0

From: OpLa
To: OpLa
- năm -

Trại tập trung Tam Hiệp. 



******
Tổ chức và sinh hoạt.

Ba tiếng đồng hồ sau đó, niềm hi vọng của chúng tôi tắt lịm khi đoàn xe bít bùng vào cổng trại Tam Hiệp, tỉnh Biên Hòa. Trại này nguyên là “trại tù binh cộng sản” nên không xa lạ với những bạn có thời gian phục vụ ở Biên Hòa và vùng lân cận.
Sân trại dưới ánh sáng vàng vọt của những bóng đèn gắn tạm, cho thấy hai cái bàn với mấy cái ghế, và một toán cộng sản đi qua đi lại chỉ chỗ cho xe đậu. Tắt máy. Tại mỗi chiếc hầu như có tiếng thúc giục xuống xe và đứng tại chỗ. Từ giữa sân, một giọng ồm ồm:
“Các anh tập trung trước cái bàn dài này để nghe biên chế. Khẩn trương lên”. 
Những ngày đầu ở trại Long Giao, anh em chúng tôi chẳng ai hiểu nghĩa của chữ “khẩn trương” nên đôi lần bị họ mắng. Dần dần mới hiểu được, hóa ra chữ khẩn trương có nghĩa như chữ nhanh lên hay lẹ lên của người dân Việt Nam Cộng Hòa vậy. Còn chữ “biên chế” có nghĩa như chữ tổ chức của mình. Bởi vì chữ của cộng sản sử dụng không cùng nghĩa với chữ thông dụng trong văn hoá Việt Nam, đã biết vậy cho nên chẳng phải thắc mắc làm chi cho mệt trí.

Chỗ ở. 
Họ đọc danh sách biên chế vào từng “Khối”. Tất cả cấp Đại Tá vào 4 Khối, con số diễn biến từ 92 đến 94 người trong mỗi Khối, và mỗi Khối ở trong hai dãy nhà. Tôi ở trong Khối 2, dọn vào dãy số 3 và 4. Đồ đạc lỉnh kỉnh tạm thời để ngổn ngang, miễn có chỗ nằm ngủ rồi sáng mai dọn dẹp. Lúc ấy là hơn 1 giờ sáng. 
Toàn bộ trại này là loại nhà sườn sắt, lợp tôn, nền tráng xi-măng, vách cũng bằng tôn cách mặt đất khoảng 3 tấc (0.3 mét) cho gió lùa đỡ nóng. Vách nhà này với vách nhà kia cách nhau khoảng 5 thước, giữa đầu hồi của hai dãy cũng một khoảng cách tương tự. Chung quanh mỗi dãy đều có mương thoát nước rất rộng, và khá sâu nhưng khô queo. Khu vực này toàn đất cát nên trời mưa vẫn sạch. 
Cầu tiêu là cái mương dài đủ cho khoảng 20 người ngồi cùng lúc. Cầu tiêu không mái che, cũng không có vách bao bọc chung quanh, chỉ có mấy tấm ván mảnh mai bắt ngang cái mương đủ để ngồi làm cái việc “sản xuất phân bón”, nên khi có lượn gió hây hây đủ làm mát rượi khắp người! Khi “phân bón xã hội chủ nghĩa ưu việt” được thải ra từ những con người không phải công dân xã hội chủ nghĩa đến mức đầy cái mương cầu tiêu, thì trời đất ơi, ruồi nhặng xanh lè, con nào con nấy bằng ngón tay út vì chúng nó ăn thả giàn. No bụng là bay nhỡn nhơ khắp các dãy nhà, và đậu vào bất cứ chỗ nào nó muốn. Khốn nỗi cái mương cầu tiêu đầy ắp phân bón xã hội chủ nghĩa chỉ cách dãy nhà số 3 -nơi tôi ở- khoảng 15 thước, chỉ cần chút gió thoảng là cái “mùi xã hội chủ nghĩa ưu việt” đến kinh tởm đó tràn vào nhà này và những nhà kế cận. 
Những ngày đầu, anh em chúng tôi tưởng chừng không thể sống nỗi với cái không khí khiếp đảm này, nhưng rồi cũng phải quen để mà sống. Chẳng những không thể trốn cái mùi ấy, mà nhiều bạn phải ra ngồi dưới bóng mát của cây trứng cá nhỏ nhoi ở khoảng cách giữa dãy nhà số 3 với cái mương cầu tiêu, để tránh “cái nóng nung người nóng nóng ghê” của vách nhà và mái nhà lợp tôn. Cũng có bạn chấp nhận cái nóng gay gắt để được nằm trong nhà vì lúc ấy mới nằm thong thả được, bởi chỗ nằm của mỗi người được phân chia một cõi không gian bé tí vỏn vẹn 6 tấc (0.6 thước) bề ngang. 
Nấu ăn. Một gian nhà bếp có 6 miệng lò cở chảo đụn (loại chảo có sức chứa 60 lít nước) dành cho 4 Khối nấu ăn. Mỗi Khối tổ chức thành 6 Tổ nhà bếp để tự lo cho Khối mình. Nhà thầu cung cấp cây cao su già nguyên khúc, và rau với cá tươi. Toàn là “cá ngừ”, một loại cá biển có giá trị thấp nhất trong các họ nhà cá. Tôi phụ trách một Tổ trong 6 Tổ nấu bếp của Khối 2. 

Tổ chức nhóm. 
Mỗi Tổ chia ra như sau: Nhóm nấu bếp thì tôi nấu cơm. Anh Nguyễn Ngọc Điệp (Đại Tá bộ binh) chụm củi. Anh Trần Phước Dũ (Đại Tá Hải Quân) nấu thức ăn. Nhóm làm rau gồm 6 anh mà hầu hết là Bác Sĩ Quân Y. Nhóm sau cùng là chẻ củi cao su và cung cấp nước. Ở trại này, nước dùng thong thả chớ không khốn đốn như ở trại Long Giao. 

Phân công. 
(1) Nhóm nấu bếp. Từ mờ sáng, anh em chúng tôi xuống bếp nhóm lửa nấu hai chảo nước sôi (120 lít nước). Khiêng lên hai dãy nhà số 3 và 4 để các bạn có nước chín sử dụng trong ngày. Sáng sớm có nước sôi pha trà, pha cà phê, thậm chí ăn mì gói nữa. 
(2) Nhóm làm rau. Ra ngoài cổng lãnh gạo, rau, và cá ngừ ở Ban Chỉ Huy trại. Nói là ra ngoài cổng chớ thật sự chỉ cách ba lớp hàng rào kẽm gai liền nhau thôi. Sau khi giao cá cho tôi, nhóm này rửa rau xắc rau nếu cần. Rau, thường là trái su le hay bắp cải. Làm xong rau thì giao cho anh Dũ. 
(3) Nhóm chẻ củi. Củi thì chẻ lúc nào cũng được. Lúc làm bếp thì lo cung cấp nước theo nhu cầu của Nhóm Làm Rau và Nhóm Nấu Bếp. Công việc đơn giản so với hai Nhóm kia.
Diễn tiến. Trong khi tôi làm cá mà thông thường là 5 hay 6 con cá ngừ lớn bằng cổ chân, anh Dũ cho 60 lít nước vào chảo chuẩn bị nấu canh. Thường khi tôi làm cá xong, cũng là lúc anh Điệp đâm xong tô muối trộn với một bó hành lá xắc nhỏ và khoảng 100 trái ớt (do chúng tôi trồng) để tôi ướp cá. Phải dùng nhiều hành nhiều ớt để giảm bớt mùi tanh của cá ngừ. Ướp xong để đó, cho rau vào chảo nước đang sôi, cùng lúc cho vào tô muối hột với 100 gram bột ngọt. Thế là chúng tôi có chảo canh, múc ra hai cái chậu thau lớn để sang một bên. Xong món canh, rửa chảo và cho nước vào chảo chuẩn bị nấu cơm. Cứ một thùng gạo là một thùng rưỡi nước, theo tỷ lệ đó mà lường gạo với nước. Trước khi cho gạo vào, tôi nhắc: 
“Cho lửa tối đa nghe anh Điệp”. 

Khi cơm sôi: “Anh Điệp ơi! Bớt lửa 50%”
Lúc ấy anh Điệp kéo lửa ra, anh Dũ dùng lửa đó kho cá. Khi chảo cơm đủ hơi, anh Điệp kéo hết lửa ra ngoài và cứ thế mà chờ cơm chín, cá chín. 

Chia thức ăn. Cơm chia ra hai phần, cá cũng vậy, và toán trực của Khối xuống bếp khiêng về phân chia cho 92 (hay 94) khẩu phần. Chia cơm, canh, cá kho, cũng là vấn đề đôi khi rắc rối chớ hổng phải đơn giản đâu, vì lẽ lúc nào cũng không đủ ăn, nên lỡ tay chia không đều là bị bạn bè phản đối lia lịa! Mỗi người có một dụng cụ đựng cơm, một dụng cụ đựng canh, và một dụng cụ đựng thức ăn mặn. Dụng cụ mà tôi nói ở đây có thể là cái tô, cái bình nhựa, cái ca uống nước, cái lon guigoze, hay bất cứ thứ gì đựng được thức ăn nước uống. Thậm chí cũng có thể là một miếng ni-lông nhỏ đựng cơm. 
Nghỉ trưa một lúc, Tổ nấu ăn chúng tôi xuống bếp và lặp lại những động tác nấu cơm thôi, vì canh với cá kho còn dành lại. Mồ hôi đẫm người trong ngày nấu ăn, vì lửa từ trong bếp, cộng với cái nắng gay gắt hòa trong sức nóng của mái tôn.

Cả ngày, ngày này sang ngày khác, gần 400 Đại Tá thua trận cứ vòng vòng trong bốn bức rào kẽm gai cao khỏi đầu người. Thỉnh thoảng họ vào điểm danh từng người trong từng nhà một. Trại này do Đoàn 775 canh giữ. Trại gồm nhiều Khu ngăn cách bởi hàng rào kẽm gai. Nhờ lén lút liên lạc qua lại chúng tôi mới biết là mỗi Khu họ giam giữ một cấp, từ Đại Úy đến Đại Tá. Dần dần chúng tôi hiểu được cách dùng “phiên hiệu” cho các đơn vị của cộng sản. Chẳng hạn như Đoàn này mang số 775 có nghĩa là thành lập hồi tháng 7 năm 1975. Ngược dòng thời gian vào năm 1971 khi tôi phục vụ tại Tổng Cục Tiếp Vận, trong mục đích nghiên cứu tiếp vận của cộng sản mà họ gọi là “hậu cần”, tôi tập trung tài liệu liên quan đến tổ chức và điều hành của Đoàn 559 hậu cần chiến lược đường bộ của cộng sản, phụ trách chuyển quân lính của họ cùng với vũ khí đạn dược men theo dãy Trường Sơn xâm nhập Việt Nam Cộng Hòa, mới biết đơn vị đó thành lập vào tháng 5 năm 1959. Sự kiện này nối tiếp sự kiện họ gài lại miền Nam hằng chục ngàn đảng viên khi rút quân ra miền Bắc theo qui định trong Hiệp Định Genève tháng 7 năm 1954, đã chứng minh rõ nét là cộng sản nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã chuẩn bị chiến tranh xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa chúng ta từ trước khi Hiệp Định Genève có hiệu lực. 
Mỗi sáng sớm, mọi người khốn khổ với mấy cái loa chỏ vào khu nhà cấp Đại Tá, cứ ra rả những mẫu tin nghe đến nhàm tai, như: đã làm đất vô phân bón lúa, đã làm cỏ sục bùn cho vùng ruộng này được bao nhiêu mẫu, vùng ruộng kia được bao nhiêu mẫu, đạt bao nhiêu phần trăm, ..v..v… Nhìn từ góc độ kinh tế một quốc gia, những mẫu tin như vậy chẳng những không nói lên được sự phát triển gì cả, mà chỉ cho thấy một đất nước quanh năm suốt tháng không có sinh hoạt nào khác hơn là đồng ruộng nương rẫy. Nhưng nghĩ cho cùng, những tin tức đó còn đỡ khổ hơn là nghe những bài diễn văn của những người mà họ gọi là lãnh đạo đảng lãnh đạo nhà nước. Trong cái không khí mà họ thường dùng những nhóm chữ như: “Thừa thắng xông lên. Việt Nam sẽ ngang tầm thế giới. Việt Nam tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Nào là ai thắng ai. Nào là tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, ..v..v… “ Ông nào cũng nói cũng phát biểu, và bài phát biểu nào cũng tràng giang đại hải nhưng không rời khỏi những điệp khúc nghe đến ngượng cho họ.
Cho nên có những anh thích chơi bài mạt chược để giết thì giờ trong khi chờ về nhà, đã rất kiên nhẫn cưa củi cao su ra, đẽo nhỏ, mài láng, tạo nên những bộ mạt chược tưởng như mới mua ở chợ miền núi vậy. Từ đó, một sòng mạt chược thường ngày chiếm gốc cây trứng cá ở giữa nhà số 3 với cái đường mương tồn trữ “phân bón ưu việt xã hội chủ nghĩa”. Mùi hôi thúi từ nơi tồn trữ đó không có nghĩa gì với các bạn ấy, mà thật ra có ngồi trong nhà thì mùi đó vẫn ngang nhiên tạt ngang để sang nhà số 4 và những nhà khác nữa! Số sòng mạt chược dừng lại ở con số 3, có nghĩa là đủ thỏa mãn nhu cầu của các anh mộ điệu.
Từ các sòng mạt chược giải trí nhìn sang một sinh hoạt khác đáng khuyến khích. Đó là một số anh lén cắt dây kẽm gai, kiên nhẫn gở bỏ từng cái gai, vỗ cho dây kẽm thẳng ra, cắt từng đoạn ngắn, đánh lại thành từng khoen, rồi nối các khoen lại làm dây kéo nước giếng. Tuy nặng một chút, nhưng có mà sử dụng vẫn hơn. Đến ăn cắp tôn rải rác trong khu trại. Tôn lợp nhà hay làm vách đều là tôn dợn sóng, cho nên phải kiên nhẫn vỗ cho thẳng trước khi gò thành cái thùng kéo nước giếng, hoặc đựng nước sử dụng trong ngày. Đến một sinh hoạt khác nữa cũng đáng khuyến khích. Đó là có những anh đào rễ và củ hà thủ ô. Không biết vì sao mà loại này thường mọc giữa những lớp hàng rào kẽm gai ngăn cách giữa các khu trong trại. Hà thủ ô là loại dây leo, ít lá, trông có vẻ lơ thơ tơ liễu buông mành, vậy mà phải đào liên tục từ 3 đến 5 ngày mới đến củ của nó ở độ sâu thường thấy từ 2 đến 3 thước. Sự kiên nhẫn này thường được đền bù cho những anh đào xới một mớ củ và rễ. Sau khi nâng niu cho mát tay, đem củ và rễ hà thủ ô rửa sạch, xắc phơi khô nấu nước uống. Tôi thường được anh bạn trẻ cùng quê Vĩnh Long cho một ly nhỏ, cho vào chút đường, uống rất ngon, và vào giấc ngủ rất nhẹ nhàng. Lính canh cộng sản bắt gặp chui vào hàng rào kẽm gai là họ mắng dữ lắm, nhưng cũng may là họ chưa bắt tại trận anh nào vạch hàng rào chui vào nên chưa ai bị biệt giam. 
Tôi nhớ có đọc bài viết về hà thủ ô, vì lâu quá nên trí nhớ còn lưu giữ đôi nét. Là loại cây mọc hoang nhiều nhất ở Việt Nam, Trung Hoa, Đài Loan, Nhật Bản. Trong ngành y dược Đông cũng như Tây, đều công nhận hà thủ ô là loại dược thảo thường dùng trong các viện bào chế thuốc. Khi đào lên chưa chế biến gì thì gọi là “hà thủ ô trắng”, nhiều nơi -nhất là Trung Hoa- đem nấu với đậu đen được gọi là “hà thủ ô đỏ”. Khác biệt giữa hai loại hà thủ ô này là “hà thủ ô đỏ” nhiều tính năng trị liệu hơn “hà thủ ô trắng”. Ngay trong anh em chúng tôi, tác dụng cảm nhận được khi sử dụng hà thủ ô là dễ tiêu hóa, dễ ngủ, khỏe khoắn, không bị bón, và nếu uống nhiều giúp cái bao tử dễ chịu hơn. 
Lại một kỳ công nữa của anh Nguyễn Văn Nhu (Đại Tá Quân Y). Khi ở trại tập trung Long Giao, anh đã phát minh cái vòi tắm bông sen cực nhỏ với vật liệu quá ư đơn giản, chỉ là cái lon đựng sữa bột guigoze do Hòa Lan sản xuất. Tại trại tập trung Tam Hiệp này, anh hoàn thành cây đàn Banjo hoàn toàn sử dụng vật liệu ngay trong trại, gồm: củi cao su, giây điện, và giây điện thoại. Kết quả sản phẩm của anh, tuy âm thanh không thể sánh với cây đàn Banjo thứ thiệt, nhưng vẫn cung cấp những âm thanh mềm mại trong bầu không khí của trại tập trung thường xuyên căng thẳng. Có điều là sáng tạo này hiệu quả không cao như phát minh vòi tắm bông sen kỳ diệu. Sau đó, anh Nhu còn dùng đất sét làm tô làm chén ăn cơm nữa. Phải công nhận, bác sĩ Nhu là người rất kiên nhẫn nhưng lại rất ít nói. Ít nói đến mức mà anh Nguyễn Kim Tây (Đại Tá Biệt Động Quân) em vợ của anh, cầm trên tay mấy viên thuốc đến hỏi anh:
“Anh Tư, anh Tư, em bị cảm uống thuốc này được không?” 
Xem một lúc, anh Nhu buông thỏng một câu: “Bộ muốn chết hả.”
(Năm 2004, tôi có dịp gặp Bác sĩ Nhu tại Houston, được biết anh và gia đình ở Tampa, Florida. Cựu Đại Tá Nguyễn Kim Tây đã từ trần tại Dallas dường như là năm 2005).

Gói quà đầu tiên. 

HQPD_1329961268.pngĐầu tháng 12/1975, họ cho phép viết thư về gia đình, đồng thời họ cho nhận quà từ gia đình gởi đến nhân lễ Giáng Sinh. Từ vài ngày trước ngày 25 tháng 12, họ đưa xe về Bưu Điện Sài Gòn -nơi tập trung bưu kiện- và chuyên chở về trại trong ngày. Rất nhiều anh em cùng trong Khối 2 nhận được quà từ gia đình gởi đến, trong số đó có tôi. Tháo gói quà ra mà việc trước tiên là xem thư. Ồ! Trong thư có vài tấm ảnh. Sau 6 tháng xa cách, trông thấy vợ con tôi mà xót xa vô cùng! Vợ tôi ốm (gầy) hẳn đi! Các con tôi, tuy sức khỏe không kém nhiều, nhưng nỗi buồn hiện rõ trên nét mặt và cả dáng đứng nữa! Vợ tôi nhắc lại hai lần là tôi phải giữ gìn sức khỏe, vì trong mọi hoàn cảnh vợ con tôi “sống trong cảnh sống của tôi”, và đó là điều mà tôi không được quên! Vợ tôi cho biết Ba Má tôi đã dọn nhà về Nha Mân -quê Nội- mà không cho biết lý do, nhưng điều này tôi đã biết hồi tháng trước (11/1975). Lúc ấy có anh bạn cấp Đại Úy nhờ các bạn bên khu cấp Trung Tá chuyển tiếp qua khu cấp Đại Tá cho tôi biết, nhà Ba Má tôi ở Vĩnh Long đã bị cộng sản tịch thu với lý do là “Ba Má của Đại Tá ngụy”.
Xem thư và ảnh xong tôi mới nâng niu gói bưu phẩm, phải nói cho đúng là gói quà thân thương trên tay. Suy nghĩ như vậy mới cảm nhận được chiều sâu của khối tình cảm từ vợ và các con tôi bàng bạc trên khắp những gói những hộp! Nói nghe có vẻ như nhiều lắm, nhưng thật sự với 5 kí lô nên chỉ vài gói vài hộp với đồ dùng linh tinh là đến trọng lượng giới hạn rồi. Bây giờ mới đến từng món quà. Với cái quần pyjama trên tay, tôi sờ theo đường dây thun vì trong thư vợ tôi có nói cái quần đã luồn thun rồi, ắt phải có cái nghĩa khác hơn là luồn thun. Đúng vậy, lần lượt tôi nhẹ tay kéo ra được 4 tờ giấy bạc loại 10 đồng. Đây là tiền giấy mà cộng sản vừa đổi vừa ăn cướp hồi tháng 9 vừa qua, và 1 đồng mới này họ đánh giá bằng 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa. Số tiền này tôi nhờ anh Nguyễn Trung Chánh (Đại Tá Quân Cụ) trong toán thợ rèn đi làm bên ngoài trại, lén lút gởi nhà thầu cung cấp thực phẩm mua giùm đậu nành và đường tán làm sữa uống. 
Đổi tiền ngày 18/9/75 mà tôi nói họ vừa đổi vừa ăn cướp, vì mỗi người dân có bao nhiêu tiền cứ mang đến đổi, nhưng họ chỉ đưa lại tối đa có 200 đồng (bằng 100.000 đồng Việt Nam Cộng Hòa) dự trù cho mỗi gia đình 5 người chi tiêu trong một tuần lễ, còn bao nhiêu thì họ giữ lại. Sau đó, mỗi khi cần tiền phải làm đơn xin rút tiền và đơn này phải được Phường/Xã cứu xét. Còn họ có chấp thuận hay không, nếu chấp thuận rút và cho rút bao nhiêu tiền là quyền của lãnh đạo cộng sản địa phương. Thử ngược dòng lịch sử, chưa một chế độ nào kể từ thời phong kiến Việt Nam, thời bị phong kiến Trung Hoa cai trị ngót ngàn năm, cho đến thời bị thực dân Pháp cai trị hơn 80 năm, chỉ có thời cộng sản Việt Nam ngày nay mới có cái quyết định ăn cướp cạn như vậy thôi. Hé nhìn ra thế giới, không một nước văn minh nào có cái chính sách đổi tiền như lãnh đạo cộng sản Việt Nam cả. Tiền của mình mà khi cần mua sắm phải xin phép họ, và chỉ khi được phép mới lấy được tiền của mình mà xài. Trời đất ơi! Ngang ngược và man rợ không thể nào tưởng tượng nỗi! Thế mà họ luôn vễnh mặt rồi vỗ ngực tự xưng là “cách mạng”! Thật là tội nghiệp cho văn chương chữ nghĩa Việt Nam biết bao!
Một lon guigoze đựng đầy thịt heo nạc kho tiêu mà tôi tưởng chừng như còn vương mùi thơm hột tiêu mà vợ tôi vừa cho vào vậy. Ngay sau khi xong ngày nấu bếp, tôi với anh Nguyễn Ngọc Điệp, ngồi lại ăn chiều, và có lẽ trong đời tôi cho đến lúc ấy chưa bao giờ tôi có được bữa ăn ngon đến như vậy quí vị quí bạn à! Bởi vì sự thiếu ăn đã hơn 180 ngày qua, cho nên ngoài cái hương vị thông thường ra, thức ăn còn có cả hương vị từ tình yêu thương của vợ của con tôi nữa. 
Đêm đó hầu như tôi không ngủ được bao nhiêu, nhưng không cảm thấy chút mệt mỏi nào. Bởi tôi hồi tưởng lại trong khoảng thời gian gần 3 năm kể từ khi quen biết nhau (năm 1955) đến ngày hôn lễ (1958), chúng tôi trao đổi nhau những quan niệm về cuộc sống lứa đôi. Theo đó, với quan niệm hạnh phúc gia đình, chúng tôi hứa với nhau sẳn sàng chấp nhận những thiệt thòi để giữ được hạnh phúc trong cuộc sống. Với các con thời thơ ấu, sức khỏe và niềm vui của các con là hạnh phúc của chúng tôi. Với các con trong tuổi học hành, xây dựng tương lai cho các con là hạnh phúc của chúng tôi. “Xây dựng tương lai” mà chúng tôi sử dụng ở đây đặt trên nền tảng “Kiến Thức, Đạo Đức, Nghị Lực”. “Kiến thức”, do bẩm sinh, do giáo dục gia đình, giáo dục học đường, và giáo dục xã hội. Kiến Thức được “Đạo Đức” hòa vào sẽ giúp cho những sáng tạo thực hiện được mục đích góp phần đưa xã hội phát triển theo nguyện vọng chung của xã hội. Nhưng nếu kiến thức hòa với đạo đức mà thiếu “Nghị Lực”, e rằng khó vượt qua những khó khăn bất trắc khi thực hiện. Và vân vân… 
Đêm cuối cùng của năm 1975, anh Trần Tín (Đại Tá Quân Nhạc) đã hát bài “Gói Quà Đầu Tiên” do chính anh vừa sáng tác. Lời ca chỉ là mớ ngôn ngữ thường dùng trong cuộc sống chớ không văn chương gì sâu xa, nhưng đã gây xúc động mạnh trong hầu hết anh em ngồi nghe, vì hình tượng gia đình đang ngày đêm hướng về mình trong một tình cảm thân thương vô hạn! Anh vừa hát vừa khóc! Chúng tôi vừa khóc vừa nghe! 
Vào những ngày cuối năm âm lịch tức gần Tết Nguyên Đán đầu năm 1976, họ cho phép gia đình gởi bưu phẩm cho chúng tôi trong trại. Vẫn cách làm như lần trước, họ cho xe về Bưu Điện Sài Gòn nhận và chở lên trại. Hầu hết là bánh mứt, trà, cà phê, nghĩa là những thứ gói ghém “hương vị ngày Xuân”.
Đêm Giao Thừa. Một bàn thờ Tổ Quốc thu nhỏ thiết lập trong một góc được che giấu khá kín đáo. Một nhóm bạn không nhiều lắm vì cần tránh ồn ào dễ bị lính cộng sản rình rập bắt được thì nguy. Ngay lúc bên ngoài có tiếng pháo đầu Xuân, là lúc chúng tôi lần lượt đứng trước bàn thờ cầu nguyện. Trong giờ phút đầu tiên của Năm Mới, tôi nghĩ các bạn tôi cũng như tôi, trong cái chung là giây phút nghiêm trang đó chúng tôi cảm nhận được sự xúc động từ nơi sâu thẳm của tâm hồn đến rớm lệ! Còn cái riêng của mỗi người thể hiện qua nét đăm chiêu nhăn nhúm, cho dẫu là đang bắt tay Chúc Mừng Năm Mới với nhau cũng vậy. Ngày thường trong buồn ngoài vui, nhưng ngày Tết thì buồn cả trong ngoài.
Từng nhóm chúng tôi quây quần bên lon trà, lon cà phê với bánh mứt bày trên “nắp bàn” là mảnh giấy ngay trên chỗ nằm. Câu chuyện chỉ là xoay quanh nội dung Tết buồn và số phận long đong!
Đây có phải là cái Tết trong trại tù không, mặc dù đang ở trong vòng rào chắc chắn của một khu trại, có lính cộng sản canh gác chặt chẻ, mất quyền công dân, ấy vậy mà hầu như đa số anh em chúng tôi chưa công khai nhìn nhận mình là tù! Từ hơn nửa năm qua, lúc nào cộng sản cũng nói chúng tôi là học tập cải tạo, và gọi chúng tôi là những “cải tạo viên”. Phải công nhận sự dối trá với những mỹ từ của cộng sản hay đến mức mình không nhận biết mình là tù, chỉ mới chấp nhận bị nhốt để học tập thôi. Hay là tại mình không biết gì về cộng sản? Có lẽ điểm này dễ được chấp nhận hơn.
Từ trại Long Giao chuyển đến đây đã hơn 3 tháng rồi mà chẳng thấy họ đá động gì đến cái gọi là “học tập cải tạo”, ngoại trừ lo cơm hằng ngày và thỉnh thoảng họ dắt ra ngoài trại làm những công tác lặt vặt. Chỉ có toán cơ khí với bảy anh Đại Tá hằng ngày ra ngoài trại làm cuốc xẻng. Do vậy mà những mẫu chuyện được mang ra bàn luận như lúc ở Long Giao. Tóm tắt như thế này:
“Có thể đây là thời gian để họ phân loại chúng mình chăng?” 
“Phân loại như thế nào và để làm gì?”
“Thì chỉ phỏng đoán thôi chớ ai mà biết bọn họ tính toán gì đâu”.
“Tôi nghe toán cơ khí nói tụi nó (cộng sản) tính làm sạp gỗ cho mình nằm đó. Nếu sự thể đúng như vậy thì còn lâu tụi mình mới về được”.
“Làm gì có chuyện đó. Có học cái quái gì đâu mà làm sạp với không làm sạp.”
“Mấy hôm trước có anh nào bên Khối 1 nhận được thư nhà cho biết là hồi tụi nó vô Hà Nội năm 1954, đã bắt sĩ quan mình đi học tập lâu nhất là 18 tháng đấy các anh ạ!”
“Giỡn sao cha nội. Thời đó tụi nó mới chiếm một nửa nước, còn bây giờ nó nuốt trọn cả rồi thì tình hình khác chớ. Với lại cái thông cáo chỉ nói có 30 ngày mà, các cha quên mau vậy?”
“Thôi đi bạn. Bây giờ là gần 7 lần 30 ngày rồi mà tụi nó có nói gì với mình đâu. Tôi đếch tin chúng nó nữa.”
“Trong đám tụi mình, có lẽ chỉ có mấy cha chơi mạt chược là khỏe thôi.”
“Khỏe! Thế nào là khỏe.” Bóp đầu bóp trán cả ngày mà khỏe nỗi gì.”
“Tôi nói khỏe, tức là không bận tâm đến chuyện chung, chuyện chính trị, chớ hổng phải khỏe là không mệt.”
“Ừ! Nói vậy còn nghe được.”
Đại để thì rất nhiều hội nghị bàn tròn bàn vuông với những mẫu chuyện trao đổi râm ran như vậy, thế mà bánh mứt, trà, cà phê, thuốc lá sạch trơn, nhưng không anh nào hình thành được một kết luận nào khả dĩ có chỗ mà tin.
Chẳng bao lâu sau Tết Nguyên Đán, tất cả anh em cấp Đại Tá trong 4 Khối ở trong 8 nhà phải dồn lại, nhường chỗ cho anh em cấp Thiếu Tá ở doanh trại của Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo cũ từ Hóc Môn chuyển đến. Tụi cộng sản gọi là trại Hóc Môn. Mỗi nhà đang từ 46 hoặc 47 người, nay tăng lên đến 72 người, làm cho “cái cõi không gian bé tí” của mỗi anh em chúng tôi thu hẹp lại còn 42 phân tây (0.42m), tức vừa hơn 2 gang tay! Kích thước “cái body” của tôi còn nằm ngửa và thẳng người được. Khi muốn ngồi dậy, hai tay khoanh trước ngực và từ từ ngóc đầu ngồi dậy. Âu cũng là cách tập các bắp thịt bụng đó mà. Nhưng anh Điệp (Nguyễn Ngọc) mà tôi thường gọi là người bề thế vì “cái body” của anh rộng rãi lắm. Anh rất khổ sở về đêm. Do vậy mà vừa tối là anh ngủ say sưa vì lúc ấy anh có thể nằm thong thả hơn nhiều. Trong đêm, mỗi khi ngồi dậy đã là khó, nhưng khi vừa đứng dậy thì chỗ nằm bị hai anh bạn bên cạnh vô tình choán ngay. Nếu không làm dấu để nhận ra chỗ nằm của mình thì không tài nào nằm đúng chỗ được, mà mỗi lúc như vậy thì y như rằng tiếng càu nhàu cả đầu trên xóm dưới đều nghe. Khi nhận ra chỗ nằm phải từ từ nghiêng người dùng vai lách dần hai bạn bên cạnh, một lúc sau cũng nằm xuống được. 

Lại lao động.
Thế rồi anh em chúng tôi được lệnh đi “lao động”. Nói rõ hơn là đi cuốc đất đánh vồng trồng khoai mì mà bọn cộng sản gọi là trồng sắn. Trong tuần, mỗi Khối đi làm vài ngày. Trong những ngày này, cứ mỗi sáng nghe loa phóng thanh ra rả nhắc đi nhắc lại cái gọi là kỹ thuật trồng sắn. Nào là cách đánh vồng, khoét một đường dài bao nhiêu, đoạn hom khoai mì dài 12 phân tây phải quay gốc về hướng đông khi đặt xuống, hai tay phải vung đất lấp lại. Thế nhưng khi ra khu đất sau trại, gần đường xe lửa xuyên Việt, mấy tên lính cộng sản lại hướng dẫn theo cách khác:
“Các anh cứ đánh vồng, dùng cuốc cuốc nhẹ xuống và kéo thành một đường dài, ném đoạn hom xuống đó mà chẳng cần xem hướng đông tây nam bắc gì cả, dùng chân đùa đất lên và đạp xuống cho chặt là xong.”
“Thế tại sao kỹ thuật viên hướng dẫn qui cách qui trình gì đủ thứ vậy bộ đội?” Một anh hỏi.
“Chuyên viên kỹ thuật họ chỉ biết lật sách ra mà đọc, còn tôi làm theo kinh nghiệm. Thôi, các anh làm đi, đừng có đứng đó mà dài dòng.” 
Mỗi khi ra trại đi làm, tụi nó dẫn theo cả Tiểu Đội lính với đầy đủ súng đạn và cả máy truyền tin theo canh giữ chúng tôi, cứ như đi đánh trận vậy. Lần thứ hai khi ra làm ở khu đất này, chúng tôi thấy có 3 nhóm dân có vẻ như đang làm rẫy cách chúng tôi khoảng 30 thước. Nhìn kỹ, tôi nói với anh Điệp:
“Anh Điệp ơi! Có vẻ như đó là thân nhân trong số anh em mình chớ không phải người dân vùng này làm rẫy đâu anh. Mắt anh Điệp trông không rõ nên không có nhận xét gì, ngoại trừ suy đoán có thể như vậy lắm.” 
Phụ nữ và trẻ con ăn mặc tươm tất của dân Sài Gòn cho dẫu Sài Gòn bây giờ dưới quyền của cộng sản. Ba nhóm đó đứng chống cuốc nhiều hơn là cuốc, và luôn nhìn về phía chúng tôi. Thỉnh thoảng mấy đứa trẻ nói lớn lên:
“Đường Trần Hưng Đạo nhé.”
“Đường Lê Văn Duyệt đây.” 
Nhưng không một ai trong chúng tôi dám lên tiếng, vì cả Tiểu Đội lính bao quanh chúng tôi chặt hơn, tụi nó quát tháo đuổi đi khi thấy mấy đứa trẻ mon men đến gần chúng tôi. Rõ ràng là gia đình anh em chúng tôi tìm cách để gặp người thân, nhưng không thể được. Điều đó nói lên tình cảm gia đình sâu nặng biết bao, cho dẫu không còn người chồng người cha làm ra tiền cho gia đình, người vợ thay vào đó gồng gánh cho cuộc sống gia đình, cùng lúc tìm mọi cách để thăm gặp người bạn đời thân thương trong trại “học tập cải tạo”.
Một hành động khác rất có ý nghĩa làm cho bọn canh giữ tức giận nhưng không làm gì được, trong khi anh em chúng tôi rất thích thú và thầm gởi lời cám ơn theo đoàn xe lửa. Đó là mỗi khi đoàn xe lửa chạy ngang, trên nóc các toa xe hầu như đứng đầy các thanh thiếu niên có chuẩn bị gạch đá, liệng tới tấp vào đám lính cộng sản canh giữ chúng tôi. Một vài em còn trịch quần xuống trong khi đoàn xe vẫn ung dung tốc độ từ từ vì chạy chậm lắm. Quả thật hành động trịch quần như vậy xem chừng không lịch sự chút nào, nhưng từ góc độ chính trị thì đáng cho anh em chúng tôi suy nghĩ về cách bày tỏ ý thức chính trị của người dân nhỏ bé Việt Nam Cộng Hòa cũ đối với cộng sản.
Bên khu cấp Trung Tá chuyền tin qua cho biết, đã có anh nhận được thư và tiền khi đi làm gần đường xe lửa do người nhà lén lút thâm nhập vào khu trồng khoai mì.

Phiên tòa rừng rú.
Một buổi chiều khi cuốc đất trở về, trông thấy tụi nó đang kéo dây và gắn hai cái loa khá lớn chỏ vào trại. Đường dây bắt đầu từ khu vực bộ chỉ huy trại, tức Đoàn 775. Sau cơm chiều hôm ấy, anh em chúng tôi có đề tài để đồn đoán, vừa giết thời gian cũng vừa nói lên tâm trạng “wait and see” của những người chỉ được quanh quẩn sau những lớp hàng rào kẽm gai.
“Có thể là lễ ra về đang được chuẩn bị chăng?”
“Không phải đâu bạn ơi! Lễ gì mà kéo dây dài vậy. Hệ thống âm thanh phải thiết trí ngay nơi tổ chức lễ chớ sao kéo vô trại làm chi.”
“Cách tổ chức của họ có chắc gì giống mình đâu mà khẳng định như vậy.”
“Theo tôi, họ bắt mình nghe radio đến mức không ngủ được cho mà coi. Họ hành hạ mình bằng cách làm cho mình điên lên đó.”
“Cũng dám lắm à.”
Và rồi sau đó, họ vào trại gọi các anh Khối Trưởng Khối Phó của các Khối Thiếu Tá, Trung Tá, Đại Tá, ra bộ chỉ huy Đoàn 775 dự thính một phiên tòa quân sự. Hóa ra hai cái loa chỏ vào trại buộc anh em chúng tôi trong trại phải nghe cái gọi là tòa án quân sự Quân Khu 7 của họ. Chánh thẩm tên Nguyễn Văn Ba, Trung Tá Đoàn Trưởng Đoàn 775. Nói cho dễ hiểu là tên Đoàn Trưởng ngồi xử án. Bị can của phiên tòa là hai sĩ quan trong số anh em chúng tôi bên khu Thiếu Tá. Đó là anh Thiếu Tá Bé và Thiếu Tá Thìn (?). Hai bạn này khi ở trại Hóc Môn đã trốn trại và bị bắt lại. Từ khi chuyển đến đây (trại Tam Hiệp) hai bạn bị nhốt trong hai cái conex. Conex là cái thùng sắt ngang khoảng 2 thước, dài có lẽ hơn bề ngang một chút, và cao cũng khoảng 2 thước. Loại này do Hoa Kỳ viện trợ để quân đội sử dụng tồn trữ tạm khi chuyển hàng, vừa tránh hư hỏng vừa tránh mất mát mà lại gọn gàng khi bốc dỡ nữa. Cái thùng như vậy mà nhốt con người trong đó với sức nóng kinh khủng của miền Nam chỉ hai mùa mưa nắng! Dã man đến thế là cùng!
Theo lời thuật của các anh dự phiên tòa kể lại rằng: 
“Cái gọi là phiên tòa quân sự đã căn cứ vào lời tự khai sau đợt học tập chính trị để kết tội hai anh bạn này. Họ gắn sự kiện du học trường Tình Báo Hoa Kỳ ở Okinawa, Nhật Bản với sự trốn trại để tiếp tục hoạt động chống lại họ, thế là họ tuyên án tử hình cả hai anh. Ngay lập tức, hai tên lính cộng sản bước tới bịt mắt, lôi hai anh ra pháp trường, cột vào hai cột gỗ mới dựng buổi sáng. Và rồi loạt đạn AK 47 nổ vang đã kết thúc sự sống của hai bạn! Đầu ngoẻo về một bên, máu đẫm cả áo quần!. Bọn họ đem chôn xác hai anh ấy ở đâu không ai biết.”
Sáng hôm sau, Khối 2 chúng tôi đi làm nhà ở cạnh “pháp trường”. Tôi đến chỗ cột gỗ, máu dính lem nhem trên thân cột, còn nền đất pha cát đầy những vệt máu đã khô! Anh Trần Văn Lễ đến cạnh tôi, cả hai chúng tôi lặng lẽ chào tiễn biệt hai anh ấy cho dù lời chào muộn màng!
Xem lại vị trí của trại với vị trí pháp trường, có lẽ bọn họ chọn nơi làm pháp trường khi mọi người thua trận đang theo dõi qua loa phóng thanh, từ lúc nghe tuyên án cho đến lúc hai loạt đạn khô khan xé không gian bay ngang các khu trại, như âm thanh đe dọa anh em chúng tôi thì phải? Tự động rời hội trường trở vào nhà số 2, mọi người hoàn toàn im lặng chừng như mỗi người có nỗi đau riêng của mình! Nhưng qua phiên tòa này, chúng tôi rút ra được kinh nghiệm là những gì mà mình nghe lời họ để rồi khai báo trung thực, đó chính là mình tự kết tội mình.. Khi bắt đầu viết bản tự khai, họ nói rồi nhắc đi nhắc lại nhiều lần: 
“Mấy anh làm gì cách mạng đều biết hết, nhưng cách mạng muốn thấy các anh thành thật khai báo để cách mạng khoan hồng”. 
Thưa quí vị quí bạn, nghe theo cộng sản là nguy lắm, thậm chí là chết mất xác đó! Thật ra thì bọn họ không biết gì hết, mà họ chỉ căn cứ vào bản tự khai của hai anh ấy, rồi dẫn đến bản án gần gủi với những bản án trong đấu tố thời cải cách ruộng đất 1953-1956, tại những địa phương dưới sự kiểm soát của lãnh đạo nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vậy. Nghĩa là man rợ. Quả thật câu nói của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại phiên họp của Quốc Hội lưỡng viện sau trận chiến Tết Mậu Thân đầu năm 1968, có ý nghĩa vượt thời gian: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỷ những gì cộng sản làm”. Nhờ sự ám ảnh đó đã giúp tôi chọn lọc trong khai báo.