0

From: OpLa
To: OpLa
Và cứ như vậy mà đưa nước từ dòng suối nhỏ lên đến bậc thang trên cùng. 
Khi sẳn sàng để cấy, có nghĩa là đất ở mỗi bậc thang tương đối bằng phẳng, chuyền nước lên đủ rồi, phân chuồng đã bón lót xong, lúc ấy anh Trần Thanh Liêm (Đại Tá Quân Tiếp Vụ) là người phụ trách nhổ mạ. Mạ ở đây khi nhổ để cấy, nó cao chỉ khoảng 10 đến 12 phân thôi (0.12m). Trông cây mạ nhỏ nhắn gầy gò đến thảm hại, thì liệu đến mùa “sinh nở” nó cho được bao nhiêu hột lúa? Khi cấy thì tù chính trị chúng tôi không cấy, mà có toán thợ cấy hơn chục đàn bà con gái từ Hợp Tác Xã Việt Cường vào cấy “vần công đổi công”. Bà nhiều tuổi nhất đứng nhìn những bó mạ bé tí xíu, lắc đầu, sau khi nhổ toẹt bãi nước trầu đỏ choét xuống ruộng, bà vừa cười vừa nói:
“Mấy ông tướng nhổ mạ kiểu này làm sao bọn tôi cấy được.” 
Không biết chữ “tướng” mà bà vừa nói, là do quen miệng hay có ý vỗ về an ủi hoặc xách mé gì chúng tôi đây?
Tiếng nhỏ nhẹ của cô gái trẻ:
“Thôi, mình chuẩn bị lại đi, đứng đó mà nói bao giờ mới xong.” 
Thế là cô gái vừa nói vừa tháo các bó mạ ra, xếp từng cọng mạ ngay ngắn gốc ngọn. Trong toán thợ cấy có cô trẻ nhất mà mấy cô trong toán gọi là “thợ cấy chuẩn”. Nhiệm vụ của cô gái này là cấy các đường chuẩn ngang dọc, và các thợ cấy khác theo đó mà cấy sẽ thẳng hàng. Cấy chuẩn xong, cô ta sang mảnh ruộng bậc thang kế tiếp vẫn với nhiệm vụ cấy chuẩn. Thợ cấy, để nắm mạ nhỏ nhắn trên lòng bàn tay trái, trong khi ngón cái của tay phải tách từng nhúm mạ vài ba cọng, và ấn gốc mạ xuống ruộng. Vì cọng mạ nhỏ như vậy nên thợ cấy không dùng “cây nọc cấy” như thợ cấy ở đồng ruộng miền Nam. 
Một tháng sau, quản giáo với võ trang hướng dẫn chúng tôi “làm cỏ sục bùn”. Nghe chúng tôi bàn tán cái công việc lạ tai quá, có vẻ như tên võ trang tưởng chúng tôi nói xiên nói xỏ gì đó nên hắn giải thích với giọng khó ưa:
“Này, đừng có lý luận lôi thôi. Làm cỏ sục bùn là vừa làm cỏ vừa quậy cho bùn lên bồi dưỡng cho cây lúa. Trong bùn có phân đấy. Khẩn trương lên.”
Mỗi người chúng tôi đứng cách nhau 4 hàng lúa tức khoảng một thước, khom người xuống, mười ngón tay thay cho bàn cào lùa xuống bùn đẩy tới kéo lui giữa hai hàng lúa, ngón tay hơi cong lại cào bùn đất lên còn cỏ thì tróc gốc “lăn quay cu đơ” nổi chềnh ềnh trên mặt nước mà chết tức tưởi. 
Trong khi chờ đợi mùa gặt mà họ gọi là “thu hoạch”, Tổ chúng tôi phải vào xã Việt Cường (quận Trấn Yên) trả công cho toán thợ cấy tháng trước, bằng cách đắp đập làm hồ nuôi cá trắm cỏ. Tại sao gọi đắp đập làm hồ? Vùng này núi rừng trùng trùng điệp điệp. Mỗi hai bên triền núi là cái thung lũng, cứ đắp đập chận hai đầu, chỉ cần dành cái cống nhỏ cho dòng nước thượng nguồn vào, và cái đập tràn ở hạ nguồn để thoát bớt, là có cái hồ rồi. 
Cứ sáng đi chiều tối về trên đoạn đường dài cộng chung áng chừng trên dưới 12 cây số. Tổ nhà bếp cử một toán theo nấu ăn tại chỗ. Mỗi người mỗi ngày được Hợp tác Xã cấp cho một kí lô khoai mì sống để ăn thêm lúc giữa trưa mà họ gọi là “bồi dưỡng”. Tôi thấy ông cụ mặc chiếc áo dạ của quân đội Pháp ngày trước, mà lúc học ở Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt tôi được lãnh để mặc lúc canh gác ban đêm. Ông ta cư xử với chúng tôi phải nói là lịch sự, luôn luôn gọi chúng tôi bằng ông. Tôi bắt chuyện:
“Xin lỗi cụ. Cái áo dạ này mặc ấm lắm. Ở đây có bán sao cụ?”
“Không ông ơi! Trước kia tôi là Thượng Sĩ trong quân đội Pháp, tôi giữ cho đến bây giờ đấy. Gia đình tôi cùng nhiều gia đình trong quân đội Pháp ở lại sau Hiệp Định 1954, đều bị chỉ định cư trú vùng này từ năm 1955. Tôi ở Thái Bình chứ có phải quê quán nơi đây đâu.” 
“Số gia đình chỉ định cư trú ở đây đông không cụ?” 
“Vùng xã Việt Cường này hình thành là do các gia đình bị chỉ định cư trú đấy.”
“Trước khi đến đây, họ có bắt cụ đi cải tạo như chúng tôi không?”
“Không. Vì tôi là Hạ Sĩ Quan. Còn Sĩ Quan thì họ bắt đi hết. Có người cũng đến hai ba năm mới về. Mấy ông bao lâu rồi?”
“Gần 2 năm rồi cụ.”
“Họ có nói với mấy ông thời hạn bao lâu không?”
“Khi thông cáo gọi đi học tập cải tạo họ bảo chuẩn bị cho 30 ngày. Sau 12 lần 30 ngày, họ bắt học tập chính sách cải tạo thời hạn 3 năm, nhưng mù mờ lắm cụ ơi!”
“Mấy ông tin họ là chết đấy. Tôi chỉ khuyên mấy ông một điều là phải giữ sức khỏe, chớ để bỏ xác ở cái xó rừng này như chúng tôi. Không ai thương mấy ông đâu, chỉ có mấy ông thương mấy ông thôi. Đừngbao giờ nghe hai chữ nhân đạo họ nói”.
“Cám ơn cụ rất nhiều.”
Trông thấy tên quản giáo lù lù đến, tôi nói to cho hắn nghe:
“Cụ ơi! Cụ nói là các cô ấy lột võ khoai và luộc giùm chúng tôi phải không cụ?”
“Phải. Mỗi ngày chúng nó làm giúp mấy ông vì bếp mấy ông có hai người làm sao kịp. Chúng nó là thợ cấy ra cấy vần công cho mấy ông đó.”
“Kia rồi. Cô gái áo trắng chính là cô thợ cấy chuẩn, phải không cụ? Nhanh tay mà lại thẳng hàng nữa.”
“Nó giỏi nhất của Hợp Tác Xã này đó ông.”
Tên quản giáo -Trung Úy Bật- hướng dẫn việc:
“Các anh vạt triền núi kéo đất ra đắp đập, còn hai bên má đập sẽ có trâu của Hợp Tác Xã ra “đầm”. Ngoài dụng cụ mang theo từ trại, Hợp Tác Xã sẽ cho mượn ván để làm bàn trang kéo đất. Tất cả dụng cụ để lại tại chỗ trước khi về trại. Bây giờ các anh tổ chức công việc mà tiến hành.” 
Chúng tôi chia ra: Toán xén đất triền núi, toán dùng bàn trang kéo đất ra mặt đập, toán dùng cuốc san bằng mặt đập. “Bàn trang”, là một tấm ván dầy một chút để dùng được lâu, kích thước ngang 0.4m dài 0.8m. Hai bên hông đóng hai cây đinh lớn để cột dây, và đầu dây cột vào thanh gỗ tròn do hai người kéo từ phía trước, trong khi người thứ ba từ phía sau, cầm thanh gỗ đóng chặt vào tấm ván để dựng đứng bàn trang lên. Thế là một lượng đất bị cái mặt bằng của tấm ván mà họ gọi là bàn trang đẩy đi. Cứ như thế mà ngày này sang ngày khác trong ba tuần liên tiếp, chúng tôi làm xong cái hồ cho Hợp Tác Xã vừa nuôi cá vừa có nguồn nước tưới cho vùng này. 
Trong thời gian đắp đập, chúng tôi thêm một lần trông thấy bản chất dã man của mấy tên gọi là cán bộ. Chuyện về con chó của tên quản giáo. Một hôm trong lúc giải lao giữa buổi, anh Nguyễn Văn Kim (Đại Tá Tổng Nha Tài Chánh & Thanh Tra Quân Phí) trông thấy tên quản giáo bắt con chó của hắn đem làm thịt. Anh nói:
“Con chó hắn dắt theo hằng ngày, gọi một tiếng là con chó đến nằm ngay dưới chân. Thế mà chúng nó trói con chó lại rồi đem cắt cổ một cách thản nhiên. Sao chúng nó tàn nhẫn thế! Trông bất nhẫn quá!” Ngưng một lúc anh tiếp:
“Tôi là dân Bắc Kỳ, tôi cảm thấy dân miền Bắc bây giờ không như dân miền Bắc ngày trước nữa. Ngay cả cái đạo đức gia đình theo cái điều mà thằng Xê coi tụi mình ở Long Giao đã nói, cũng thay đổi hoàn hoàn”. 
Không hiểu do đâu mà tên quản giáo -Trung Úy Khảm- nghe được câu nói của anh Kim, thế là trước khi về trại, nó mắng chúng tôi một trận như tát nước:
“Chuyện cán bộ ăn thịt chó là chuyện bình thường, nhưng anh nào trong số các anh dùng chuyện đó để xuyên tạc cách mạng. Các anh có giỏi thì buớc ra khỏi hàng mà nhận đi. Các anh đừng tưởng là chúng tôi không biết ý đồ của các anh. Các anh đang làm cái việc lấy nạng chống trời đấy à! Nào, ai nói nhận đi?”
Anh em chúng tôi im phăng phắc, muốn cười nhưng không dám cười. Muốn cười, vì nó dùng cái chữ “lấy nạng chống trời”, vì lúc ở trại tập trung Long Giao tên giảng bài chính trị gọi là giáo viên, hắn ngông nghênh cái mặt mà huênh hoang nào là; chủ nghĩa Mác Lê là vô địch, ba dòng thác cách mạng là bách chiến bách thắng, Việt Nam ta trong 10 năm tới sẽ vươn lên ngang bằng nước Pháp, ..v..v… Muốn cười, vì chính họ mới là đám người lấy nạng chống trời đó. (Bây giờ là năm 2008, không biết cái tên “giáo viên chính trị” đó còn can đảm để nói theo cái kiểu ấy nữa hay không?)
Đến chuyện học trò xã hội chủ nghĩa. Nơi chúng tôi xẻ núi đắp đập là con đường làng. Ngày nào đám học trò tiểu học cũng đi ngang đây, chúng nó thấy mặc đồ “quân đội nhân dân” thì mấy đứa con trai vừa chạy vừa la: 
“Chú bộ đội lội chuồng heo. Chú bộ đội lội chuồng heo.” 
Tên quản giáo đỏ mặt, và hét: “Ai dạy chúng mầy thế?”
Tụi nó vừa chạy vừa trả lời tỉnh bơ: “Cô giáo dạy đó. Làm gì không?” Và chúng nó biến vào khu vườn mất dạng.
“Đồ mất dạy.” 
Rồi hắn xoay qua hỏi ông cụ: “Tụi này con ai vậy?”
Ông cụ cũng tỉnh bơ: 
“Cả xóm này đều thế, có biết là con ai đâu. Trẻ con nó hỏng hết anh ơi!”
Một hôm khác, tụi nhỏ còn bạo hơn nhiều. Chúng nó cũng vừa chạy vừa hát:
“Như có bác Hồ trong chuồng heo hợp tác.” 
Tụi nhỏ chạy nhanh lắm, với lại có rượt nó thì nó quanh co vào vườn một hồi là không thấy đâu nữa. Tên quản giáo tức lắm nhưng làm gì được lũ trẻ, trong khi chúng tôi ngạc nhiên là thằng võ trang không có phản ứng gì cả, hắn ngồi như không có chuyện gì xảy ra hết. Chẳng biết là hắn đồng tình với tụi nhỏ, hay vì không rượt theo kịp nên ngồi một chỗ cho khỏe? 

Đến chuyện cúng giỗ. Trong miền Nam từ ngày xửa ngày xưa đến nay, cúng giỗ là một trong những tập quán gia đình, tập quán xã hội. Nhưng trên đất bắc xã hội chủ nghĩa mà cúng giỗ quả là sự kiện lạ. Khi mang dụng cụ vào gởi trong nhà ông cụ, chúng tôi quá đổi ngạc nhiên vì thấy nhà bên cạnh bày thức ăn cúng bàn ông thiên kê trên chiếc bàn nhỏ ngoài sân. Trong nhà thì mâm cỗ nhang khói um tùm. Tôi ghé tai ông cụ:
“Cụ ơi! Họ không cấm cúng giỗ hả?”
“Cấm chứ. Công An bắt gặp là lập biên bản, rồi kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, phiền lắm ông ơi!”
“Vậy mà bà con còn giữ được phong tục tập quán dân tộc. Hay lắm.”
Ngần ngừ một lúc, ông cụ hỏi tôi: 
“Chúng nó đưa mấy ông ra đây bằng gì?”
“Anh em chúng tôi đây thì đi bằng phi cơ, nhưng hầu hết trong số hằng trăm ngàn anh em sĩ quan và viên chức chúng tôi thì họ chở bằng tàu ra đến Vinh hoặc Hải Phòng, từ đó họ nhốt trong những toa xe lửa chở hàng hóa với súc vật chuyển đến các trại.”
“Tôi có nghe dân vùng xã Việt Hồng thuật lại những gian nan của các anh bị nhốt trong đó, khốn khổ lắm! Rồi đây thời gian càng dài, nỗi khổ của mấy ông còn nặng hơn nữa chứ không phải thế này đâu.”
“Cám ơn cụ cho chúng tôi thêm kinh nghiệm từ bản thân của cụ.”

Ngạc nhiên thứ bảy.
Ông cụ nói đến xã Việt Hồng (cũng thuộc quận Trấn Yên) sâu bên trong xã Việt Cường, làm tôi nhớ lại những lần đi mua đường mía ở đó mà chúng gọi là mật đường. Mật đường, thật ra nó chỉ là nấu từ mía ra chớ không có gì khác. Trước khi vào đây đắp đập, tên Trại Phó kiêm tiếp liệu mà chúng gọi là hậu cần, dẫn một toán 8 người -có tôi trong số đó- mỗi hai người một khiêng khoảng 15 kí lô. Tất cả tiền chúng tôi gởi mà họ gọi là đăng ký, đều do tên này giữ. Anh nào muốn mua bao nhiêu thì ghi tên, rồi họ chỉ định số người đi mua. Khoảng 8 cây số đường đá, chúng tôi đi ngang Trại 11 và Trại 13, giam giữ các bạn cấp Đại Úy. Do vậy mà chúng tôi mới biết Liên Trại 1 này (trong 6 Liên Trại) có 13 Trại. 
Rẽ vào đường làng. Dân làng thưa thớt, nhà này cách nhà kia khá xa, hầu hết đều quanh quẩn theo dòng nước giữa hai triền đồi. Chuyện trả giá mua bán và cân đong do 2 tên võ trang với những người bán đường, tù chính trị chúng tôi không được thông báo gì cả. Khi nó gọi vào nhận là nhận chớ chẳng biết trọng lượng bao nhiêu. Chẳng hạn như hắn cho biết mỗi chậu thau 15 kí lô, nhưng thật sự là giữa những thau để cạnh nhau không có cái nào bằng cái nào cả, nhưng không được thắc mắc với hắn.
Khi mua bán và nhận hàng xong, hai tên võ trang bảo chúng tôi sang bãi đất trống cạnh cửa hàng hợp tác xã mua bán mà ăn trưa. Bên cạnh cửa hàng là trạm xay lúa mà họ gọi là trạm xay xát. Trạm này chỉ có cái máy xay lúa nhỏ xíu, nhỏ đến mức mỗi lần đổ vào đó chỉ một thúng lúa cỡ như cái thúng giê trong miền Nam thôi. Anh Nguyễn Hữu Có đi đâu một lát quay lại:
“Anh Hoa. Chỗ máy xay lúa có con nhỏ tên Thanh nó đang xay lúa.”
“Trời ơi! Lạng quạng coi chừng nó mắng à anh.”
“Hổng có đâu. Ở đây mà có con nhỏ ngồ ngộ mới lạ chớ.”
“Ở đâu mà chẳng có con gái, trong nhiều đứa thì thể nào cũng có đứa ngồ ngộ như anh nói thôi. Mà sao anh biết tên nó?”
“Nghe mấy đứa nhỏ kêu.”
“Đừng hỏi gì nghe anh, tụi con gái xã hội chủ nghĩa nó mắng khiếp lắm. Anh có nhớ lúc ở trại nhà ngói nghe hai bà sồn sồn chửi nhau kinh khủng chớ. Chửi có vần có điệu từ sáng đến trưa, hưu chiến ăn cơm độn bắp xong lại chửi tiếp đến chiều. Dữ thiệt.” 
Tiếng thằng võ trang từ nhà bên kia đường:
“Các anh được ăn đường tại chỗ, nhưng không ai được lấy ra mang về trại.” 
Tức là 8 anh em chúng tôi được ăn trong số đường mía mua chung đó. Vì cơ thể thiếu chất ngọt nên anh nào cũng ăn. Phần tôi, cho hai muỗng đường vào gà mèn cơm độn bắp, ăn một cách ngon lành. Ăn xong, vào cửa hàng định mua cái khăn nhỏ để lau mặt. Mang danh là “cửa hàng hợp tác xã mua bán” mà hàng hóa lơ thơ tơ liễu buông mành, kệ thì nhiều nhưng hàng thì lác đác. Vào cửa, cô bán hàng đang cho con bú. Lỡ bộ, tôi hỏi luôn: 
“Cô làm ơn bán cho tôi cái khăn lau mặt.” Vừa nói tôi vừa chỉ lên kệ.
“Anh ra xem tấm bảng ngoài cửa.” Cô ta buông vạt áo xuống vừa n1oi vừa chỉ ra cửa.
Tôi cứ ngỡ tấm bảng chỉ dẫn cách mua hàng xã hội chủ nghĩa, nhưng không, đó là tấm bảng treo ở tay nắm cửa có 4 chữ: “Nghỉ cho con bú.” Tức cười mà không dám cười vì sợ cô mậu dịch mắng. Không biết cô ta còn có tấm bảng “nghỉ tắm con” hay “nghỉ cho con ỉa” không nữa? Và cười vì sau chữ “nghỉ” không có dấu phết, làm cho câu đó có nghĩa là “không cho con bú nữa”. Thế là tôi có mua được cái khăn đâu. Ra ngoài, tôi gọi anh Có:
“Anh vô coi cửa hàng hợp tác xã ngộ lắm. Tại chỗ tay nắm cửa có tấm bảng treo ở đó thì anh thấy.” 
Anh Có chẳng những đến xem tấm bảng mà còn đi tuốt vào trong xem cô bán hàng cho con bú rồi trở ra, cứ như không thấy tấm bảng vậy.

Khắc nghiệt.
Bất luận lúc nào chúng tôi nhận quà đều qua sự kiểm soát của tên quản giáo mà hắn gọi là “kiểm tra”. Trong mỗi lần gởi quà, vợ tôi đều cho tôi hộp bơ thực vật và một gói đường cát, vì trong cơ thể thiếu chất ngọt với chất béo kinh khủng. Tất cả những hộp những lon những gói đóng kín, hắn đều mở tung ra hết, cho dù các hộp đóng kín từ những hãng sản xuất trên thế giới cũng vậy. Chẳng những mở ra, mà hắn dùng chiếc đủa ngoáy tưởng chừng thực phẩm bên trong nát bét ra, để hắn tìm tịch thu những thứ gọi là cấm kỵ. Cái kỳ lạ là với những cái hộp thực phẩm sản xuất từ ngoại quốc hắn cũng nghi ngờ nữa. Một lần hắn ngoáy mãi mà không tìm được những thứ cấm kỵ, nhưng cạnh cái hộp có cây viết Pilot của Pháp sản xuất. Hắn nói: 
“Tôi mang về kiểm tra rồi cho biết sau.”
“Hay là cán bộ đưa tôi tháo ra cho cán bộ xem.” 
“Không được. Tôi phải gởi đến chuyên viên kiểm tra.”
“Báo cáo cán bộ, cây viết rất đơn giản tôi tháo ra ngay trước mặt cán bộ, chớ có gì đâu mà cán bộ gởi đến chuyên viên.”
Hắn lườm tôi: “Chuyện của tôi, anh không cần biết.” 
Đút cây viết vào túi, hắn quay sang xem thư. Xem xong, hắn ném vào người tôi: 
“Chồng là chồng, còn gọi là chồng yêu quí là thế nào?” 
Đó là dòng chữ mở đầu của vợ tôi thường viết như vậy. Tôi tức quá:
“Tình cảm vợ chồng người miền Nam chúng tôi là như vậy, có vi phạm điều cấm nào của trại đâu mà cán bộ la.”
“Viết dài dòng như thế chúng tôi đâu có thì giờ kiểm tra. Bảo vợ anh lần sau viết ngắn lại.”
“Chỉ một trang giấy mà vợ tôi nói địa phương đã hướng dẫn, đâu có gì sai.”
“Anh không được lý sự. Về chỗ”.
Y như rằng, hễ chúng nó “bí” là chúng nó bảo không được lý sự, tệ hơn thì gọi là ngoan cố. Tôi nói với anh Lễ đang cùng nhau về chỗ nằm:
“Tôi chẳng biết thằng này muốn lấy cây viết, hay nó nghi ngờ cây viết cũng là cây súng trong ngành tình báo chăng?”
“Tụi nó sợ tình báo Hoa Kỳ kinh khủng. Con mắt nó nhìn vào bất cứ món gì do ngoại quốc sản xuất cũng nghi là tình báo hết trơn.”
“Nghĩ mà tức. Tức vì mình thua cái tụi chẳng ra gì, nếu không nói là cái tụi ngu đần hết biết.” 
Mấy tuần sau đó, hắn đưa cây viết lại tôi. Hắn nói: 
“Tôi phải mang lên Liên Trại, Liên Trại lại đưa đến Bộ Tư Lệnh Đoàn mới xong đấy.” 
Chừng như hắn kể ơn với tôi thì phải. Tôi bèn nói hai tiếng “cám ơn” để lấy cây viết cho rồi. 
Trong một kỳ gởi thư về gia đình, anh Trần Duy Bách (Đại Tá, Tỉnh Trưởng Lâm Đồng) nói riêng, và tất cả chúng tôi nói chung, bị tên quản giáo của ảnh “chụp cho cái mũ” rất buồn cười. Chuyện là mỗi người chỉ được phép viết thư gởi về gia đình trên một trang giấy mà thôi. Anh Bách cũng như tất cả anh em chúng tôi đều viết đúng như vậy. Vì đi rừng quá nhiều nên anh nào cũng xin gia đình gởi cho đôi giày vải để không bị rách chân. Trên trang viết, anh Bách có ghi số của cở giày, nhưng để cho chắc, anh bèn để cái bàn chân lên mặt sau trang giấy rồi lấy viết kéo sát vòng chân để yên tâm là có đôi giày vừa vặn. Chỉ có như vậy thôi, mà trời ơi, thằng quản giáo nó chửi tối tăm mặt mũi! Không phải chửi riêng anh Bách, mà chửi tuốt luột tù chính trị chúng tôi:
“Tôi nói cho các anh biết, đảng với nhà nước đã rất nhân đạo khi cho các anh viết thư về gia đình. Các anh lại chà đạp lên chính sách khoan hồng nhân đạo đó bằng cách in bàn chân lên bức thư. Hành động này là không thể tha thứ.”
Anh Bách trình bày: 
“Báo cáo cán bộ, tôi hoàn toàn không có ý gì khác ngoài cái mục đích giúp gia đình tôi mua đôi giày vừa với đôi chân tôi. Thế thôi.” 
Tôi chỉ nghe đến đó rồi đi về vì cảm thấy trong người không khỏe nên không rõ hắn còn mắng mỏ gì nữa. Đến tối tôi nghe các bạn nói lại là anh Bách bị hắn bắt viết kiểm điểm mới được viết thư khác. Kiểm điểm là một hình thức trừng phạt nhẹ. Về sau cứ mỗi lần nhắc đến anh Bách, chỉ cần nói “chà với đạp” là hiểu nhau rồi. 

Những người “trồng” được.
Những tháng đầu năm 1977, hơn 300 anh em chúng tôi cấp Đại Tá bị tách ra làm hai, một nửa chuyển vào Trại 3 phía trong Trại Cốc. Tổ chúng tôi vẫn tại chỗ. Trong một lần các bạn trong Trại 3 đi mua nước mắm ngoài chợ Yên Bái. Sau đó, nhân đi lao động gặp nhau, anh Nguyễn Kim Tây (Đại Tá Biệt Động Quân) kể chuyện. Vì trong một lần lao động ngoài trại, thằng quản giáo Tổ của anh Tây tên là Tước mà lúc ở Trại Cốc chúng tôi thường gọi là “Tước mặt đỏ”, vì mặt của hắn lúc nào cũng đỏ như người say rượu. Hắn nói đường xe lửa xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc này rộng 1.4 thước. Vì vậy mà lần này có dịp ra Yên Bái, anh đo thử xem sao. Nếu thật sự đường xe lửa 1.4 thước là tiến bộ lắm. Ra đến nơi, việc đầu tiên là anh Tây dùng bàn tay đo đường rầy xe lửa. Đúng 4 gang tay, hay là trên dưới 8 tấc (0.8m). Anh lại lấy sợi dây từ trong túi ra đo nữa để về trại đo lại trên cây thước. Anh cột hai đầu dây làm dấu bề ngang đo được. 
Ngày hôm sau, trong lúc lao động, anh đến trước mặt “Tước mặt đỏ”, anh cười cười với vẻ thắng thế: 
“Báo cáo cán bộ. Đường xe lửa ngoài Yên Bái có 8 tấc chớ đâu phải 1.4 thước cán bộ.”
Tước mặt đỏ quát liền: 
“Đảng với nhà nước đã nói 1.4 thước là 1.4 thước. Anh dám xuyên tạc đảng với nhà nước phải không?” 
Anh chàng Tây chúng tôi bèn nổi gân cổ để biện minh:
“Tôi đo 8 tấc thì tôi nói 8 tấc chớ tôi đâu có nói sai, sao cán bộ nói tôi xuyên tạc.”
“Anh không được lý sự. Về chỗ làm.”
Sau lần đó tôi không rõ là anh Tây còn bị gì nữa không, nhưng qua mẫu chuyện bé tí xíu và sự thật sờ sờ trước mắt mà chúng nó vẫn phải hiểu khác đi, khác đến mức ngu đần không thể tưởng. Họ nhắm mắt, chỉ để tai mà nghe theo đảng với cái nhà nước độc tài, và cái miệng để phát lại những gì tai nghe, mà không cần mắt thấy sự thật. Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, là cái máy nhào nặn ra những thế hệ có bộ óc đầy bụi mờ bao phủ, có hai mắt nhưng mù lòa, một lỗ tai để nghe một chiều, và nửa cái miệng đủ để phát như cái máy cát-xét. Tội ác này bắt nguồn từ ông Hồ với “Mười năm trồng cây trăm năm trồng người”. 
Theo tác giả Trần Trung Đạo thì câu nói đó ông Hồ lấy ý từ câu: “nhất niên chi kế mạc như thọ cốc, thập niên chi kế mạc như thọ mộc, bách niên chi kế mạc như thọ nhân”. Nghĩa là kế hoạch cho một năm không gì bằng trồng lúa, kế hoạch cho mười năm không gì bằng trồng cây, kế hoạch cho trăm năm không gì bằng trồng người. Và câu này trong văn học Trung Hoa thời phong kiến xa xưa. 
Kết quả là ông Hồ và nhóm đàn em của ông đã trồng lên được những thế hệ như vậy đó! Thế hệ hiện nay và nhiều thế hệ mai sau, không thể nào dung thứ tội ác dã man này do ông Hồ và tất cả những đảng viên lãnh đạo trong bộ chính trị, cơ quan lãnh đạo có quyền uy tuyệt đối, từ khi cái đảng độc tài tàn bạo đó hình thành đến ngày sụp đổ. Sự không thể dung thứ này, áp dụng với những kẻ đó đã chết cũng như đang sống. Và không biết đến bao giờ, vết nhơ tàn bạo này mới được xóa sạch, cho những thế hệ mai sau có cơ hội đối mặt với những con người tử tế trên thế giới năm châu? Tội cho dân tộc Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa biết chừng nào! 
Nhân nhắc lại với anh Lễ về chuyện anh Nguyễn Kim Tây “chọc quê” thằng Tước mặt đỏ, nhưng rồi bị hắn “chụp mũ kiểu xã hội chủ nghĩa” một cách quái đản, anh Lễ lại nhớ đến vụ bị mắng khi học chính trị ở trại tập trung Long Giao. Anh nói”
“Anh nhớ trong lúc ở Long Giao mình thảo luận bài gì đó mà thằng Chiến -quản giáo- nó kêu anh Phụng -B trưởng- ra ngoài nó chửi một trận như lá mùa thu rơi rụng tiêu điều không? Sau đó anh Phụng trở vô càu nhàu với tụi mìn”. 
“Cán bộ nói mấy anh tào lao, đảng với nhà nước nói như vậy là phải hiểu như vậy, sao các anh bàn tới bàn lui ra ngoài đề chi vậy. Mà anh nhớ bài học đó là gì không?”
“Có. Bài học hôm đó họ đả kích tôn giáo, nhất là đạo Thiên Chúa. Khi giảng bài, anh chàng cán bộ giáo viên từ Bộ Công An ở Hà Nội vào, hắn nói tôn giáo là thứ thuốc phiện ru ngủ con người, cần phải diệt bỏ… Khi về căn trại thảo luận thì anh Trần Trọng Minh (Đại Tá Bộ Binh) phát biểu. Tôi không nhớ nguyên văn, nhưng ý của anh là con kiến cũng có bản năng sinh tồn chớ không phải chỉ là con vật vô tri vô giác. Điều đó trong chương trình học triết, ai trong chúng mình mà chẳng học. Thế nhưng nó hoàn toàn khác với nội dung anh chàng giáo viên giảng trong bài. Nó chửi là vì mình hiểu theo cách của mình, mà không chấp nhận mù quáng ngông cuồng theo cách hiểu của chúng nó. Thế thôi.”
Anh Lễ: “Tụi nó giáo điều kinh khủng, vậy mà cứ tự cho là chủ nghĩa khoa học.”
“Họ chẳng bao giờ nhìn thấy được họ cả. Vẫn cứ như vậy thì dân tộc Việt Nam mình bị họ kéo theo, sẽ đi về đâu giữa một thế giới văn minh phát triển?” 

Thả tù
Hạ tuần tháng 05/1977, có một đợt thả. Qua một số hình ảnh họ đem dán ở trại như để “quảng cáo cái chính sách khoan hồng nhân đạo của họ”, chúng tôi mới biết có 91 người thuộc 82 trại do Đoàn 776 cai quản được thả. Trong số đó có Y Sĩ Chuẩn Tướng Phạm Hà Thanh, Cục Trưởng Cục Quân Y. Và anh Nguyễn Cao Thăng (không phải ông Thăng dược sĩ), gốc Phật Giáo Hòa Hảo. 
Khi ở trại tập trung trong Nam, lác đác cũng có anh ra về, như: Trung Tá Cầu (Tổng Cục Tiếp Vân), Y sĩ Trung Tá Hoàng (Tổng Y Viện Cộng Hòa), Đại Tá Nguyễn Văn Lộc (Tư Lệnh Sư Đoàn 106 Biệt Động Quân). Tôi không biết rõ nguyên nhân. 
Sau đợt tha đó, lác đác cũng có anh được tha, nhưng cách tha của họ chẳng khác một hành động bí mật. Một sáng sớm, nhiều anh vừa tự tập thể dục xong và đang làm những động tác vệ sinh, tên quản giáo bên bộ chỉ huy trại sang khu “lán trại” chúng tôi. Hắn hỏi khi tôi đang đứng bên ngoài cửa: “Anh Sơn đâu?”
“Bác cáo cán bộ, anh Sơn đây.” 
Vừa nói tôi vừa chỉ anh Huỳnh Thanh Sơn đang ngồi rửa mặt.
“Anh họ gì?”
“Báo cáo cán bộ, tôi họ Huỳnh.”
“Không. Tôi gọi anh Dương Thanh Sơn.”
Anh Đại Tá Dương Thanh Sơn từ trong nhà nghe, anh bước ra:
“Báo cáo cán bộ, tôi đây.” 
Anh Sơn là em ruột của Đại Tướng Dương Văn Minh, sau khi giành được chiếc ghế Tổng Thống từ tay Tổng Thống hợp hiến Trần Văn Hương, Tổng Thống Minh đã đầu hàng cộng sản!
“Anh chuẩn bị tư trang mang ra cổng chờ lệnh chuyển trại”. 
“Đi ngay hả cán bộ?” 
“Chuẩn bị xong là đi ngay. Khẩn trương lên”.
Khi Tổ chúng tôi xuất trại lên núi đốn cây về làm cầu, trông thấy bọn chúng đang khám xét đồ đạc, và xét cả người anh Sơn nữa. Anh em chúng tôi lên đến đỉnh núi, ngồi lại bàn tán nhau xoay quanh cái việc anh Sơn chuyển trại. Đại ý rằng:
“Rất có thể ảnh được về.”
“Về cái gì mà khám xét dữ vậy.”
“Bọn nó lúc nào cũng hành động theo cái kiểu đánh lừa tụi mình. Đừng có nghe nó nói, cũng đừng thấy nó làm để rồi căn cứ vào đó mà phán đoán không đúng đâu. Ảnh cũng đâu phải là tình báo hay phản gián gì mà chuyển trại đặc biệt vậy. Chỉ có về thôi. Dù sao thì ảnh cũng là em của Tổng Thống đầu hàng cộng sản, không chừng cộng sản thưởng cho ông Minh bằng cách thả em của ổng đó.”
“Có lý. Sau khi mình sập tiệm, cựu Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc cũng như nhiều vị Bộ Trưởng trong nội các của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đều vô tù, ông Minh chẳng những không vô tù mà chúng nó còn cho ông cầm lá phiếu đi bầu cái gọi là thống nhất đất nước. Đã hết đâu, lúc bỏ phiếu ổng còn nói lần đầu tiên ổng được bầu cử tự do nữa đó. Dám bọn nó thưởng cho ông Minh lắm à.”
Anh khác thêm vào: 
“Mấy anh quên anh Dương Thanh Sơn còn có người anh hay em gì đó, theo bọn cộng sản ra Bắc từ mấy chục năm rồi. Ôi! Cái chiến tranh của mình nó chằng chịt chuyện gia đình đủ cách đủ kiểu, thiệt khó mà lường.”
Cũng như những lần trước, bàn mãi cũng không có gì để kết luật. Chúng tôi tản mác trên đường đỉnh, tìm cây để đốn khiêng về cho Tổ kia làm lại cây cầu từ đường đá vào Trại Cốc bị sập. 
Tháng sau, tôi được thư vợ tôi cho biết anh Dương Thanh Sơn đã về nhà. Vợ tôi và mấy chị bạn hay tin, cùng đến nhà anh Sơn để nghe anh ấy kể chuyện về những ông chồng của mình. 

Con gái xã hội chủ nghĩa.
Cây cầu này dài khoảng 6 thước, làm toàn cây rừng, xe bốn bánh loại nhỏ qua lại được, nhưng họa hoằn mới có chiếc xe đến đây. Mấy hôm trước, Tổ chúng tôi đẩy 2 xe cải tiến đến Liên Trại 1 lãnh gạo. Chiếc xe có chút xíu mà chở 4 bao loại 50 kí lô. Hai chiếc qua cầu cùng một lúc, chiếc xe cải tiến nhóm tôi vừa đến “mang cá” cầu bên kia, chiếc còn lại mới đến giữa cầu, thì cầu sập. Sáu anh em chúng tôi phóng xuống suối, cũng may lhông anh nào bị va đầu va mặt vào những tảng đá dưới suối. Hôm nay chúng tôi trách nhiệm lên rừng đốn cây đem về chỗ cầu sập, còn làm là một Tổ khác trách nhiệm. Tên quản giáo giao kích thước từngloại cây:
“Gỗ làm trụ cầu và đà cầu phải có đường kính ít nhất là 2 tấc (0,2m), dài phải 5 thước trở lên. Gỗ lót sàn cầu có đường kính 1 tấc (0.1m) và dài 5 thước trở lên.”
Nặng nhất là 5 cây có đường kính 2 tấc trở lên: Hai cây làm trụ, một cây gác lên đầu hai trụ cầu, và hai cây làm đà cầu. Cây tươi nó nặng lắm quí vị quí bạn à! Mà cho dẫu có nặng bao nhiêu cũng phải tìm cho ra, đốn cho xong, còn phải tìm cách khiêng nó về. Trời đất ơi! Từ trên đỉnh núi về đến chỗ cầu sập, ít ra cũng đến 2 cây số trên núi và 3 cây số trên đường chớ có gần gủi gì đâu. Với cây lót sàn cầu, từng cây thì chẳng bao nhiêu nhưng 60 cây cũng nặng nhọc lắm! Hôm ấy không biết do đâu mà tên khẩn trương lịch sự với chúng tôi quá. Hắn bảo:
“Gỗ lót sàn cầu tôi chỉ cho các anh vác.” 
Chúng tôi nghe rõ ràng là hắn nói “vác” chớ không phải đốn. Vậy là ở đâu ra. Mặc kệ, chờ hắn chỉ hẳn hay, thắc mắc làm chi cho mệt. 
Tìm được, đốn xong, làm sao đây? Năm khúc cây này, chúng tôi cột giây ở đầu cây để hai anh kéo, phía sau dùng cái cây khác làm bẫy để xeo từng nhích một. Phía trước hai anh kéo, phía sau một anh xeo. Vừa kéo vừa xeo, khi mặt trời xế chiều thì 5 khúc gỗ rừng nặng ơi là nặng, cũng đến được “giàn phóng”. Không biết có từ lúc nào, nhưng hằng chục đỉnh núi mà chúng tôi lên xuống, đều có “giàn phóng” để phóng cây xuống chân núi. Thế rồi người và cây yên ổn xuống đến chân núi. Tôi với anh Hồ Văn Thành một cây. Bao giờ cũng để anh Thành lên vai trước, mới đến lượt tôi, mà lên vai sau thất thế hơn, dĩ nhiên là nặng hơn. Cứ đi khoảng 50 thước là dừng lại nghỉ chân, nhưng khúc gỗ vẫn trên vai chớ không dám để xuống, vì để xuống rồi lên vai lại khổ hơn là đứng dựa vào thân cây để nghỉ chân. Cứ như vậy, rồi cũng về đến nơi. 
Còn cây lót sàn cầu, tên võ trang dắt chúng tôi đến những đống cây bồ đề để sát bên lề đường, có lẽ chờ xe đến chở. Hắn nói như quát vì ăn cắp mà:
“Các anh khẩn trương. Mỗi anh một cây hoặc hai anh khiêng hai cây rồi chạy. Sau đó, quay trở lại lấy tiếp cho đến khi đủ số.” 
Hắn đứng gác cho chúng tôi ăn cắp. Và rồi việc ăn cắp cũng êm xuôi vì chẳng thấy bóng dáng nhân viên Lâm Trường đâu cả, nhưng tất cả 18 anh em chúng tôi đều mệt lả! Áo quần đẫm mồ hôi! Bụng thì đói! 
Sau khi cung cấp cây xong, chúng tôi tiếp tay với Tổ kia, và hai ngày sau thì xem như hoàn tất phần căn bản, cầu sử dụng được nhưng cần một ngày nữa để hoàn chỉnh. Xế chiều, hai nữ nhân viên Lâm Trường từ đâu lù lù tới. Một giọng nữ rất đàn ông mà là giọng đàn ông vừa nhậu xong:

“Cây này các anh lấy ở đâu ra?”

“Tôi không rõ. Cô hỏi cán bộ trong nhà kia kìa.”

“Tôi hỏi anh.”

“Thì tôi vừa trả lời cô đó.”

“Anh đùa với chúng tôi hả? Chúng tôi lập biên bản số cây bồ đề này.”

“Mời cô tự nhiên.”

“Anh tên gì?”

“Tôi tên gì cũng chẳng liên quan đến Cô. Cô nên vô trại mà hỏi.”

Con nhỏ trời ơi này cũng đanh đá lắm, cô ta lên giọng:

“Anh đùa với tôi đấy hả?”

“Không. Tôi rất nghiêm chỉnh.” 

“Được. Tôi sẽ biết tên anh.”

“Rất hân hạnh. Ở tù mà phụ nữ muốn biết tên cũng hay hay.”

“Anh ăn nói cái kiểu gì thế?”

“Cô nghe rồi mà còn hỏi.” 

Nhìn kỷ một chút, bốn bàn tay của hai cô nhân viên này không khác da cây mù u bao nhiêu. U nần nổi đầy phần trên bàn tay. Nghĩ cho cùng, tội nghiệp cho thân phận đàn bà con gái 20 năm xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc! Chẳng thấy đường nét gì của đàn bà con gái hết trơn. Người suông đuột như thân cây bồ đề đến tuổi chờ người ta đốn đem về nhà máy làm giấy, da dẻ sần sùi, dáng đi thô kệch, ăn nói chẳng thanh tao chút nào. Nhưng mà đàn bà con gái của cả cái xã hội xã hội chủ nghĩa này như nhau, chẳng ai hơn ai cũng chẳng ai kém ai, hà tất phải thắc mắc làm chi về cái việc con gái xã hội chủ nghĩa ế chồng hay không ế chồng. 
Thế rồi hai cô ấy vào trại thiệt. Hôm sau nghe lại mới biết tên quản giáo với tên võ trang có biệt danh khẩn trương phải xuống nước năn nỉ, có lẽ nhờ vậy mà đâu cũng vào đấy. Thế là êm chuyện. Tôi có ý đùa với cô ta vì tôi có dính dáng gì đến cái chuyện ăn cắp mà sợ.

Tai nạn.
Trở lại chuyện phóng gỗ đã gây tổn thương nặng cho anh Bùi Dzinh (Đại Tá, có thời là Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh). Trong thời gian bộ chỉ huy trại đẩy tù chính trị thi đua với Lâm Trường về đốn cây bồ đề đến tuổi cung cấp cho nhà máy làm giấy. Anh Bùi Dzinh trong bên Lâm Trường. Nhưng không biết có phải vì cái sự kiện đó mà các anh trong Tổ đó làm hăng hơn hay không, có điều chắc chắn là vẫn giữ vững mức cao hơn nhân viên Lâm Trường. 
Hôm ấy là ngày 10/12/1976 (Năm 2006, con trai anh Bùi Dzinh từ Paris cho tôi biết ngày chính xác như vậy), cứ như theo qui định trong “Huấn Lệnh Điều Hành Căn Bản” không thành văn, mỗi khi sẳn sàng tại bệ phóng thì dùng tay làm loa và la lớn để các bạn dưới chân núi biết mà tránh: 
“Chuẩn bị phóng gỗ. Chuẩn bị phóng gỗ”
Lúc đó anh Nguyễn Văn Hai (Đại Tá Bộ Binh) và anh Bùi Dzinh đang tại điểm cuối của dàn phóng, khi nâng cây bồ đề lên vai cũng là lúc nghe tiếng la hoảng hốt từ trên núi: 
“Gỗ xuống. Gỗ xuống!” 
Cùng với tiếng hét trên đỉnh núi là tiếng ầm ầm của cây vun vút xuống. Anh Hai vứt đầu cây bồ đề xuống và chạy thoát, trong khi anh Bùi Dzinh đang loay hoay với đầu cây trên vai, thì bị cây bồ đề lao xuống đánh vào màn tang rồi bay ngang đầu anh. Anh Bùi Dzinh té xuống, bất tỉnh! Thằng võ trang hướng dẫn các anh trong Tổ đưa anh Bùi Dzinh đến trạm xá Liên Trại gần đó. Đến chiều tối khi chúng tôi quay về trại, anh Bùi Dzinh vẫn trong tình trạnh hôn mê!
Từ lúc anh Bùi Dzinh bị nạn cho đến khi tiếng kẻng ngủ, anh em trong cả 3 Tổ trong một dãy căn trại hầu như im lặng hoàn toàn. Bởi không một ai nghĩ là anh Bùi Dzinh có thể sống được, nhất là khi đưa anh đến trạm xá thì máu trào ra ngoài vành tai, một triệu chứng báo nguy khi đầu bị chạm mạnh. 
Đang đêm, anh Dương Hiếu Nghĩa thức giấc vì nghe tiếng chim cú kêu xa xa! Anh khều tôi dậy, cả hai ngồi nghe tiếng con chim cú kêu sao mà não nuột quá! Anh Nghĩa nói nho nhỏ:
“Chắc Bùi Dzinh đi quá anh! Mấy đêm trước có nghe tiếng chim cú đâu, khi Bùi Dzinh bị nạn thì nó đến đây kêu liên hồi. Đây là điềm không lành!”
“Anh em mình chỉ có cầu nguyện chớ có làm gì được đâu.”
Ba ngày sau, trên đường lên núi đốn cây, hai anh đi trước nhanh chân lén vào trạm xá thăm anh Bùi Dzinh, thấy anh tỉnh lại anh em vui mừng lắm, chuyền nhau thông báo đến các Tổ tin vui này. Sở dĩ chạy vào trạm xá được là vì thằng võ trang đi sau cùng, nên các anh phía trước vào trạm xá mà nó không biết, chớ nó có tốt lành gì mà cho vào thăm anh Bùi Dzinh đâu. Biệt danh khẩn trương là tên võ trang hắc ám mà. Ngay ở trong trại, chúng nó ngăn cấm liên lạc nhau giữa dãy nhà này với dãy nhà, giữa Tổ này với Tổ khác dù ơ chung dãy nhà, và giữa người này với người khác. Tụi nó bắt gặp là đủ thứ rắc rối, huống chi là vào trạm xá thăm anh Bùi Dzinh.

Một chút suy tư.
Hơn hai năm trong 4 trại tập trung, với những kinh nghiệm ghi nhận, tôi gom góp vào quan niệm sống trong tù, như sau: 
Thứ nhất. Phải giữ sức khỏe, bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng ngay trong chỗ ở. Bên ngoài trại chỗ nào trồng được rau trái làm thực phẩm là trồng để ăn. 
Thứ nhì. Phải sẳn sàng đối diện với bọn chúng, càng nói ít càng tránh được những sơ hở. 
Và thứ ba. Phải nghe bọn chúng nói và nhìn hành động của chúng bằng con mắt của người tham mưu quân sự, để phân tách và đánh giá chiều sâu vào những chính sách của chúng. 
Cũng trong thời gian nói trên, nhiều anh em chúng tôi cùng đồng ý là chỉ có một sĩ quan cộng sản mà chúng tôi không gọi bằng thằng khi nói đến hắn ở ngôi thứ ba, mà gọi là cán bộ. Đó là Thượng Úy Toản. Anh chàng này gốc tập kết từ trong Nam ra Bắc sau Hiệp Định Đình Chiến tháng 7 năm 1954. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh ta trở về Nam làm việc, nhưng không rõ vì sao mà anh ta trở ra Hải Phòng, nơi đây cũng là quê vợ anh ta. Lại bị trù ếm hay sao đó mà anh bị đẩy đến Trại Cốc này. Anh ta phụ trách đắp đập nuôi cá, đập này gần Trại Cốc và do 5 Tổ chúng tôi cùng làm. Trong lúc giải lao, Thượng Úy Toản bảo chúng tôi quây quần lại gần nhau để nghe anh ta nói như một lời khuyên:
“Có một điều tôi khuyên các anh, người ta (ý nói cộng sản) không bao giờ quên quá khứ của các anh đâu. Những gì mà các anh khai thành thật theo lời dụ dỗ của họ, thì họ sẽ sử dụng để kết tội các anh. Vậy các anh liệu mà khai báo sao cho có đường về với vợ con.”
Chúng tôi lần lượt hỏi: 
“Theo cán bộ biết, ngoài những bản khai báo của chúng tôi, các cơ quan nhà nước có tài liệu nào khác về chúng tôi không?” 
“Không. Tôi đoan chắc với các anh là họ không có tài liệu nào về các anh cả. Tôi hỏi các anh: Có khi nào người ta nói với các anh là người ta biết hết mọi việc làm của các anh ngày trước không?”
“Có cán bộ.”
“Tôi lặp lại với các anh là họ không biết gì về các anh đâu, ngoại trừ một vài anh nào đó có vấn đề với địa phương thì địa phương mới báo cáo về trung ương thôi, nhưng điều này hiếm hoi lắm.”
Trong hai ngày thi đua đầu tiên, mỗi ngày có thêm 100 gram gạo cho mỗi khẩu phần mà họ gọi là bồi dưỡng, anh ta nói:
“Hôm nay không còn thi đua nữa, tức là các anh không có bồi dưỡng. Các anh cứ lao động bình thường thôi. Đường còn dài lắm, đời các anh cũng còn dài lắm, liệu để còn đi tới nơi tới chốn.”

Chuyển trại.

HQPD_1329962015.jpgNhững ngày cuối tháng 10 năm 1977, tên quản giáo Tổ cơ động chúng tôi -Trung Úy Bật- cái mặt lúc nào cũng nhăn nhó, lững thững vào chỗ nằm của chúng tôi. Hai tay chắp sau mông, đi tới đi lui mấy lần, rồi hắn nhìn lên sườn nhà. Vì trại này không có kho nên tất cả bao bị gói ghém đồ đạc riêng tư đều để trên đó. Hắn chỉ từng cái bao:
“Cái này của ai? Cái kia của ai?”
Tôi trả lời từng câu hỏi. Đến cái bao của anh Nguyễn Quốc Dy (Đại Tá, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị), hắn nói:
“Sao để cái bao của anh Dy cao vậy? Anh nên lấy để sát bên trái. Anh ấy lớn tuổi rồi, để cao vậy mỗi khi cần sẽ khó khăn cho anh ấy.”
Tôi làm theo lệnh của hắn. Dĩ nhiên không phải hắn trở thành người tử tế trong xã hội xã hội chủ nghĩa rồi, nhưng sao hôm nay thằng trời đánh này ra cái điều lo cho sức khỏe anh Dy đến thế. Liệu đằng sau “cái lo lắng” của hắn là điều gì đây. Tôi chuyển tin này sang các Tổ khác, và nhận lại những tin mấy tên quản giáo bên kia cũng y chang như hành động khó hiểu của tên Bật. Vậy là có vấn đề rồi, nhưng vấn đề gì? Sau khi xong bữa ăn chiều với cơm độn bắp, tôi với anh Nghĩa ngồi cạnh nhau thử đoán xem điều gì có vẻ làm biến đổi cái tên quản giáo chưa bao giờ thấy hắn cười này. Tôi chợt nhớ mấy hôm trước, bỗng dưng có một ngày được nghỉ. Nhưng đâu phải nghỉ là ngồi không đâu, họ bắt phải đem tất cả những bao những túi đựng quần áo riêng (thường phục) từ trên gác xuống, viết họ tên và số “hòm thư” vào. Chúng nó còn bảo viết rõ ràng cho dễ đọc nữa. Tôi kề tai anh Nghĩa:
“Anh có dự đoán được điều gì sắp xảy ra không? Chẳng lẽ bọn họ làm mấy chuyện tào lao đó sao.”
“Liệu mình có đủ dữ kiện cho một cuộc chuyển trại chưa?”
“Có thể như vậy lắm. Nhưng trong sinh hoạt hằng ngày thì chưa có dấu hiệu nào liên quan, ngoại trừ hai sự kiện vừa nói.”
“Gì thì chưa rõ, nhưng gần như chắc chắn không bình thường.”
“Mong là không có điều gì ghê gớm xảy ra.”
Chúng tôi chui vào mùng. Tôi phải dùng chữ “chui” mới hình dung được cái cõi không gian bé tí của mỗi người chúng tôi chỉ có 6 tấc (0.6m) bề ngang, hai bên đều có mùng bạn, chỉ có cách vén một mảng mùng ở dưới chân chỗ nằm mà chui vào thôi. 
Nửa đêm hôm đó, tôi cảm thấy có người lay chân. Tôi ngồi dậy, vén mùng trông thấy tên quản giáo. Hắn hỏi:
“Anh Dy nằm đâu?”
“Dãy sạp bên kia.” 
“Anh gọi anh Dy dậy. Cẩn thận. Đừng làm ồn các anh khác.”
Tôi vừa lay chân vừa gọi nho nhỏ: 
“Anh Dy. Anh Dy. Tôi Hoa đây. Cán bộ Bật gọi anh đó.”
“Vậy hả?”
Anh Dy vừa ra khỏi mùng, tên quản giáo ra lệnh:
“Anh chuẩn bị tư trang chuyển trại ngay bây giờ.” 
Hắn xoay qua tôi:
“Anh leo lên lấy cái túi tư trang anh Dy xuống, và phụ thu dọn với anh ấy cho nhanh.”
Anh Dương Hiếu Nghĩa cũng bị gọi dậy chuẩn bị chuyển trại. Ngoài ra còn mấy anh nữa cũng đi trong đợt này. Tên Bật ra lệnh tiếp:
“Các anh không được gọi dậy phải nằm yên tại chỗ, không ai được ra khỏi màn (tức mùng). Muốn đi đâu phải báo cáo”.
Tôi đem cái túi áo quần của anh Dy xuống và hỏi hắn:
“Báo cáo cán bộ. Tôi có đi không để tôi chuẩn bị?”
“Không.”
Anh Dy bối rối quá nên cứ xoay qua xoay lại mãi mà không mở được cái mùng. 
“Anh để tôi thu dọn tiếp anh.” 
Khi tôi nắm lấy hai góc mùng để xếp lại, tôi chạm bàn tay anh Dy:
“Sao tay anh lạnh quá vậy? Nhiều mồ hôi mà run nữa. Anh bệnh phải không?”
“Không sao anh.” 
Giọng nói của anh hơi run. Có lẽ đang đêm bất thình lình bị gọi dậy, lại kèm theo cái lệnh chuyển trại nên anh sợ hãi vì anh chưa thật sự tỉnh giấc chăng?
“Cái mền tôi lót nằm đâu rồi anh Hoa?”
“Tôi để vào cái túi lớn rồi.”
Anh moi ra và đưa tôi: “Anh giữ cái này xài đi, tôi có dư.”
Trong lúc hai tên quản giáo ra ngoài sân, tôi đến cạnh anh Nghĩa:
“Chúc anh mạnh khỏe, giữ vững nghị lực. Thể nào chúng mình cũng gặp lại nhau trong hoàn cảnh tốt hơn.”
“Vậy là anh thấy thành phần đi rồi hén: Tình báo. An ninh quân đội. Tỉnh trưởng. Đảng phái. Chiến tranh chính trị. Có thể coi là nặng đó.”
“Không đoán được với bọn này đâu anh. Anh nhớ như hồi ở Tam Hiệp không, bọn nó trịnh trọng đọc tên từng người làm như lọc ra để xử bắn không bằng, để rồi cuối cùng tụi mình cũng ráp lại với nhau thôi. Biết đâu là lần này cũng vậy.”
“Mong là không điều gì tệ hại xảy ra cho chúng mình.”
Thế là các anh rời trại trong đêm tối mịt mù dưới cơn mưa nhẹ. Trong số các anh chuyển trại, có anh Nguyễn Văn Hản (Đại Tá, An Ninh Quân Đội), đang bị đau đến nỗi không thể tự mình đi được, các bạn phải dìu anh ra xe!
Sáng hôm sau, các anh trong Tổ Thợ Mộc thuật lại rằng: Khi tên quản giáo vào gọi từng người dậy thu xếp đồ đạc, đến anh Phan Trọng Thiện bị lay dậy và tên quản giáo ra lệnh:
“Anh chuẩn bị chuyển trại ngay bây giờ.”
Anh Thiện hỏi lại: “Tôi đi nữa hả cán bộ?”
“Anh đi. Nhanh lên, ở đó mà hỏi.” 
“Ôi! Đau khổ quá!”
Tính ra có đến khoảng 50 anh chuyển trại trong đêm qua. Bọn quản giáo không hề hé một chút gì về nơi mà các anh ấy đến cả, và mãi sau này đến lúc gặp lại mới biết. Bọn cộng sản nó giữ bí mật kỹ lắm, chừng như biện pháp dành cho những tên nào tiết lộ bí mật mà bị phác giác là nặng lắm thì phải?

Ngưu ốc.
Một tuần trước Tết Nguyên Đán đầu năm 1978, Tổ cơ động chúng tôi được lệnh đi đắp đập -lại đắp đập- cho xã Việt Cường, cách Trại Cốc khoảng 6 cây số. Chúng tôi phải mang theo một ít đồ dùng vì ở lại đó một tuần lễ. Họ dự trù chúng tôi trở về trại vào ngày Ba Mươi Tết! Đang giữa mùa Đông, rất lạnh. Phải mang theo “áo bông”, mũ trùm đầu và vớ len. Những cái áo bông này đến tuổi về hưu đã lâu, nhưng thay vi đem bỏ họ đem phát cho chúng tôi đỡ lạnh! Nói đến vớ, tôi nhớ lại mẫu chuyện ngắn. Khi chúng tôi từ trong Nam ra Bắc đến trại nhà ngói, bọn họ bắt chúng tôi bày ra tất cả đồ đạc để chúng nó xét. Họ bắt từng người chúng tôi phải ghi từng món vào danh sách để họ xét. Tên Trung Úy Khảm, cầm danh sách của tôi, hắn đọc món nào tôi đưa món ấy cho hắn đúng với số lượng đã ghi. Đến đôi vớ, hắn hỏi:
“Vớ là gì?”
“Báo cáo cán bộ. Vớ là vớ chớ tôi biết vớ là gì đâu.”
“Anh đưa tôi xem.”
Khi trông thấy đôi vớ, hắn nói với giọng ngạo mạn của người miền Bắc tự cho là mình dùng chữ đúng: 
“Bít tất thì kêu bít tất, tại sao các anh gọi là vớ?” 
“Cán bộ chạm tự ái người miền Nam chúng tôi rồi. Nếu như tôi đặt câu hỏi ngược lại, tại sao vớ gọi là bít tất, cán bộ có giận không? Mỗi miền đều có nét đặc thù trong văn hoá, cũng như giọng nói của 3 miềncó giống nhau đâu.”
Hắn dịu giọng: “Trong Nam các anh gọi là vớ à?”
“Đúng. Cũng như cán bộ gọi là bít tất vậy.” 
“Thôi. Không tranh luận nữa .Tiếp tục đi.”
Tổ chúng tôi và một Tổ nữa cùng toán nhà bếp, rời Trại Cốc trưa 23 Tết dưới cơn mưa phùn từng chập, trông như những đám bụi bay theo cơn gió nhẹ. Đến nơi thì áo quần chăn chiếu thấm ướt hết trơn. Tên quản giáo đứng canh chúng tôi, trong khi tên võ trang đi tìm người phụ trách của Xã. Thế rồi một người đại diện Xã với bốn cô gái đến. Hắn nói với tên võ trang:
“Đồng chí cho các anh ấy ở đây. Chật một chút, nhưng Xã không có địa điểm nào khác. Trên nóc còn trống, tôi bảo đem tranh đến lợp ngay bây giờ.”
Trời đất! Lúc ấy nét mặt của gần 50 anh em chúng tôi trông như dài ngoằn xuống vì đây là cái chuồng trâu, nóc thì trống, nền đất loang lỗ, làm sao mà nằm! Nhìn thấy được cái cảnh ấy của chúng tôi, một trong bốn cô gái lên tiếng:
“Đây là chuồng trâu nhưng không sử dụng lâu rồi. Chúng em sẽ mang rạ đến lót cho các anh.” 
Anh Nguyễn Thế Lưỡng nói: 
“Tôi đo rồi, may lắm thì mỗi anh chỉ được 4 tấc (0.4m). Đó là tôi tính nằm sát các cọc tre hai đầu.”
“Ở cái kiểu này làm sao mà kéo đất nỗi!” Một anh khác than thở! 
Khoảng nửa giờ sau, một toán sáu cô gái mang tranh với rơm đến. Cũng chính các cô leo lên lợp lại nóc, và lót rơm trên nền. Có kêu ca gì thì cuối cùng cũng phải thu xếp với nhau chỗ nằm để mấy anh nhà bếp còn lo bữa ăn chiều. Sau khi gọi là thu xếp xong mới đứng quan sát. Chuồng trâu cạnh con đường làng và cách rìa làng khá xa, chung quanh là những đám rẫy chen lẫn với rừng. Từ xa, con nít khoảng trên dưới 10 tuổi, từng nhóm đến xem. Chúng nó nói với nhau: 
“Ngụy đó mầy.”
Đứa khác cãi lại: 
“Không phải. Bố tao nói tù miền Nam. Mấy ông này làm đập cho mình đó.”
“Họ dữ không?”
“Họ có quát mình đâu mà biết.” 
Đại để qua lời của các cô gái cùng với vài câu chuyện của trẻ con, nhận định sơ khởi là người dân vùng này chừng như có chút thiện cảm với chúng tôi thì phải?
Cơm xong, tên võ trang dẫn đến bốn thanh niên. Hắn nói:
“Ban đêm, các anh không được ra khỏi khu vực này. Các đồng chí Dân Quân đây có trách nhiệm canh giữ các anh, sẽ làm nhiệm vụ nếu các anh không chấp hành lệnh nghiêm cấm.” 
Vừa ra lệnh vừa đe dọa đấy! 
Tuy không có muỗi nhưng vẫn phải giăng mùng cho đỡ lạnh, vì chuồng trâu không có vách mà chỉ có mấy cây tre nhỏ ngang dọc chung quanh để rào trâu bò thôi. Quí vị có thể hình dung khi chúng tôi giăng mùng xong thì không ai nhận ra được cái mùng của mình ở chỗ nào nếu như không chui vô mùng sau khi giăng. Vì vậy mà mỗi người phải cột cái gì đó để làm dấu như mảnh giấy trắng chẳng hạn, để khi nửa đêm dậy đi tiểu xong còn nhìn ra được cái mùng của mình mà chui vô. Mỗi khi nằm xuống phải xuôi hai tay dọc theo cơ thể hoặc khoanh hai tay trước ngực, từ từ ngã lưng xuống. Còn ngồi dậy, vẫn tư thế đó, từ từ ngóc đầu lên với thân mình. Giống như tập thể dục ở cái động tác giữ cho bụng thon ngực nở, cũng là giữ cho cái xương sống mềm mại dẻo dai vậy. Có điều là nửa đêm mà ngồi dậy thì vai hai người bạn bên phải bên trái, tự động “giành dân lấn đất” cái cõi không gian bé tí của mình. Không sao. Khi xong cái việc xả nước cho nhẹ bụng trở vào, phải tìm được cái mùng, chui vô. Bắt đầu lách dần hai bạn để có được một chỗ ngồi, xuôi tay hoặc khoanh tay lại, hơi nghiêng về một bên, dùng vai lách hai bạn và từ từ hạ người xuống để “đòi lại” cái cõi không gian bé tí mà nằm. Khi xuống được một bên lúc ấy mới từ từ nằm ngửa trên cái “giường rơm” trong cái chuồng trâu hoang phế! 
Chỉ một bên tựa vào triền núi, ba bên còn lại là đất trống, gió lạnh tự do thổi vào cái chuồng trâu tồi tàn chật hẹp, làm cho mấy chục anh em chúng tôi lạnh cả ngoài lẫn trong! Anh Kim vui tính, tạo cái không khí vui vui để phá bớt nỗi buồn giữa cái lạnh của mùa Đông núi rừng Tây Bắc:
“Đúng là chúng mình đang ở trong “ngưu ốc” các anh à! (chuồng trâu, theo Hán Việt là ngưu ốc) Dã man thiệt! Mẹ kiếp! Mình ở trong chuồng trâu chật hẹp hôi thúi thế này, nếu còn gặp lại mấy thằng bạn ở Tây ở Mỹ, nói cho chúng nó nghe. Tôi nghĩ, đếch có thằng nào tin mình đâu. Không chừng chúng nó còn cho là mình bị cộng sản nhốt tù rồi tức mà nói xấu cộng sản nữa đó.”
Tiếng một anh nào đó trong bóng đêm mù mịt lạnh lẽo:
“Thì mình cứ tưởng như đang ở “Niu Dót” (nhại theo âm của chữ New York, Hoa Kỳ) để có giấc ngủ yên lành còn hơn là nói đến mấy anh bên Tây bên Mỹ, hổng chừng họ còn nói chúng mình ngu mới bị tù là khác .”
“Thôi các bạn ơi! Cho có là Niu-Dót hay ngưu ốc đi nữa, chúng mình còn tệ hơn mấy con cá mòi trong hộp. Bạn bè nó có tin hay không tin mặc kệ. Thân mình chưa biết ra sao, ở đó mà nói đến bạn bè bên Tây bên Mỹ”.
“Ông chán đời thế! Sao hồi 30 tháng 4 ông không đi cho rồi, bây giờ nói chuyện vui một chút mà ông cũng trách.”
“Họ có cho đi đâu mà đi. Họ giành chỗ cho gia đình họ chớ đâu đến lượt mình. Thôi, đừng có nhắc nữa, tức lắm.”
“Thì ông nhắc chớ chúng tôi có nhắc đâu.” 
“Thôi các anh à! Bạn tù với nhau, cùng nằm trong cái chuồng trâu với nhau, chia sẻ cho nhau không hết, lại còn gắt gỏng nhau cho thêm đau lòng!. Ngủ đi, để mai làm trâu kéo đất đắp đập cho người ta.”
Thưa quí vị quí bạn, thật ra những lời bàn qua tán lại giữa chúng tôi với nhau, không phải là vô nghĩa, mà trong một ý nghĩa nào đó, tùy theo người nghe sẽ nhận ra tâm trạng cùng những ước vọng của mỗi người chúng tôi. Chẳng hạn như chữ Niu-Dót, dù thể hiện cái tâm trạng buồn khi ngủ trong chuồng trâu nhưng vẫn kèm theo tính khôi hài sẳn có. Chữ Niu-Dót chỉ là mượn âm của New York, để nói lên cái ước vọng ra khỏi trại tập trung của cộng sản, chớ không nhất thiết là ước vọng sống tại New York. Nghĩ cho cùng, những câu chuyện đó cũng giúp anh em chúng tôi có những giây phút nhẹ nhàng trong đầu, vì bận nghe chuyện trên trời dưới biển mà quên đi nỗi buồn da diết! 
Khẩu phần hằng ngày của chúng tôi được tăng thêm 200 gram gạo do Xã cung cấp, do vậy mà phần ăn sáng cũng nhiều một chút. Nói đến tiêu chuẩn gạo, chẳng những tù chính trị chúng tôi quan tâm đến lượng khẩu phần gạo hằng ngày, mà người dân xã hội chủ nghĩa, thậm chí đến các cấp lãnh đạo của cộng sản từ trong đảng đến bộ máy cầm quyền, cũng đều quan tâm đến. Xin trưng dẫn: “Số lượng gạo mà họ gọi là tiêu chuẩn bán cho mỗi thành phần xã hội, cấp càng cao càng được số lượng nhiều hơn với lý do viện dẫn là cấp lãnh đạo cần được “bồi dưỡng” có sức khỏe để lãnh đạo. Và bao trùm hơn hết là cái chính sách cai trị của cộng sản nắm chắc cái bao tử thông qua tờ hộ khẩu. Bất cứ ai trong gia đình nào đó mà không thi hành lệnh của địa phương thì họ cắt hộ khẩu, tức là không bán gạo theo tiêu chuẩn. Bởi trong xã hội xã hội chủ nghĩa, tất cả cơ sở mua bán kinh doanh sản xuất đều do đảng với nhà nước làm chủ, cho nên khi nhà nước không bán lương thực thực phẩm thì không còn chỗ nào để mua hết. Vậy là đói rồi, mà đói thì phải bò. Bò đến ông lãnh đạo địa phương làm kiểm điểm và cam kết sửa sai, tức là luôn luôn thi hành mệnh lệnh. Lúc ấy, lãnh đạo cứu xét cấp tiêu chuẩn trở lại.” Hãi hùng chưa quí vị quí bạn? 

 
EDITED: 8 Oct 2018 18:21 by OPLA