0

From: Ltm
To: ALL
Cây viết Hồ Đắc Vũ viết vui quá !  (haha)

Năm Lượng
by Hồ Đắc Vũ

Chuyến bay Cathay Pacific từ Sài Gòn qua Thượng Hải ghé ngang Ðài Loan, ồn hơn bình thường, bởi mấy cô gái Việt trở về xứ người sau vài tháng sắm vai Việt Kiều Ðài Loan ở quê nhà.

– Lài! Bịch mì lon để đâu gồi?

Cô gái sát tôi la lớn.

Cô ngồi ghế bên kia, la lớn hơn:

– Trên đầu mầy.

Cô Lài đứng dậy, mở ngăn hành lý, những lon mì rớt xuống, tôi nép vô trong.

– Lựu ơi là Lựu! Sao hổng cột cái bao lại, rớt tùm lum.Cô lượm mấy lon mì rớt trên ghế.

– Xin lỗi anh Hai nghen.Con này ẩu quá.

– Không sao.

Tôi nhìn.

Lớp son phấn rẻ tiền, quần áo bông hoa màu mè vẫn chưa làm bạc đi lớp phèn còn trên mặt mũi,  trên đôi bàn tay.

Cô Lài nhét mấy lon mì vô lưng ghế, quay lại, bỏ thằng nhỏ chừng 3 tuổi vô chiếc ghế giữa tôi và cô.

Như thói quen, tôi cố ngủ một chút trước khi cất cánh.

– Lựu! Ðưa bao tã.

Cô Lài la, tôi mở mắt.

Cô Lựu cũng la.

– Ðợi.

– Ném đại qua.

Cô Lựu ném, bao tã rớt xuống.

– Mẹ! Mầy ném trúng ông anh gồi. Xin lỗi! Tại thằng nhỏ đái.

Tôi tỉnh ngủ, nhìn cô thay tã cho thằng nhỏ.

– Anh Hai, cho em để nhờ chút.

Cô Lài để chiếc tã vô khay bên lưng ghế, nước tiểu rỉ ra ngoài.

– Tã Trung Quốc không thấm hết. Phiền anh Hai quá.

Tôi cười.

– Không sao.

Cô Lài đứng dậy.

– Nhờ anh Hai coi thằng nhỏ, em chạy vô phòng vệ sinh bỏ cái tã.

– Ðược cô.

Cô đi, tôi nhìn thằng nhỏ.

Trời đất! Ðây là thằng nhóc Tàu lai xấu nhất mà tôi gặp.

“Ðầu cá trê, loe hoe mấy sợi tóc, cặp mắt hí như sọc viết chì gạch ngang dưới đôi lông mày không thành hình, giữa hai gò má cao như gò Ðống Ða là cái mũi tẹt lét như lòng chảo Ðiện Biên Phủ, cái miệng mỏng không nhân trung dài gần tới quai hàm…

Thấy nhắm mắt, tưởng cu cậu ngủ, tôi đưa tay rờ mặt để kiểm tra cái sự xấu, thằng nhỏ há miệng, táp một cái vô ngón tay.

Tôi rút tay.

Cô Lài tới.

– Dà! Cám ơn anh Hai.

Cô lấy bình sữa.

– Mẹ giống thằng cha nó. Bú xong là ngủ liền hà.

Máy bay cất cánh, tới cao độ. Yên tĩnh trở lại, tôi bấm chuông gọi ly Scotch đúp, gói chip khoai, đọc báo.

– Anh Hai qua bển công tác à?

Cô Lài hỏi.

– Ờ! Không! Tôi không đi Ðài Loan. Tôi từ Thượng Hải về thăm gia đình ở SG, bây giờ trở qua Thượng Hải làm việc.

– À!

– Tôi ở Mỹ, qua Tàu làm, ghé về Sài Gòn 2 tuần, bây giờ trở lại.

– Anh ở Mỹ lâu chưa?

– 35 năm.

– Còn dài hơn đời em. Em mới 30 hà.

– Trẻ quá!

– Ai cũng nói em giống 40.

Tôi nhìn.

Tướng cô như 40.

Tôi thân thiện.

– Cô về Ðài Loan theo chồng?

Cô Lài im lặng, ngả người vô ghế.

– Úi xì! Chồng con gì! Kẹt anh Hai ơi.

Tôi nghĩ, mình sẽ được biết cuộc đời khúc mắc của cô Lài… Hay! Chuyến bay sẽ bớt dài đi…

– Sao mà kẹt?

… Năm là tên cúng cơm của em. 19 tuổi, mồ côi cha mẹ, đang ở với Dì trên ghe bán cây giống, thùng nhựa dọc làng xã bên bờ Tiền Giang, nghèo rớt mồng tơi, đành bỏ Dì,  theo bà Sáu Thầu, người đàn bà khá giả xuống Vĩnh Kim, Bến Tre tìm người làm cho mấy nhà hàng lớn ở Sài Gòn.

Năm về tới Sài Gòn với 2 cô gái Lục tỉnh khác, 3 cô được cho vô một nhà hàng lớn, 3 ngày nghỉ ngơi, ăn ngủ, tối hát karaoke.

Ngày thứ 4.

Bà Sáu.

– Nè các em, đứa nào cũng có tên mới, Năm là Lài, cô kia là Lan, cô nọ là Phượng chiều nay có thợ mang đồ đầm tới, mỗi em 3 bộ, mặc thử, không vừa, thợ sửa.

3 cô vui hớn hở, từ nhà quê, mốc mùi phèn, giờ được diện đồ đầm… Ðổi đời rồi!

Ngày thứ 5.

Bà Sáu.

– Chiều có người tới trang điểm, tối diện đồ tiếp khách!

Tối, ba cô lọ lem biến thành 3 cô gái Sài Gòn lộng lẫy, 3 bộ đồ đầm tím, đỏ huyết, xanh cổ vịt bó sát người, giày cao gót, mũi nhọn.

Lài.

– Chị Sáu! Giày cao quá đi chúi đầu, cà thọt. Muốn té.

– Ráng! Ngồi bàn đừng đi nhiều.

Cô khác.

– Chị Sáu! Mang giày không quen. Chuột gút. Ðau. Ði chàng hảng.

Cô kia.

– Em mang dép Lào được không?

Chị Sáu.

– Mẹ! mặc đầm không ai mang dép!

Chị Sáu dắt 3 cô cà nhắc ra phòng ăn, ngồi vô bàn.

– Mấy phút khách tới, ai cũng chào hỏi, không biết nói gì thì chỉ cười, chớp mắt là xong, nhớ chưa mấy em! Ðừng khó chịu, chìu tụi nó chút. Có tiền ngon.

3 tay khách Tàu Hồ Nam ăn nhậu, rờ rẫm tự do, không cô nào phàn nàn, kêu ca, cho đến khi.

Anh phục vụ mở máy karaoke, 3 khách Tàu hát, 3 cô gái Việt ăn, uống, cười toe.

Anh Tàu mời Lài nhảy Tango.

Lài đứng dậy, cà nhắc bước tới.

Làm sao mà một cô gái tuốt miệt bưng, lại có thể nhảy Tango!

Anh Tàu cũng vậy, gốc thợ củi núi rừng Hồ Nam qua đây mua gỗ. Mẹ! Tango là chuyện của vua Càn Long, cho nên hai đứa ôm nhau cà rịch như hai con cua bò ngang.

Cả bàn cùng cười.

Vài ngày sau, khi Lài và mấy cô đi quen giày cao gót, mặc quen đồ đầm, có chút tiền bỏ túi, thì.

Chị Sáu.

– À hèm, tụi em nghe… 3 đứa tới đây không phải làm nhà hàng, cả tuần nay…

Chị Sáu đứng dậy, quan trọng.

– … Tập tiếp khách cho quen để cuối tuần tiếp ông khách sộp Ðài Loan…

Lài.

– Thì cũng ăn nhậu, hát karaoke, ôm ấp, rờ rẫm, cho tiền tay!..

– Khác!

Chị Sáu xuống giọng.

– Ổng tới đây tuyển vợ!

3 cô, sáu con mắt, 3 cái miệng mở lớn.

– … Cho nên chị nói rõ vấn đề… Là…

Chị Sáu, ngồi xuống ghế, uống ly trà đá.

– Tụi em phải trả chi phí, gồm: tiền ăn ở, áo quần, son phấn mấy tuần nay!

3 cái miệng lao nhao.

– Ủa! Chị trừ vô tiền típ gồi mà!

– Ðó là chi phí tiếp khách! Tụi em trả 50%!

3 cô tiu nghỉu.

Chị Sáu tiếp.

– Ðứa nào có được chồng thì cuộc đời lên tiên. Bỏ được cái nghèo mạt gệp ở guộng chua nước mặn!…

3 cô hớn hở.

-…Về bển sống, chồng nuôi, chồng lo hết đời.Ðài Loan là nước giàu có, sướng hơn Việt Nam nhiều…Cho nên…

Chị Sáu chậm lại.

-Tụi em phải chi tiền lấy chồng. Ít nhất là 5,000 Ðô! Sòng phẳng theo giá thị trường.

Lài.

– Rủi chả cho ít hơn 5,000 Ðô? Tiền đâu em bù vô?

– Ðài Loan qua đây lấy vợ đều chịu giá 10,000, có thằng sộp hơn, chi 15,000. Chuyện đó để chị lo. Em vừa có tiền, vừa có chồng, chi phân nửa là được gồi.

Em Lài đã tắm rửa mấy tuần trôi nước phèn, son phấn, áo quần bảnh bao, nông dân chuyên chính, nở nang cuồn cuộn, ngực mông đầy đặn.

Chuyến đó, ông Ðài Loan mắt lé, khoảng 50 tuổi, chịu ngay Lài, chi thẳng 15,000.

Vậy là chị Sáu có 5,000 Ðô, ông Tàu mắt lé có cô vợ vừa ý.

Lài còn 10,000, cô ngộp thở với số tiền lớn trong tay.

3 tháng sau, ông chồng qua Sài Gòn, mở công ty Trà ở quận 3, mua căn nhà 2 tầng ở với vợ mới.

Ông lên xuống Lâm Ðồng, Bảo Lộc mua trà, bán trà về Ðài Loan.

Ðời Lài từ chiếc xuồng ba lá, leo lên căn nhà đẹp, có máy lạnh hiu hiu, coi như yên ổn, ăn ngủ, có chút tiền.

Tết năm 2012, Lài về thăm quê.

Nhà Lài ở tuốt trong Làng Cồn Dơi, gần Ấp Tân Bắc, Tân Lợi, Bến Tre, đi xe đò tới Tân Bắc, lấy xe lôi vô miệt sông, lên đò về Cồn Dơi, nhà sàn mái lá nằm trên bờ rạch.

Thằng nhỏ thức, khóc, Lài bồng nó.

– Mẹ! Uống nhiều đái nhiều. Anh Hai cho em mượn chỗ, thay cái tã.

Tôi bước ra, cô đặt thằng nhỏ xuống ghế.

– Anh Hai coi dùm. Em đi bỏ tã dơ.

Tôi nhìn thằng nhỏ, không biết nó thức hay ngủ, cặp mắt vẫn như 2 sợi chỉ, nó nhe răng cười. À cu cậu thức, tôi đưa tay định nựng cái cằm, nó lại táp một phát. Hụt!

Tôi rút tay, thằng nhỏ khóc ré lên như bị bóp cổ.

Cô Lài tới cho nó chai sữa, bú tiếp, ngủ.

– Làng em nghèo chết luôn. Bây giờ thì có điện leo lét, phôn tay sóng chập chờn, dân sống nghề cá tôm, sông nước…

Lài thở dài.

– Xời ơi!… Cá ít người nhiều! Dân kiếm thêm bằng nghề trồng cây giống bán cho mấy chợ dọc Tiền Giang…

Hôm sau Lài đi lòng vòng, thăm người quen, qua lạch, thấy chiếc cầu gỗ nát bét, gần sập, bầy con nít cởi quần lội qua bờ kia đi học.

Chị bán tạp hóa gần cầu lắc đầu.

– Ngày nào tụi nó cũng lội đi học, tới mùa nước thì xài xuồng kéo qua. Cực lắm em. Dân chưa đủ tiền xây cầu, nhà nước thì đợi tới Tết Công gô!

Chơi được 2 ngày, Lài về Sài Gòn.

Lài bồng thằng nhỏ, bỏ vô ghế, tôi ngồi xuống, gọi chai bia.

– Cô uống gì không?

– Kêu cho em lon bia.

Cô mở lon bia, làm hơi dài.

– Về tới SG, nhớ cảnh mấy thằng cu lội rạch đi học, xưa em không lội, vì không có trường, bây giờ nhà nước xây trường lại không xây cầu. Em buồn quá anh Hai!

… Tôi đã từng thấy cảnh mấy em nhỏ đu cầu dây qua suối, lội qua lạch đi học…

Tôi cũng từng thấy hình ảnh những em nhỏ moi rác, lội mương bắt cá qua facebook.

Tôi nhắm mắt.

Lài lên tiếng.

– Mẹ! Em chơi liều luôn!

– Chơi liều?

– Em về nhà, thằng Tàu lé đang thu mua trà ở Bảo Lộc, em mở tủ sắt, lấy 5 lượng vàng 999!

Lài quay sát vô tôi.

– Anh Hai biết không, lúc nào nó cũng cất 5 cây vàng, 5,000 Ðô trong tủ, nói là giữ cái hên!

Tôi hiểu ra, cô lấy 5 cây vàng hên của chồng.

– Em mang về làng, nhờ người em họ đứng ra xây cầu xi măng qua lạch cho tụi nhỏ đi học, bà con khỏi đi đò. Cho trường học mua cái phát điện, dạy thêm buổi tối, con nít ở đó ban ngày phụ việc cho cha mẹ, 5 giờ chiều về học lớp đêm, gắn thêm ở trường bộ DVD, TV, cuối tuần bà con coi cải lương, ca nhạc…

– Cô tốt quá.

– Em buồn cho cái làng nghèo, nên làm đại… Mẹ cha nó!…

Tôi biết có chuyện hấp dẫn.

– Sao?

– Thằng Tàu lé về, nổi cơn tam bành khi thấy mất vàng, đổ cho em làm tiêu cái hên, nên mấy tháng liền lỗ vốn! Ðứa em họ đang xây cầu thì thằng chồng Tàu dẹp công ty, cuốn gói, tóm em về Ðài Loan!

Cô Lài thở thiệt dài, dựa lưng ra ghế.

– Về vùng quê, núi đồi Yilan, phía bắc Zhenghe, rất xa Taiwan, chuyên trồng trà! Khỉ ho cò khóc không kém gì làng em. Nhà nó có xưởng nhỏ, làm trà, bán trà.

Cô Lựu đứng dậy, la.

– Lài! Ăn mì không? Tao làm luôn. Lài.

– Ăn!

Cúi xuống tôi.

– Anh Hai ăn mì lon? Ðồ Tàu chán quá!

Tôi cũng đói bụng.

– Cám ơn! Cho một lon.

Lài lấy mì, ra phía sau, chừng vài phút, cô tiếp viên đặt 3 lon mì nóng cho tôi, Lài, cô Lựu.

Lài vừa thổi, vừa ăn, nói.

– Về bển, thằng Tàu trả em mỗi tháng 500 Ðô, sáng lái chiếc xe kéo chở trà từ trạm mua cách đó 1 cây số, vô nhà kho, làm việc nhà, nấu ăn, giặt đồ… hầu cả gia đình nó gồm 2 anh em sinh đôi và ông già, cực như con ở!

– Một mình cô phục vụ cả nhà?

– Dà! Ông già nó làm rẫy trà chuyên nghiệp, bê bối, ở dơ, thằng anh trai sinh đôi giống nó y hệt! Từ tướng đi, bộ dạng, tính tình, áo quần… mắt cũng lé luôn.

Lựu bước qua dọn 2 lon mì, mang đi, tôi gọi 2 lon bia, Lài làm một hơi cạn.

– Ăn mì khát nước.

Tôi cũng cạn,

– Anh vô phía sau, lấy thêm vài lon uống cho vui.

Tôi lấy bia, trở lại, Lài mặt mày hừng hừng, cười.

– Có anh Hai nói chuyện đỡ buồn. Về bên đó không biết nói với ai. Cũng không uống với ai.

Tôi cụng chai.

– Chúc cô khỏe. Có thằng con dễ thương.

Lài nhìn thằng nhỏ.

– Nợ đời anh Hai ơi!

Cô làm hớp bia.

– Về bển chừng 3 tháng là em có bầu. Ui xì! Bầu cũng có chuyện!

Tôi láo.

– Thằng nhỏ dễ thương mà cô.

– Mẹ! Xấu như 2 thằng cha của nó. Dễ thương gì!

– Hai thằng cha?!

– Thì em đã nói… Hai anh em nó sinh đôi. Chồng em là em. Thằng kia là anh, chưa vợ, tụi nó giống như một, mặt mày, tiếng nói, đi đứng, ở dơ, hôi miệng, hôi nách như nhau… Mẹ! lé cũng như nhau… Cho nên!

Lài xuống giọng.

– Thấy anh Hai vui vẻ, tử tế… Em mới kể vụ lôi thôi này.

Tôi đứng dậy.

– Ðể lấy thêm bia.

Tôi đi lấy bia, trở lại.

– Bị gì mà lôi thôi?

Lài.

– Tụi nó giống nhau quá, em không để ý, nên lộn hoài. Không nhớ ai là ai! Ðầu đuôi cũng tại chỗ này…

– Thì đâu có sao.

… Có sao nhiều lắm à anh Hai! Nhà chỉ có 2 phòng ngủ, Ba nó ngủ một phòng, hai anh em ngủ phòng còn lại. Chồng em chánh gốc nông dân, đêm nào cũng mần ăn cày bừa rầm rầm, gần sáng thì quất thêm 2 lần nữa! Mỗi ngày như mọi ngày, cả tháng trời, em mất sức, xanh như tàu lá, được cái là chồng nấu thuốc bổ cho uống.

Lài ngà ngà.

– …Nhưng thuốc bổ mấy cũng không lại cho đêm hai sáng hai của nó, tháng sau em xanh xao, đong đưa như tàu chuối héo, lấy cớ bịnh, ngủ hoài, không lái xe kéo trà nữa.

Cô Lài hừng hừng.

– Anh Hai ơi! Nằm chèo queo ở nhà, em rảnh rang suy nghĩ…Thằng chồng em nhỏ con, sức đâu mà mần ăn liên tục mỗi đêm, mỗi sáng như vậy! Dù uống thuốc thánh cũng sụm như thường… Và em nghĩ ra! Ha! Ha!

Cô cười, uống hết chai bia.

– Anh Hai biết không, mấy ngày sau em khỏe lại, thằng chồng Tàu phù lại mần ăn hùng hục, hết tối, rồi sáng…

Cô Lài cười tiếp.

– Hà! Bữa sáng đó, nó đang mê mẩn, rên hừ hự, em nhảy ra, mở đèn.

Tôi uống chai bia.

– À! Tụi chó chết! Cái thằng đang làm em là thằng ANH CHỒNG! Không phải chồng em!

Tôi sặc, phun ngụm bia ra khỏi miệng.

Cô Lài cười tiếp.

– Hà! Hà! Hai anh em quỳ lạy em như lạy bà Nội nó! Hai cái miệng hô vừa khóc, vừa nói đủ thứ tiếng Tàu… Mẹ! Em không hiểu, không bao giờ hiểu… Cóc cần hiểu!

Bây giờ thì tôi hiểu câu chuyện “Chồng con gì! Kẹt anh Hai ơi!…”

Tôi thấy ngu! Không biết phải khóc hay cười.

– Nhưng làm sao cô nghi ngờ sự việc… mà mở đèn lên?

– Xời ơi anh Hai! Mấy hôm trước, bịnh, em để ý, chồng em lé mắt trái, thằng anh chồng lé mắt phải! Mở đèn là em biết thằng nào gồi!!!

Cô Lài cười!

Tôi cười!

Ðèn seat belt bật sáng.

– Chúng ta sắp tới phi trường Taoyuan, Taiwan, máy bay đang giảm độ cao, xin vui lòng thắt seat belt, cám ơn!

Lài vẫn cười.

Tôi vẫn cười.

Hành khách chung quanh có vẻ khó chịu.

Lài thì thầm.

– Mấy hôm sau, thằng anh chồng cho em 2,000 Ðô tạ lỗi, cuốn gói đi mất đất.

– Cô cho tôi hỏi một câu riêng tư?

– Ðược anh Hai.

Tôi ngồi ngay ngắn, nghiêng qua Lài, chỉ vô thằng nhỏ.

– Vậy nó con ai!

Lài nghiêng qua tôi.

– Thì của 2 thằng Tàu phù sinh đôi đó!.. Mẹ! Chắc chắn của tụi nó thôi! Ai ra nữa?

Thằng nhỏ thức nãy giờ, thấy tôi chỉ tay, ngỏng đầu đớp một phát, trúng ngón tay.

– Á! Ðau!

Máy bay hạ cánh, tôi chào Lài.

– Chào cô! Chúc sống vui vẻ, tôi đợi bay tiếp qua Thượng Hải.

Lài cười tươi như bông Lài.

– Anh Hai biết hông? Mấy chuyện đó không quan trọng. Quan trọng là chiếc cầu làng em đã xây xong, trường có máy phát điện cho tụi nhỏ học ban đêm, mấy bà già có DVD coi cải lương gồi. Thằng em chụp hình gởi qua… Tới giờ em vẫn chưa có thì giờ về thăm quê.

Tôi cảm động cầm tay Lài.

– Rất cám ơn tấm lòng của cô.

– Ðứa em họ cho hay, Bà con đặt tên chiếc cầu là: CẦU NĂM LƯỢNG!

Lài đẩy con cùng cô bạn ra khu hành lý, tôi quẹo vô transit chờ chuyến bay tiếp.

Cô vẫy tay.

– Bye anh Hai!

Tôi nhìn thật lâu người đàn bà Việt Nam đáng quý.

– Bye NĂM LƯỢNG!

Cô cười.


-------------

http://baotreonline.com/nam-luong/