0

From: OpLa
To: OpLa
RX là gì? 

Chiều ngày 1 tháng 9 năm 1978, trong lúc Đội 29 với 30 chúng tôi ngồi viết khai báo trong câu lạc bộ gần loa phóng thanh. Thường ngày loa này không được mở, nhưng chiều nay bỗng dưng chúng tôi “bị nghe” chương trình truyền thanh chuẩn bị cho ngày mai -2 tháng 9- lễ độc lập của chúng. Trong bài diễn văn dài lê thê của ông Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, có một đoạn ngắn cuốn hút anh em chúng tôi đến mức đều ngưng viết. Đó là vấn đề tù chính trị chúng tôi, ông ta thẳng thừng rằng:
“… Bọn ngụy quân ngụy quyền và đảng phái phản động là bọn đã gây tội ác tầy trời, ta không thể tha thứ cho chúng …” 
Lúc ấy không có tên cán bộ nào có mặt, có lẽ chúng chuẩn bị về nhà sớm. Vì vậy mà điều đầu tiên là chúng tôi xúi hai anh Đội Trưởng xin về sớm với lý do viện dẫn ngày mai nghỉ lễ. Rồi cùng nhau tụm năm tụm ba bàn luận suy đoán với bao nhiêu là hình ảnh được vẽ ra và chồng lên nhau bắt nguồn từ lời tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng, tên cộng sản mà năm 1958 đã chan1h thức công nhận các đảo và quần đảo vùng Biển Đông thuộc về Trung Hoa cộng sản. Chúng tôi trông chờ vào bài diễn văn của ông Thủ Tướng cộng sản hôm nay, vì nghe chừng sẽ có quyết định liên quan đến tù chính trị. Thế nhưng qua lời của ông Đồng vừa rồi, đúng là ông ta có nói đến chúng tôi, nhưng điều mà ông ta nói chắng khác thùng nước lạnh tạt vào anh em chúng tôi choáng váng đến tối tăm mặt mũi!
Sau bữa ăn bo-bo chiều, cửa buồng giam đóng rầm một cái, tiếng click khô khan của cái ống khóa vừa bấm lại, từng nhóm anh em chúng tôi tiếp tục bàn luận chung quanh lời tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng lúc trưa. Một bạn trong nhóm chúng tôi ở cuối góc phòng mở đầu với câu ngắn mà không ai hiểu: 
“Vậy là RX rồi”. 
“RX là gì vậy cha nội?”
“RX là rục xương chớ là gì nữa! Rõ vớ vẫn”.
“Đấy. Các anh tin vào cái gọi là khoan hồng nhân đạo của chúng nó nữa đi. Nó lừa được bọn mình vô tù rồi nó nói huỵch toẹt ra đấy”.
“Thôi. Nóng làm chi bạn ơi! Thế bạn có tin cái chính sách 10 điểm của họ hay không mà bạn ngồi đây?”
“Tôi thì khác”.
“Cứ cho là bạn khác với bọn tôi, nhưng nhìn lại thì chúng mình cũng thế thôi bạn à! Là tù thua trận cả mà. Nặng nhẹ xách mé làm chi cho đau lòng nhau!”
“Tôi xin các anh cứ mặc cha nó! Cái quan trọng là mình phải vững tin rằng, chúng mình sẽ được ra khỏi trại tập trung dù chưa biết là sẽ ra như thế nào. Thế giới, nhất là Hoa Kỳ, vẫn xem Việt Nam là một vấn đề thì ta vẫn còn hy vọng mà. Bây giờ, vấn đề của chúng ta là giữ vững nghị lực để đừng bỏ xác trong nhà tù cộng sản. Thế thôi”. 
“Các anh ơi! Khi bước vào hoạt động chính trị, người ta buộc phải sử dụng ngôn từ của chính trị, cái thứ ngôn ngữ không nhất thiết 1 với 1 là 2 đâu. Nhất là chính trị trong cái quốc gia nghèo giữa một thế giới cạnh tranh nhau vì quyền lợi thì sự ổn định khó mà có được, nếu không nói là ảo tưởng. Trong một quốc gia không có khả năng độc lập kinh tế như Việt Nam thì đừng hòng có độc lập chính trị. Với lại, những nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam, được chọn từ thành phần 3 đời bần cố nông để đại diện công nhân nông dân thì họ có học hành gì đâu. Khi lãnh đạo mà không có kiến thức thì đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa càng ngày càng xuống vực thẳm là điều hiển nhiên. Rõ ràng nhất là cái nhóm lãnh đạo loại ấy lúc nào cũng vỗ ngực lớn tiếng bảo vệ đất nước cả”.
“Thằng cộng sản nó đếch cần đến kiến thức mà chỉ cần lưu manh để nắm quyền cả đời đấy. Cho nên chẳng phải riêng chúng mình, mà là cả dân tộc cứ như bị nhốt trong cái nhà tù bằng cả một quốc gia ấy”. 
“Như Trung cộng thôi. Chúng nó định nhốt các Tướng Lãnh của Đài Loan đến rục xương trong tù, thế nhưng mới bước đầu chấp nhận ảnh hưởng của Hoa Kỳ là chúng nó thả các ông ấy về Đài Loan sau 26 năm trong tù đấy”. 
“Thôi các bạn ơi! Làm ơn ngưng lại để ngủ cho có sức để mai còn khai báo tiếp. Không xong là chúng nó mắng đến phát tức bạn à!” 
Nằm cạnh tôi, bên phải là anh Ngô Văn Huế (Công Binh). Anh nói nho nhỏ:
“Hồi đi trình diện, tôi ước tính ít nhất cũng phải 5 năm chớ tôi không tin là 30 ngày, vì cộng sản từng chà đạp Hiệp Định Genève 1954 và Hiệp Định Paris 1973 thì còn chỗ nào để mà tin nó”.
Tôi tiếp lời cũng nho nhỏ như vậy:
“Thật ra đâu có ai trong chúng ta dám nghĩ là đến một lúc nào, chúng ta sẽ là nguồn lợi cho cộng sản, như sự kiện Cu Ba đã từng thả tù chính trị sang Mỹ để đổi lấy máy cày nông nghiệp đó. Trong chính trị việc gì cũng có thể xảy ra cả. Nói rõ hơn, điều mà tôi hy vọng là chúng mình sẽ ra khỏi nhà tù bắt nguồn từ phía Hoa Kỳ, và biết đâu Hoa Kỳ sẽ đổi chúng ta bằng cách cấp cho chúng nó (cộng sản Việt Nam) những thứ gì đó cũng nên.” 
Anh Nguyễn Xuân Hường (Thiết Giáp) nằm bên trái tôi: 
“Bây giờ tôi không còn tin bất cứ điều gì chúng nó nói cả. Tôi đồng ý là mình phải giữ vững nghị lực để sống, còn việc gì sẽ tới phải tới”.

Lại khai báo. 

Toàn bộ những bản khai báo của từng người phải đóng lại thành tập. Chúng bảo bên ngoài phải ghi “Cuộc Đời Tôi”. Tập khai báo dày hay mỏng là tùy theo từng người viết, nhưng dưới 200 trang là bị chúng nó mắng nhiếc, hay ít ra cũng lời nặng tiếng nhẹ vì cho rằng chưa thành thật khai báo.
Khai báo bản thân xong tưởng là yên thân, nhưng đâu dễ dàng vậy. Vì đám Công An từ Hà Nội lại xuống hướng dẫn khai báo tập thể. Nói cho đúng là “tập thể khai báo về những Tướng Lãnh của mình”. Nói theo ngôn ngữ giang hồ là chúng nó bắt chúng tôi “bề hội đồng” Tướng Lãnh của mình đó. Tất cả tù chính trị cấp Đại Tá từ Yên Bái xuống đây, chúng nó bảo chia thành 3 nhóm: Nhóm Quân Khu 1 + 2. Nhóm Quân Khu 3 + Biệt Khu Thủ Đô + Trung Ương. Và nhóm Quân Khu 4. Chúng nó hướng dẫn chọn như thế này: Không căn cứ vào thời gian sau cùng phục vụ ở đâu, mà căn cứ vào những vị Tướng Lãnh từng là cấp chỉ huy của mình để chọn nhóm. Thật ra anh em chúng tôi ráp lại theo nhóm là do ý thích, vì đã là Đại Tá thì không dưới quyền vị này cũng dưới quyền vị khác. Do đó việc tham gia vào nhóm là do chúng tôi thỏa thuận với nhau chớ chúng nó có biết gì đâu. 
Tôi chọn vào nhóm Quân Khu 4, dù rằng thời gian tôi phục vụ ở Bộ Tổng Tham Mưu lâu hơn các nơi khác. Mỗi người chọn những vị Tướng mà mình đã phục vụ hoặc mình biết, cuối cùng là trong nhóm Quân Khu 4 chúng tôi lọc ra danh sách 18 vị Tướng. Anh Bùi Văn Sảnh được anh em trong nhóm bầu làm Trưởng Nhóm. Đến phần Thư Ký thì tôi tình nguyện và được tất cả các anh đồng ý. Khi tên cán bộ ra khỏi phòng, tôi trình bày ý kiến:
“Thưa các anh, tôi có quan niệm như thế này . Thư Ký là ghi chép phần nhận xét và thảo luận của các anh, nhưng tôi xin phép tóm tắt theo hướng đưa đến kết luận những vị Tướng Lãnh chúng ta có kiến thức tổng quát, có khả năng lãnh đạo chỉ huy, và có lòng nhân đạo. Cho dẫu mỗi vị đều có những khuyết điểm, mà thật ra đã là con người thì ai cũng có điểm tốt lẫn điểm không tốt, nay có nhìn như thế nào đi nữa thì cuộc chiến cũng tàn rồi, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta nhận chìm các vị mà một thời chúng ta phục vụ dưới quyền, hay ít nhất những vị ấy cũng là Tướng Lãnh của quân đội mà chúng ta từng phục vụ. Nói cho cùng, nếu các vị Tướng lãnh của chúng ta dở thì chúng ta đã không thể chiến thắng trong cuộc phản công Tết Mậu Thân đầu năm 1968 và trận chiến Mùa Hè 1972. Tôi phải trình bày ý kiến với các anh trước và mong được các anh cho biết ý kiến trước khi chúng ta bắt đầu”.
Chẳng những ý kiến của tôi được tất cả anh em đồng ý, mà nhiều anh còn bắt tay tôi như lời khuyến khích ý kiến đó nữa. Tôi mời anh Nguyễn Tài Lâm phụ tôi phần ghi chép ý kiến và thảo luận của các anh. 
Anh em đồng ý 9 khung để thể hiện nhận xét của từng vị Tướng Lãnh, như: 
(1) Kiến thức tổng quát. 
(2) Kiến thức tham mưu. 
(3) Kiến thức chỉ huy. 
(4) Kiến thức huấn luyện. 
(5) Tính khí. 
(6) Nhân cách. 
(7) Phong cách. 
(8) Uy tín lãnh đạo. 
(9) Sở thích. 

Cứ xong trang giấy nào thì anh Lâm đưa tôi trang ấy để tôi viết sạch lại. Tôi vừa diễn đạt thành văn vừa nghe để bổ túc thêm phần ghi chép của anh Lâm. 
Sau hai ngày khai báo tập thể, anh Sảnh nhờ hai anh giả vờ sang hai nhóm kia thăm bạn để xem quan niệm khai báo của các anh ấy thế nào, để còn học hỏi nếu cần. Nhóm chúng tôi ghi nhận như sau: Nhóm Quân Khu 1 + 2 có quan niệm như chúng tôi, còn Nhóm Quân Khu 3 + Biệt Khu Thủ Đô + Trung Ương khá nặng lời. Anh Trần Ngọc Thống trong nhóm này nói với tôi rằng: 
“… Nhiều anh làm cho tôi có cảm tưởng các anh ấy buộc tội các ông Tướng vậy …” 

Chuyển trại. 

Nhưng không phải chúng tôi tại đây chuyển trại mà là các anh từ các trại ở Sơn La, Bắc Thái, và các trại còn lại ở Hoàng Liên Sơn, ào ào chuyển về trại tập trung Nam Hà này quá nhiều. Trại Nam Hà này có 18 buồng giam với gần 1.000 tù chính trị lẫn tù hình sự, nay tăng lên đến hơn 1.500 người. Tất cả các buồng giam từ 60 người, nay dồn ép lại để tăng lên hơn 100 người, như buồng giam chúng tôi đang từ 65 người tăng lên thành 101 người. Sàn gác bên trên được nới thêm đến mức 60 người trên sàn gác chỉ còn hai khoảng trống đủ cho hai người lên hay xuống cùng một lúc. Mỗi sáng cũng như mỗi tối, chúng tôi phải mất khoảng 10 đến 15 phút mới lên hay xuống xong. Thế là “cái cõi không gian bé tí” của mỗi người chúng tôi, một lần nữa lại thu hẹp từ 70 phân tây (0.7m) xuống còn 50 phân tây (0.5m). Chỗ nằm hiện nay còn chật hơn chỗ nằm ở “ngưu ốc” (chuồng trâu) trên Yên Bái nữa! Nếu như sàn gác này bị hỏa hoạn hay một sự kiện gì đó gây hoảng loạn chẳng hạn, anh em tù chính trị chúng tôi sẽ bị lửa thiêu không phải là ít! Ngay cả lượng dưỡng khí cũng là một vấn đề đối với chúng tôi, vì chỉ còn trông cậy vào lượng dưỡng khí qua các cửa sổ thôi. Nghĩ đến đây là ghê rợn rùng mình! Nhưng mọi người im lặng, và chấp nhận, bởi không có cách nào khác! 
Hầu hết chúng tôi không ai giăng mùng. Tuy thời tiết vào thu nhưng “cái nóng nung người nóng nóng ghê” còn đó, bầy muỗi vo ve còn đó, bầy rệp mà con nào con nấy bằng đầu đủa ăn vẫn còn đó. Để chống lại cái nóng khi ngủ, tôi mặc bộ bà ba do trại phát. Chỉ một lúc là bộ đồ đẫm mồ hôi, và từ lúc ấy tôi cảm thấy mát mẽ dẫn vào giấc ngủ nhanh hơn. Muỗi với rệp, vừa là bạn vừa là thù của chúng tôi. Tôi nói “bạn” vì lúc nào chúng nó cũng quanh quẩn với chúng tôi, tôi nói “thù” vì lúc nào chúng nó cũng hút máu chúng tôi. Mỗi sáng phải ra giếng giặt bộ bà ba vừa đẫm mồ hôi vừa đầy máu muỗi máu rệp, nhưng là “giặt chay” tức là giặt áo quần không xà bông.
Dần dần chúng tôi mới hiểu được nguyên nhân chuyển trại ào ạt từ các trại gần biên giới, là do tình hình căng thẳng giữa cộng sản Việt Nam với cộng sản Trung Hoa, sau khi lãnh đạo cộng sản Việt Nam ký hiệp ước hỗ tương với Liên Bang Sô Viết, và cộng sản Việt Nam xua quân đánh chiếm nước Cam Bốt cộng sản, đàn em của Trung Hoa cộng sản. 
Tình trạng ngột ngạt đó kéo dài gần hai tháng, họ mới chuyển bớt một số tù chính trị chúng tôi đến các trại khác cũng thuộc trại tập trung Nam Hà. Cũng lúc ấy, anh em chúng tôi trong buồng giam 15 và 16, được chuyển lên buồng giam số 1 và số 2 để chuẩn bị lao động. Hai buồng này thoáng hơn, nói chung là dễ chịu hơn ở buồng 15 với 16 quá ẩm thấp. Đội 29 chúng tôi đổi thành Đội 2 

Trồng nấm mèo. 

Sau gần 6 tháng “khai báo”, tất cả chúng tôi bắt đầu đi lao động. Đội 2 chúng tôi phụ trách trồng nấm mèo. Nhà trồng nấm ngay bên ngoài cổng trại do Trung Úy Công An tên Xoa phụ trách. Dưới quyền hắn có hai nữ Công An tên Nga và tên Kim phụ tá. Lúc ấy quản giáo Đội chúng tôi là “Thắng mặt đỏ”, vì mặt của hắn lúc nào cũng đỏ như say rượu. Sau khi tên Thắng giao chúng tôi cho tên Xoa thì tên Xoa mở lớp cấp tốc dạy chúng tôi khoảng một tiếng đồng hồ, đại để như thế này: 
“Cây trồng nấm do các Đội khác cung cấp. Các anh cưa từng khúc dài 1.2 thước, đục lỗ tròn theo kích thước của cái đục, sâu từ một phân tây đến một phân rưởi, cho “meo” vào và dùng nhựa thông bít lỗ tròn lại. Đem vào nhà nấm, gác những đầu cây chụm vào nhau tạo thành hình nón. Mỗi ngày tưới hai lần. Khi nấm đến tuổi thì thu hoạch, đem phơi khô, cho vào bao, vậy là xong một chu kỳ trồng cấy nấm”.
Ngày đầu tiên, sau khi “dự lớp học cấp tốc”, hắn bảo chúng tôi đi làm: Tôi hỏi:
“Báo cáo cán bộ. Căn cứ theo hướng dẫn của cán bộ, tôi đã tổ chức Đội thành các nhóm công tác xong”.
“Xong thì anh lãnh dụng cụ mà làm, chứ đứng đó báo cáo không à?” Hắn bắt đầu gay gắt với chúng tôi. Tên Xoa này lúc nào cũng cau có.
Tôi hơi tức, vì trông cái mặt của hắn, cộng với cái kiểu cách nói chuyện, quả là khó ưa: 
“Dụng cụ ở đâu cán bộ?”
Hắn gay gắt thật: “Dụng cụ trong túi tôi đây”.
Tôi quay lưng ra ngoài mà không nói gì với hắn. 
Hắn tức: “Anh đi đâu đó?” 
“Tôi không biết dụng cụ ở đâu mới hỏi cán bộ, mà cán bộ trả lời như vậy tôi đứng đó làm gì”.
“Anh không lãnh dụng cụ à?”
“Cán bộ không hướng dẫn, tôi biết đâu mà lãnh”. 
“Anh có muốn tôi trả các anh vào trại không?”
“Báo cáo cán bộ. Với chúng tôi, không có vấn đề muốn hay không muốn”.
Hắn lừ lừ nhìn tôi một lúc, rồi gay gắt thêm: 
“Cô Nga, cô dắt anh ta lên kho lãnh dụng cụ”.
Con bé công An trả lời nhỏ nhẹ: 
“Dạ dụng cụ em còn giữ trong kho nhà nấm anh ạ!”
“Cô cho chúng nó mượn đi”.
Con bé này độ 20 tuổi, vừa đi vừa nói với tôi: 
“Anh cãi với ông Xoa chi vậy?”
“Mới vô câu đầu là tôi không có cảm tình rồi cán bộ. Cách nói chuyện của ổng, cán bộ có chấp nhận không?”
“Ông Xoa nóng tính lắm. Anh chống lại ông ấy không có lợi cho anh đâu”.
“Cám ơn cán bộ. Tôi biết tính ông Xoa trong thời gian ổng làm trực trại, nhưng tôi cũng biết sử dụng cái đầu của tôi đến mức cần thiết chớ. Chúng tôi là tù chính trị chớ đâu phải tù hình sự. Thôi, cán bộ đừng nói chuyện đó nữa”.
Lãnh dụng cụ và phân phối cho các Tổ xong, tôi vào phụ với anh Ngô Văn Huế (Đại Tá Công Binh). Anh Huế nói: 
“Thằng cha này khó ưa lắm, nhưng anh cũng nên cẩn thận vì thằng nào cũng có quyền phạt giam mình hết”. 
“Cám ơn Anh. Tôi thận trọng trong mọi trường hợp chớ không riêng gì với hắn. Sự thận trọng của tôi có nghĩa là tôi biết chống lại tụi nó đến mức nào phải dừng lại để tránh bị phạt giam”. 
“Hồi nảy con Nga nó rù rì với anh cái gì vậy?”
“Nó có ý khuyên tôi không nên cãi với thằng cha Xoa. Cãi với hắn là không có lợi cho tôi. Ở vị trí của con bé đó nó thấy như thế, nhưng tôi thì khác. Tôi cho là có lợi cho mình, vì ít ra mình cũng cho nó thấy anh em mình không phải dễ nạt nộ như tù hình sự đâu anh”.
Ngoại trừ các tổ trong nhà nấm, còn có tổ gồm 6 anh đẩy xe cải tiến lấy phân dê ở chuồng dê trên đường ra chợ Ba Sao, hằng ngày đều đi ngang nhà thăm nuôi do Đội anh em Cảnh Sát phụ trách xây cất. “Cứt dê” đem về đổ xuống hầm nhưng không biết họ sử dụng làm gì. Họ giao chúng tôi buổi sáng hai chuyến và buổi chiều một chuyến. Trong tổ này có anh Nguyễn Kim Tây và anh Trần Bá Thành (cả hai là Đại Tá) hay tếu lắm, nhất là anh Tây. Cứ mỗi chuyến đẩy xe cải tiến “cứt dê” về, thể nào cũng có chuyện vui gì đó kể lại cho anh em nghe, đôi khi cười bò lăn trong nhà nấm. Anh gọi chuồng dê là “chuồng thầy”, và cứt dê là “cứt thầy”. 
Tôi không rõ công việc sản xuất nấm này từ lúc nào, nhưng kết quả là “nấm không quyết tâm mọc nhiều, mà những cái nấm mọc ra lại không quyết tâm phát triển”, nên những cái nấm vừa ít lại vừa nhỏ. Có thể vì vậy mà nhà nấm này bị dẹp bỏ sau mấy tháng “sản xuất”. 

Chuyển lúa. 

Sau khi cơ sở sản xuất nấm mèo đóng cửa, Đội chúng tôi phụ trách chuyển lúa từ dưới cánh đồng chiêm lên sân phơi gần khu vực cơ sở chánh của trại. Lúc ấy Công An quản giáo Đội chúng tôi tên Kiện, bảo chúng tôi chia làm hai toán: Một toán chuyển lúa vừa cắt xong từ cánh đồng ngập nước lên lưng chừng triền đồi, và một toán chuyển tiếp từ đó lên đến sân phơi. Đây là núi đá, nên triền dốc toàn là đá tảng rất ư là lổm chổm khó đi. Tôi trong toán thứ nhì. Trong lúc ngồi tại chỗ chờ toán thứ nhất chuyển lên để chúng tôi chuyển tiếp, tên Trung Úy Công An mà anh em chúng tôi gắn cho hắn cái biệt danh “Trung Úy gà” từ trên sân phơi xuống. Vì hắn ăn cắp gà ở khu gia đình của đám Công An cai tù, nên anh em chúng tôi gắn cho hắn cái biệt danh ấy. Hắn đứng trước mặt tôi với giọng kênh kiệu:
“Tại sao anh ngồi đây?”
“Báo cáo cán bộ, chúng tôi chờ toán dưới đồng mang lúa lên”.
“Tại sao anh không xuống dưới mà mang lên?”
“Chúng tôi đã phân công rồi cán bộ”.
“Ai phân công cho anh?”
“Cán bộ quản giáo Đội tôi”. 
Hắn càng gắt giọng: “Cán bộ nào?” 
“Cán bộ Kiện”. Tôi cứ từ từ trả lời.
“Cán bộ Kiện ở đâu?
“Cán bộ Kiện ở dưới đồng”.
“Anh xuống đồng với tôi”.
“Không được cán bộ, tôi phải ở đây vì tôi phụ trách toán chuyển tiếp từ đây lên trên sân phơi”.
Hắn càng thêm tức khi mấy bạn tù trẻ ngồi gần đó cũng chờ chuyển tiếp bên Đội của các bạn ấy, nói bâng quơ: 
“Đẹp. Đẹp lắm”.
Hắn ra lệnh như quát: “Đứng lên. Đi với tôi”.
Tôi đứng lên, nhưng không phải đi theo hắn, mà là nhận bó lúa do toán dưới đồng vừa lên đến, và quay lưng đi. Hắn lại quát: 
“Anh đi với tôi xuống gặp cán bộ Kiện”. 
Thấy hắn giận dữ, tôi ra vẻ dịu xuống: 
“Báo cáo cán bộ, cán bộ Kiện phân công cho tôi, chừng nào cán bộ Kiện bảo tôi đi thì tôi đi”. Nói xong, tôi vác bó lúa cùng các bạn leo dốc.
Buổi chiều, quay về trại và trong khi ngồi chờ “điểm số” vào buồng giam, tôi nghe tiếng một bạn ngồi gần cuối hàng: 
“Hôm nay thằng cha Hoa cho thằng “Trung Úy gà” đo ván quá nặng. Kể ra “chả” liều mạng thiệt, nó nhốt chả như chơi”. 
Sau “trận” đó, Đội 2 chúng tôi “bị” chuyển đến đầu đằng kia vẫn là chuyển lúa, nhưng triền dốc đá ở đây khó đi hơn nhiều vì dốc vừa cao vừa lổm chổm. Cùng là một cánh đồng nhưng có hai lối đi vận chuyển những bó lúa. “Cánh đồng chiêm” khi lúa chín lại là lúc chìm sâu dưới mặt nước mà lần đầu tiên tôi trông thấy. Các bạn cắt lúa phải ngâm mình dưới nước, có nơi phải lặn xuống mới cắt được. 
Nhìn chung, Đội “trầm mình” cắt lúa ướt mem, mà Đội vận chuyển lúa cũng ướt mem nếu vác. Vác thì tương đối dễ đi, còn khiêng thì không bị ướt nhưng rất khó đi vì dốc cao. Tôi với anh Nguyễn Kim Tây cùng một khiêng hai bó. Tôi thấp nên đằng trước cái khiêng. Trưa nắng và oi bức, thấm mệt, trong một bước không vững, tôi ngã người tới trước và chân phải vấp vào cạnh tảng đá, ngón chân cái bị tróc móng đến hơn phân nửa khỏi phần thịt. Máu ra nhiều và đau “thấy trời xanh”! Vì đau quá nhưng không khóc cũng không than, chỉ có cách nhìn lên trời mà cắn răng nhăn mặt! Anh Tây dìu tôi lên đầu dốc, lại trở xuống đồng báo cáo với cán bộ Kiện cho tôi về bệnh xá trại.
Trong bệnh xá, ngoại trừ một bác sĩ Công An, còn lại là bác sĩ quân y cùng là tù chính trị. Bác sĩ Diễn, bác sĩ Nhâm, bác sĩ Cảnh, bác sĩ Phong, và bác sĩ Trương Văn Quýnh là trưởng nhóm. Bác sĩ Trương Văn Quýnh có những năm làm Giám Đốc Bệnh Viện Sài Gòn, chuyên về cấp cứu. Bác sĩ Quýnh cho biết phải vài ngày mới rút móng được, vì rút bây giờ tôi sẽ không chịu nỗi. Mỗi ngày tôi phải khai bệnh xin nghỉ. Đêm ngủ phải treo chân lên cao ngang đầu gối mới ngủ được. Hôm rút móng chân, bác sĩ Cảnh (Trung Tá, Quân Y Viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ) vừa cười vừa nói như giúp tôi quên bớt cơn đau nhức: 
“Hôm nay có dịp “làm thịt” ông anh đây. Ông anh nằm yên. Vì không có thuốc tê, anh Phong (bác sĩ Mã Thạch Truy Phong) sẽ châm cứu gây tê cho ông anh, rút móng xong vài hôm là xuống đồng vác lúa nữa”.
Bác sĩ Phong châm cứu cả hai chân đến 14 cây kim, tôi nghe như có dòng điện li ti từ đầu cây kim này nối đến đầu cây kim kia, khi bác sĩ Phong và bác sĩ Diễn rung nhè nhẹ những cây kim để kích thích gây tê. Cùng lúc, bác sĩ Cảnh cầm kềm rút móng chân tôi. Sau cái đau thấy mấy chục ông Trời đang lơ lửng trên trần nhà, tôi ngồi dậy nhìn ngón chân. Trời đất ơi! Cái móng còn nguyên. 
Bác sĩ Cảnh không đùa như lúc nảy nữa mà nói yếu xìu: 
“Cứng quá, rút chưa được. Anh chịu khó nằm xuống đi”.
“Khoan anh Cảnh. Tôi đau lắm. Tôi cần điều hòa nhịp thở một lúc rồi anh tiếp tục. Châm cứu không ăn thua anh ơi!”
Tôi nằm xuống. Anh Trần Xuân Đức đè hai tay tôi xuống giường vì sợ tôi ngồi dậy. 
“Anh đừng đè tôi, đau thì đau nhưng tôi chịu được”.
Không thể tưởng tượng nỗi với mức độ đau nhức khi anh Cảnh rút móng chân tôi! Chừng như toàn bộ khả năng chống đỡ của tôi đều tập trung vào sức chịu đựng khi móng chân đi theo cái kềm trong tay bác sĩ Cảnh bức ra khỏi ngón chân. Người tôi yếu hẳn trong những phút sau đó, mãi đến khi điều hòa được hơi thở, tôi mới để bác sĩ Cảnh rửa ngón chân, nơi mà cái móng phủ bên trên không còn nữa. Mỗi khi miếng bông gòn lướt trên lớp thịt bầy nhầy với máu đỏ bùn đen, đau và xót kinh khủng! Sau đó, với dáng đi “chấm phết”, tôi từng bước về buồng giam. 
Đi lao động mới có nước sôi ăn mì gói, chớ nằm buồng giam chỉ bẻ từng mẫu mì gói ăn sống, rồi uống nước vào cho nó nở ra thôi. Còn khẩu phần bo-bo chỉ dậm thêm chút ít, chớ ăn hết chén càng khổ khi đi cầu. Hai ngày sau, tôi đến bệnh xá thay băng, và từ đó không được nghỉ nữa mặc dầu vẫn còn đau, và vẫn đi “chấm phết”. Khi nghỉ bệnh, chúng nó căn cứ theo thời gian chớ không căn cứ vào bệnh trạng của tù chính trị. Nhân đạo của cộng sản như vậy đó!

Cuốc đất thay trâu cày.

Sau Tết, Đội chúng tôi và 9 Đội nữa được lệnh xuống cánh đồng chiêm cuốc đất làm ruộng. Khi gặt lúa vụ chiêm, anh em chúng tôi trầm mình dưới nước, mấy tháng sau thì mặt đất của cánh đồng ngập nước này trở thành nứt nẻ vì nắng hạn. Những con cá con ếch con nhái “thân tàn ma dại” trong những đường nứt. Hầu hết khi cuốc đất lên, chúng nó chỉ còn là những bộ xương bao bọc lớp da bên ngoài, hoàn toàn không giúp ích gì cho những cái bao tử của chúng tôi. Nếu nhìn cánh đồng như một bức tường đá tảng, thì những đường nứt tựa như những mạch hồ nối những tảng đá liền với nhau mà có thời gian tôi “làm thợ hồ” xây bức tường buồng giam vậy. Trông cũng hay hay. Đó là cách nhìn ít nhiều lãng mạn. Nhưng nếu nhìn theo góc độ dân tộc thì rất tội nghiệp cho người dân xã hội chủ nghĩa của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nơi đây, mấy chục năm qua rất ư là khốn khổ! 
Gần 200 tù chính trị chúng tôi toàn sĩ quan viên chức với đảng phái chính trị, khom lưng cuốc ruộng thay trâu cày. Cán bộ Kiện, quản giáo Đội, gọi tôi:
“Anh cử một anh nấu nước, một anh lấy củi, và một anh sửa cuốc cho Đội. Anh cử một anh đến nấu nước cho cán bộ. Mỗi anh còn lại giao chỉ tiêu 100m2 mỗi ngày lao động”.
“Báo cáo cán bộ, chỉ tiêu 100m2 là cao lắm, tôi lo là chúng tôi không thể cuốc nỗi. Tôi đề nghị để chúng tôi cuốc thử vài ngày rồi cán bộ ấn định chỉ tiêu. Về người nấu nước, tôi nghĩ là chúng tôi nấu nước chung rồi pha trà đem đến cán bộ, đỡ tốn một lao động”.
“Anh có biết đề nghị của anh mang tính chống đối không. Đây là chỉ tiêu chung chứ không phải riêng Đội anh. Tôi nói cho anh biết, nếu đề nghị của anh đến tai ông Huy (Đại Úy Trại Trưởng) là có vấn đề đấy. Còn nấu nước phải nấu tại đây (tại lều của hắn)”.
Tôi trở lại Đội tường thuật cho các bạn. Anh Cao Văn Phước “tình nguyện” sửa cuốc. Về chỉ tiêu cuốc đất và người nấu nước: 
“Ý kiến của tôi là tùy theo sức mà cuốc rồi tôi liệu cách đối phó với hắn. Về người nấu nước tại lều của hắn, chúng ta lớn tuổi rồi, tôi không muốn bất cứ anh nào trong số chúng ta đến đó nấu cho hắn uống, nhưng hắn có vẻ gay gắt khi đòi hỏi phải có một người làm công việc đó”.
Anh Phước nói: “Anh Hoa, tụi nó ngoắc anh kìa”.
Tôi chưa đi thì tên võ trang dùng hai bàn tay chụm lại làm loa nói lớn: 
“Được rồi, các anh cứ nấu nước pha trà mang đến đây”.
Tôi nói với các bạn: 
“Vậy là chúng nó đồng ý đề nghị của tôi rồi. Thà là mình tốn một ít trà để khỏi phải nấu riêng cho chúng nó hơn là để nó sử dụng mình như tù hình sự. Mỗi buổi mình cho chúng nó một “lon guigoze” trà pha đặc một chút. Trà thì tôi cung cấp được, còn cái lon bạn nào có thể cho mượn được?”
Anh Cao Văn Phước đồng ý cho mượn. Đến ngày thứ ba, tên quản giáo Kiện và tên Thắng, lại bắt Đội cử người luân phiên đến lều của nó nấu nước. Cuối cùng, chúng tôi đành phải đồng ý mỗi ngày luân phiên một anh. Đến đây cũng chưa ổn, vì hai ngày sau đó là phiên anh Đặng Văn Hậu, chúng nó bắt buộc anh Hậu hằng ngày đến lều của nó mà nấu chớ không luân phiên nữa. Buổi chiều, anh Hậu thuật lại cả Đội nghe: 
“Thằng Thắng với thắng Kiện không chấp nhận luân phiên nữa, chúng nó bảo tớ phải nấu nước cho bọn nó. Nó nói thằng cha Hoa miệng rất ngọt, ăn nói nhẹ nhàng, ra lệnh gì cũng nghe nhưng bụng chứa đầy dao găm. Tớ mà nghe thằng cha Hoa là rục xương trong tù. Thằng Thắng nó ghìm thằng cha Hoa dữ lắm”.
“Thế Hậu trả lời hắn ra sao?” Tôi hỏi.
“Tớ bảo việc này do Đội quyết định. Thằng Thắng nói nếu nó bắt tớ làm thì tớ có làm không? Tớ trả lời: Cán bộ bắt buộc thì tôi phải làm, nhưng tôi buồn lắm!”
Cuối cùng chúng tôi quyết định vẫn cứ luân phiên, nhưng vẫn cung cấp trà với thuốc điếu quấn cho chúng nó mỗi ngày 20 điếu. Nghĩa là thêm một chút “hối lộ”, cũng có thể nhờ đó mà tên quản giáo giảm “chỉ tiêu” cuốc đất mỗi người/ngày 70m2, tức giảm được 30m2. Chúng tôi là tù chính trị chớ không phải tù hình sự mà chúng nó sai khiến quá mức. Chúng tôi luôn tùy cơ ứng biến. Tôi nghĩ, chúng nó không dám mạnh tay vì đây là việc riêng cho chúng nó. Mà nói cho cùng, nếu Ban Giám Thị có gọi tôi sỉ vả mắng chửi, tôi sẽ giải thích được, trừ khi chúng nó cột tôi vào cái tội gì khác để trừng phạt tôi. Nhưng rồi không việc gì xảy ra khi chúng tôi áp dụng luân phiên. 
Thời tên Phụ làm quản giáo, hắn hỏi tôi: 
“Tôi và cán bộ võ trang sẽ lãnh phần ăn trưa còn sống đem xuống đồng, anh cử người nấu cho chúng tôi được không?”
Tôi trả lời: 
“Cán bộ ra lệnh cho chúng tôi khiêng phân người hay khiêng nước tiểu, chúng tôi thi hành ngay. Nhưng nấu ăn cho cán bộ thì chúng tôi không thể làm được. Chúng tôi là những người tù chính trị, lại lớn tuổi, thậm chí là già yếu, tôi nghĩ là cán bộ cũng thông cảm với tôi về câu trả lời này”.
Hắn làm thinh. Thật ra trước khi trả lời hắn, tôi nghĩ ngay đến “cái lực” trong tay chúng tôi, nếu như hắn mạnh tay thì chúng tôi “ngưng viện trợ” thuốc hút và thuốc uống, đó là hai thứ mà hắn rất cần chúng tôi. 
Hạn hán ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu nước của chúng tôi. Quí vị quí bạn thử hình dung, từ ngoài cổng vào bên trong trại, ngay bên phải có một cái giếng rất lớn nhưng rất cạn. Đường kính khoảng 10 thước, nhưng sâu chỉ hơn 2 thước thôi, vì vậy mà gọi nó là giếng cũng không đúng hẳn. Hằng ngày sau khi lao động về dù mùa hạ oi nồng hay mùa đông lạnh buốt, chúng tôi đều trần trụi đứng tắm nơi đây. Nhưng bây giờ đang là mùa đông, cái gọi là giếng đó hoàn toàn khô cằn, trơ lại cái đáy giếng đất và đá. Một chút may mắn là có bốn cái lỗ mội rỉ ra từng rỉ nước. Chúng tôi khoét bốn lỗ mội đó sâu chừng một gang tay và rộng cũng chừng ấy, để trữ nước. Mỗi sáng dậy, khi cửa buồng giam vừa mở là hầu như mọi người xách cái lon guigoze và cái muỗng ăn cơm chạy ra giếng, tuột xuống ngồi xếp hàng chờ múc nhẹ từng muỗng nước cho vào lon đem về buồng giam rửa mặt. Phải nhẹ nhàng để tránh nước bùn từ bên dưới trồi lên làm đục “ao nước” nhỏ nhất thế giới, nhưng hết sức cần thiết cho anh em chúng tôi trong mấy buồng giam lân cận. Hằng ngày khi lao động bất cứ ở vùng nào, chúng tôi tìm những vũng nước, lạch nước, cho dẫu nước phèn mà vàng cách mấy cũng ráng tắm giặt. Mỗi người chỉ vài lon là xong. Tôi chỉ nói “tắm giặt xong” chớ không dám nói “tắm sạch giặt sạch” nghe quí vị quí bạn. Nếu không tắm giặt ở đây thì không thể nào giải quyết được nhu cầu này ở đâu cả. Điều đặc biệt là không có sự xích mích va chạm nào giữa anh em chúng tôi về vấn đề nước cả. 
Vợ tôi đến thăm. 
Từ đầu năm 1979, Bộ Công An cho gia đình tù chính trị đến thăm nuôi, kèm theo điều kiện là phải được các cơ quan địa phương cho đi, và tù chính trị không bị những hình thức kỷ luật tại trại. Vậy là cái lệnh này đã dẫn đến việc xây cất nhà thăm nuôi cách cổng trại hơn cây số.
Trung tuần tháng 05/1979, vợ tôi và con trai út chúng tôi 8 tuổi từ Sài Gòn ra thăm tôi. Hôm đó là chiều thứ bảy, anh Phạm Văn Thường (Đại Tá Tiếp Vận) tạt vào buồng giam báo tin cho tôi: 
“Hoa ơi! Bà Xã của anh đang ở ngoài nhà thăm nuôi đấy. Ngày mai anh sẽ gặp”.
“Sao anh biết?” Tôi hỏi lại một cách vội vàng.
“Chiều nay tôi ra gặp vợ tôi và vừa vào tới. Bà Xã anh gởi cho anh 10 cái trứng luộc”. 
Trao xong là ảnh ra ngoài để mang quà về buồng giam vì sắp đến giờ khóa cửa buồng giam. 
Tôi bưng cái thau nhựa có 10 cái trứng bên trong với thái độ có vẻ lúng túng, trong khi các bạn ngồi chờ điểm số vào buồng giam. Anh Trần Văn Lễ nói:
“Thằng cha Hoa mất hồn rồi, giống như tôi hồi đầu năm vậy”.
Đêm đó quả thật tôi không ngủ được, và tôi tin vợ và con tôi cũng không ngủ được. Vì quá bất ngờ nên các bạn thấy tôi lúng túng, chớ được tin báo trước thì không đến nỗi “mất hồn” như anh Lễ nói đâu quí vị quí bạn à!
Sáng hôm sau, Công An cai tù phụ trách hướng dẫn thăm nuôi tên Quan, vào trại gọi tôi ra thăm gặp gia đình. Hắn đưa cái chìa khóa cho tôi: 
“Anh mở khóa lấy cái xe cải tiến kéo theo chở quà”.
Nếu quí vị quí bạn hình dung được sự hăng hái của người tù chính trị lần đầu tiên được gia đình đến thăm như thế nào, thì tâm trạng của tôi cũng y như vậy. Nhưng mà cái khung xe bằng kim khí nó nặng quá trời, nhất là khi kéo lên cái dốc khá cao và khá dài. Phải qua khỏi đầu dốc mới đến nhà thăm nuôi. Tôi mặc quần áo tù màu xanh do trại phát, kiểu như bộ bà-ba trong Nam nhưng lại có cái cổ cao. Khi đến đầu dốc:
“Báo cáo cán bộ. Ngừng lại nghỉ chân một lúc cán bộ, vì lần đầu gặp gia đình mà mặt mày xanh lè xanh lét thì thất sách lắm cán bộ”.
“Dừng thì dừng. Nhưng anh nói thất sách là thế nào?”
“ Cán bộ nghĩ xem, sau bốn năm vợ chồng mới gặp lại nhau mà tôi cứ đứng thở hì hà hì hục thì vợ tôi xúc động lắm, trong khi tôi không đau yếu bệnh hoạn mà chỉ kéo cái xe vừa nặng vừa lên dốc nữa”.
“Được. Tôi thông cảm rồi. Anh cứ ngồi nghỉ, khỏe lại hãy đi”.
Mùa hè trên đất Bắc, mới sáng sớm mà nóng chẳng khác cái nóng ban trưa ở Sài Gòn, chiếc xe và cái dốc làm cho cái áo tôi đẫm mồ hôi. Tôi vừa quạt vừa đi tới đi lui trong khi hắn ngồi trên mỏm đá nhìn tôi, không hiểu hắn sợ tôi trốn hay hắn thấy dáng điệu của tôi có cái gì khác thường chăng?
Vừa để cái xe ngay bậc thềm, vợ tôi với đứa con trai út chúng tôi bước ra. Chúng tôi nắm tay nhau thật chặt, nhưng tôi không dám hôn, vì tên “Thắng chuột” phụ trách nhà thăm nuôi chầm chập nhìn chúng tôi. 
Tôi không dám hôn vì nhớ đến chuyện anh bạn tù trẻ vừa được vợ đến thăm tuần trước. Sau khi chú ấy gặp vợ một lúc thì “Thắng chuột” bảo chia tay rồi vào trại. Vợ chú ấy tiễn chồng bằng cách cùng chồng đẩy xe cải tiến một đoạn đường. Đến đầu dốc xuống, dừng xe cải tiến lại, anh tù trẻ bước vòng ra sau xe, ôm vợ hôn lia lịa. Tên “Thắng chuột” lúc ấy cùng vào trại, trông thấy, hắn la to: 
“Ơ! Ơ! Cái anh này làm gì kỳ thế? Buông ra nhanh”.
“Tôi hôn vợ tôi chớ làm gì mà cán bộ la om sòm”. 
“Nắm tay được rồi, ai lại hôn kỳ vậy”.
Anh tù trẻ hơi tức: “Bộ cán bộ chưa từng hôn vợ hả?”
Hắn quát: “Đi vào. Không có lý sự nữa”.
Vì vậy mà tôi chỉ nắm tay và nhìn vào đôi mắt vợ tôi. Buông tay vợ tôi ra, ngồi xuống, ôm chặt con tôi vào lòng. Một lúc, nó từ từ gở tay tôi ra, có vẻ như nó “mắc cở” thì phải. Vì lúc tôi vào tù nó mới 4 tuổi nên không nhớ được nhiều về tôi chăng?
Thắng chuột nói: “Anh chị vào đây”. 
Hắn ngồi vào cái bàn sát tường bên kia, vợ chồng tôi và đứa con ngồi trên cái băng sát tường bên này, đối diện nhau trong gian phòng nhỏ xíu. Hắn bắt đầu “giảng bài” y như băng cát xét phát ra vậy :
“Anh chị biết là đảng với nhà nước rất khoan hồng nhân đạo, cho gia đình mấy anh gặp nhau. Vậy, thứ nhất, khi thăm gặp ở đây, anh chị phải chấp hành nội qui cho tốt, nếu vi phạm là bị cắt ngay, và có thể bị cấm thăm trong nhiều lần sau này. Thứ hai, khi về địa phương, chị phải nói cho nhiều người biết về chính sách khoan hồng nhân đạo của đảng với nhà nước đối với ngụy quân ngụy quyền. Thứ ba, anh phải luôn luôn chấp hành tốt nội qui của trại, và quyết tâm học tập cải tạo tiến bộ để sớm được khoan hồng về với gia đình. Anh chị nghe rõ chưa?”
“Báo cáo cán bộ. Nghe rõ”.
“Anh chị ra ngoài xem bản nội qui dán ở cửa, sau đó vào đây trao đổi chuyện gia đình trong vòng 2 tiếng đồng hồ”.
Tôi ôm con tôi và hôn bé lia lịa, nhưng con tôi “mắc cở” thật. Gian phòng nhỏ xíu chúng tôi ngồi đang quét dọn nên bụi mịt mù, chúng tôi sang gian phòng nhỏ bên cạnh, chỉ có bộ ván chớ không có bàn ghế gì cả. Chúng tôi ngồi sát vào nhau, và bên cạnh là một gia đình người bạn. Ngay bên ngoài, hai tên Công An đi qua đi lại như để chứng tỏ lúc nào cũng có hắn theo dõi chúng tôi. Tôi nói khẽ:
“Em vẫn đẹp như trước tuy vất vả trong mấy năm trời”. 
Lời khen của tôi còn bao hàm lời khen vợ tôi đã vượt biết bao khó khăn gian khổ lo cho các con, và lo cho gia đình chúng tôi. 
Vợ tôi ngã đầu vào vai chồng:
“Anh không ốm (gầy) như Em nghĩ nên Em mừng lắm. Em cứ tưởng là Anh ốm lắm. Ráng giữ sức khỏe nghe Anh…” 
Lần lượt vợ tôi thuật mọi diễn biến về bà con thân quyến trong thời gian qua, điểm chánh là các con chúng tôi:
“Tuần rồi, bốn con đã đi trên một chuyến tàu dưới dạng người Việt gốc Hoa hồi hương, ra hải phận quốc tế chờ tàu biển chở đến nước thứ ba, nay thì Em nhẹ cả người. Còn Nghĩa, chờ con lớn một chút hãy tính nghe Anh. Con còn nhỏ quá Em hổng dám cho đi. Anh đừng lo chuyện nhà, dẫu sao những năm gian khổ đã qua mà Em cố gắng quán xuyến được, nay Em tin là Em vẫn vượt qua được thôi. Em nhắc lại là Anh phải giữ gìn sức khỏe. Chừng nào Anh về thì chưa biết, nhưng Anh phải hứa với Em là Anh phải giữ sức khỏe nghe Anh”.
“Anh hứa với Em. Em còn tiền để chi dùng ở nhà không?”
“Em còn chút ít Anh à! Lúc Anh bị giam ở Biên Hòa, Em mất mấy lượng (vàng). Khi Anh ra Yên Bái, Em mất mấy lượng nữa vì tin vào chị N. V. M. Chỉ nói có bà con làm tướng cộng sản sắp trở ra Bắc, nên Em với chị Chí (Nguyễn Thành Chí) gom góp gởi cho Chỉ, nhờ mang ra Bắc đưa lại Anh với anh Chí. Tụi Em có trả tiền công chớ có phải nhờ không đâu. Gởi đi rồi, trông hoài không thấy Anh với anh Chí nói gì trong thư. Cuối cùng, Em với chị Chí tìm hiểu mới biết chị M. chẳng có tình bè bạn gì cả, mà Chỉ gạt để lấy vàng của tụi Em thôi. Đâu có thưa ai được Anh, chỉ có cách là tụi Em không bao giờ nhìn mặt chị đó nữa”.
Ngưng một lúc, vợ tôi thuật tiếp: 
“Miếng vườn thì tụi nó tịch thu sau khi Anh vào tù. Căn nhà Ba Má đang ở (Vĩnh Long) bị chúng nó lấy sau đó với lý do là cha mẹ của Đại Tá ngụy. Ba Má phải về Nha Mân cất căn nhà nhỏ trên đất của Cô Bảy mà Em đâu dám nói trong thư. Sang cái chuyện đi xe bò đến thăm Anh. Anh biết không, chị Thường (Phạm Văn Thường) với chị Lục (Lê Đình Lục) nhờ Cô của anh Thường dẫn từ Sài Gòn ra Nam Định ở nhờ nhà cô anh Thường. Sáng hôm qua, Cô anh Thường mướn xe bò chở người lẫn chở đồ từ Nam Định lên Phủ Lý, rồi vô đây. Trời đất ơi! Những đoạn đường dốc, tụi Em phải xuống đẩy phụ con bò. Nắng nóng quá, con vừa mệt vừa khát nước lại vừa đói mà đâu có cơm nước gì cho con. Mới đi lần đầu nên tụi Em có biết gì đâu mà chuẩn bị. Em cho con ăn mì gói sống. Con muốn uống nước đá mà cái xứ này trông giống nhà quê quá, có ai bán nước đá đâu Anh. Đi từ sáng sớm mà chiều tối mới tới đây. Đêm hôm đông người quá, muỗi thì nhiều mà họ không đủ mùng cho mượn. Cũng may là có ông già người Bắc, thấy con bị muỗi cắn giật mình hoài, ổng mới kêu con vào mùng ngủ chung với ổng. Từ lúc đó con mới ngủ được đến sáng! Em cực đành rồi, thấy con cực quá Em muốn khóc!”
Rồi vợ tôi khóc thật! Tôi cũng ứa nước mắt từ lúc nào ..!
“Em gan lắm, chớ Anh ở nhà chưa chắc Anh dám cho các Con cùng ra biển một lần đâu. Nay thì mọi việc suông sẻ. Tương lai các con bao giờ cũng là hạnh phúc của mình. Đó là quan niệm mà chúng mình xây dựng từ lúc cưới nhau. Giờ thì mình trông tin ngày nào các con đến Mỹ, ngày đó xem như các con chúng mình bắt đầu vào đường xây dựng tương lai rồi Em. Mong là các con bình an đến nơi đến chốn”.
Tôi hôn phớt trên mái tóc vợ tôi, trong khi chúng tôi nắm chặt tay nhau. Tiếng của “Thắng chuột” đứng ở cửa nghe mà phát ghét:
“Anh Hoa mang quà ra xe vào trại. Hết giờ rồi”.
Tôi quẳng bao quà lên xe cải tiến, quay lại vợ tôi rồi cùng nắm chặt tay nhau và cùng nhìn thẳng vào ánh mắt của nhau, như chuyển gởi vào đó tất cả tâm tình giống như lúc chúng tôi cùng “giở mâm trầu” sau khi làm lễ cưới ngày 5 tháng 3 năm 1958 vậy. Xoay qua ôm con tôi vào lòng, hôn lên má của bé trước khi ra cửa, vào trại.
Đến đầu dốc xuống, tôi dừng lại, quay nhìn vợ con tôi vẫn đứng ở bậc thềm nhìn tôi. Có lẽ thông cảm tôi nên cán bộ Quan không nói năng gì khi tôi dừng lại. Lượt vào trại cứ thong thả ghì xe xuống dốc, nên không mệt như lượt ra mặc dù bao quà cũng đến mấy chục kí lô. Ngay trước cổng là nhà trực trại. Nơi đây có cái bàn dài để Công An trực trại khám xét quà bánh mà tù nhân nhận của gia đình từ nhà thăm nuôi, hoặc những gói bưu kiện nhận từ nhà bưu điện bé xíu ở Ba Sao mang vào. Từng món một, bao, túi, lon, hũ, lần lượt mở toang ra. Chúng nó cho chiếc đủa vào ống kem đánh răng rồi ngoáy ngoáy tìm cái gì đó hổng biết, hai cục xà bông đều bị cắt làm hai làm ba, đường cát thì chúng nó trút từ túi này sang túi khác, từng gói mì bị cắt ra, từng túi cơm sấy khô bị họ lắc qua lắc lại đến khi trông thấy toàn bộ bên trong, mấy con cá khô cũng được chiếu cố đặc biệt bằng cách cho cái muỗng vào miệng cá khô và nong ra xem có cái gì bên trong không. Không tìm thấy bất cứ thứ gì để chúng nó qui vào tội vi phạm nội qui để tịch thu, lúc đó mới cho vào trại. Anh Ngô Văn Huế vác giùm bao quà trong khi tôi đẩy xe cải tiến đem trả.
Vào buồng giam, việc đầu tiên là tôi bày tất cả mấy chục cái bánh dầy và chả lụa đã được vợ tôi xắc sẳn, mời tất cả các bạn trong Đội 2 chúng tôi cùng ăn, gọi là góp vui với tôi. Anh Trần bá Thành vừa cười vừa hỏi: 
“Ê! Tiệc này gọi là gì vậy mấy cha?” 
Một bạn đưa ý kiến: “Thì gọi là “hiền thê tân đáo” được không?”
Thế là một tràng pháo tay thể hiện sự đồng tình với câu gợi ý của anh bạn nào đó. Trong tình trạng thiếu ăn triền miên, bỗng dưng có bữa ăn được xem là thịnh soạn, tất cả chúng tôi rất tự nhiên và vui vẻ. Bữa cơm chiều hôm ấy, tôi + anh Lâm + anh Phước (chúng tôi ăn cơm chung từ lâu), có cơm trắng với con gà luộc, phải công nhận rằng, đây là bữa ăn ngon nhất với tất cả hương vị từ gia đình, cộng với hương vị của thức ăn kể từ ngày vào trại tập trung đến nay. Cái giá trị về tinh thần lẫn vật chất của bữa ăn này đối với tôi, còn cao hơn cái giá trị của bữa ăn cơm vắt với hai con mắm sặc sống hồi tháng 07/1955 nữa quí vị quí bạn à! 

Ngày ấy, tôi là Thiếu Úy, Trung Đội Trưởng/Đại Đội 3/Tiểu Đoàn 510 Khinh Quân. Tiểu Đoàn chúng tôi đang trong cuộc hành quân vùng giữa Lai Vung với Sa Đéc. Rời Sa Đéc lúc nửa đêm, và xuất phát hành quân khi làng quê còn chìm sâu trong giấc ngủ. Lúc mặt trời lên cao, Đại Đội 3 chúng tôi bị tấn công từ trong bờ vườn. Đại Đội 2 từ cánh phải đánh bên hông của địch, phá tan cuộc phục kích. Nói thì đơn giản như vậy, nhưng thật sự chúng tôi phải quần nhau với địch đến khoảng 5 giờ chiều chiến trường mới kết thúc. Sau khi tản thương xong (bốn quân nhân), cả Tiểu Đoàn đều đói chớ không riêng gì chúng tôi, vì từ giữa đêm đến lúc ấy có ăn uống gì đâu. Với hai con mắm sặc sống và hai vắt cơm bắt đầu nhơn nhớt vì bị bịt kín gần như cả ngày. Thế nhưng tôi ăn ngon như chưa bao giờ ngon đến như vậy. Xét cho cùng, bữa cơm chiều hôm nay ngon hơn nhiều, vì ngoài phẩm chất của thức ăn còn ẩn chứa hương vị thân thương của gia đình nữa.
Trước giờ buồng giam đóng cửa, tôi với anh Trần Văn Lễ -bạn rất thân- ngồi sát góc tường khuôn viên buồng giam tâm sự:
“Cho đến bây giờ là đoạn cuối, chớ đoạn đầu thì vợ con mình gian nan lắm. Vợ tôi kể cho nghe là sau khi tụi mình vô “hộp” (ý nói vào tù), cái đám cộng sản nó thường xuyên hằn học với gia đình sĩ quan tụi mình, nhất là cái đám Công An trong cư xá chúng tôi. Nay đe dọa tịch thu nhà, mai đe dọa đuổi đi khu kinh tế mới, mốt đe dọa về quê sinh sống. Nói chung là bài bản của chúng nó khủng bố tinh thần gia đình mình, để đoạt mục đích là chiếm nhà mình làm tài sản của chúng nó. Thấy đe dọa chưa làm vợ con mình nao núng, thằng Công An khu vực tên Đó mà chúng nó thường gọi là “Tư Đó”, sỉ nhục gia đình sĩ quan mình bằng cách bắt vợ tôi cùng với mấy chị bạn trong cư xá, đến làm cỏ sân nhà của tướng cộng sản Trần Văn Danh ngay sau lưng nhà tôi. Căn nhà này là của cựu Trung Tướng Phạm Quốc Thuần đã di tản, hắn vào chiếm ngụ. Trong số các chị có chị Vân là bạo miệng hơn hết. Lần thứ hai đến đây làm cỏ dưới cơn mựa lất phất, đứng trên sân ngập nước, chị Vân lớn tiếng: 
“Thiếu Tướng ơi! Ra coi mấy bà vợ sĩ quan ngụy làm cỏ nè Thiếu Tướng”. 
“Mãi một lúc sau, mới có người ra cho về. Từ đó, không còn cái cảnh bắt vợ tôi với mấy chị trong cư xá làm cỏ cho các nhà cán bộ của chúng nó nữa”.
Anh Lễ thuật về gia đình ảnh: 
“Ở khu tụi tôi không có cái cảnh bắt đi làm cỏ như trong cư xá Bắc Hải của anh, nhưng ngày này sang ngày khác, tụi Công An cứ bắt đến Phường để nghe chúng nó nhai đi nhai lại cái điều mà chúng nó gọi là khoan hồng nhân đạo, vợ tôi nghe nói riết có hôm “bả” muốn chửi nó luôn nhưng kịp bịt miệng lại, nếu không thì chưa biết chuyện gì xảy ra nữa”. 
Anh Lễ ngưng, tôi thuật tiếp: 
“Đầu năm 1978, tụi nó kéo đến nhà tôi 11 đứa mà vợ tôi nói cái đám đó giống như trong rừng mới ra vậy. Trong số đó có hai phụ nữ. Tụi nó chiếm nhà tôi suốt một tuần, nhốt vợ với năm con tôi trong một gian phòng, rồi chúng bới móc lục soát đập phá những chỗ nghi ngờ cất giấu vũ khí tài liệu, và có thể chúng nó tìm kiếm tài sản nữa. Trong tình cảnh đó, bà con lối xóm nấu thức mang đến tiếp tế cho vợ con tôi. Thật là cảm động! Tất cả hồ sơ giấy tờ, nhất là những tập viết tay mà tôi ghi chép những sự kiện xảy ra trong các cuộc đảo chánh còn lại, bị tụi nó xé tung rồi liệng đầy nhà. Cũng may là cái đám cộng sản đần độn này không biết giá trị của những tập đó, nên vợ tôi gom góp lại rồi cho vào bao cất giữ. Còn toàn bộ hơn 1.500 cuốn sách về kinh tế, chính trị, giáo dục, khoa học, và tôn giáo mà tôi đóng bìa cứng hẳn hòi, tụi nó ôm đi bán ngay trong cư xá chúng tôi chớ đâu xa. Rõ ràng là cái tụi trấn lột chớ chính trị chính em gì đâu. 

Chuyện kế tiếp là con trai lớn chúng tôi là Phạm Bá Trung. Năm 1975, Trung học lớp 11 (học sớm 1 năm). Với tuổi 16 so với các bạn, Trung rất giỏi về điện tử nhất là sửa máy thu thanh, vì năm 1972 con tôi theo học lớp điện tử trong trường trung học La San tại Cần Thơ. Khi tôi vào trại tập trung, con tôi mua cái máy vô tuyến liên lạc tầm xa do những người lấy trong các đơn vị quân đội đem ra bán, với dự định tháo những cơ phận dùng sửa máy thu thanh, vì bà con hàng xóm thường nhờ con tôi sửa máy. Chưa kịp tháo tung ra thì một toán Công An đến trước nhà, thật ra vợ tôi không hiểu chúng nó đến vì chuyện gì, nhưng vợ tôi tìm cách giữ chúng nó ở cửa trước để con tôi trên lầu tháo tung cái máy rồi cho vào bao. Khi vợ tôi cho chúng nó vào trong nhà thì không còn gì để gọi là cái máy nữa. Nhưng đó lại là cái tội mà hai con trai chúng tôi Phạm Bá Trung với Phạm Bá Tín bị bắt. Vợ tôi “chạy” đầu trên xóm dưới chỉ đem được con trai nhỏ ra khỏi nhà giam Quận 10, còn con trai lớn chúng tôi (19 tuổi) bị chúng nó đưa lên trại tù ở Bà Rá mà chúng nó gọi là “trại lao động”. Bị giam gần một năm trong trại tù đó, vợ tôi chạy tiền và chính chúng nó tổ chức cho con tôi trốn trại, Vợ tôi đón nó ở đoạn đường giữa Bà Rá với Đồng Xoài đưa thẳng về Vĩnh Long “tị nạn” bên Ngoại. Đến khi mua được bốn cái giấy chứng nhận “người Việt gốc Hoa”, cả bốn anh em nó lên tàu rời Việt Nam ngày 14/05/1979) rồi Lễ. Vợ tôi ghi tên (cộng sản gọi là đăng ký) ở Sở Công An tỉnh Vĩnh Long cho tụi nó đi theo diện người Việt gốc Hoa hồi hương. Mỗi đứa phải tốn đến 7 lượng vàng lận. Trước đó, phải tìm mua cái giấy chứng minh người Việt gốc Hoa với giá 300 đồng (Việt Nam) cho mỗi đứa nữa”.

Anh Lễ vừa cười vừa bắt tay tôi: 
“Mừng anh nghe. Mấy đứa nhỏ thoát được là tụi mình khỏe rồi. Tương lai của tụi nhỏ chính là cuộc sống của tụi mình bây giờ. Bà Xã anh hay thiệt. Tụi mình tính sai nước cờ mà mấy “Bả” ở nhà gian khổ quá!
“Tôi nói thiệt anh nghe nhe. Đặt hoàn cảnh ngược lại, nếu tụi mình ở nhà chưa chắc dám cho các con ra biển, vì sống với cộng sản mà tụi mình cứ méo mó cái nghề tham mưu, làm gì cũng tính toán chi li mới bắt tay vào việc, còn mấy “Bả” cứ làm đại vậy mà nhiều cơ hội thành công hơn mình Lễ à! Có thể nói rằng, cộng sản cai trị theo cái luật rừng, nhưng nếu ai xài luật rừng hơn nó thì được việc”. 
Tiếng kẻng đóng cửa buồng giam vang lên, cắt ngang dòng tâm sự dài ngoằng của chúng tôi, rồi hai đứa cùng vào chỗ xếp hàng với các bạn.

Đêm hôm trước khó ngủ vì mong đến sáng để gặp vợ con. Gặp xong rồi, đêm nay cũng không dễ gì yên giấc, cứ chập chờn khi hình dung vợ con tôi vất vả trên xe lửa bảy mươi hai (72) tiếng đồng hồ với khoảng cách 1.736 cây số, thêm mười (10) tiếng đồng hồ ngồi xe bò dưới cái nắng của mùa hè oi bức trên đất Bắc. Đêm ngủ không mùng mà muỗi thì nhiều vô kể, để chỉ được gặp chồng gặp cha vỏn vẹn hai (2) tiếng đồng hồ, rồi lại chịu đựng lượt về cũng vất vả tương tự thời gian lượt đi! Điều gì đã giúp vợ tôi vượt lên trên những gian khổ ấy? Đó là tình yêu chồng và tình thương con! 
Trở lại chuyện trong trại. Một số Công An bày ra cái vụ bán phở cho tù để có thêm tí tiền bỏ túi. Anh nào có tiền gởi trại, ghi tên mua phở họ sẽ căn cứ vào đó mà trừ dần. Mỗi buồng giam mua bao nhiêu cũng được, cứ 10 tô họ đựng trong một chậu thau bưng vào buồng chia lại. Ngày chủ nhật tuần sau đó, tôi mời các bạn ăn phở vì vợ tôi có gởi cho tôi 200 đồng. Hôm ấy tôi trả tất cả là 82 đồng. Không phải tôi mời đến 82 bạn đâu mà có bạn ăn đến 5 tô lận. Năm tô không có nghĩa là nhiều, vì một tô chỉ bằng cái chén trung bình thôi quí vị quí bạn à! Chỉ riêng nhóm chúng tôi có 3 người mà “tiêu thụ” đến 20 tô một cách nhẹ nhàng. Một phần vì sau bốn năm mới cảm nhận được “chút hương vị phở”, và phần khác là được “no bụng bởi phở”. Tôi nói “chút hương vị phở”, vì nó được gọi là phở chớ thật sự nó có đúng nghĩa là phở đâu. Thôi thì trong hoàn cảnh này, cứ gọi nó là phở để cái bao tử cảm thấy “dễ chịu” trong chút thời gian ngắn ngủi!
 
EDITED: 8 Oct 2018 18:06 by OPLA