0

From: Kcl
To: Kcl
Tiếp theo :

Đối với phái nữ, viêc đặt chữ lót khác hẳn.

Con gái Vua (thế hệ 1) gọi là Công Chúa đi đôi với tên, thường là tên đôi như Công Chúa An Đông, Công Chúa Ngọc Tây ... Cháu gái Vua (thế hệ 2)  lấy chữ lót Công Nữ, chắt gái (thế hệ 3), chữ lót Công Tằng Tôn Nữ, chắt gái (thế hệ 4) chữ lót Công Huyền Tôn Nữ- Các thế hệ nữ kế tiếp lấy chữ lót Công Huyền Tôn Nữ, về sau này chỉ đặt tắt là Tôn Nữ mà thôi.

Riêng mấy chị em gái nhà tôi thì không có “Tôn Nữ lấp la lấp lánh óng ánh kim cương hột xoàn” chi hết, mà chỉ có duy nhất 2 chữ Trấn Định làm họ. Như tên tôi đầy đủ hồi còn ở bên đó là Trấn- Định Minh-Nguyệt. (có 2 gạch nối).

Đi đâu cũng bị người ta hỏi lui hỏi tới, “Có phải viết nhầm dấu huyền thành dấu sắc không?" Họ tưởng là Trần-Định Minh- Nguyệt, vì người Việt mình họ Trần rất đông.

Trợn mắt trợn mũi giải thích, họ cũng không hiểu! Rồi có người lý sự, thì hỏi vì răng, họ của tôi không giống nhánh nào Hoàng phái? Tôi đáp, “Xin hỏi ba tôi!"

Khi làm giấy tờ phỏng vấn đi Mỹ, cô nhân viên Toà Lãnh Sự cũng hỏi, vì sao con ruột cùng cha cùng mẹ, mà lại không lấy họ cha? Tôi nói, “Để tôi về tôi hỏi ba tôi! Nhưng tôi “xin thề, tôi là con của ổng!"

Thì đã bảo nhà tôi đặc biệt lắm, làm sao có người giống được chứ!

Đến khi tôi đặt chân tới Mỹ, người của cơ quan IOM giúp điền giấy tờ ở quầy nhập cảnh, chắc là mệt nên làm biếng viết gạch nối giữa hai chữ Minh-Nguyệt, tên kép, (mà tên người Mỹ đâu bao giờ có dấu gạch nối) nên người Mỹ cứ thế mà làm, coi như tên thiệt là Minh, còn Nguyệt chỉ là tên đệm!

Ngược đời chưa đã chơ! Hồi xưa không mấy ai gọi tui là Minh-Nguyệt, chỉ gọi ngắn gọn là Nguyệt. Giờ thì chỉ gọi là Minh thôi!

Tôi thì nghĩ, tên chi miễn gọi cho dễ là được, vì người Mỹ khó phát âm chữ Nguyệt lắm, thành ra đổi tên cũng có cái hay, tiện của nó.

Mỗi lần gọi điện thoại lấy hẹn bác sĩ, hay làm giấy tờ, phải đánh vần tên Nguyệt có khi trẹo cả quai hàm, lại phải tốn tiền đi bác sĩ chơ có phải chơi mô!

Tới khi lấy ông chồng người Mỹ thì phải đổi họ theo ổng, để lỡ ơn Trời ổng có chuyện chi, mình còn được hưởng quyền lợi của người làm goá phụ chơ! Hê hê hê.

Chuyện tên của tôi vẫn chưa xong đâu nhé, là bởi vì khi đi làm, tiếp xúc với người Mỹ, mình muốn có cái tên dễ nhớ, để họ trở lại làm cho mình kiếm gạo, nên tôi phải chọn tên Mỹ là Minnie.  (giống như Minnie Mouse, một con chuột gái ưa làm điệu dễ thương trong phim hoạt hình của hãng Disney.)

Vậy nên từ một cái tên nghe “lung linh huyền ảo” hiếm hoi, khó quên, Trấn-Định Minh- Nguyệt, tôi đã trở thành một Minh T. Graves, hoặc Minnie Graves như tôi vẫn dùng trong Facebook, bình  dị như bao người Mỹ khác!

Ngoài chuyện “khác người” trong việc đặt họ tên, thì tôi cũng có nghe một vài giai thoại về người Hoàng phái.

Có thời gian ba tôi làm Phó Tỉnh Trưởng ở Thừa Thiên-Huế. Ông kể, trong thời gian chiến tranh, chính quyền lập Ấp Chiến Lược, và đơn vị hành chính là Tỉnh, Thành  Phố, Quận, Thôn và Ấp.

Một hôm, ba tôi cùng những người tùy tùng đi thị sát, thì gặp một bà người quen, tới chào hỏi.

Bà nói, “Khi mô có giờ, mời ông Phó về Ấp em!” Ba tôi mới trả lời, “Về Ấp Chiến Lược để thăm bà thì tui đi, chứ về ấp bà thì tui không dám! Phải tội chết! Tui với bà cùng người Hoàng Phái cả mà!”

Theo tôi biết, trước đây người Hoàng phái không lấy nhau, vì người ta tin rằng cận huyết sinh ra con ngu đần và bịnh hoạn.

Ở Huế người ta hay đùa “Trai hoàng phái để lòi d… cũng hai vợ” (nghĩa là nghèo không đủ quần áo che thân mà vẫn đào hoa) còn con gái Hoàng phái thì khổ về đường chồng con, do ngày xưa Vua đã bắt hàng trăm cô con gái trong dân gian vô kinh làm nô tỳ, hầu hạ, cho nên mấy đời sau, con gái và cháu gái phải trả quả báo!

Gần nhà tôi, có một bà Tôn Nữ, làm vợ hai cho một người quen với ba tôi vì bà vợ chính không có con. Ông chồng thường ở với bà chính, còn bà Tôn Nữ thì ở nhà của cha mẹ với 2 người con. Mấy  năm sau 1975, bà phải đi bán áo quần cũ trên ga Huế rất vất vả. Có một buổi tối trời mưa, trên đường đi bán về, bà ghé ngang nhà nói chuyện với ba mạ tôi. Bà nói năng rất lưu loát, thơ ca hò vè đủ cả. Tôi còn nhỏ, ngồi nghe rất thích thú. Sau đó tôi hỏi mạ tôi, “Bà Tôn Nữ nói chuyện hay quá, mà sao phải đi bán hàng cực khổ tội nghiệp!” Vì tôi thấy bà phải xách hai tay hai giỏ áo quần cũ nặng, đi bộ từ nhà lên ga cũng xa lắm, chắc là rất mỏi tay.

Mạ tôi chép miệng, “Có mấy cô Tôn Nữ sung sướng về chuyện chồng con mô!"

Tôi cũng biết một gia đình bà Tôn Nữ khác, ở trong thành nội có ba cô con gái, mà chỉ cô chị đầu có chồng. Một bữa mạ tôi dẫn tôi tới chơi nhà họ, khi về tôi mới hỏi vì sao hai bà đó

đẹp mà không chịu lấy chồng, mạ tôi bảo, “Nghe đâu hồi xưa ông bà khó lắm, Hoàng phái mà. Khi cô lớn lấy chồng, ông bà đòi nhà trai phải theo tập tục người Huế, đòi hỏi nhiều nghi thức, kiểu cách, trong khi nhà trai là người gốc Hoa, chỉ lo việc buôn bán. Từ khi dạm ngõ cho tới khi đám cưới, cũng gần 10 cái lễ! Thành phố Huế nhỏ lắm, tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, sau đó không ai dám cưới hai cô còn lại, vì họ sợ nghi lễ nhiêu khê!”

Thật ra người Hoàng phái ở Huế thì đông lắm, họ ở trong Thành nội, tôi đoán thế vì ngày trước chỉ có Hoàng tộc mới được ở trong thành. Sau này, thời thế đổi thay, nhà cửa mua qua bán lại,

 người Hoàng phái lưu lạc khắp nơi.

Có cô Tôn Nữ ở đối diện nhà tôi, hơi chếch qua bên đường Đặng Thái Thân. Cô không đẹp, nhưng ăn nói rất dịu dàng và có duyên. Cô đi dạy, lúc nào cũng tha thướt, đạp chiếc xe đạp chậm rãi

 đi ngang nhà tôi mỗi ngày, cô lập gia đình trễ, lúc đám cưới cô, mạ tôi đùa, “Tụi bây (ý ám chỉ mấy chị em gái nhà tôi) thấy chưa, con gái Hoàng phái là khó lấy chồng lắm!"

Nhưng có một cô Tôn Nữ mà tôi rất yêu qúi, dù lúc đó tôi còn nhỏ, đó là cô Hiệu trưởng trường Trung học Nữ Thành Nội, nhà cô Tôn Nữ Tiểu Bích ở ngay trong trường. Buổi sáng tới trường, tôi thường thấy cô vấn tóc, mặc áo dài đi ra, rất đẹp, và rất sang.

Tôi học Nữ Thành Nội, từ lớp 6, đến giữa năm học lớp 7 thì chiến tranh ập đến, cũng là lúc cô không còn được làm hiệu trưởng nữa!

Thời thế đổi thay, như người ta thường hát:
 

“Con Vua thì lại làm vua

Con Sãi ở chùa thì quét lá đa

Bao giờ dân nổi can qua.

Con Vua thất thế phải ra quét chùa!”
 

Chính thể thay đổi, nước Việt Nam không còn Vua nữa, thì những hậu duệ Hoàng tộc giờ đây cũng chỉ là những thường dân thôi!

Thế mới thấy, chuyện gì trên đời này cũng đều có thể xảy ra!

Bên nước Anh, một cô gái dân dã Diana sau khi kết hôn với Hoàng tử Charles thì được phong là Princess Diana (Công Chúa Diana). Vợ của Hoàng tử William con của (Công nương Diana) là một thường dân, cũng được phong tước Dusches, và mới tuần trước thôi, cả nước Mỹ xôn xao vì cô tài tử sắp lấy Hoàng tử thứ hai của Công nương Diana.

Nhưng bên kia bờ đại dương- nước Việt Nam- thì ngược lại. Khi vị vua cuối cùng phải trao bảo kiếm cho chính phủ Việt Minh, và sau một thời gian ngắn bị lưu vong sang Pháp, thì hoàng thành,  cung cấm, lăng tẩm... chỉ còn là nơi cho khách tham quan, hồi tưởng một thời vàng son vang bóng!

Nếu tính đến thời điểm 2017 này thì các Công Chúa triều Nguyễn còn sống không tới 10 người:

-Phương Dung, Phương Liên, Phương  Mai, con của Hoàng Hậu Nam Phương.

-Phương Minh, con bà Phi Ánh.

-Phương Anh và Phương Thảo là con 2 bà vợ không chính thức của Vua Bảo Đại.

Nhiều người trong số các công chúa con vua Hàm Nghi, vua Bảo Đại sống bên Pháp, kết hôn với người Pháp. Tại Hoa Kỳ, hơn 40 năm qua, nhiều cô tôn nữ cũng đã kết hôn với người Mỹ. Vậy là tên họ đã  hết hợp với họ tây, họ Mỹ. Đúng là tới thời... toàn cầu hóa.

Các cô Công chúa Việt Nam giờ đã ngủ yên trong những khu rừng xưa thật xưa của quá khứ, nếu có còn chăng thì cũng chỉ là sự hoài niệm qua phim ảnh và những trang sách các em nhỏ được mẹ đọc cho nghe hằng đêm, trước khi chìm vào giấc ngủ đầy hoa bướm của tuổi thơ!"

Tôi ôm lấy con gái  Lộng Ngọc của mình an ủi: "Con à, nếu ông Ngoại con làm Vua thì mẹ mới là Công chúa. Mẹ con mình nay mang họ  Graves thì càng không phải là Công Chúa triều Nguyễn. Nhưng con ơi, trong tâm tưởng, chắc chắn con luôn là “Công Chúa của mẹ".

Minh Nguyệt Graves