0

From: OpLa
To: OpLa
Cũng xã hội chủ nghĩa có cái chính sách rất ư kỳ lạ. Họ cưỡng bách phụ nữ phải đi làm, bằng cách chỉ cho các con của người mẹ có đi làm mới được hưởng quyền lợi dù hết sức nhỏ nhoi. Nếu trong gia đình chỉ có người chồng đi làm còn vợ ở nhà, thì các con của gia đình này không có chút quyền lợi gì trong cuộc sống cả. Nói rõ hơn là những đứa con đó không có tiêu chuẩn gạo hằng tháng. Trong một xã hội mà người dân chỉ biết có gạo với gạo, còn gì mà nói nữa! Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, từ trước cho đến năm 1977 là như vậy đó! Đến năm 1986, càng tệ hơn nữa. Lúc ấy người dân xã hội chủ nghĩa sắp ngã quỵ, đảng cộng sản sắp sụp đổ, họ mới buộc lòng phải thay đổi nhưng là chỉ thay đổi kinh tế để làm giàu riêng tư chớ không thay đổi chính trị vì họ sợ mất độc quyền lãnh đạo. 
Cũng nói thêm rằng, những năm 50 khi nắm quyền cai trị nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ông Hồ khoe cái chính sách mà ông gọi là “giải phóng phụ nữ”, nhưng thực tế người phụ nữ bị cưỡng bách đi làm như nói ở trên. Chưa hết, khi lao động mà cần đến đến sự vận chuyển, thì ngày trước phụ nữ dùng cái đòn gánh trên vai để gánh hai cái thúng hay thùng ở hai đầu đòn gánh. Ông Hồ giải phóng phụ nữ bằng cách dùng ba người phụ nữ đẩy cái xe cải tiến với trọng lượng 150 kí lô. Nghĩa là ông Hồ không cho gánh nữa mà là đẩy xe để chuyên chở trọng ượng nhiều hơn gánh. Nói rõ hơn, người phụ nữ phải làm việc nặng nhọc hơn! Chính sách giải phóng phụ nữ của ông Hồ là như vậy đó! 
Nói đến giải phóng phụ nữ, không thể quên sự đóng góp quan trọng của những nhà văn trong “Nhóm Tự Lực Văn Đoàn” thời những năm 30-50, đã hướng dẫn xã hội thời ấy trong cuộc vận động đưa thành phần nữ giới bị xã hội phong kiến cột chặt trong khung cảnh gia đình từ ngày xưa, bước chân vào xã hội với những công việc như nam giới. Và đã thành công ngoạn mục. Nếu phải dùng chữ “giải phóng” thì đó mới thật sự là giải phóng. 
Hồ Chí Minh là một người lãnh đạo, say mê trong việc dùng những nhóm chữ rất kêu, rất văn chương thường gọi là “mỹ từ” nhưng thật sự là trống rỗng. Nghĩ cho cùng, cái cách đó lại giúp ông nắm cổ được những cấp dưới ông vì thời đó có mấy người có học đâu. Lác đác cũng có đảng viên có học, nhưng họ nghe lời bác của họ như những kẻ ngông cuồng điên dại. Chẳng những thế, họ cứ theo lời họ Hồ “dạy” rồi truyền khắp dân gian phải nghe theo. Lần hồi họ thần thánh hóa và truyền tụng cho những thế hệ kế tiếp cộng với nền giáo dục một chiều, kết quả là những thế hệ khi ra khỏi hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa, chỉ biết nghe những lời của ông truyền lại cứ như nghe “lời phán của thánh”. Mãi đến nay, chẳng mấy người trong số họ, dám đụng đến ông thánh của họ, mà thật ra “ông thánh” của họ chỉ là một con người ăn cắp văn, một con người ăn cắp tình, một con người gian trá quỷ quyệt trong lãnh đạo. Nói chung, họ Hồ là một người cộng sản mà khi đã là cộng sản thì không còn nhân cách con người bình thường trong xã hội, và khi con người không còn nhân cách thì con người đó còn gì để nói. 

Trở lại cái việc đắp đập. Anh em chúng tôi trong hai Tổ này đã hai ba lần đắp đập nên tổ chức công việc nhanh lắm. Sau đó, cứ phá triền núi, kéo đất đổ xuống đường thông thủy ngăn dần dòng nước thượng lưu. Đào một đường bên cạnh đập gọi là đập tràn, để khi mực nước cao quá thì nước theo đường đó đổ xuống hạ lưu. Khi muốn bắt cá cứ cuốc giữa mặt đập mà xả nước. Bắt cá xong, muốn nuôi cá nữa thì đắp phần giữa mặt đập lại là có cái hồ như trước. Họ không làm cống để tháo nước, mà khoa học kỹ thuật của họ trong đắp đập nuôi cá là như vậy.
Nguồn nước dùng cho mọi nhu cầu của “cư dân trong ngưu ốc” bất đắc dĩ này là dòng suối nhỏ, cách chuồng trâu chúng tôi ở khoảng 100 thước. Nước thì có nhưng đục lắm, vì phía trên có chỗ cho trâu bò qua lại hai bên bờ. Đục thì đục, có nước dùng là may rồi. Mỗi chiều sau khi tắm giặt xong, nói nghe ngon lành lắm nhưng thật sự chỉ là qua loa thôi vì trời lạnh mà nước suối càng lạnh hơn. Nhóm “ca nhạc sĩ bất đắc dĩ” chúng tôi tập hát để “trình diễn” trong đêm Giao Thừa: Anh Nguyễn Thành Trí (Đại Tá, Thủy Quân Lục Chiến), anh Nguyễn Quang Chiểu (Đại Tá Bộ Binh), anh Nguyễn Phán (Đại Tá, Quân Đoàn 2), anh Nguyễn Thiều (Đại Tá Bộ Binh), và tôi. Anh Trí sáng tác bài “Đâu Cũng Là Quê Hương”. Tôi nói “bất đắc dĩ”, vì bộ chỉ huy trại bảo tù chính trị chúng tôi tổ chức ca hát mừng Xuân. 
Trời lạnh nhưng vẫn phải tập, vì khi về đến trại là đêm Giao Thừa rồi, bây giờ không tập thì không có thì giờ nào khác. Còn nếu không tổ chức ca hát mừng Xuân, không khéo lại bị bọn họ chụp cho cái mũ “chống đối cải tạo” hay “lấy nạng chống trời” là lắm thứ rắc rối. Không ngờ khi tập hát, dân trong làng nhất là đám con nít với những cô gái tuổi choai choai, kéo nhau đến xem đông lắm. Trông cũng hay hay với những “khán giả măng non” này.
Một tuần trôi qua, dưới cái lạnh đậm đà của ngày cuối năm âm lịch, chúng tôi giã từ “ngưu ốc”, nơi mà có muốn hay không muốn, cũng để lại trong chúng tôi những buổi chiều khó quên trong cuộc sống của người tù chính trị trong tay cộng sản. Về đến trại, tắm giặt, cơm xong là chuẩn bị vào chương trình “văn nghệ Giao Thừa”. 

Tù trình diễn tù xem. Nhưng cũng có một số quản giáo với võ trang ngồi xem từ đầu đến cuối. Sau phần văn nghệ đầu là màn Táo Quân. Các vai:
Ngọc Hoàng Thượng Đế: Anh Phạm Duy Khang (Đại Tá Bộ Binh).
Nam Tào Bắc Đẩu: Anh Huỳnh Minh Quang (Đại Tá Không Quân) với một anh nữa mà tôi quên tên.
Táo Trại 2: Anh Nguyễn Ngọc Sáu (Đại Tá Pháo Binh).
Trại Cốc là tên gọi lúc tất cả chúng tôi mới chuyến đến, về sau khi tách một nửa sang Trại 3 thì trại chúng tôi gọi là Trại 2.
Màn này bắt đầu với hoạt cảnh Táo Trại 2 đội một bó củi vào thiên đình, áo quần xốc xếch. Táo quỳ xuống xin lỗi Ngọc Hoàng đến trễ, vì phải lên núi lấy củi cho nhà bếp. Ngọc Hoàng cảm động quá nên tha lỗi. Táo Trại 2 móc cái sớ bèo nhèo trong túi ra, rồi bắt đầu đọc. Trong sớ có đoạn than phiền vấn đề lao động vất vả nhưng ăn không đủ no, đau ốm không thuốc uống, ..v..v.. Hai ông Nam Tào Bắc Đẩu mũi lòng, bèn lên tiếng ủng hộ Táo Trại 2 bằng cách cường điệu thêm khi tâu với Ngọc Hoàng. Thế là Ngọc Hoàng Thượng Đế Phạm Duy Khang nổi trận lôi đình, ra lệnh cho Trại 2 phải sửa sai. Tù chính trị chúng tôi vỗ tay thật dài và cười thật to, trong khi cả đám quản giáo với võ trang ngồi êm re. Anh em chúng tôi thì thầm với nhau:
“Chết cha rồi! Trông thằng nào thằng nấy cái mặt cũng hầm hầm kia kìa.”
“Sớ Táo Quân là trò giải trí truyền thống chớ có gì đâu mà sợ.”
“Đó là cách nhìn của mình, còn bọn nó là cộng sản. Chữ của nó có cùng nghĩa với mình đâu, bọn nó dám quần các anh Ngọc Hoàng Thượng Đế với Nam Tào Bắc Đẩu của mình lắm à!”
Và y như rằng, cả bốn anh “Ngọc Hoàng Thượng Đế, Táo Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu” bị chúng gọi sang bộ chỉ huy quát mắng dữ dội. Cuối cùng, các anh phải làm kiểm điểm. Kiểm điểm cũng là một hình thức trừng phạt. 
Như thường lệ, sau một ngày lên núi đốn cây, anh em kéo nhau xuống dòng suối bé tí tắm giặt, gặp anh Khang, tôi nửa đùa nửa thiệt: 
“Ngọc Hoàng ơi! Vụ đó xong chưa?”
“Thôi đi bố! Tụi tôi bị chúng nó chửi như chó! Ngọc Hoàng cái mẹ gì nữa”. 
Sáng Mồng Ba Tết, bọn chúng đẩy tất cả chúng tôi lên những đồi trọc chung quanh trại trồng khoai mì. Cách trồng khoai mì là chúng tôi giăng hàng ngang, mỗi người một cây cuốc, cuốc vỡ đất từ dưới chân đồi dần lên đỉnh. Cứ hai người cuốc đất có một người bưng cái rổ đựng hom khoai mì, quẳng nhẹ cọng hom xuống rồi dùng chân đùa đất lấp lại, và đạp xuống là xong.

Bị thẩm vấn.
Trong khi Tổ trồng khoai mì, tôi bị gọi ra ngoài trại thẩm vấn nữa. Họ đưa tôi ra cái nhà nhỏ gần trạm xá Liên Trại, cách trại khoảng 2 cây số. Nói là trạm xá nghe có vẻ đồ sộ lắm nhưng thật ra cũng là gian nhà tranh bé xíu, chỉ năm cái giường là chật lối đi rồi. Đến sân nhà, tên võ trang bảo tôi đứng chờ, hắn vào trong. Vài phút sau, từ sau cánh cửa, hắn gọi tôi vào. Bên trong có ba tên ngồi quanh cái bàn, trên có bình trà với mấy cái tách. Họ mặc đồng phục quân đội, nhưng không có bất cứ cái gì trên bộ quân phục của họ để có thể biết tên nào lớn hơn tên nào. Tên ngồi giữa, gằn giọng như dằn mặt tôi:
“Anh có phải Phạm Bá Hoa không?”
“Đúng. Tôi là Phạm Bá Hoa. Xin lỗi, tôi phải xưng hô thế nào?”.
“Có gì đâu. Cứ như trước thế thôi.”
Tôi nghĩ: Vậy là tên này có thẩm vấn tôi lúc còn trong Nam, nhưng tôi không nhớ. 
“Anh ngồi”. Vừa nói hắn vừa đưa tay chỉ cái ghế còn lại.
“Cám ơn”. 
Hắn dịu giọng khi vô đề: “Anh có nhận thư gia đình không?” 
“Vâng. Tôi có nhận”.
“Chị với các cháu không có vấn đề gì chứ?” 
“Nhân anh hỏi, tôi xin phép trình bày về gia đình tôi một chút. Gia đình tôi vẫn mạnh. Trong thư vừa rồi vợ tôi cho biết, nhà ba má chúng tôi ở Vĩnh Long đã bị tịch thu, và con lớn chúng tôi tại Sài Gòn không được vào đại học, với lý do cả hai trường hợp vì tôi là Đại Tá. Nếu được, xin anh có thể cho tôi biết, đó có phải là chính sách của nhà nước không?”
“Theo lệnh của Hội Đồng Bộ Trưởng, nhà chỉ do nhà nước quản lý, làm gì có chuyện tịch thu. Lệnh đó không một địa phương nào dám làm trái đâu. Còn con anh chắc không đủ điều kiện chớ nhà nước đâu có cấm”.
“Cám ơn anh cho tôi biết luật pháp. Thế nhưng chuyện nhà ba má chúng tôi đang ở bị tịch thu là sự thật, vì ba má tôi đang ở thì địa phương ra lệnh đuổi ra khỏi nhà, đó không phải là tịch thu thì gọi là gì? Đứa con lớn chúng tôi thi vào đại học với số điểm vượt trên điểm tối thiểu rất cao, nhưng về thành phần trong xã hội thì con tôi vào thành phần thứ 12/13. Đó là lý do con tôi không được học đại học. Xin anh có thể cho tôi biết về thành phần như thế nào không?”
“Thôi. Chuyện riêng tư để sang một bên, chúng ta vào mục đích. Anh cho chúng tôi biết, khi chúng tôi tiếp quản thì những tư liệu cơ bản (tài liệu căn bản) của Cục Mãi Dịch có còn nguyên vẹn tại cơ quan không?”
Đứng là cái bọn này khi “bí” là chuyển đề tài để chạy trốn. Tôi nghĩ như vậy. Và trả lời hắn: 
“Tôi hoàn toàn không biết, vì tôi đã rời khỏi cơ quan này 6 tháng trước đó”.
“Tại cơ quan Mãi Dịch có người báo cáo anh có vào cơ quan này trước khi chúng tôi tiếp quản. Đúng không”.
“Không đúng. Lúc đó mạnh ai nấy chạy bằng chứng là trên mọi ngã đường rất hỗn loạn. Tôi phải lái xe quanh co tìm đường về nhà, đâu có thì giờ để ghé vào đó làm gì”. (Thật sự tôi có ghé thăm, cũng là để chia tay các cộng sự viên cũ của tôi)
Cả ba tên luân phiên đặt câu hỏi: 
“Anh cho biết về tổ chức và hoạt động của ngành Mãi Dịch trong quân ngụy như thế nào? Ảnh hưởng quân sự, ảnh hưởng kinh tế ra sao?”
“Về tổ chức. Tại trung ương, chúng tôi có Cục mãi Dịch. Tại các địa phương là Đà Nẳng, Qui Nhơn, Nha Trang, và Cần Thơ, mỗi nơi chúng tôi có một Sở mãi Dịch. Về hoạt động. Trong thời gian tôi giữ chức Cục Trưởng, hằng năm chúng tôi mua hàng của các nhà sản xuất trên dưới 30 tỷ bạc Việt Nam để cung cấp cho quân đội. Ngoài ra, cơ quan Mãi Dịch Lục Quân Hoa Kỳ tại Việt Nam, cũng đấu thầu mua những mặt hàng do kỹ nghệ Việt Nam sản xuất để viện trợ cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi. Trị giá mua hàng hằng năm bằng hoặc cao hơn trị giá do cơ quan Mãi Dịch chúng tôi mua. Các cơ quan truyền thông thường dùng nhóm chữ “xuất cảng nội biên” để chỉ cho sự kiện này. “Xuất cảng nội biên”, vì các công ty bán hàng ngay trong nước nhưng nhận tiền bằng mỹ kim. Sự kiện mua hàng trong nước, cho dù Mãi Dịch Việt Nam hay Mãi Dịch Hoa Kỳ, đã góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam chúng tôi phát triển.”
“Anh có xác nhận điều anh nói là đúng không?”
“Những gì tôi vừa nói, chính là những việc mà trước đây là nhiệm vụ của cơ quan mãi dịch mà tôi là người trách nhiệm. Còn tin hay không tin, tùy các anh”. 
Im lặng một lúc, một tên nói: 
“Anh vào trại viết lại cho tôi những gì anh nói hôm nay. Trưa mai có người gọi anh ra gặp chúng tôi”.
“Vâng. Chào các anh”.
Chiều và tối hôm ấy tôi viết lại. Cũng như những lần bị thẩm vấn trước, tôi đều lưu lại bản nháp để thỉnh thoảng xem qua cho nhớ đề phòng sau này nếu bị hỏi còn nhớ mà trả lời. Kinh nghiệm cho thấy, nếu lần sau trả lời không giống lần trước thì chúng nó vặn vẹo đủ điều, vì nghi ngờ mình giấu điều gì đó. Khi chúng nó nghi ngờ, không chỉ vặn vẹo điều nghi ngờ đó mà chúng còn vặn vẹo những điều khác nữa. 
Hôm sau, lại theo tên võ trang hướng dẫn. Đứng bên ngoài một lúc, chẳng thấy ai. Tên võ trang bảo tôi đứng chờ, hắn vào trong. Khá lâu, hắn trở ra gọi tôi. Vào nhà cũng chẳng thấy ai. Khoảng 5 phút sau, ba tên hôm qua lần lượt bước ra. Một tên chỉ cái ghế để riêng ở đầu bàn nhưng khoảng cách bàn chừng 1 thước:
“Anh ngồi xuống”.
Chừng như hắn sợ tôi điều gì, nên không cho tôi ngồi sát bàn như hôm qua. Hắn vừa ngồi xuống, cầm trên tay những trang giấy tôi đưa và hắn đốp chát:
“Những hầm bí mật ở Long Bình và ở Bộ Tổng (Tham Mưu) của anh ở chỗ nào?”
“Nếu tôi nhớ không sai thì trước đây tôi đã trả lời câu này ba lần rồi. Tôi xin lặp lại để trả lời câu hỏi của anh. Trong quân đội chúng tôi không có khái niệm về hầm bí mật, chúng tôi chỉ có hầm nửa nổi nửa chìm ở căn cứ Long Bình để tồn trữ điện trì dùng cho máy truyền tin thôi. Tôi nghĩ thời gian đã gần 3 năm rồi, nếu như chúng tôi có hầm bí mật thì các anh tìm ra đâu có gì khó, vì tất cả đều trong sự kiểm soát của các anh mà”.
Cả ba tên châu mắt nhìn tôi, tuy không đằng đằng sát khí nhưng không kém hằn học. Cả ba cùng vào trong không để lại lời nào cho tôi. Áng chừng 5 phút sau, một tên bước ra với vẻ mặt hầm hầm:
“Trước đây, anh đã ngoan cố chống cách mạng. Đảng với nhà nước khoan hồng cho anh mà anh không biết hối cải, vẫn tiếp tục ngoan cố, không hợp tác với cách mạng. Anh có biết anh là gì không?”
“Vâng. Tôi biết. Tôi là tù của các anh, trong tay các anh. Anh nói tôi ngoan cố, xin anh cho tôi trình bày còn anh có tin hay không là tùy anh. Anh nói trước đây tôi chống cách mạng, trong khi tôi là một công dân Việt Nam Cộng Hòa, thi hành lệnh gọi của chánh phủ tôi, khi vào quân đội thi hành lệnh của cấp chỉ huy tôi. Bây giờ anh nói tôi ngoan cố không hợp tác, trong khi tôi cố gắng trả lời câu hỏi của các anh về những gì mà tôi biết. Các anh vẫn nói tôi ngoan cố, nói tôi chống cách mạng trong khi tôi chống lại các anh là tôi thi hành đúng bổn phận một công dân Việt Nam Cộng Hòa trên phần lãnh thổ miền Nam. Bây giờ tôi biết nói thế nào với các anh”.
Hai tên kia bước ra với thái độ nhẹ nhàng so với lúc nảy, một trong hai tên mặc quân phục khá tươm tất, có vẻ là trưởng của toán này:
“Sang vấn đề khác. Anh cho chúng tôi biết: Tư duy của anh tại sao các anh thua chúng tôi nhanh như vậy?”
“Xin hỏi cho rõ để tôi trả lời đúng câu hỏi: Có phải anh hỏi tôi suy nghĩ gì về sự kiện chúng tôi thua các anh nhanh quá phải không?” 
“Đúng”.
“Tôi xin trả lời. Trong lần đầu tiên tôi bị thẩm vấn tại Sài Gòn, tôi đã trả lời câu hỏi tương tự như vậy. Lúc ấy tôi trả lời rằng, câu hỏi của anh cũng chính là câu tự hỏi của tôi, cũng như của các bạn tôi cùng làm việc ở Bộ Tổng Tham Mưu nữa. Và bây giờ tôi cũng chỉ trả lời anh được như vậy thôi. Tôi không biết cho đến bao giờ, tôi mới tìm được câu trả lời thích đáng cho chính bản thân tôi”.
“Anh có điều gì giấu cách mạng phải không?”
“Không. Tôi không có điều gì giấu cả. Với lại chúng tôi đã thua các anh gần 3 năm rồi, có giấu cũng chẳng lợi ích gì, trái lại chỉ có hại thôi”.
Lại im lặng. Một lúc sau:
“Anh viết vào xấp giấy này những gì mà anh đã nói với chúng tôi. Bây giờ anh vào trại được rồi. Chúng tôi sẽ gọi anh sau”.
“Những câu hỏi này tôi đã trả lời lúc ở trại Tam Hiệp trong Nam rồi mà. Bây giờ tôi cũng viết lại nữa sao?”
“Tôi bảo anh viết là anh viết, đừng có hỏi dài dòng.” 
“Vâng. Chào các anh”. 
Dù sao thì tôi cũng phải thận trọng trong cách trả lời với bọn chúng. Lúc bị thẩm vấn ở Sài Gòn và tại trại tập trung Tam Hiệp (Biên Hòa), sự hiểu biết của tôi về cộng sản nhất là về sự gian manh dối trá của chúng, làm cho tôi giống như “người điếc không sợ súng” nên tôi trả lời gần như một cuộc đấu lý với bọn chúng. Nhưng khi ngồi trên phi cơ C130 bị còng tay trên đường chuyển từ trại tập trung trong Nam ra Bắc, tôi mới khẳng định mình là tù chính trị của bọn chúng. Vì vậy mà sự thận trọng để giữ thái độ chừng mực, nhưng vẫn giữ được nội dung trong những câu trả lời để không đến mức bị chúng hành hạ. 
Hai ngày sau, tên võ trang dắt tôi đến gian nhà nhỏ trước khi đến cây cầu bị sập mà có lần Tổ chúng tôi lên núi đốn cây làm lại. Trên đường từ trại ra đến đường trải đá, gian nhà này bên trái, cạnh dòng suối nhỏ. Hôm nay bốn tên nhưng không có tên nào trong những nhóm thẩm vấn trước đây. Bọn chúng mặc quân phục nhưng vẫn không thể biết cấp bậc họ tên gì cả. Vào đầu có vẻ lịch sự so với những toán trước:
“Chào anh. Mời anh ngồi. Anh dùng chè được chứ?”
“Chào các anh. Vâng, tôi uống trà được.”
Hắn rót mời tôi một chun: “Trông anh khỏe nhỉ!”
“Cám ơn. Tôi vẫn khỏe.”
“Gia đình anh có khỏe không?”
“Theo thư tháng trước thì gia đình tôi khỏe, còn tháng này thì chưa có thư”. 
“Anh cho chúng tôi biết những hầm bí mật của các anh ở chỗ nào?”
“Sao lần nào các anh cũng hỏi tôi câu này vậy?”
Bắt đầu có chút gắt gỏng: 
“Tôi hỏi là anh trả lời. Anh không được phép hỏi lại.”
“Vâng. Tôi trả lời. Trong quân đội chúng tôi không có khái niệm về hầm bí mật. Tất cả quân trang quân dụng của chúng tôi đều tồn trữ trong các nhà kho hoàn toàn xây dựng trên mặt đất, ngoại trừ điện trì dùng cho máy vô tuyến là tồn trữ trong những hầm nửa nổi nửa chìm thôi.”
“Đơn giản thế thôi à?” 
“Đúng. Chỉ có vậy thôi”. 
“Trong thời gian cách mạng giải phóng Phước Long với Darlac, các anh chở vũ khí khí tài đem giấu ở đâu?”
“Trong thời gian Phước Long và Ban Mê Thuột bị các anh đánh chiếm, chúng tôi chuyển lương thực, đạn dược, với nhiên liệu từ Qui Nhơn lên Plei Ku cho công cuộc phòng thủ trên Cao Nguyên. Ngoài ra chúng tôi không giấu bất cứ thứ gì, chúng tôi không nhận lệnh nào phải chôn giấu vũ khí từ cấp chỉ huy của chúng tôi.” 
“Anh ngoan cố. Trước đây anh trả lời với các đồng chí của tôi, anh có nói chở lên Cao Nguyên giấu. Vậy, các anh giấu ở đâu?”
“Tôi không ngoan cố. Tôi chưa bao giờ trả lời bất cứ điều gì liên quan đến lượng hàng chúng tôi chuyên chở lên Plei Ku là đem giấu cả. Như tôi vừa trình bày, chúng tôi đưa lên Plei Ku để dự trữ cho lực lượng trú phòng ở đó dự trù khoảng 20.000 quân chống lại các cuộc tấn công của các anh. Mà thật ra cũng chưa anh nào hỏi tôi câu ấy cả”
“Anh có chắc thế không?”
“Chắc chắn.” 
Tên đó đứng dậy, vào trong. Tên thứ nhì hỏi:
“Mỗi tháng anh lãnh được bao nhiêu đô la Mỹ?”
‘Tôi không lãnh đồng đô la nào cả.”
“Anh làm Đại Tá không lãnh lương à?”
“Tôi đâu có nói là tôi không lãnh lương. Tôi xác nhận có lãnh lương hằng tháng nhưng không phải bằng đô la mà bằng đồng bạc Việt Nam chúng tôi. Với lại tôi là sĩ quan Việt Nam, chiến đấu cho tổ quốc Việt Nam, sao tôi lại lãnh đô la Mỹ.”
“Thế tiền viện trợ của Mỹ đi đâu?”
“Ồ! Anh muốn biết tiền viện trợ của Mỹ đi đâu hả? 
“Anh trả lời tôi ngay, đừng có dài dòng”.
“Tôi trả lời anh đây: “Câu này ít ra có một lần tôi đã trả lời với các anh khi còn ở trại tập trung trong Nam. Trên các phương tiện truyền thông trong nước cũng như ngoại quốc, chỉ nói đến số tiền Mỹ viện trợ quân sự cho quân đội chúng tôi, nhưng thật sự không một đồng đô la nào đến với quân đội chúng tôi cả, mà tất cả ngân khoản viện trợ đó biến thành súng đạn, xe tăng thiết giáp, phi cơ, chiến hạm, xăng dầu, máy móc theo nhu cầu quân đội chúng tôi. Nói chung là không một đồng đô la nào nằm trên sổ lương của bất cứ quân nhân nào kể cả Tướng Lãnh, Thủ Tướng, hay Tổng Thống.”
Lại im lặng một lúc: 
“Anh ngồi yên đó.” Nói xong cả ba tên cùng vào trong.
Có vẻ như bọn chúng nó cho rằng quân lực Việt Nam Cộng Hòa lãnh lương bằng đô la Mỹ hay sao ấy? Tôi rất muốn hỏi lại hắn: “Bộ ngoài Bắc các anh lãnh lương bằng đồng bạc của Nga hay của Trung Hoa sao, nhưng từ khi khẳng định tôi là tù chính trị nên giảm bớt cơn điếc rồi, và vì bớt điếc nên biết sợ súng một cách chừng mực. Vì vậy mà không dám hỏi hắn. Chun trà hắn mời lúc nảy bây giờ tôi mới uống. Trà đắng quá”.
Hai tên trở ra. Ngồi vào bàn là tấn công ngay;
“Trong nội thành thành phố Hồ Chí Minh, các anh chôn giấu vũ khí khí tài ở những địa điểm nào?” 
“Chúng tôi không hề chôn giấu bất cứ quân trang quân dụng nào cả.”
“Có người khai anh ra lệnh cất giấu nhiều nơi trong nội thành?”
“Xin các anh bảo người khai đó đưa các anh đến tận chỗ xem. Phần tôi, tôi xác định là chúng tôi không hề chôn giấu gì cả.” 
Thưa quí vị quí bạn, thật ra chúng tôi có dự trữ gạo, lương khô, mì gói, nhiên liệu, đạn dược ở các khu Hạnh Thông Tây, Hóc Môn, Khánh Hội, Cầu Chữ Y, Phú Lâm, khu vực Cục Công Binh bao gồm Quân Tiếp Vụ, và Bộ Tổng Tham Mưu, dự trù cho lực lượng phòng thủ Sài Gòn khoảng 20.000 quân đủ để đánh nhau trong 30 ngày. Cái lợi thế của ngành Tiếp Vận chúng tôi là những khu đó có sẳn kho tồn trữ chớ không phải thiết lập các kho mới, nên bọn chúng có trưng dẫn các kho đó ra cũng không đủ chứng minh là tôi ngoan cố. Nhưng tôi không khai, vì nghĩ rằng khi tôi khai thì bọn chúng sẽ tiếp tục vặn vẹo tôi nữa. 
Tên thứ ba trở ra, và hỏi ngay: 
“Cấp chức của anh là gì?”
“Tôi là Đại Tá, Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận”.
“Trong quân ngụy, Tham Mưu Trưởng có nghĩa là gì?”
“Theo tổ chức trong quân đội chúng tôi, bên trên là bộ tư lệnh hay bộ chỉ huy tùy theo cấp bộ của cơ quan hay đơn vị, bên dưới là bộ tham mưu và sĩ quan trách nhiệm điều hành bộ tham mưu là Tham Mưu Trưởng”.
“Với cấp chức của anh, tại sao anh không biết những địa điểm chôn giấu?”
“Tại vì quân đội chúng tôi không có khái niệm về hầm bí mật để chôn giấu gì cả, và vì không chôn giấu nên tôi trả lời các anh là không có”. 
Lại hưu chiến lần nữa, cả ba tên bước ra sân thì thầm gì đó. Khi ngồi vào bàn, bỗng dưng bọn chúng nhẹ giọng:
“ Bây giờ cũng muộn rồi, bộ đội đưa anh vào trại, chúng tôi sẽ gọi anh sau”.
“Vâng. Chào các anh”.
Lần này thì chúng không bảo tôi viết lại những gì khai báo như những lần trước. Tưởng là được nghỉ khỏe. Nhưng không, chiều tối hôm ấy tên quản giáo đưa tôi xấp giấy bảo vẽ lại tổ chức bộ tham mưu Tổng Cục Tiếp Vận.
Sau đó, cứ một vài hôm là tôi bị gọi một lần. Có khi suốt cả tuần, cũng có tuần ba bốn ngày. Bọn họ dường như là hai toán khác nhau và rất có thể tất các toán thẩm vấn tôi từ trong Nam ra đến đất Bắc này cùng trong một tổ chức. Họ hỏi đi hỏi lại nhiều lần, có lẽ để xem những câu trả lời của tôi trước sau có khác nhau không. Bọn họ thẩm vấn tôi từ khi còn ở nhà cho đến khi vào trại tập trung trong Nam rồi chuyển ra ngoài Bắc này, đến lúc ấy cộng chung là 48 ngày, kể cả những ngày viết lại những gì đã khai. 
Điểm lại những câu hỏi về Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, về viện trợ, về chuyển vận, tồn trữ, sửa chữa quân dụng, về hoạt động của ngành Mãi Dịch, cách thức đấu thầu mua hàng, nhưng hầu như toán nào cũng trở lại ba câu hỏi:
- Tại sao các anh thua nhanh như vậy? 
- Những hầm bí mật chôn giấu vũ khí ở đâu? 
- Và Trung Tướng Khuyên còn ở lại Sài Gòn không?” 
Sau lần thẩm vấn cuối cùng, tôi theo Tổ đào hốc trồng bí rợ. Cũng như năm trước, ngay ngày đầu năm âm lịch là trồng khoai mì, tiếp đó là trồng bí rợ. Phân bón cho bí rợ là phân xanh và phân chuồng. Tôi với anh Nguyễn Thế Lưỡng (Đại Tá Thủy Quân Lục Chiến) cùng một khiêng. Chúng tôi cùng bốn cặp khiêng nữa, lang thang theo sau bầy bò trên đường đá lên hướng Liên Trại, gặp một toán cộng sản có lẽ là sĩ quan. Một tên trong số đó ra dấu chận chúng tôi lại:
“Trông các anh tiến bộ nhiều so với năm mới đến đây. Xã hội chủ nghĩa là không phung phí bất cứ thứ gì làm ra của cải cho xã hội, trước mắt là cho chính các anh. Tích cực thêm nữa nhé!”
Nói xong là hắn cười một cách kiêu hãnh, như vừa ra cái điều “giáo dục tù chính trị” chúng tôi ấy. Tôi nói với anh Lưỡng:
“Mình đi khiêng cứt bò là làm theo lệnh của chúng nó, chớ ở đó mà tiến bộ hay không tiến bộ. Chúng nó tưởng nói như vậy là mình khiêng nhiều hơn à!

*********

- bảy -

Trại tập trung Nam Hà.

*****

Xin quí vị quí bạn vui lòng ngược dòng thời gian vào chiều ngày 08/04/1978, tại trại 2 Liên Trại 1 Đoàn 776, ở vùng rừng già bờ nam Sông Hồng, cách thị xã Yên Bái khoảng 6 cây số. Tất cả tù chính trị chúng tôi được lệnh ra khu vực lao động mang tất cả dụng cụ về trả kho, và chuẩn bị chuyển trại. Vậy mà buổi sáng, tên quản giáo còn ra lệnh cho Tổ chúng tôi:
“Các anh sang Tổ bên kia đòi lại 10 hốc bí đỏ, tiêu chuẩn của hai anh bên đó chuyển sang Tổ bên này”.
Trước khi chúng tôi đi, hắn còn nhấn mạnh: 
“Trong ngày mai, các anh phải hoàn tất chỉ tiêu đã giao”. 

Chúng nó đánh lừa chúng tôi để bảo mật đó. Với cái lệnh chuẩn bị chuyển trại, tội cho các anh Tổ nhà bếp là vất vả nhất, vừa nấu cơm buổi chiều lại vừa nấu cơm cho cả trại để ăn dọc đường vào ngày mai. Khẩu phần mỗi người là bốn củ khoai mì với gói thịt chà bông mà họ gọi là ruốc, mặn ơi là mặn cho bữa ăn sáng , và một chén cơm nếp với một miếng thịt heo ram mặn bằng ba ngón tay cho bữa ăn trưa trên đường chuyển trại. 
Đêm đó hầu như anh em chúng tôi ngủ rất ít, vì cái số phận long đong cứ vật vờ trước mắt, nhưng lần này chẳng anh nào bàn luận như lúc ở trại tập trung Tam Hiệp trước khi chuyển ra Bắc hồi giữa tháng 6 năm 1976. Dường như chúng tôi có chút kinh nghiệm về bọn chúng nó mỗi khi chuyển trại!

2 giờ sáng. Đám quản giáo với võ trang vào các lán trại gọi chúng tôi dậy: 
“Các anh mang tư trang tập trung tại hội trường”. 

Một cái lệnh khô khan vang vọng cả trại 2. Bọn chúng tổ chức mỗi xe chở 30 tù chính trị. Có hơn chục anh từ trong trại 3 chuyển ra nhập vào trại 2 chúng tôi. Nghĩa là trại 2 và trại 3 cùng chuyển trại. 
Hì hà hì hục dưới cơn mưa lất phất đủ làm cho mọi người ướt loi ngoi lóp ngóp khi đến nơi xe đậu. Chẳng biết ngẫu nhiên với thời tiết, hay thời tiết muốn thử sức chịu đựng của chúng tôi thêm hay không, mà cứ mỗi lần chuyển trại trong vài năm qua đều tay xách nách mang dưới cơn mưa nhè nhẹ! Trời mờ sáng, đoàn xe lăn bánh. Trại 2 đi trước với 5 chiếc Molotova già cỗi. Đến Sông Hồng ngang thị xã Yên Bái, chúng tôi xuống xe, đi bộ lên phà. Sang bên kia bờ. Trong khi đứng chờ xe từ phà lên, rất đông người dân Yên Bái đứng dọc đường nhìn chúng tôi với thái độ hoàn toàn trái ngược với gần hai năm trước. Rõ ràng là người dân nơi đây có thiện cảm với chúng tôi sau thời gian họ có cơ hội tiếp xúc với chúng tôi. Khi đoàn xe lăn bánh, hầu như tất cả già trẻ lớn bé, đều giơ tay cao vẫy vẫy như một cử chỉ thân thiện khi tạm biệt. Vậy là cộng sản đã thất bại, vì họ đã tuyên truyền trong mục đích tạo dựng hình ảnh chúng tôi như những con người tàn bạo đến mức ăn thịt con nít để được thăng cấp, nhưng giờ đây qua thái độ cũng như hành động của những người tù chính trị chúng tôi, đã đánh bại nỗ lực của cộng sản trong lòng người dân vùng rừng núi Tây Bắc Hà Nội.

Tại Yên Bái, có thêm anh Nguyễn Văn Thọ (Đại Tá Nhẩy Dù, bị chúng nó bắt trong trận Hạ Lào đầu năm 1971) lên xe chúng tôi. Lúc ấy chúng tôi mới biết là đám quản giáo trong trại 2 lẫn trại 3 đã nói dối với chúng tôi, khi bọn chúng ra cái điều khoan hồng nhân đạo là mặc dù anh Thọ gây tội ác tầy trời, nhưng đảng với nhà nước của chúng đã thả về nhà rồi. Đúng ra bọn chúng phải trao trả anh Thọ theo điều khoản trao trả tù binh ghi trong Hiệp Định Paris ngày 27/01/1973, thế nhưng bọn chúng ngoan cố không trao trả, nay còn nói là khoan hồng nhân đạo. Bản chất của cộng sản là gian trá mà! Trước đây anh Thọ là tù binh, sau tháng 4 năm 1975 anh trở thành tù chính trị như chúng tôi mà bọn chúng vẫn gọi là học tập cải tạo! 

Trong năm 1955 và 1956, tôi với anh Thọ cùng là Trung Úy, cùng phục vụ tại Trung Đoàn 35 Sư Đoàn 12 Khinh Chiến. Cuối năm 1955, Trung Đoàn 35 đồn trú ở Cheo Reo (sau này là tỉnh Phú Bổn), đầu năm 1956 chuyển đến doanh trại cạnh đồn điền trà Catecka, cách Plei Ku trên dưới 10 cây số về phía Tây. Năm 1957, anh Thọ chuyển sang Nhẩy Dù, tôi vẫn phục vụ ở Trung Đoàn 35 Bộ Binh.
Trên hành trình, tôi ăn hết mấy củ khoai mì với cái túi thịt chà bông quá mặn. Giữa trưa, đoàn xe dừng lại đoạn đường trống trải cả hai bên. Mọi người xuống xe ăn trưa. “Cai tù” ăn theo cai tù, tù ăn theo tù. Anh Trần Văn Lễ đưa tặng tôi mấy củ khoai mì, vì anh bị bệnh trỉ mới thuyên giảm nên không dám ăn những thức ăn có chất xơ. Cũng nhờ mớ khoai mì “tăng viện” này cộng với chén cơm nếp mới giải quyết ổn thỏa cái bao tử của tôi. Chẳng biết tại sao lúc nào tôi cũng cảm thấy đói c ả.
Trong lúc ăn trưa, ngồi nhìn đoạn đê ngăn nước Sông Hồng làm tôi chợt nhớ đến cuối những năm 30 khi ấy tôi học lớp élémentaire (lớp nhất trường làng), trong quyển “Quốc Văn Giáo Khoa Thư” xuất bản trên đất Bắc. Đa số các bài học đều mô tả sự kiện và con người miền Bắc, trong đó có nói về hệ thống đê điều và mục đích của nó đối với sinh hoạt nông thôn vùng đồng bằng Sông Hồng. Bây giờ tôi mới thấy tận mắt. Nếu dùng kích thước của những bờ đê trên đồng ruộng miền Nam để nói, thì hệ thống đê điều miền Bắc quả là qui mô hơn tôi nghĩ. Cũng từ nét nhìn này, tôi mới hình dung được sức tàn phá bên trong đê khi đường đê bị đứt đoạn.

Xế chiều, đoàn xe qua cầu Long Biên ngang Sông Hồng, vào thành phố Hà Nội. Nhưng đoàn xe chỉ chạy trên những con đường ven ngoại ô, nên chẳng thấy phố phường Hà Nội ra làm sao cả, nơi mà những năm 30-50 nổi danh với 36 phố phường và 5 cửa ô. Đoàn xe tiếp tục trên quốc lộ 1 hướng xuống Nam Định. Đến thị xã Phủ Lý, rẽ phải, và dừng lại ngay trước khi đến chiếc cầu phao ngang sông Đáy. Người dân từ những dãy phố lụp xụp túa ra nhìn từ phía sau xe vì hai bên bị phủ kín bằng “tấm bạt”. Nhóm thanh niên nam nữ tuổi choai choai, đứng sau xe chúng tôi, họ chỉ chỏ:
“Bọn Pôn Pốt đó”.
“Chúng nó nói tiếng Việt mà Pôn Pốt gì”.
“Bọn Pôn Pốt cũng nói tiếng mình chứ”.
“Không phải đâu. Người ta nói bọn Pôn Pốt đen và xấu lắm, còn bọn này giống Việt Nam mình”.
“Này. Ngụy đó. Đừng nói lớn, chúng nó nghe đấy”.


Anh em chúng tôi không ai nói gì đến đám choai choai hỗn xược đó, vì hai thằng võ trang ngồi trên tấm bửng xe đang lườm mắt trong khi vẫn ghìm súng vào chúng tôi trong lòng xe. 
Đoàn xe tiếp tục hành trình sau khi qua chiếc cầu phao. Điều lạ là cuối đoàn xe có chiếc xe chở toán Công An mặc đồng phục vàng. Tôi kề tai nói nhỏ với anh Đặng Văn Hậu (Đại Tá Không Quân):
“Hậu ơi! Liệu có phải tụi mình vô tay đám Công An này không?”
“Tụi mình mà vô tay bọn Công An thì khốn nạn với chúng nó đấy”.
“Anh thử đoán xem có phải chúng mình vào tay Công An không?”
“Ai mà biết được cái bọn này. Tớ là người Bắc, dòng họ của tớ ngoài Bắc vô Sài Gòn sau khi mình sụp đổ, họ nói về cái bọn Công An mà dân của họ ngoài Bắc còn chịu không nỗi, tụi mình mà vô tay chúng nó thì khốn khổ là cái chắc!”


Theo đường liên tỉnh 21 có đoạn song song với Sông Đáy về hướng tây bắc, cả đoạn đường này xấu quá nên đoàn xe chạy rất chậm. Đến một đoạn quanh khá rộng và trống trải, tôi khều anh Hậu:
“Hậu. Sao đoàn xe bây giờ còn có mấy chiếc hà. Lúc qua Sông Hồng ở Yên Bái, mình trông thấy mười mấy chiếc lận mà”.
“Chắc nó còn đằng sau chớ đâu”.
Đến đoạn đường quanh gần như chữ U, tôi lại khều anh Hậu:
“Hậu. Vùng rừng núi này mà sao có khu nhà ngói bên kia thung lũng giống như trại lính kìa Hậu”.
“Ừ nhỉ!”


Nam Hà: Giai đoạn 1978-1981
Khoảng nửa giờ sau đó, đoàn xe dừng lại trước cổng khu nhà ngói mà lúc nảy tôi với anh Hậu trông thấy. Nhìn lên tấm bảng có dòng chữ “Trại tập trung cải tạo Nam Hà”. Đoàn xe 5 chiếc Molotova vào hẳn bên trong. Dừng lại giữa cái sân khá rộng, nền đá nên có phần sạch sẽ. 
“Các anh mang tư trang xuống xe”. 

Cái lệnh đầu tiên của đám Công An rất khô. Ngay sau đó, bọn Công An dẫn các bạn trong 4 xe đầu vào buồng giam số 15 và 16. Còn các bạn trên xe cuối cùng là 27 người -tôi trong số này- bọn họ dẫn vào buồng giam số 5. Lúc ấy cửa khóa, chúng tôi ngồi bên ngoài. Một tên Công An nhỏ nhắn đến cho biết:
“Nhà bếp đang chuẩn bị cơm cho các anh. Có một điều tôi cần báo cho các anh biết, bữa ăn hôm nay là bữa ăn đột xuất, từ mai trở đi các anh sẽ không có những bữa ăn như thế. Ngày mai, các anh làm những thủ tục theo qui định. Tiếp đó sẽ học nội qui của trại, và sẽ đi lao động như các đội khác”. 
Nói xong, hắn chắp tay sau đít, ra cửa khuôn viên buồng giam.

Vẫn ngồi ngoài cửa. Mấy anh tù hình sự đem cơm tới. Bữa ăn ngoại lệ này mà tên Công An vừa nói là “đột xuất”, gồm có cơm trắng + canh bắp cải + su hào xào thịt heo. Chia xong, mỗi khẩu phần được gần hai chén cơm, nửa chén canh mà trong đó có 6 miếng bắp cải, khoảng chục lát su hào cùng với 2 miếng thịt lớn bằng hai ngón tay kẹp lại. Nhưng khẩu phần ngoại lệ ít ỏi này lại là sự thèm thuồng của các bạn đằng sau hàng song sắt, vì khi phân chia xong thì hai bạn từ bên trong đưa cái chén nhỏ ra xin mấy lát su hào với một miếng thịt bé xíu còn dính bên hông cái chậu nhỏ! Vài bạn trong số chúng tôi moi ra từ trong những cái túi cái bịt được mấy củ khoai mì bắt đầu “đổ mồ hôi”, mà các bạn đằng sau hàng song sắt tranh nhau nhận lấy và ăn ngấu nghiến ngon lành! Điều này báo hiệu cho chúng tôi biết ăn uống ở trại tập trung này chắc chắn là tệ hơn trại tập trung Yên Bái nữa, và nó sẽ là hình ảnh của chúng tôi trong những ngày sắp tới! 

Một tên Công An cầm xâu chìa khóa thật lớn vừa đến. Sau hai tiếng lách cách, cửa buồng giam mở ra. Hắn đứng ngay cửa:
“Các anh từng hai người một, từ từ đi vào”. 

Đếm đủ. Ngay tức thì, tiếng cánh cửa ập vào, âm thanh réc-réc của thanh sắt đẩy ngang, tiếng ống khóa “crắc” khô khan. Thế là 27 anh em chúng tôi đang ở đằng sau hàng song sắt, nếu nhìn từ chỗ chúng tôi ăn cơm lúc nảy! Việc đầu tiên là phân chia chỗ nằm. Các bạn trẻ trong buồng giam chia cho chỗ nào thì nằm chỗ đó, cho nên anh em chúng tôi nằm rải rác, người trên nền xi măng, người trên gác bằng ván. Cũng may là tôi + anh Huỳnh Thanh Sơn + và anh Đặng Văn Hậu, nằm cạnh nhau trên sàn gác. Vẫn là những cái cõi không gian bé tí. “Nhập buồng giam, tù mới tùy thuộc tù cũ” mà! Vài nét sơ khởi: Buồng giam -bọn Công An gọi như vậy- có 5 gian thì 4 gian là chỗ nằm, gian còn lại là chỗ vệ sinh kể cả cầu tiêu có thùng chứa. Vừa trệt vừa trên gác, có 18 cửa sổ kể cả cửa sổ ở đầu hồi, với những song sắt tròn và lớn. Lần đầu tiên tôi nhận ra cảm giác sợ hãi khi thấy mình bị khóa chặt trong bốn bức tường đá tảng chật hẹp này! Nhưng sau một ngày dằn xốc và ướt át, chúng tôi cũng có giấc ngủ qua đêm.
Tiếng kẻng đánh thức khi trời mờ sáng, tôi nói với anh Hậu:
“Hậu ơi! Cứ mấy bạn ấy làm sao thì mình làm vậy cho chắc ăn nghe Hậu”.
‘Tù mới phải theo tù cũ mà. Cứ thế ta làm thôi”.


Nhưng đâu phải cứ tù cũ làm gì thì tù mới làm theo được, chẳng hạn như các bạn tù cũ có để dành nước sáng rửa mặt rửa mũi, trong khi tù mới chúng tôi không một ai có lon nước nào cả. Thế là đành phải chờ ra cửa hẳn hay. 
Trông thấy các bạn tù cũ ghi danh lia lịa, tôi hỏi:
“Xin lỗi, các bạn ghi danh sách gì vậy? Chúng tôi có cần ghi vào đó không?”
“Chúng tôi ghi bệnh, mấy chú có cần ghi không?”
“Cám ơn. Ba anh em chúng tôi không sao”.

Tiếng khóa lách cách ngoài trước. Tiếng réc réc của thanh sắt kéo qua. Cửa mở. Một bạn tù cũ nghe các bạn khác gọi là “buồng trưởng” bước ra trước, đứng đối diện với tên Công An mà các bạn tù cũ gọi là “cán bộ trực trại”:

“Bác cáo cán bộ. Buồng 5 tổng số 47, kể cả số mới đến đêm qua. Chờ lệnh cán bộ”.
“Được. Cho ra”.


Thế là từng đôi hai người ra cửa. Đôi đầu tiên ra đến bờ tường thì đứng lại, chờ hắn đếm xong và đủ mới cho tan hàng. 
Nhà bếp đẩy xe nước đến, hai phích nước (x 10 lít) còn nóng vừa để xuống là bà con tù trong buồng giam, nhanh tay lẹ chân đem lon guigoze đem ca ra nhận phần nước của mình, do một bạn tù có trách nhiệm “trực buồng giam” phân chia, mỗi người nửa lon guigoze. Nước thì nóng nhưng không ai biết có sôi hay chưa, với lại đục ngầu, dẫu sao thì cũng có nước đánh răng rửa mặt còn hơn không. Sau khi nhận phần nước xong, bạn nào có ghi tên khám bệnh phải nhanh chân lẹ tay chạy ra “câu lạc bộ” để được bác sĩ khám sơ sơ rồi về nghỉ. Nếu bác sĩ thấy cần cho bệnh nhân ăn cháo thì bác sĩ cung cấp danh sách cho nhà bếp. Bác sĩ nói ở đây cũng là tù chính trị chớ chẳng ai khác, nhưng vì đông quá mà chỉ có thời gian 30 phút để khám hằng mấy chục bệnh nhân của cả trại, nếu không khám sơ sơ thì lấy đâu ra thời gian. Còn thuốc thì dễ lắm, bất cứ bệnh gì cũng chỉ có thứ thuốc duy nhất là “xuyên tâm liên”, bác sĩ không cần phải suy nghĩ gì cả. Từ sự kiện cả xã hội chỉ có một thứ thuốc duy nhất cho mọi thứ bệnh, tôi nghĩ là đất Bắc Xã hội chủ nghĩa 20 này không có trường đại học dược khoa, vì đâu cần bào chế thuốc men gì mà cất trường cho tốn kém. 
Tiếng kẻng xuất trại vang vang thúc giục mọi tù nhân chính trị lẫn hình sự, ra sân tập họp để bọn Công An trực trại điểm số xuất trại lao động. Khi trực trại cho Đội nào xuất trại thì cán bộ quản giáo và võ trang Đội đó đến nhận ra cổng. Tôi đứng trên gác đầu buồng giam số 5 nhìn ra sân xem quang cảnh xuất trại lao động mà trước sau gì cũng đến lượt chúng tôi. Sau khi hỏi qua anh bạn trẻ trong toán “trực buồng”, được biết vài nét sinh hoạt nơi đây:
Trại này do Công An quản trị và là trại tù chuyên nghiệp chớ không như trước đây do quân đội quản trị. Tổ chức tù chính trị lẫn hình sự gọi là Đội, mỗi Đội cũng có quản giáo với võ trang, nhưng hai tên này chỉ quản trị Đội khi xuất trại lao động, còn khi vào trong trại thì toán Công An trực trại quản trị. Ngoài ra còn có tên Công An quản trị buồng giam trong hệ thống tổ chức của toán trực trại nữa. Nghĩa là mỗi Đội tù chịu sự quản trị của 3 hệ thống: Cán bộ buồng giam, cán bộ trực trại, và cán bộ lao động. Chưa hết, còn có cán bộ văn hóa và cán bộ giáo dục chung cho cả trại nữa. Tổ trưởng trực trại lúc ấy là tên Trung Úy Thịnh mà các bạn tù cũ gọi là “Thịnh khuỳnh”, vì lúc đi hai cùi chỏ của hắn khuỳnh ra. Các bạn cho biết hắn là hắc ám nhất ở trại này để mà đề phòng khi đối đầu với hắn. Nói chung, tất cả những tên Công An trong 3 nhóm quyền lực trên đây, đứa nào cũng có quyền chửi bới hành hạ tù cả. 
Mỗi buồng giam có một khuôn viên riêng, có khóa cửa hẳn hòi. Như vậy, có 3 lần khóa: Khóa cổng trại. Khóa cổng khuôn viên buồng giam. Và khóa cửa buồng giam. 
Khi các Đội xuất trại xong, hai bạn trực buồng giam dùng đòn gánh khiêng thùng phân bắc xã hội chủ nghĩa ưu việt xuống triền đồi đổ vào cái hộc lớn chứa loại này. Các Đội trồng rau mà họ gọi là tăng gia từ dưới thung lũng lên đó khiêng xuống khu vực trồng rau, cho nước vào quậy tan ra và tưới lên rau trái. Nước tiểu thì chảy theo cái cống nhỏ dẫn xuống hộc chứa cạnh hộc chứa phân bắc. Khi đi cầu, bỏ cả giấy vào cái thùng chứa phân bắc, và vì không có nước để dội nên mùi nước tiểu lẫn mùi hôi phân bắc xã hội chủ nghĩa tràn vào các gian nằm của tù! 
Cơm ăn hằng ngày là độn 100%, hay nói cho đúng là ăn toàn bo-bo mà bọn chúng gọi là “mì hạt”. Bo-bo là loại thực phẩm thế giới dành nuôi gia súc, nhất là ngựa. Thức ăn hắng ngày thường là vài lát su hào với mấy cọng rau lênh đênh trong chén nước gọi là canh. Đội nhà bếp khiêng lên giao các toán trực buồng giam và toán này phụ trách phân chia. 
Gần cổng trại có cái giếng rất lớn nhưng rất cạn, cái giếng cạnh buồng giam số 17 & 18, và cái giếng cạnh lối đi vào trạm xá ở cuối một góc trại. Đó là 3 nguồn nước cho tất cả tù chính trị lẫn tù hình sự lúc ấy vào khoảng 800 người sử dụng. Nhà bếp có giếng riêng.

Ban ngày lẫn ban đêm, khi nói chuyện với nhau phải cẩn thận nhất là ban đêm, vì lính Công An tuần tiểu bên ngoài các buồng giam. Đang nói chuyện với anh bạn trẻ trực buồng giam thì tên quản giáo bước vào: 
“Các anh đến chiều qua, khẩn trương ra câu lạc bộ làm thủ tục”.

Gần 200 Đại Tá từ buồng giam số 5, 15, và 16, ra gian nhà xiêu vẹo mà họ gọi là câu lạc bộ, ngồi trên các thanh gỗ gác trên nền mặt xi măng loang lỗ, một lô Công An cả nam lẫn nữ ngồi trên các băng dài. Tên Công An Trại Trưởng nghe như là tên Xuyên, hắn có hàm răng hô hết tầm mức, đứng sau bục gỗ nói oang oang: Nào là Việt Nam ta anh hùng, dân tộc ta anh hùng, chủ nghĩa xã hội là khoa học, là ưu việt, ngọn cờ Mác Lê là bách chiến bách thắng, ..v..v… Thật ra trong vài năm qua, đây là thứ bài bản mà từ tên ngồi trên chót vót xuống đến tên quản giáo quèn, đều học thuộc lòng để phun ra với những ai trước mặt như tù chính trị chúng tôi hôm nay chẳng hạn. Đến đoạn cuối, hắn ra lệnh:
“Để sớm có tiến bộ, các anh phải chấp hành mệnh lệnh của cán bộ đây (vừa nói hắn vừa chỉ vào mấy tên Công An đứng cạnh). Các anh phải gọi các sĩ quan và chiến sĩ là cán bộ. Các đồng chí này trẻ tuổi, nhưng đầy đủ phẩm chất và đạo đức cách mạng, để giúp các anh học tập và lao động tiến bộ. Khi muốn báo cáo với cán bộ, các anh phải đứng xa 6 mét. Đó là lệnh, các anh phải chấp hành cho tốt”.
Hắn nói xong, dù muốn hay không muốn, tù chính trị cũng phải vỗ tay vì hắn vỗ tay trước, rồi đám Công An vỗ tay theo. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, các cấp lãnh đạo lớn nhỏ của họ, mỗi khi phun xong một đoạn trong bài bản thuộc lòng nào đó thì ngưng lại và tự họ vỗ tay trước, cử tọa buộc lòng vỗ tay theo. Lại phun tiếp.
Đến thủ tục bàn giao tù, hồ sơ, và những gì mà chúng tôi buộc phải gởi họ lúc ở trại tập trung Yên Bái. Riêng thuốc tây họ hoàn lại cho từng người tự cất giữ. Ba con bé Công An tuổi khoảng 19-20, mỗi đứa một chồng hồ sơ, gọi từng người mà tôi là trường hợp điển hình để ghi lại đây:

“Phạm Bá Hoa”.
“Có”.
 Nói xong, tôi đứng dậy đến trước mặt con bé trông khá sạch sẽ.
“Tên gì?” 
“Phạm Bá Hoa”.
“Năm và nơi sinh?”
“1930, tại Sóc Trăng?”
“Sóc Trăng ở đâu?”
“Sóc Trăng ở Sóc Trăng”. 
“Không được đùa trước mặt tôi. Sóc Trăng ở đâu?”
“Tôi không đùa. Cán bộ hỏi không rõ nghĩa làm sao tôi trả lời chính xác”.

Con bé nhìn tôi với nét mặt hầm hầm: 
“Sóc Trăng ở Nam Bộ hay Trung Bộ?”
“Sóc Trăng ở miền Nam”. 
“Cấp chức?”
“Đại Tá. Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu”. 
“Ngày bị bắt?”
“Tôi trình diện”.
“Trình diện hay bị bắt cũng vậy thôi. Ngày nào?” 
“Ngày 14 tháng 6 năm 1975”.
“Địa chỉ trước khi bị bắt?”
“X 12, cư xá Bắc Hải, Phường 25, Quận 10, Sài Gòn”.
“Về chỗ”.


Trở lại chỗ ngồi, chờ con bé Công an tóc dài nghe như tên Nguyệt, phụ trách kiểm nhận những gì chúng tôi gởi:

“Phạm Bá Hoa”.
“Có”.
“Đồ vật đăng ký gồm những gì?”
“Một đồng hồ đeo tay hiệu Longines, một chiếc nhẫn vàng 24, nặng một chỉ”.
“Kiểm lại có đúng không?”
 
Cô ta đưa cái túi nhỏ cho tôi. Cái trục đồng hồ tôi đã làm gãy khi ở trại tập trung Tam Hiệp đã bị mốc màu xanh:
“Đúng là của tôi”.
“Còn trong đăng ký (gởi) bao nhiêu tiền?”
“Số tiền tôi gởi còn 35 đồng hoặc sai biệt chút ít”.
“ 34 đồng rưỡi”.
 
Con bé đưa tôi Phiếu Gởi Đồ Vật và Phiếu Lưu Ký (gởi) tiền.
Khi tất cả chúng tôi gọi là làm thủ tục xong, về buồng giam thì anh bạn trực buồng đã chia cho nửa ca bo-bo, mấy lát su hào, với một muỗng nước muối. Ở đây không cho ăn muối hột mà là ăn muối nước. Bữa ăn bo-bo đầu tiên cảm thấy không đến nỗi ghê sợ vì nó ngòn ngọt, tuy là nhai có phần mỏi quai hàm. Anh bạn trẻ bèn chìa kinh nghiệm ra liền:
“Mấy chú mới ăn bữa đầu như vậy đó, chỉ vài hôm thì mấy chú sẽ biết thế nào là bo-bo nguyên võ”.
“Nó làm sao anh bạn?”
“Khi đi cầu thì chú biết liền”.


Thật ra chẳng phải vài ngày gì cả mà ngay sáng hôm sau, khi ngồi bên trên cái thùng đựng phân người. Trời đất ơi, cái hậu môn đau kinh khủng, vì lớp võ lụa còn nguyên nên nó làm rách hậu môn và rỉ máu, đến mức miếng giấy đỏ lòm khi lau nó. Mấy anh bạn trẻ đã “thưởng thức” thứ mì hạt này khá lâu nên từng trải thế nào là nhẩy nhổm khi sản xuất thứ phân bón xã hội chủ nghĩa ưu việt ra ngoài. Các bạn tù trẻ ăn từng hột bo-bo bằng cách dùng cây tăm xỉa răng ghim từng hột cho vào miệng. Ăn như vậy vừa nhai kỷ vừa kéo dài bữa ăn để được sống trong ảo giác là mình ăn nhiều. Nhưng với các anh “chưa mọc răng đầy đủ” (đã nhổ nhiều răng) là khốn khổ như anh Trương Đình Liệu hay anh Nguyễn Hòa Phùng chẳng hạn, phải nghiền nát mới nuốt được.
Ngay chiều ngày thứ hai tại trại tập trung Nam Hà, chúng tôi phải bày ra tất cả những gì mang theo mà họ gọi là tư trang để tên quản giáo buồng giam tên Phụ kiểm soát. Nói cho đúng là tên Phụ đứng nhìn hai tên tù hình sự lục soát chẳng sót món nào. Anh nào có 3 cái lon guigoze trở lên là nó chỉ để lại 2 cái thôi. Tôi có 6 sợi giây dù khá dài, tên quản giáo lấy luôn. “Cai tù” ở đây nghèo lắm, thấy thứ gì của anh em chúng tôi coi được được là nó lấy với lý do:
“Những thứ này các anh không được giữ vì nội qui cấm”.
“Cán bộ cho tôi lại 2 sợi để đi rừng lấy củi”.
“Không được”.


Vậy là ngay chiều hôm nay, hắn đã trấn lột chúng tôi một số đồ tuy không đáng giá bao nhiêu, nhưng những người tù chúng tôi rất cần, như: cái cắt món tay, lưỡi lam cạo râu, cây đèn bấm nhỏ, ..v..v.. Nhớ lại bọn cán bộ với bộ đội trại Tam Hiệp đã trấn lột khá nhiều đồ dùng của chúng tôi, trại tập trung Yên Bái lại trấn lột lần hai, bây giờ bọn Công An trấn lột nữa. Một bạn trẻ -tù cũ- nghe tôi nói trỏng với cái giọng căm tức, anh ta nói theo:

“Mấy chú sẽ còn bị trấn lột nhiều lần nữa chớ không phải chỉ có 3 lần đâu. Ở đây thỉnh thoảng bọn họ bảo mình mang ra cho nó xét. Món gì nó vừa ý là không sớm cũng muộn bị chúng nó lấy thôi”.
“Các bạn bị chúng nó xét mấy lần rồi?”
“Cháu ra đây năm 1976, chưa được hai năm mà bị chúng nó lục xét tịch thu 6 lần rồi. Mỗi lần chúng nó tịch thu một ít. Cả bọn họ cùng một phe trấn lột nên chú đừng hòng báo cáo mà mất công, có khi mình còn bị chụp mũ là nói xấu cán bộ thì đủ thứ phiền hà chú ơi”.

Bo-bo tối xong. Vào mùng. Tôi nói khẻ với anh Huỳnh Thanh Sơn:
“Anh Sơn. Hồi sáng tôi trả lời con nhỏ Công An là tôi trình diện chớ không phải bị bắt, nó nói bị bắt hay trình diện cũng vậy thôi. Điều này làm tôi kiểm lại từ ngày đầu: Từ lúc mình được giữ tiền giữ áo quần cũng như đeo đồng hồ đeo nhẫn, đến chỗ phải móc ra trao cho chúng nó giữ. Từ cách xưng hô gọi chúng nó bằng anh đến gọi chúng nó là cán bộ với bộ đội, bây giờ nó bắt mình phải gọi tất cả chúng nó từ sĩ quan xuống đến lính đều là cán bộ. Từ khoảng cách mỗi khi tiếp xúc như thế nào cũng được, bây giờ phải đứng xa 6 thước. Từ chỗ không đóng cửa đến nay thì 3 lần khóa, khóa cổng trại, khóa cửa khuôn viên, khóa cửa buồng giam. Từ 30 ngày đến 3 năm, và bây giờ chẳng biết là mấy lần 3 năm nữa. Rõ ràng là chúng nó càng lúc càng đẩy chúng mình vào ngõ hẹp đường cùn, anh Sơn hả?”
“Tụi này dã man lắm! Không có điều gì tin được tụi nó cả. Ngẫm nghĩ mà ông Thiệu nói một câu để đời: Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỷ những gì cộng sản làm”. 
“Trong thế giới cộng sản, tôi nghĩ, không có cộng sản nào lưu manh hơn cộng sản Việt Nam đâu anh”. 

Có tiếng bọn Công An đi tuần bên ngoài, tôi vội chuyển sang chuyện khác:
“Hậu ơi, Hậu. Mình nghe nói trại Nam Hà này có đến 3 hay 4 trại chớ không phải chỉ có trại này không đâu. Bạn có nghe vậy không”.
“Hồi chiều tớ nghe nói phía trong trại này có trại B, ngược ra phía ngoài có hai ba trại nữa, nhưng tớ chẳng biết nó nằm ở đâu nữa. Còn trại nhốt tụi mình đây là trại Nam Hà A”.


Ngày kế tiếp, trong khi đang học nội qui có một tên Công An bước vào, tên quản giáo buồng giam giới thiệu là cán bộ giáo dục của trại. Hắn bảo chúng tôi ghi địa chỉ của trại để viết thư về gia đình: “25A-TD63/NH-Hà Nam Ninh”. Mỗi tháng viết thư một lần, mỗi ba tháng được nhận một gói bưu phẩm tối đa 5 kí lô. Trên bưu phẩm phải dán phiếu do trại phát mới được nhận. Đến chiều, chúng tôi mới biết hắn tên Niệm, dường như là Thiếu Úy. Vợ hắn cũng là Công An trại này, tên là Vường (không phải tôi viết sai đâu).

Tuần sau đó, 27 anh em chúng tôi từ buồng giam số 5 chuyển xuống buồng giam số 15 chung với các bạn từ Yên Bái xuống đây. Tôi nhập vào Đội 30 do anh Trần Công Liễu (Đại Tá Biệt Động Quân) là Đội Trưởng. Sau hai ngày trong toán quét vôi tường buồng giam, tôi nhập vào nhóm “thợ hồ” xây tường rào bằng đá tảng để “rào mình rào bạn”. Tôi có biết thợ hồ là gì đâu, nhưng khi đang quét vôi, tên Ổn -quản giáo buồng giam- ra lệnh cho anh buồng trưởng Nguyễn Đức Khoái: (Đại Tá Biệt Động Quân)
“Anh chuyển cái anh đội nón trắng (vừa nói hắn vừa chỉ tôi) sang tổ thợ nề từ ngày mai”. 
Thế là tôi thành thợ hồ từ ngày đó. Trong Nam gọi là thợ hồ thì ngoài Bắc gọi là thợ nề. Còn hồ thì họ gọi là vửa. Hồ để xây tường chỉ là “chạc” trộn với vôi thôi. “Chạc” là loại đá xanh còn non, cứ dùng cuốc chim cuốc vào đá non sẽ có chạc giống như loại sạn trong Nam. Vì hồ chỉ có thế, cho nên khi xây vách nhà xong phải để hai ba tháng mới đủ cứng để làm tiếp những công tác khác. 

 
EDITED: 8 Oct 2018 18:03 by OPLA