0

From: OpLa
To: OpLa
Bị thẩm vấn tại trại Tam Hiêp.
Từ giữa tháng 04/1976, một số các bạn Đại Tá từng phục vụ tại các cơ quan trung ương bị họ gọi đến văn phòng làm việc. Tôi là một trong số đó. Họ dùng chữ “làm việc” nhưng theo tôi thì họ “thẩm vấn”. Hồi tháng 05/1975, khi còn ở Sài Gòn tôi đã bị “làm việc” hai lần. Nhưng theo cách vừa đe vừa vuốt trong từng câu hỏi, thật sự là cuộc thẩm vấn chớ không phải “làm việc” theo cách hiểu rõ nghĩa trắng đen của mình. Họ gọi không liên tục, có khi hai ba ngày liên tiếp, có khi cách vài ngày gọi một lần. Tôi tường thuật một số lần điển hình điều mà họ gọi là làm việc trong khi tôi vẫn khẳng định là bị thẩm vấn. 
Ngày đầu tiên bước vào gian phòng nhỏ hẹp ngay bên ngoài vòng rào kẽm gai, hai tên mặc quân phục thẳng thớm nhưng không mũ mão lon lá gì hết nên chẳng biết họ cấp bậc gì. Một tên có vẻ là trưởng đoàn hỏi tôi:
“Chào anh. Anh có phải là Phạm Bá Hoa không?”
“Đúng. Tôi là Phạm Bá Hoa.”
“Hôm nay chúng tôi bắt đầu làm việc với anh về một số vấn đề.”
“Đây là lần thứ 3 sau ngày 30/4/1975, các anh thẩm vấn tôi. Và tôi sẳn sàng về những điều tôi biết”.
“Có gì đâu mà anh cho là thẩm vấn, chỉ trao đổi với nhau thôi mà.”
“Tôi sẽ cố gắng để hiểu như vậy.”
“Ở căn cứ Long Bình của mấy anh có mấy hầm bí mật? Chính xác là chỗ nào? Và cất giấu những gì trong đó?”
“Khi còn ở Sài Gòn, tôi cũng nhận được câu hỏi tương tự. Và câu trả lời là tôi không biết có hầm hay không có hầm. Đơn giản vì căn cứ Long Bình rộng lớn lắm mà trong đó chỉ có Bộ Chỉ Huy 3 Tiếp Vận chúng tôi, cùng với một số đơn vị Tiếp Vận đồn trú. Phần rộng lớn còn lại là những cơ sở kinh tế hoạt động. Trong phạm vi các cơ sở của chúng tôi không có hầm bí mật nào cả, ngoại trừ hầm nửa nổi nửa chìm sử dụng tồn trữ hàng cần nhiệt độ thấp như điện trì cho máy truyền tin chẳng hạn. Với lại trong tổ chức Tiếp Vận chúng tôi không có khái niệm về hầm bí mật như trong quân đội các anh.”
“Tôi chắc là trong một căn cứ rộng lớn như vậy phải có hầm bí mật chứ?”
“Tôi quả quyết như vậy, còn anh tin thế nào là tùy anh. Tôi xin nhấn mạnh là các cơ sở của ngành Tiếp Vận chúng tôi chỉ choán một phần đất nhỏ, nên tôi không biết toàn bộ khu vực còn lại.”
Hắn im lặng, chừng như hắn đang tìm hiểu bên trong câu trả lời của tôi có thành thật hay không, hoặc tìm câu khác “oánh” tiếp chăng? Tôi tiếp:
“Tôi nghĩ, bây giờ các anh đã kiểm soát toàn bộ căn cứ Long Bình của chúng tôi thì việc lục soát tìm kiếm có gì khó khăn đâu.”
“Thôi được, chúng tôi sang vấn đề khác. Về vận tải của các anh như thế nào? Đường bộ lẫn đường thủy?”
“Chúng tôi có 5 Liên Đoàn Vận Tải tại 5 Vùng Tiếp Vận, phụ trách vận chuyển trong phạm vi địa phương. Còn từ trung ương đến các Vùng do Liên Đoàn Vận Tải trung ương trách nhiệm. Trong hệ thống tổ chức mỗi Sư Đoàn Lục Quân có một Đại Đội Vận Tải. Hải Quân có Hải Đội Quân Vận Hạm. Và Không Quân có những Phi Đoàn Vận Tải. Ngoài ra chúng tôi còn có các khế ước thuê mướn các công ty dân sự cung cấp phương tiện vận chuyển đường bộ lẫn đường thủy nữa”.
“Khả năng trọng tải chung của các anh là bao nhiêu, kể cả phương tiện dân sự mà các anh thuê mướn?”
“Tôi không nắm dữ kiện này, nhưng mọi nhu cầu vận chuyển các loại hàng tiếp liệu của quân đội chúng tôi đều được cung ứng”.
“Về vận tải biển của các anh?”
“Ngành Tiếp Vận chúng tôi có khả năng vận chuyển dọc theo duyên hải, nhưng không có khả năng viễn dương.”
“Vậy thì vũ khí khí tài mà Mỹ cho các anh đến bằng cách nào?”
“Đơn giản thôi. Hoa Kỳ mướn tàu hàng chở đến cung cấp cho chúng tôi.”
“Có trường hợp nào tàu biển cặp các cảng biển miền Trung không?”
“Có”.
“Ngắn gọn quá vậy. Anh cụ thể hơn cho chúng tôi biết?”
“Thí dụ về đạn dược. Chúng tôi thiết lập kế hoạch bổ sung cho các Vùng Tiếp Vận tại các cảng Cam Ranh, Qui Nhơn, Đà Nẳng, rồi trao cho Hoa Kỳ. Thế là Hoa Kỳ ký khế ước với các công ty vận tải đường biển, và chở hàng giao thẳng các nơi theo yêu cầu của chúng tôi. Bằng cách đó, chúng tôi tiết kiệm được thời gian, chi phí, kho tồn trữ trung gian, và an toàn nữa.”
Đấy là buổi thẩm vấn đầu tiên tại trại Tam Hiệp, và là lần thẩm vấn thứ ba kể từ sau ngày 30/04/1975. Trước khi ra cửa, hắn kêu tôi lại đưa tôi mấy tờ giấy ô vuông (cũng gọi là giấy manh) và nói:
“Anh viết lại những gì anh đã nói với chúng tôi sáng nay. Đồng thời tôi muốn anh vẽ những sơ đồ mô tả sự việc rõ hơn. Anh có một tuần để làm việc này.”
“Anh nói mơ hồ quá. Anh cần sơ đồ gì tôi sẽ vẽ nếu tôi biết.”
“Sơ đồ vận chuyển đường thủy. Sơ đồ các Vùng Tiếp Vận của anh ở đâu?”
“Tôi sẽ vẽ. Bây giờ tôi vào trại được chưa?”
“Được. Anh vào đi.”
Tuần sau, lính gác vào gọi tôi. Vẫn địa điểm cũ. Hai tên cộng sản khác đang chụm đầu vào nhau. Tôi gõ cửa. Họ quay nhìn tôi, một trong hai tên hơi gắt giọng: 
“Anh tên Phạm Bá Hoa phải không?”
“Đúng. Tôi đây.” Tôi cũng có chút gắt giọng với hắn.
Im lặng một lúc. Sau khi hắn xem những trang giấy viết và hai sơ đồ tôi trao khi bước vào, hắn lên tiếng:
“Sao anh nặng lời thế. Bài viết mà anh cho là tờ khai à.”
“Các anh có dùng từ ngữ gì đi nữa thì thực chất nó vẫn là tờ khai mà.”
Tên kia chen vào: 
“Thôi được. Cứ luận bàn cách dùng từ không khéo lại lạc đề. Anh cho chúng tôi biết Tổng Cục Tiếp Vận của anh có cố vấn Mỹ không?”
“Từ cuối năm 1972 về trước thì có, sau đó thì không.”
“Họ đối với các anh như thế nào?”
“Anh có thể nêu câu hỏi rõ nghĩa một chút, vì tôi chưa hiểu ý anh muốn hỏi gì.”
Mặt hắn bắt đầu đỏ lên: “Mỹ chỉ huy các anh phải không?”
“Xin lỗi hai anh nghe. Bộ cố vấn Trung Cộng với cố vấn Liên Xô chỉ huy các anh hay sao mà anh hỏi tôi như vậy?”
Hắn đập tay xuống bàn nhưng không mạnh lắm: 
“Anh trả lời câu hỏi của tôi. Anh phải nghiêm túc trước mặt chúng tôi.”
“Lại xin lỗi hai anh. Tôi nêu câu hỏi một cách đúng đắn. Sở dĩ tôi hỏi lại hai anh vì đây là lần đầu tiên tôi nghe như trong câu hỏi có tính xác định Mỹ chỉ huy chúng tôi. Lạ tai lắm. Tôi trả lời là không. Cố vấn là cố vấn, hoàn toàn không có vấn đề người Mỹ chỉ huy chúng tôi như trên màn ảnh nhỏ mà các anh đã tạo dựng trong các vở kịch và tuồng cải lương mà tôi đã xem khi chưa vào trại.”
Cả hai lại bắt đầu đỏ mặt. Lại gằn giọng: “Anh có thành thật không?” 
“Tùy hai anh đánh giá câu trả lời của tôi. Riêng với tôi thì tôi rất thành thật.”
“Vậy anh cụ thể điều mà anh nói cố vấn là cố vấn.”
“Tháng 4/1962, lúc ấy tôi phục vụ tại Sư Đoàn 21 Bộ Binh ở vùng đồng bằng Cửu Long. Lần đầu tiên chúng tôi được Hoa Kỳ yểm trợ phương tiện không vận đổ quân ngay tại trận địa mà không cần nhẩy dù, đó là trực thăng H21 có hình dạng “trái chuối già”. Sĩ quan Hoa Kỳ hướng dẫn chúng tôi về kỹ thuật cất cánh, khi bay, khi hạ cánh, về khả năng hỏa lực, nói chung là những gì thuộc về khả năng và kỹ thuật của phi cơ. Cố vấn tại đơn vị hướng dẫn thực tập lên quân xuống quân, còn chỉ huy khi thật sự lên quân xuống quân và tấn công các anh là chúng tôi. Một trường hợp khác, tại chiến trường, tức là lúc đánh nhau với các anh, cố vấn Hoa Kỳ tại các đơn vị đó là gạch nối giữa đơn vị trưởng của chúng tôi với đơn vị Pháo Binh và Không Quân chiến thuật Hoa Kỳ, để yểm trợ hỏa lực theo yêu cầu của cấp chỉ huy Việt Nam chúng tôi. Nói chung, Hoa Kỳ cố vấn chúng tôi về kỹ thuật các loại quân dụng mà Hoa Kỳ viện trợ và kỹ thuật bảo trì nó. Còn về chiến thuật, nhiều trường hợp, cố vấn Hoa Kỳ còn học kinh nghiệm từ phía chúng tôi thì làm gì có việc chỉ huy chúng tôi như các anh hỏi. Tôi nói Hoa Kỳ học chúng tôi, vì Hoa Kỳ không thể hiểu các anh như chúng tôi hiểu các anh, bởi trong cuộc chiến này bao gồm cả vấn đề văn hoá khi nghiên cứu về chiến lược chiến thuật”.
Im lặng một lúc, hắn hỏi: “Anh có chủ quan không?”
“Cũng tùy các anh thôi. Khi tôi trả lời các anh, tôi vẫn hiểu là các anh có nhiều cách để phối kiểm câu trả lời của tôi, vì các anh muốn gọi bất cứ ai trong số anh em chúng tôi ra làm việc thì gọi ra hỏi dễ dàng. Khi tôi hiểu như vậy, dại gì tôi nói theo cách tôi nghĩ, vì chẳng những không có lợi gì cho tôi mà trái lại có hại là cái chắc.”
Hắn nhìn thẳng tôi: 
“Thôi được. Bây giờ chuyển sang đề tài khác. Ngành Mãi Dịch của anh là gì?”
“Đúng như tên gọi của nó là dịch vụ mua hàng cho nhu cầu quân đội chúng tôi mà trong nước có khả năng sản xuất.” 
“Anh được cấp tiền như thế nào để mua hàng?”
“Cơ quan Mãi Dịch chúng tôi mua hàng nhưng không bao giờ được ngân sách Quốc Phòng cấp một đồng bạc nào cả, nhưng mỗi năm tôi mua hàng trị giá trên dưới 30 tỷ đồng (30.000.000.000,00).”
Với giọng ngạc nhiên, hắn hỏi: “Bằng cách nào?”
“Cơ quan Mãi Dịch chúng tôi chỉ trách nhiệm thiết lập khế ước theo qui định quốc gia về nguyên tắc hành chánh mãi ước, theo đúng nhu cầu kỹ thuật của từng món hàng và số lượng mà cơ quan đơn vị yêu cầu. Hằng năm, ngân sách quốc phòng dành một ngân khoản thích hợp cho các cơ quan đơn vị trong ngành Tiếp Vậnị, để thực hiện những mặt hàng cần thiết cho quân đội mà nền kỹ nghệ trong nước sản xuất. Nhà thầu giao hàng trực tiếp cho các cơ quan đơn vị, nhưng tiền thì nhận ở Bộ Quốc Phòng. Nói chung, cơ quan Mãi Dịch chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ kỹ thuật từ lúc gọi thầu đến khi tống đạt khế ước đến nhà thầu thi hành, và góp phần kiểm soát phẩm chất cùng với số lượng hàng khi nhà thầu giao tại các kho qui định trong khế ước.”
“Các anh lãnh lương của Mỹ bằng đô la chứ?”
“Tại sao Mỹ trả lương cho chúng tôi trong khi chúng tôi là quân nhân Việt Nam, phục vụ cho Tổ Quốc và Dân Tộc Việt Nam? Tôi quả quyết với các anh rằng, ngân sách của Bộ Quốc Phòng chúng tôi trả lương cho toàn thể quân nhân và công chức quốc phòng trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa bằng đồng bạc Việt Nam chúng tôi.”
“Vậy tiền Mỹ viện trợ cho các anh dùng vào khoản nào?”
Nghe hỏi mà phát tức, tôi hơi gắt giọng: 
“Có vẻ như các anh cho rằng chúng tôi chia nhau bỏ túi số tiền viện trợ phải không? Xin lỗi các anh, hằng năm Hoa Kỳ viện trợ cho quốc gia chúng tôi với một khoản tiền nào đó, trên các văn bản cũng như trên báo chí toàn là những con số về tiền, nhưng thực tế nó biến thành những món hàng mà chúng tôi gọi là dụng cụ chiến tranh, từ Hoa Kỳ đi thẳng vào các kho tồn trữ của chúng tôi từ trung ương đến các địa phương, nó cũng biến thành các khóa đào tạo các ngành chuyên môn trên đất Hoa Kỳ. Nói vắn tắt, tiền Hoa Kỳ viện trợ nhưng không phải viện trợ bằng tiền như các anh hiểu, mà là bằng dụng cụ chiến tranh và các dịch vụ quân sự.”
Bọn họ im lặng một lúc, chừng như họ ngạc nhiên lắm thì phải. Theo tôi biết, trong ngân sách quốc phòng có phần viện trợ của Hoa Kỳ là 25% mà chúng tôi dùng nhóm chữ viện trợ chung đậu để chỉ số tiền đó, và nó bàng bạc trong các chương ngân sách chớ không riêng cho khoản chi về lương. 
“Bây giờ là câu hỏi chót. Anh có thể vẽ sơ đồ ngành Tiếp Vận của anh chứ?”
“Được.”
Họ lại trao cho tôi mấy tờ giấy ô vuông và tôi có thời gian một tuần làm việc này. Một tuần là thong thả vì chỉ cần vài ngày là xong, vì vậy mà khi đến phiên nấu bếp tôi vẫn cùng các anh trong nhóm làm công việc này. Với lại nấu bếp tuy có phần vất vả nhưng cũng vui vui.
Đây là một trong những chuyện vui pha chút ngậm ngùi! Đó là mỗi sáng có một anh rất trẻ, tên Huệ, theo lời anh bạn ở Sư Đoàn 23 Bộ Binh thì anh Huệ là Thiếu Úy phục vụ Đại Đội Thám Báo Sư Đoàn, đã một lần bị thương có ảnh hưởng đến thần kinh. Cứ y như rằng, với cái lon guigoze trên tay khi đến nhà bếp, anh vừa nói vừa cười nhưng không biết anh cười với ai nữa:
“Cho Thiếu Tướng gô nước cơm.”
Anh Điệp cười ngất và đáp: “Thiếu Tướng để đó, chờ cơm sôi tôi lấy cho!”
Vì vết thương chạm thần kinh nên anh tự cho mình là “Thiếu Tướng, Tư Lệnh Sư Đoàn 23B.” Cũng vì cái cấp bậc với cái chức vụ tự phong đó mà anh bị quân cộng sản bắt. Lại có anh bạn trẻ khác cũng trong tình trạng không bình thường như vậy, nhưng không do thương tích. Thường ngày, anh bạn này ăn xin ở chợ Bà Chiểu, Gia Định. Ngày 30/04/1975, anh ta lượm được cái áo treillis có cấp hiệu Thiếu Tá và vui vẻ mặc vào. Vài ngày sau anh bị công an cộng sản bắt vô trại tập trung, lại ở chung với “Thiếu Tướng Nguyễn Huệ”. Thế là “Thiếu Tướng Nguyễn Huệ” cử anh “Thiếu Tá” này vào chức “sĩ quan tùy viên”. 
“Sư Đoàn 23B” là một đơn vị không hề có trong tổ chức Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thế nhưng sư đoàn này lại là một đề tài mà khi thẩm vấn tôi, họ cứ xoay quanh cái “sư đoàn” ấy. 
Tuần lễ sau đó, thẩm vấn tái diễn. Vẫn hai tên cộng sản tuần trước. Xem xong sơ đồ, họ bắt đầu: 
“Địa bàn hoạt động của Sư Đoàn 23B ở đâu?”
Tôi nhìn trái rồi nhìn phải để xem họ hỏi tôi hay hỏi ai. Một trong hai tên quát: “Tại sao không trả lời tôi mà anh quan sát địa hình?” 
Câu quát của hắn chừng như nghi ngờ tôi có ý định bỏ chạy thì phải.
“Tôi nhìn xem có phải anh hỏi tôi hay hỏi người nào khác, vì tôi phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (có cơ hội là tôi nhấn mạnh chữ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) vừa đúng 21 năm, chưa bao giờ nghe nói đến sư đoàn này, cho nên tôi nhìn xem có người nào khác ngoài tôi ra không, có gì đâu mà anh định gắn cho tôi cái âm mưu trốn trại.”
“Vậy tại sao các anh có Tướng Nguyễn Huệ, Tư Lệnh Sư Đoàn 23B?”
“Các anh tin lời anh ấy sao. Anh ta chưa đến tuổi 30 làm sao lên đến cấp Tướng được. Theo chỗ tôi biết, anh ấy là Thiếu Úy phục vụ ở Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Trong trận đánh với các anh, viên đạn AK đã gây thương tích cơ thể làm chấn thương đến thần kinh anh ấy. Tôi chỉ biết đôi điều về anh ấy như vậy thôi.”
“Không ai lại tự mình khai quân hàm (tức cấp bậc) với chức vụ không có cả.”
“Có chớ. Anh Nguyễn Huệ khai với các anh đó.”
Vầng trán hắn nhăn nhúm cùng lúc với đôi mắt cau lại, chứng tỏ hắn đang tức tôi lắm. Lại gằn giọng:
“Anh có khẳng định là quân đội mấy anh không có Thiếu Tướng Nguyễn Huệ?”
“Chắc chắn là như vậy.”
“Anh nghĩ gì khi có người xác nhận quân đội các anh có Tướng Huệ?”
“Tôi không nghĩ gì hết mà tôi khẳng định người nào xác nhận như vậy thì người đó cũng có vấn đề về thần kinh như anh bạn trẻ chúng tôi đang mang cái tên Nguyễn Huệ. Còn tôi, cho đến bây giờ thần kinh tôi chưa có vấn đề.”
“Được. Chúng tôi tạm nghe như vậy. Về ngành Mãi Dịch của anh, chúng tôi sẽ trở lại vào ngày khác. Bây giờ anh cho chúng tôi biết, Đồng Văn Khuyên với Nguyễn Văn Chức của anh hiện nay ở đâu, và làm gì?”
“Tôi hoàn toàn không biết. Ngay cả gia đình tôi mà tôi cũng không biết thì làm sao tôi biết hai vị ấy ở đâu.”
“Khi ông Khuyên bỏ chạy có từ giã anh không?”
“Trung Tướng Khuyên có đến văn phòng tôi trước khi đi, nhưng không một lời từ giã. Nói cho đúng là cấp chỉ huy của tôi với tôi, chỉ nhìn nhau mà không ai nói với ai lời nào cả.”
“Ông Khuyên đi bằng gì?”
“Đi bằng xe Jeep.”
Hắn đỏ mặt lên và chồm tới cứ như muốn tát tai tôi vậy: 
“Chạy sang Mỹ mà đi bằng xe Jeep à?”
“Tôi đâu có nói với anh là Trung Tướng Khuyên sang Hoa Kỳ bằng xe Jeep. Tôi trả lời chính xác theo câu hỏi của anh sao anh tức giận. Tôi nói rõ thêm là lần sau cùng gặp cấp chỉ huy của tôi là lúc ông ngồi trên xe Jeep, sau đó ông rời khỏi Tổng Cục Tiếp Vận để vào phi trường Tân Sơn Nhất. Còn ông ấy có đi được hay không, hoặc có đi được mà đi bằng gì, tôi hoàn toàn không biết.”
Có vẻ như hắn cảm thấy bị hố, nên nhẹ giọng:
“Có người nói là ông Khuyên không đi được, anh nghĩ sao?”
“Tôi không nghĩ gì hết, vì tôi hoàn toàn không biết tin tức gì về cấp chỉ huy của tôi sau khi xe Jeep đưa ông rời khỏi chỗ tôi đứng. Với lại ngay bây giờ, tôi chưa biết số phận long đong của tôi sẽ ra sao, thì lòng dạ nào tôi tìm hiểu về các cấp chỉ huy của tôi. ”
“Anh có biết Trung Tướng Trưởng không?” (Trung Tướng Ngô Quang Trưởng)
“Có. Tôi có biết Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, nhưng chưa bao giờ làm việc dưới quyền ông, nên chỉ biết mà không hiểu gì về ông ấy.”
“Anh có tin tức gì về ông Trưởng không đi Mỹ mà đi Thái Lan không?” 
“Tôi lại hoàn toàn không biết.”
“Sao cái gì anh cũng trả lời không biết?”
“Những gì tôi biết thì tôi trả lời tôi biết, còn những gì tôi không biết thì tôi trả lời không biết. Tôi còn nhớ sau khi học tập chính trị ở trại Long Giao, anh giảng viên hướng dẫn khai báo, anh ấy nói là cách mạng biết tất cả những việc mà chúng tôi đã làm, nhưng cách mạng muốn chúng tôi khai báo thành thật để đánh giá kết quả học tập. Tôi nghĩ, nếu tôi nói không thành thật thì các anh biết ngay thôi.”
Không hiểu hắn nghĩ gì về câu trả lời của tôi. Hắn nhìn thẳng vào tôi:
“Tuần này anh viết cho tôi về tổ chức ngành Tiếp Vận.”
“Tuần trước tôi đã vẽ sơ đồ rồi mà.”
“Tôi có xem. Nhưng tuần này anh viết cụ thể hơn. Bây giờ anh vào trại được rồi.”
Trở lại với anh “Tư Lệnh Sư Đoàn 23B và anh tùy viên của Tư Lệnh”. Anh Nguyễn Huệ “Tư Lệnh Sư Đoàn 23B” những lúc tỉnh táo, anh nói chuyện hóm hỉnh và ý nghĩa nữa. Trường hợp điển hình là trong khi chờ đợi lon guigoze nước cơm sôi, anh tâm tình với nhóm nấu bếp chúng tôi rằng: 
“Tôi xưng Thiếu Tướng, Tư Lệnh Sư Đoàn 23B, là tôi nói với cộng sản chớ không phải tôi nói với các ông (có lẽ do anh quá trẻ nên gọi chúng tôi bằng các ông thì phải). Các ông đừng buồn tôi”.
Anh ấy nói như vậy là lúc tỉnh, vì rõ ràng là những khi đến xin nước cơm thì anh vẫn xưng Thiếu Tướng với chúng tôi, chắc lúc ấy không tỉnh chăng? 
Lại nói qua về “Thiếu Tá tùy viên của Tư Lệnh Sư Đoàn 23B”. Anh này gần như hoàn toàn bất bình thường, tệ hơn nữa có thể nói là khật khùng. Chẳng thấy anh ta nói chuyện với ai nhưng lúc nào cũng gắn sẳn nụ cười trên môi cứ như đang cười với ai đó, mà thật ra có thấy ai đâu. Cười khơi khơi đó quí vị quí bạn à! Cứ “tư lệnh” đi đâu thì “tùy viên” theo đến đó, đôi khi chậm trễ như xuống nhà bếp chẳng hạn, chỉ một lúc sau thì anh ta cũng đến đứng hay ngồi bên cạnh “sếp”, chờ xách lon guigoze nước cơm sôi cho “sếp”. Những chiều xem tivi ở hội trường, thì ”tùy viên” có trách nhiệm choán chỗ trước, bằng cách xách hai khúc gỗ cao su nhỏ dùng làm ghế ngồi cho “hai thầy trò”. Và y như rằng, ghế của “tùy viên” ngay sau lưng ghế của “tư lệnh”. Nói cho cùng, có hai anh chàng này đôi lúc cũng giúp cho nhiều người chung quanh đỡ buồn vì những hành động ngớ ngẩn của hai anh ấy. Ngược lại, bọn cộng sản ở trại Tam Hiệp này bối rối vì không tìm được “tông tích của Sư Đoàn 23B”.
Tôi lại ra ngoài trại cho họ thẩm vấn nữa đây. Lần này bọn họ ba đứa, hai đứa cũ với một đứa gặp lần đầu. Câu đầu tiên là vỗ mặt liền: 
“Anh có biết vì sao Mỹ thua trong chiến tranh xâm lược Việt Nam không?”
“Xin lỗi các anh. Các anh muốn tôi trả lời theo bài học hay trả lời theo cách nghĩ của tôi?”
Hắn gằn giọng: “Anh phải nghiêm túc khi trả lời câu hỏi của tôi.”
“Tôi rất nghiêm chỉnh. Tôi hỏi như vậy để tôi trả lời đúng câu hỏi của anh.”
“Tại sao anh hỏi chúng tôi câu đó?”
“Tại vì bài học chính trị số 1 có dạy chúng tôi về nguyên nhân mà anh nêu trong câu hỏi rồi. Còn nếu anh muốn tôi trả lời theo cách nghĩ của tôi thì khác với bài học, liệu anh có chấp nhận không?” 
“Trao đổi với anh cũng căng đấy. Các đồng chí của tôi đã nói đúng. Thôi, đừng có lý luận nữa, trả lời đi.”
“Lẽ ra câu ấy dùng cho tôi mới đúng, vì tôi hoàn toàn trong thế bị động, bị thẩm vấn. Bây giờ tôi trả lời các anh theo cách nghĩ của tôi. Cuộc chiến đã ngưng tiếng súng gần tròn một năm rồi mà tôi vẫn tự hỏi: Hoa Kỳ rút quân đội khỏi Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi là do Hoa Kỳ thay đổi chiến lược sau khi bắt tay với Trung Hoa cộng sản, hay vì thất bại đúng nghĩa của nó? Mà cho dù là nguyên nhân nào đi nữa, rõ ràng là chúng tôi thua trận, nhưng thua trận mà bản thân tôi vẫn chưa lý giải được. Đó là điều luôn ám ảnh tôi, và cũng là câu mà tôi trả lời các anh. Tôi nghĩ là các anh không hài lòng, vì chính tôi cũng không hài lòng với tôi nữa mà.”
Cả bọn cùng nhìn thẳng vào tôi một lúc:
“Nếu như Mỹ bỏ rơi miền Nam, tại sao còn chở viện trợ tới cho các anh bằng những phi cơ vận tải lớn.”
“Chính trị mà các anh, có chữ nào một nghĩa đâu. Giờ này viện trợ, giờ sau chấm dứt, có gì lạ đâu. Và thực tế đã xảy ra như vậy đó.”
“Khi trả lời chúng tôi, có vẻ như anh bị mặc cảm thua trận phải không?”
“Đây là lần thứ tư tôi nghe câu hỏi này từ phía các anh. Khi trả lời các anh những lần trước đây cũng như ngay bây giờ, lúc nào tôi cũng ngẫng cao đầu. Tôi quan niệm rằng, khi hai bên đánh nhau phải có bên thắng bên thua, thậm chí khi gọi là huề cũng vẫn có bên thua bên thắng hiểu theo một ý nghĩa nào đó. Chúng tôi đã thua và đang trong tay các anh, tôi mặc cảm có giải quyết được gì đâu.”
Cả ba tên nhìn nhau, im lặng, rồi cùng nhìn tôi. Tôi không đoán được trong đầu bọn họ nghĩ gì qua nét nhìn đó. Vài phút tiếp theo, một tên nói:
“Anh có thể vào trại, chúng tôi sẽ gặp lại anh.”
“Chào các anh.” 
Thưa quí vị quí bạn, qua ba lần thẩm vấn tính ra là 15 ngày rồi, bọn họ “xa luân chiến” nêu câu hỏi không ngưng nghỉ, có lẽ chiến thuật của họ làm cho người bị thẩm vấn mệt mỏi trong suy nghĩ mà khai thật với họ chăng? Hoặc bực tức rồi gây hấn với họ chăng? Kinh nghiệm qua những lần bị thẩm vấn khi còn ở Sài Gòn cho tôi quan niệm rằng: “Giữ được sự bình tỉnh cũng là kềm chế được lời nói của mình. Sự bình tỉnh giúp mình biết mình nên nói những gì, và mình hiểu họ muốn gì trong câu hỏi, để mà trả lời.” Và tôi có nét nhìn chung là họ nêu nhiều câu hỏi của một số vấn đề, nhưng quanh đi quẩn lại họ nhắm vào những câu sau đây: 
- Tại sao các anh thua nhanh vậy?
- Tướng Khuyên và Tướng Trưởng của anh ở đâu? Làm gì?
- Hầm bí mật chôn giấu vũ khí khí tài ở đâu?
- Và anh có mặc cảm thua trận phải không?
Kể ra cũng khá đau đầu vì bị họ luân phiên đặt câu hỏi, đi vòng vòng rồi cuối cùng họ cũng xoáy vào những câu hỏi mà họ dự liệu trước. Cho nên lúc nào cũng phải chuẩn bị tư tưởng để xung trận với họ. Đã khai như thế nào khi vào trại phải ghi chép lại để nhớ mà khai khi bị thẩm vấn những lần kế tiếp, vì sơ hở một chút có thể sẽ bị họ xoáy vào đó là rắc rối lắm. Trong những ngày bị thẩm vấn, anh Nguyễn Ngọc Điệp thường nhắc tôi uống nước đường để tỉnh táo mà đỡ đòn xa luân chiến của cộng sản. Cũng may là anh bạn trẻ, Đại Úy Không Quân, hằng ngày vẫncho tôi ly nước hà thủ ô pha đường, ngon lắm.
Nhân đây xin nói một chút về anh bạn trẻ này. Anh là Đại Úy Không Quân mà tôi quên tên, quê Vĩnh Long. Anh nói với tôi như sau: Cô ruột của anh là bà Dương Quỳnh Hoa, Bộ Trưởng Y Tế trong Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam của kỹ sư Huỳnh Tấn Phát, là tổ chức ngoại vi của lãnh đạo cộng sản Việt Nam thành lập năm 1960. Sau ngày 30/04/1975, ba của anh đưa anh đến gặp bà Quỳnh Hoa để xem bà có giúp gì được cho anh không. Bà Dương Quỳnh Hoa trả lời với ba của anh một cách chua chát rằng: 
“Không có cách nào giúp đâu anh. Thân em chưa biết ra sao thì nói gì đến cháu!” 
Thế là anh bạn trẻ vào trại tập trung.
Trung tuần tháng 06/1976, trong khi nhiều bạn đang theo dõi chương trình trên màn ảnh nhỏ của đài truyền hình Sài Gòn mà họ đã gắn cái tên ông Hồ vào đó, bất ngờ xướng ngôn viên công bố chính sách khoan hồng nhân đạo (!) cho những sĩ quan viên chức cán bộ của Việt Nam Cộng Hòa cũ mà họ gọi là “ngụy quân ngụy quyền”. Tôi không bao giờ xem cái tivi đó mà chỉ nghe các bạn xem xong về thuật lại cho tất cả các bạn cùng nhà nghe. Vắn tắt thế này: “Đó là chính sách cải tạo ba năm trong các trại tập trung.” 
Kiểm điểm lại những văn kiện của họ công bố chánh thức về cái gọi là chính sách đối với quân nhân viên chức và cán bộ Việt Nam Cộng Hòa cũ, như sau: 
Tháng 05/1975, bản thông cáo về chính sách khoan hồng nhân đạo 10 điểm của cái gọi là chánh phủ Huỳnh Tấn Phát, nhưng cầm chắc là không phải do ông chánh phủ trời ơi đó viết đâu, mà lãnh đạo cộng sản tự làm nhưng gắn cái tên ông kỹ sư đó vào cho ra vẻ không cộng sản thôi. Võ bọc ngụy trang đó. 
Đầu tháng 06/1975, cái thông cáo gọi đi học tập mà trong nội dung bảo chuẩn bị cho 30 ngày. 
Và bây giờ, tháng 06/1976 là cái chính sách ba năm. Từ chính sách chung chung, đến 30 ngày, rồi 3 năm. 
Nói là làm của “cách mạng” đó quí vị quí bạn à! Liệu rồi đây sẽ có chính sách bao nhiêu năm nữa? Không anh nào có can đảm suy đoán thêm. Thôi thì cứ bám giữ cái thời gian 3 năm này để mà sống vậy, dù chưa biết cuộc sống sẽ như thế nào!
Đây là đề tài lẽ ra ngay đêm nay bàn luận sôi nổi lắm, thế nhưng bầu không khí trong căn nhà số 2 này lại yên lặng một cách lạ thường! Phải chăng mỗi người trong chúng tôi đang có những suy nghĩ riêng tư của mình, và ngày mai mới bắt đầu chăng? Nhưng chưa kịp sáng mai vì ngay trong đêm, lúc ấy khoảng 10 giờ, có tiếng của lính cộng sản đến từng nhà của cấp Đại Tá, với giọng ồn ào: 
“Tất cả các anh thức dậy, ra sân tập trung. Phải đi ngay tức thì.”
Thế là tất cả 4 Khối bỗng dưng trở nên ồn ào hẳn lên. Ai nấy vội mặc áo quần ra sân. Ngồi yên chỗ mới nhìn thấy khoảng 10 tên cộng sản đi tới đi lui, không ai đoán được điều gì sắp xảy ra cho mình cả. Sau khi họ đến từng nhà kiểm soát, biết chắc không còn ai trong các nhà đó, họ bắt đầu:
“Chúng tôi bắt đầu làm việc. Anh nào nghe thấy tên mình thì đứng dậy sang phía bên này”. Vừa ra lệnh hắn vừa chỉ tay qua khu vực sân còn trống.
Họ đọc cả họ tên, cấp bậc, chức vụ, đơn vị của từng người. Đến khi đọc xong danh sách, lượng người hai bên sân có thể nói là bằng nhau. Họ ra lệnh tiếp:
“Các anh vừa nghe đọc tên mình, về nhà thu xếp và mang tất cả tư trang ra đây trong vòng 15 phút. Các anh không có tên, ngồi yên tại chỗ.”
Tôi trong số còn ngồi lại. Anh em chúng tôi ngồi sát vào nhau bàn luận nho nhỏ vì chúng nó cứ chầm chập nhìn chúng tôi. Những mẫu chuyện mà chúng tôi rù rì với nhau như thế này:
“Về rồi các bạn ơi!”
“Về cái khỉ họ. Đêm qua chúng nó công bố chính sách 3 năm mà về nỗi gì. Chúng nó đưa tụi mình đi trại khác đó.”
“Chúng nó dám đưa mình ra Bắc không?”
“Ông là gì của nó mà nó không dám.” 
“Lúc nảy thằng cha Xê (trưởng khu cấp Đại Tá) nói là đi về hướng Hóc Môn thì đâu phải ra Bắc.”
“Thì chỉ có về mới đi hướng đó thôi mà.”
“Mấy cha cứ nghe tụi nó hoài. Chừng nào sự việc tới hãy hay, chớ cứ nghe chúng nó mà chết đó.”
“Từ 1 tháng trở thành 3 năm mà cứ tin chúng nó nữa à!”
Tôi không tham gia trong vụ bàn luận này, vì tôi nghĩ rằng: “Nếu chuyển trại sao lại đọc lý lịch kỹ vậy, cứ đến chở đi như hai lần trước thôi. Còn đi về, điều này chưa thể xảy ra, vì chúng nó mới công bố chính sách 3 năm, nói trắng ra chúng nó nhốt mình ít nhất là 3 năm mà bây giờ mới vừa đúng 1 năm làm sao về được. Với lại di chuyển ban đêm thì khó có được điều lành. Vậy thì đi đâu? Làm gì? Tôi không thể nào có được kết luận”. Tôi đang bối rối!
Sau khi phân nửa sân bên kia đông nghẹt người trở lại với mớ hành trang quá ư là lỉnh kỉnh luộm thuộm, vì mấy tháng nay ở trại này hầu như anh nào cũng tạo được một số tài sản linh tinh, từ cái thùng kéo nước với sợi dây nặng ơi là nặng, đến cái gàu cái rương cái hộp, đủ thứ hết vì cái gì cũng cần thiết cả. 
Số còn lại được lệnh trở về ngủ tiếp. Anh em chúng tôi trong mỗi nhà kiểm điểm lại còn đúng một nửa, có nghĩa là số người đi một nửa. Hỏi chuyền sang các nhà khác, cũng y chang như vậy. Những con số ra đi một nửa này làm chúng tôi chú ý. Nếu đi về, tại sao lại đúng một nửa? Vậy, chắc là chuyển trại rồi. Lần này đi một nửa, và một nửa còn lại sẽ đi lần sau. Lý giải này có vẻ chấp nhận được. Thế là anh em chúng tôi trong tinh thần chuẩn bị, nhưng không đoán nỗi sẽ đi đâu. Tôi vẫn mắc kẹt cái câu “tại sao chuyển trại mà họ đọc lý lịch kỹ quá vậy?” Nhưng rồi tôi lại nghỉ: “Biết đâu đó cũng là cách họ đánh lừa mình chăng? Họ cố tạo những yếu tố không thật sự cần thiết cho một hành trình chuyển trại làm cho mình phán đoán sai cũng nên?” Đến đây có thể lý giải được phần nào những bàn luận của anh em chúng tôi. 
“Hơn 12 giờ rồi, làm ơn ngủ giùm các bạn ơi!”
“Trời ơi! Chuyện quan trọng phải bàn cho ra lẽ chớ. Vừa rồi có mấy anh bên Khối 4 mò ra sát hàng rào, nhờ có ánh trăng mờ mờ nên thấy tụi nó xét đồ đạc kỹ lắm. Thùng gàu dây kéo nước, lon guigoze, nó liệng hết trơn. Nghe nó nói chỉ cho đem 1 cái lon guigoze, vì mỗi người chỉ được mang theo tối đa 20 kí lô thôi.”
“Dám mấy chả đi bằng phi cơ lắm à!”
“Tôi không nghĩ chúng nó đưa chúng mình ra Bắc, mà tôi cho là tụi nó đưa chúng mình vô rừng sâu nên không cho mang nặng vì đi bộ đường rừng mà, còn rừng sâu ở đâu thì tôi chịu thua.”
Đến quá nửa đêm chúng tôi mới nghe đoàn xe rời khỏi trại. 
“Bây giờ ngủ được rồi các bạn ơi!”
Thật ra chẳng mấy ai ngủ được thẳng giấc hết, bởi cái long đong nghiệt ngã đối với bản thân như thế nào, chưa ai suy đoán nỗi!
Thế rồi … Tiếng kẻng gọi dậy. Mặt trời lên. Mọi việc vẫn phải diễn tiến như thường ngày. 
Toán nấu bếp gom ba toán làm một. Ra ngoài trại lãnh su-le vẫn theo lượng 92 người ăn cho mỗi nhà và họ dặn ăn trong hai ngày. Đúng thôi, vì mỗi nhà chỉ còn lại một nửa số người. Và rồi ngày hôm nay, thời gian có vẻ như trôi qua một cách chậm chạp trong nỗi lo âu hay niềm vui xa xôi nào đó, tùy theo cách nghĩ của mỗi người trong số chúng tôi. Chẳng hạn như nghĩ rằng ở lại là tội nhẹ, mà tội nhẹ thì có thể về sớm. Có người trong nỗi lo vì cái số long đong luôn đeo đẳng bên mình, trong khi chính mình không lý giải nỗi cái long đong đó! 
Ngày kế tiếp, họ lại gọi ra ngoài trại lãnh thêm một ít trái su-le nữa, và họ dặn gộp lại số lượng lãnh hôm qua và hôm nay chia ra ăn trong 4 ngày. Đến tối họ lại bảo chia số su-le đó ra ăn trong 7 ngày. Hầu hết anh em chúng tôi còn lại đều tin rằng, ít nhất cũng còn ở đây 7 ngày nữa kể từ hôm nay, và tự cho mình cái thanh thản trong thời gian đó. 
Nhưng lại bị lừa! Thế mới đau! Đau là vì từng cho rằng, lúc nào cộng sản cũng nói dối, cũng tìm cách đánh lừa mà mình vẫn tin. Nhưng nghĩ cho cùng, khi mà con người không có gì để bám víu cho cuộc sống long đong, thì bất cứ gì xem như có thể bám được thì cứ bám còn hơn là buông xuôi! Đêm xuống từ lâu, chuyện bàn cũng hết, nhưng chưa ai ngủ. Bị lừa là bất thình lình, một toán lính cộng sản đi từng nhà ra cái lệnh giống hệt cái lệnh mà một nửa trong số anh em chúng tôi đã di chuyển đi đâu không ai biết:
“Tất cả các anh thức dậy và ra sân tập trung ngay lập tức.”
Mọi người vừa ra khỏi mùng, họ nối thêm cái đuôi nghe rất khô khan:
“Các anh mang theo tất cả tư trang.” 
Mang theo tư trang mà phải đi tức thì, cái lệnh nghe mà phát tức! Thôi thì hơi sức đâu mà dồn ép chữ nghĩa, trong khi mọi người gần như ngỡ ngàng về cái lệnh chia rau ăn 7 ngày mà lại dọn đi ngay trong đêm!
Vẫn cái cảnh cách đây một đêm, nghĩa là họ vẫn đọc tên, cấp bậc, chức vụ, đơn vị, ai nghe tên mình thì đứng dậy và sang bên kia ngồi. Khi họ xếp danh sách lại, thì số người còn ngồi tại chỗ chỉ khoảng hơn chục người mà hầu hết là bác sĩ quân y. Sau khi họ cho số người còn lại vào nhà ngủ tiếp, họ ra lệnh cho chúng tôi:
“Theo thứ tự từng danh sách, các anh mang tư trang ra ngoài trại theo hướng dẫn của bộ đội.”
Mỗi danh sách là một B cùng ngồi một chỗ. Họ ra lệnh tiếp:
“Các anh bày tất cả tư trang ra trước mặt để chúng tôi kiểm tra.”
Họ đi xét từng người, lục từng món. Thùng, gàu, dây kéo nước, họ quẳng xuống cái đường mương cạn trước mặt. Có mấy cái lon guigoze chẳng cần biết, họ chỉ cho để lại 1 cái còn bao nhiêu họ liệng luôn. Khi tôi thu xếp phần còn lại vào cái túi đeo lưng, tôi thấy bốn tên lính cộng sản đứng dưới mương gom lại tất cả những gì mà mấy tên lục xét liệng xuống đó. Thật là trắng trợn, đứa này lấy của mình liệng xuống, đứa kia lượm lên làm của. Lục xét xong thì đám dưới mương cũng gom đồ đạc xong. Tất cả chúng tôi nằm ngồi tại chỗ mà ngắm trăng bất đắc dĩ!
Quá nửa đêm một chút, đoàn xe Molotova già cỗi kia mới đến. Tất cả lên xe. Đoàn xe hướng về Sài Gòn. Chầm chậm. Dọc hai bên đường, lính cộng sản tay cầm súng trong tư thế chiến đấu, giống như lúc chở chúng tôi từ khu đại học xá Minh Mạng Sài Gòn lên Long Giao, rồi từ Long Giao xuống Tam Hiệp, Biên Hòa, cũng vậy. Nghĩa là chỉ có một kế hoạch an ninh dùng cho 3 lần vận chuyển chúng tôi. Chắc chắn là đám lính này giữ an ninh cho đoàn xe chúng tôi đây. Vậy là họ sợ chúng tôi sẽ được ai đó giải thoát chăng? Nhưng chánh phủ nói “học tập cải tạo” mà sao họ giữ chúng tôi kỹ quá? Vậy, sự thật là gì? 
Đoàn xe vào lộ Hàng Xanh. Qua đường Chi Lăng. Rẽ lên đường Võ Di Nguy. Tôi theo dõi đoạn đường đi qua, nhưng chưa đoán được họ đưa chúng tôi đi đâu. Có lúc cứ tưởng là lên Ngã Năm Chuồng Chó để lên hướng Hóc Môn. Nhưng không, đoàn xe rẽ vào Tân Sơn Nhất từ đường Võ Di Nguy. Chắc là họ cố ý nên cho đoàn xe chạy vòng vèo trong khu vực Tân Sơn Nhất, để rồi cuối cùng dừng lại một trong những “cái ụ” mà ngày trước Không Quân dùng che chắn phi cơ tránh đạn và hỏa tiển của quân cộng sản. 
Lúc đó là 6 giờ 30 phút sáng ngày 15/06/1976, và là ngày thứ nhất của năm thứ hai đối với tôi kể từ ngày “trình diện” họ tại khu đại học xá Minh Mạng, Sài Gòn. Họ ra lệnh:
“Tất cả các anh tập trung vào đây (vào cái ụ chứa phi cơ), không một ai tự ý ra khỏi khu vực này.”
Tôi nhìn lên đầu tường che chắn ụ này, đầy lính cộng sản đứng bên trên, tay cầm súng cũng trong tư thế chiến đấu. Lần lượt các bạn nhìn thấy nhiều giấy gói đồ vung vải trong ụ mới suy đoán một nửa các bạn đi trước đã có mặt nơi đây. Từ đó suy đoán thêm, vậy là chúng ta sẽ đến cùng chỗ với các bạn đi trước thôi. Trong số những mảnh giấy lượm được, có mẫu giấy còn nguyên tên của anh Đại Tá Lê Ngọc Quỳnh, trước là Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 7 Công Binh Kiến Tạo ở Cần Thơ. Tôi nói với anh Lê Minh Luân (Không Quân): 
“Anh Luân ơi! Tôi đoán chúng nó đưa mình ra Bắc à anh. Các bạn đi trước đã ra đó rồi, chớ nếu chúng nó giữ mình ở miền Nam thì chúng không chở bằng máy bay đâu.”
“Cầm chắc là thế rồi.”
Sau đó họ đem lương khô phân phối cho chúng tôi, mỗi khẩu phần là một mẫu bánh như bánh in bày bán ở chợ Sài Gòn để ăn trong ngày. Lương khô này do Trung Hoa cộng sản sản xuất, cứng hơn bánh in thường và rất mặn. Tôi ăn ngay một miếng vì đói quá, miếng còn lại cho vào túi áo treillis đang mặc để ăn sau. Trong thời gian ở trại Tam Hiệp, họ phát cho chúng tôi mỗi người một bộ treillis mà họ đã lấy trong các kho của ngành Quân Nhu chúng tôi.
Hai chiếc phi cơ vận tải C130 mà trước kia là của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, đang từ từ đến. Dừng hẳn lại. Bọn họ ra lệnh:
“Các anh được đi bằng máy bay, yêu cầu các anh phải tuân thủ sự chỉ dẫn sắp xếp của chúng tôi trong thời gian di chuyển. Tư trang sắp xếp gọn gàng. Vì điều kiện an ninh cần thiết, chúng tôi sẽ áp dụng một số biện pháp mà lãnh đạo chúng tôi qui định. Hành lý cho lên trước. Các anh xếp hàng đôi, và lên máy bay từng hai người một.”
Khi mọi người ngồi xong, động cơ máy bay hoạt động, cửa sau được nâng lên cũng là lúc hai tên cộng sản xách theo hai xâu còng từ khoang lái máy bay ra, mỗi đứa phụ trách một bên băng chúng tôi đang ngồi. Một tên “oắt tì” hách dịch:
“Các anh cởi đồng hồ cất vào túi. Xắn tay áo lên. Các anh làm khẩn trương để máy bay cất cánh.”
Rồi chúng nó lần lượt còng từng anh em chúng tôi. Tôi ngồi ở cuối băng, bên trái tôi là cửa sau vừa được nâng sát lên. Bên phải tôi là anh Đại Tá Nguyễn Văn Tài, Phòng 2 Tổng Tham Mưu. Họ bảo tôi: 
“Hai tay kẹp ngược vào nhau như thế này.“ 
Vừa nói hắn vừa thực hành để tôi làm theo. Bàn tay trái hướng về cùi chỏ tay phải, và tay phải làm ngược lại. Còng số 8 bóp vào crắc! Thế là hai tay dính vào nhau! Tôi nhìn thấy hai giọt nước mắt của anh Tài từ từ trôi xuống!
Tôi thúc nhẹ cùi chỏ phải vào hông anh và nói khẽ:
“Anh Tài, anh giấu những giọt nước mắt đi, đừng để tụi nó coi thường mình. Từ nay tôi dứt khoát tụi mình là tù của bọn nó chớ hổng phải học tập gì hết”.
Buổi sáng, ánh mặt trời hướng Đông. Tôi ngồi ngược ánh nắng, và phi cơ bay về bên trái, vậy là hướng ra miền Bắc rồi. Tôi nâng tay lên cố cho hai ngón tay vào túi áo treillis để kẹp lấy miếng bánh in lương khô còn lại, nhưng không vói tới. Thật ra tôi chưa thấy đói, nhưng muốn giữ cho thái độ không bối rối khi suy nghĩ của tôi bảo tôi là tù chính trị của cộng sản! Một tên cộng sản bước tới, gằn giọng: 
“Anh làm gì thế?”
“Tôi muốn lấy lương khô ra ăn.” 
Hắn mở nắp túi lấy ra đưa cho tôi, kèm theo câu :
“Các anh muốn gì thì nói chứ không được có bất cứ thái độ nào.”
Tiếng của bạn nào đó ngồi bên phải tôi một khoảng cách:
“Ta đang bay trên một vùng hoàn toàn lạ, có lẽ qua khỏi Bến Hải rồi.”
Tên cộng sản lúc nảy quát: 
“Các anh không được quan sát địa hình.”