rồi tìm những dữ kiện xem tôi và con gái có đúng là Công Chúa triều Nguyễn không (?).

Đúng là tôi sinh ra trong một gia đình Hoàng tộc. Điều đó có nghĩa là, tôi thuộc diện “Con Vua, cháu Chúa” chứ không phải tầm thường đâu nha! Ha ha.

*

Ngoại trừ một số rất nhỏ những nước ở Âu Châu, Á Châu, Cận Đông còn có Vương quyền, nhưng thực chất không giống ngày xưa là nhà vua có toàn quyền trên 3 ngành của một nước là Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp. Nhà Vua bây giờ chỉ còn là biểu tượng.

Những nước trong Liên Hiệp Anh như Canada, Australia, New Zealand vẫn coi Nữ hoàng Anh là vua của họ, nhưng nước Mỹ mới lạ đời, cha ông họ ngày xưa vì bị nước Anh đàn áp sao đó mới chạy tới xứ sở mới này, thế mà bất cứ chuyện nhỏ nào xẩy ra cho dòng tộc vua nước Anh thì cứ nhao nhao lên như là chính chuyện của nước mình. Nhất là chuyện đám cưới, chuyện tình yêu hay sanh con đẻ cái của họ thì ôi thôi cũng tốn nhiều giấy mực của nước Mỹ lắm lắm.

Ai cũng biết nước Việt Nam, từ 1945 về trước theo chế độ phong kiến, có Vua chứ không phải Tổng Thống hay Chủ Tịch nước như bây giờ.

Vua Gia Long và các vị chúa về trước đều lấy họ là Nguyễn Phúc. Ở trong Nam gọi là Nguyễn Phước.

Vị vua thứ hai là Minh Mạng đặt ra Đế Hệ Thi để đặt tên cho con cháu.

Bài này gồm 20 chữ, dùng làm chữ lót tên cho mỗi thế hệ triều nhà Nguyễn từ vua Minh Mạng trở về sau:

MIÊN HƯỜNG ƯNG BỬU VĨNH

BẢO QUÝ ĐỊNH LONG TRƯỜNG

HIỀN NĂNG KHAM KẾ THUẬT

THẾ THOẠI QUỐC GIA XƯƠNG.

Từ ngàn xưa, chưa có triều đại nào lưu truyền mãi mãi. Chữ vạn tuế làm sao thực hiện được.

Thế nên vua cha dự tính con cháu mình sẽ làm vua nước Việt đến 20 đời, vậy mà mới tới đời Vĩnh, tức là vua Bảo Đại tên là Vĩnh Thuỵ thì ... hết vua.

Tuy triều Nguyễn có tới 13 vua, nhưng từ khi có Đế Hệ Thi cũng chỉ có thêm 5 đời mà thôi. (Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh). Đời Vĩnh có 2 vua: vua Duy Tân tên là Vĩnh San, vua Bảo Đại tên là Vĩnh Thuy.

Chắc người ngoài Hoàng tộc khó hiểu cách đặt tên cho con cháu nhà Nguyễn, mà ngay cả người Tôn Thất cũng nhiều người mù mờ, thí dụ:

Họ của tôi, rất lạ: Trấn Định.

Một trong những Hoàng Tử, con của Vua Minh Mạng, tên là Miên Miêu, được phong tước Trấn Định Quận Công, cấp đất đai ở Truồi, vùng quê phía nam thành phố Huế chừng vài ba chục cây số, hiện tại vẫn còn đền thờ ngài ở đó.

Từ quốc lộ I, đi về hướng Nam, qua cầu Truồi, thì rẽ trái, có cái chợ nhỏ, ngay dưới gốc một cây đa lớn. Đi qua khỏi chợ, khoảng 10 ngôi nhà, thì nhìn phía bên tay phải, là nhà thờ ngài Trấn  Định Quận Công, nhìn ra con sông Truồi trong xanh mát rượi.

Như người dân thường thì cha họ gì, con sẽ lấy theo họ đó. Ví dụ như cha Nguyễn văn A, thì con là Nguyễn văn B, hay Nguyễn thị C….

Nhưng người Hoàng phái thì không phải vậy.

Họ của chúng tôi được đặt theo bài thơ Đế Hệ Thi đã nói ở trên, để người trong dòng tộc, nhìn vào có thể biết là thuộc nhánh nào, hệ nào.

Lấy ví dụ chỉ riêng trong nhánh của tôi cho dễ hiểu nhé.

Con của ngài Miên Miêu là ông Hường Chuyên.

Con của ông Hường Chuyên là ông Ưng Từ.

Con của ông Ưng Từ là ông Bửu Lang.

Con của ông Bửu Lang là ông Vĩnh Bạch (là ba tôi).

Con của ông Vĩnh Bạch sẽ là Bảo T…

Nhưng mà không! Nhà tôi cũng không theo quy định đó luôn! Bởi vậy mới có chuyện mà kể cho bà con nghe ngày ni đây chơ!

Như đã nói ở trên, ngang đời anh em tụi tôi, lẽ ra sẽ là Bảo (T…) nhưng vì ba tôi thích khác người nên ông lấy tước của Ngài Trấn Định Quận Công làm họ, vậy là anh chị em tôi có cái họ đặcbiệt là “Trấn Định”.

Các anh em trai tên đầy đủ theo cách ba tôi đặt là Trấn Định Bảo (T... )

Về con gái và các cháu gái thì cách đặt họ cũng khác. Đừng kể chi mấy đời xa trước, chỉ ngang cô của tôi là Công Huyền Tôn Nữ Thu Hương, và các chị con của bác tôi là Huyền Tôn Nữ (…)

Từ khi không còn triều đình nhà Nguyễn, nhiều bà con thôi dùng hai chữ Tôn Thất, mà lại dùng họ cũ ngày trước là Nguyễn Phúc hay Nguyễn Phước ( 阮福? ).

Mặt khác, nhiều bà con trong hệ Chánh Biên thôi dùng 2 chữ Nguyễn Phước, lại lấy chữ lót làm họ, cho nên trong khai sinh, giấy tờ ... xảy ra tình trạng cha con không cùng họ, việc khai báo lắm khi bị trở ngại. Ví dụ: Cha tên Bửu Đông đẻ con trai mang tên Vĩnh Tây, đẻ con gái mang tên Công Huyền Tôn Nữ Phương Nam. Hoặc cha tên Chiêm Đông, đẻ con trai tên Viễn Tây (Nhánh Định Viễn Quận Vương). Nhiều cơ quan chính quyền trong nước cũng như ngoài nước không hiểu, không công nhận cha con.

Về phía nữ các bà các cô mang họ Công Tằng Tôn Nữ hay Công Huyền Tôn Nữ... thấy dài, có khi không đủ chỗ điền trên giấy má, đơn từ nên thường hay rút ngắn lại là Tôn Nữ.

Người ta nói bài Đế Hệ Thi được khắc trong một cuốn sách bằng vàng (kim thư), cất trong hòm vàng (kim quỹ) để lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, các bài Phiên Hệ Thi cũng được khắc trong các cuốn sách bằng bạc. Có tư liệu cho rằng tới thời Vua Tự Đức, chúng đã bị nấu ra để trả nợ chiến phí bốn triệu đồng cho Pháp và Tây Ban Nha theo Hiệp ước Nhâm Tuất (1862). Không ai biết sự thật ra sao vì đến ngày vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn thoái vị, các sách làm bằng kim loại qúi này đã biến mất.