0

From: OpLa
To: OpLa
Cộng sản nuôi tù. 

Trại tập trung này thường xuyên là ăn độn, nhưng độn theo lương thực thì từng đợt vài ba tuần hay vài ba tháng. Chẳng hạn như bo-bo thì thời gian dài hơn, khoai mì xắc từng cọng phơi khô thì vài tuần, khoai tây tươi nguyên củ thì theo mùa, bột mì luộc thì tùy theo viện trợ từ ngoại quốc. Nói là độn nhưng thật sự ăn 100% chớ không phải một phần gạo một phần độn đâu. Bo-bo là thức ăn dành cho ngựa ngoại quốc, cọng khoai mì phơi khô là thức ăn dành cho heo trong nước, nếu nói cho văn chương một chút gọi là thức ăn dành cho gia súc. Vì là thức ăn dành cho những động vật không phải con người, nên người ta không cần giữ vệ sinh từ lúc sản xuất, tồn trữ, chuyển vận, đến cung cấp cho bếp trại. Nghĩa là trong tình trạng không sạch sẽ chút nào, vì khi đổ ra sân người ta dùng bàn cào hay chổi để trải ra phơi hay gom lại cho vào bao. Hãy hình dung bữa ăn với cọng khoai mì khô đã nấu chín. Mỗi khẩu phần từ 10 đến 12 cọng, nhỏ thì bằng ngón tay út còn lớn thì bằng ngón tay cái, và dài nhất cũng khoảng 12 phân tây (0.12 thước). Bên cạnh những cọng khoai mì nhơn nhớt, là muỗng nước muối với khoảng mười cọng rau mùa hè (rau muống) hay rau mùa đông (bắp cải, su hào). Đấy là một phần ăn. 
Trong số những thứ lương thực thay gạo đó, bo-bo là tai hại nhất, vì cái võ lụa của nó không tiêu được, nên nó phải “cào” những gì vướng mắc trên đường đi từ cái bao tử ra đến cái thùng gỗ đựng nó, chờ khiêng xuống khu vực trồng rau để “chăm bón”. Cuối cùng, nó lại quay vòng trở vào bao tử chúng tôi dưới dạng rauCó bạn dùng cây tăm xỉa răng, ghim từng hột bo bo cho vào miệng. Cách ăn này vừa nhai thật kỷ, vừa đánh lừa cái bao tử làm cho “nó” tưởng là được ăn nhiều! 

Năm 1978-1979, tôi với anh Nguyễn Tài Lâm ăn chung. Tuy bo-bo “nó hung hăng” như vậy, nhưng hai chúng tôi cứ trông đến ngày thứ bảy nhờ anh Sét -em rể anh Lâm- ở buồng giam khác, mua giùm một phần bo-bo với giá một đồng. Hai đứa chia nhau mỗi người một nửa, giúp cái bao tử đỡ phần lỏng lẽo! Theo lời anh Sét thì anh bạn muốn có một phần bo-bo bán cho chúng tôi, mỗi chiều anh ấy để lại một muỗng. Ngày thứ hai để lại hai muỗng từ phần bo-bo mới lãnh và gộp muỗng bo-bo của ngày thứ nhất vào phần ăn lúc ấy. Ngày thứ ba để lại ba muỗng và gộp hai muỗng của ngày thứ hai vào phần ăn lúc ấy. Và cứ như thế cho đến ngày thứ bảy là đủ một phần, anh ấy bán cho chúng tôi lấy tiền lén gởi mua thuốc lào hút.
Bây giờ quí vị quí bạn hãy hình dung thời gian tại trại tập trung Nam Hà vào chiều Ba Mươi Tết Nguyên Đán đầu năm 1979. Nhà bếp phát cho mỗi người tù chúng tôi một cái bánh chưn, mỗi cạnh 15 phân tây kể cả lớp lá dông thật dày bên ngoài. Tôi với anh Lâm phác thảo “kế hoạch” ăn hai cái bánh chưn đó. Chiều Ba Mươi ăn cái bánh của tôi, và sáng Mồng Một ăn cái bánh chưn của anh Lâm. Chúng tôi nhẹ nhàng cắt dây, rồi từ từ gở từng miếng lá nhỏ cứ như sợ nó văng mất từng hột nếp hay miếng thịt nho nhỏ bên trong ấy, và … trời đất ơi, một nửa cái bánh còn nguyên hột nếp! Nếu có bạn nào trông thấy hai cái mặt chúng tôi lúc ấy, cũng không thể nào tưởng tượng cái bao tử của chúng tôi nó thất vọng đến như vậy!

Cầu cơ. 

Nhóm anh em chúng tôi gồm các anh Cao Văn Phước, Ngô Văn Huế, Vũ Tiến Phúc, Cao Nguyên Khoa, Phạm Duy Khang, anh Đàm Quang Yêu, và tôi, bắt đầu chơi “cơ” sau khi vào buồng giam, thường gọi là “cầu cơ”. Thỉnh thoảng có thêm anh Nguyễn Kỳ Nguyện và anh Đặng Văn Hậu. “Cầu cơ” cần có cái bàn và con cơ. “Cơ” phải là mảnh ván hòm (quan tài) lấy từ cái huyệt mà thân nhân họ đã hốt cốt mới “linh thiêng”. Một hôm anh Khang trong nhóm đào ao nuôi cá dưới đồng, lượm được một mảnh ván mà anh nghĩ là “ván hòm”, đem về cắt gọt theo hình dáng cái cơ. “Bàn cơ” là mảnh giấy có viết đủ các mẫu tự Việt Nam, một hàng số từ 0 đến 9. Ngoài ra còn viết nguyên chữ đúng/sai, có/không, tốt/xấu để đỡ phải ráp các mẫu tự. Chúng tôi dùng hai cái mền treo lên để tạo thành cái phòng kín, tránh sự rình rập của đám Công An tuần tiểu từ cửa sổ nhìn vào. Chúng nó bắt gặp cũng phiền phức lắm. 
Hôm đầu tiên, anh Khang “ngồi cơ”, anh Yêu khấn vái gọi hồn. Đại khái thì anh giới thiệu với hồn ma hồn quỷ rằng: 
“Chúng tôi là tù chính trị miền Nam, bị giam tại trại tập trung Nam Hà này, xin thỉnh hồn các vị khuất mặt khuất mày nào đi ngang đây, vui lòng nhập cơ để chúng tôi nhờ giúp đỡ độ trì”. 
Anh Phước khều tôi: “Ê! Cơ chạy rồi kìa”.
Nhưng cơ lại ngừng. Một lúc sau thì cơ chạy lại, tức là có hồn nào đó nhập vô rồi. Anh Yêu lại lâm râm khấn vái: 
“Vị khuất mặt khuất mày nào đã nhập vô cơ xin nhập luôn chớ đừng ngập ngừng, để anh em chúng tôi hỏi đôi điều”.
Tôi phụ trách ráp các mẫu tự mà cơ chỉ vào, và có câu sau đây:
“Tôi tên Thọ, Tiểu Thần phụ trách khu này. Trước kia tôi là công nhân nhà máy dệt Nam Định, chết vì không có thuốc trị dạ dày (bao tử). Hiện tôi còn một vợ và bốn con ở tại Nam Định” (có cho số nhà và tên đường). 
“Chúng tôi có thể nhờ ông Thọ cho biết tin tức gia đình ở Sài Gòn được không?”
“Được. Nhưng chờ tôi xin phép Thổ Thần trước”.
Cơ ngưng chạy. Trong tích tắc thì chạy lại, nhưng là hồn khác:
“Tôi tên Ban, tù hình sự, đã chết vì đói tại Trại Mễ ở Phủ Lý. Hiện tôi là “ma đói”. Các ông có gì cho tôi ăn không”.
Tôi lấy cái bánh ngọt và tách nước trà để lên bàn cơ, anh Đàm Quang Yêu mời:
“Chúng tôi mời ma đói ăn bánh uống nước”.
Cơ chạy tới đụng nhẹ vào cái bánh rồi đến chạm vào tách nước, cơ lui lại vị trí chờ. Trong lúc anh Yêu hỏi thêm thì cơ chạy vội vào các mẫu tự, tôi ráp lại: 
“Xin phép các ông tôi đi, vì ông Tiểu Thần vừa đến ngoài cửa. Ông ấy bắt gặp là tôi bị phạt”. 
Trong chớp mắt cơ chạy lại, đó là ông Tiểu Thần: 
“Tôi được phép rồi, các ông cần gì thì nói”.
Tôi hỏi trước: “Tôi tên là Hoa …” 
Cơ cắt ngang bằng cách chạy vào các mẫu tự: 
“Tôi biết tên ông rồi vì tôi nghe các ông bên cạnh gọi tên ông. Ông nói tiếp”. 
“… Tôi có bốn đứa con đi ngoại quốc bằng tàu đã hai tháng nay mà tôi chưa có tin tức. Ông Thọ có thể vào Sài Gòn, đến nhà X12 cư xá Bắc Hải, Phường 25 Quận 10, xem giùm tình trạng ở nhà tôi và cho tôi biết tin tức được không?”
“Được. Ông Hoa chờ một chút”. 
Khoảng 30 giây sau, cơ chạy lại: 
“Không phải như ông nói đâu. Hiện ở nhà ông có bốn đứa con, còn một đứa nữa thì ông Thổ Thần tại đó nói nó đi rồi nhưng chưa đến nơi”.
“Cám ơn Ông Thọ”. 
Anh Yêu hỏi: “Làm sao mà ông đi mau vậy?”
“Tôi chỉ là luồng khói nhỏ, thoắt đây thoắt kia, nhưng phải có phép của Thổ Thần mới đi được như vậy. Bây giờ tôi bận, tôi phải đi ngay. Chào các ông”.
Thật lòng mà nói, tôi không tin vào cơ, nhưng những lời của hồn từ bên kia thế giới xưng là Tiểu Thần đã nói trên bàn cơ vừa rồi làm tôi suy nghĩ mãi: “Tin hay không tin?” Thôi thì chờ tin từ vợ tôi mới đánh giá lời cơ đêm nay.
Tuần lễ sau, chiều thứ bảy, anh Lễ từ nhà thăm nuôi trở vào, đưa cho tôi gói quà của vợ tôi gởi. Vội vàng mở ra, việc đầu tiên là xem thư mà tôi tin là thể nào cũng có trong hộp sữa bột mà chúng tôi dùng để thư bên trong. Và y như rằng, có bốn trang thư bằng giấy “pelure” mỏng. Xem xong, tôi ngẩn ngơ! Vì trong thư có hai chuyện rất buồn: Chuyện thứ nhất. Khi vợ tôi xin giấy phép ở Phường để ra Bắc thăm tôi hồi tháng 05/1979 thì họ không cấp, vợ tôi nhờ người bạn mua cái giấy phép ở Phường khác. Khi vợ và con tôi từ Nam Định trở về Sài Gòn thì nhà chúng tôi bị niêm phong, với dòng chữ “nhà vắng chủ”. Vợ tôi gục đầu vào cửa nhà vì quá uất ức! Đêm đó, vợ con tôi ngủ bên ngoài cửa nhà. Hôm sau, vợ tôi đến nhờ chị bạn (Chị D.V.D.) có người thân làm trong tòa án cộng sản can thiệp. Cuối cùng, đám Công An Quận 10 phải gở niêm phong. Dĩ nhiên sự “giúp đỡ” đó theo phương thức “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Đến chuyện thứ hai. Bốn con chúng tôi tưởng đã đi được rồi, nhưng chỉ mấy ngày sau khi tàu rời Vĩnh Long (14/05/1979) là quay về bến. Lý do mà Sở Công An thông báo vì thời tiết xấu nên tàu quay về, nhưng họ không nói bao giờ thì đi, cũng không nói gì đến số vàng mà họ đã nhận của những người có giấy tờ “người Việt gốc Hoa ghi danh hồi hương”. Từ đó đến nay đã hơn hai tháng, họ vẫn hoàn toàn im lặng, có ai đến hỏi thì họ trả lời vắn tắt: “Chưa có lệnh cấp trên”. Mọi người biết mình bị Công An cộng sản trấn lột nhưng đâu thể làm gì họ được. 
Sau khi quay về, đứa con trai lớn chúng tôi vẫn phải “tị nạn” ở quê Ngoại vì trước đó đã trốn trại lao động. 
Vậy thì lời cơ hoàn toàn đúng nhưng tự thâm tâm tôi vẫn chưa thể tin được, vì từ trước đến giờ tôi không tin vào tướng số tử vi, huống hồ gì lời của “hồn ma bóng quế” từ thế giới vô hình nói về những sự kiện trong thế giới hữu hình. 
Về Công An tổ chức vượt biển, xin mở ngoặc. Năm 2004, trên trang báo Dân Vận của đảng bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Germany, có bài viết về tội ác của cộng sản Việt Nam, trong đó có đoạn nói đến vấn đề vượt biển do Công An tổ chức. Xin trích một đoạn: 
“Theo tin tức tiết lộ từ Bộ Công An, chánh phủ cho phép các Sở Công An tổ chức những chuyến vượt biển cho thành phần người Việt gốc Hoa từ tháng 11 năm 1978 với mục đích, vừa đẩy thành phần đó ra khỏi Việt Nam, vừa thu được 7 lượng vàng của mỗi người để bổ sung ngân sách nhà nước. Hành động như vậy, Việt Nam không mang tiếng trục xuất một thành phần tai mắt của Trung Hoa cộng sản, vì lúc ấy bang giao giữa hai nước cộng sản này đang căng thẳng. Về số vàng thu được từ năm 1978 đến 1982 lên đến 700.000 lượng, nhưng có thật sự vào ngân sách nhà nước hay vào túi riêng của những người quyền thế, chỉ có họ với Trời mới biết thôi. Vàng thì họ thu khi ghi danh, còn bao nhiêu người thoát khỏi Việt Nam thì không ai biết. Nguồn tin cũng cho biết, trung ương của họ ra lệnh thu mỗi người 3 lượng vàng chớ không phải 7”. Đóng ngoặc.

Tôi gởi hộp sữa bột về lại Sài Gòn với những trang thư bên trong: “(1) An ủi vợ con tôi nên xem đó là bài học kinh nghiệm mà bài học nào cũng có cái giá phải trả. Có điều là giá đó thuộc loại trấn lột. (2) Giữ vững ý định tiếp tục đưa các con ra khỏi Việt Nam khi thấy có thể, vì không thể để các con sống với cộng sản. (3) Nên chia ra từng một hoặc hai đứa mà đi, để tránh trường hợp tất cả bị tai nạn cùng lúc. Và (4) Có thể nhờ các em trợ giúp tài chánh cho con đi”.
Rồi những đêm sau đó, nhóm chúng tôi tiếp tục chơi cơ. Anh nào cũng nhờ ông Tiểu Thần vào Sài Gòn xem giùm tin tức gia đình. Một đêm, anh Yêu khấn thật lâu cơ mới chạy. Sau một lúc hỏi đáp, mới biết là ông Tiểu Thần bận nên “ma đói” vào cơ:
“Hôm nay tôi ở đây được lâu, các ông có hỏi gì tôi không?”
Theo lời anh Yêu, không phải ai ngồi cơ cũng có hồn nhập vào đâu mà phải như thế nào đó thường gọi là “cơ duyên”. Không biết đúng hay không nhưng rõ ràng là anh Vũ Tiến Phúc (Đại Tá Pháo Binh) ngồi cơ thì nhiều hồn nhập vào cơ. Tôi có thử một lần nhưng phải nửa tiếng đồng hồ mới có hồn nhập vào cơ, lại là hồn ma thôi. Khi hồn nhập vào cơ thì tôi không thể giữ lại. Tôi muốn thử cho biết bằng cách tôi cố ấn mạnh ngón tay giữa để giữ cơ lại, nhưng cứ như có người đẩy cơ đi. Hai lần tôi cố tình kềm cơ lại nhưng không thể được. Vì vậy mà tôi tin là có hồn nhập vào cơ, nhưng vẫn chưa tin hẳn vào lời cơ. 
Anh Khang nói: 
“Nào, bạn lên nhà ông Xuyên (trại trưởng) xem tụi nó làm gì trên đó mà đèn sáng choang vậy”.
“Không được ông Khang ơi. Tụi nó gác dữ lắm, nó không cho tôi vào”.
“Lính cộng sản gác, ăn thua gì bạn mà bạn sợ”.
“Tôi nói lính của ông Tiểu Thần gác, chớ tôi đâu có nói lính của ông Xuyên”.
“Vậy thì anh xuống nhà bếp xem mai chúng nó cho chúng tôi ăn gì?”
“Ngày mai các ông ăn bột mì luộc, vì trong kho chỉ có bột mì thôi”.
“Hừm. Sao không coi luôn thức ăn?”
“Tôi thấy chỉ có bột mì với muối, ngoài ra không có gì khác nữa”. 
Trong khi chưa có câu hỏi gì thêm thì cơ chạy vòng vòng, đột nhiên cơ hỏi:
“Mấy ông có quen với phụ nữ ở đây sao?”
“Phụ nữ ở đâu mà quen? Chúng tôi là tù chính trị trong Nam ra đây, đâu có quen với ai”.
“Tôi thấy có hai cô đang ngồi phía trước kìa”.
“Bạn ra hỏi giùm hai cô ấy là ai vậy? Và muốn gặp ai?”
“Không xong rồi. Ông Tiểu Thần đang đến, hai cô đó đứng dậy đi rồi. Thôi, tôi đi nghe”.
Ngay sau đó ông Tiểu Thần nhập cơ, và anh Khang hỏi:
“Ông Thọ có biết có người Mỹ nào chết trong trại này không?”
“Có. Tôi biết có hai người”.
“Ông Thọ có thể cho biết vài chi tiết về hai người Mỹ đó không?”
“Không. Tôi chỉ biết hai người đó là sĩ quan”.
“Ông Thọ có thể mời họ đến đây được không?”
“Được. Ông chờ tôi”.
Sau đó cơ chạy lại, nhưng lúc ấy tôi phải chui vào mùng vì tôi bắt đầu bị cúm, rất khó chịu. Sáng sớm hôm sau, anh Khang thuật tóm tắt như sau: 
“Hai sĩ quan Mỹ, một là Thiếu Tá và một là Đại Úy. Cả hai chết tại buồng giam số 1 này. Mồ của hai anh ấy ở sườn núi phía Tây cách trại khoảng 500m đường chim bay. Anh Thiếu Tá ở tiểu bang California, có cho địa chỉ đầy đủ kể cả zipcode. Anh Đại Úy đang buồn vì vợ anh đã có chồng khác, hai con gái của anh được tòa giao cho mẹ anh nuôi, vì vậy mà anh không muốn cho ai biết địa chỉ. Cả hai sĩ quan này đều biết hút thuốc lào, và chết vì kiệt sức do không đủ dinh dưỡng. Sở dĩ hai anh biết tiếng Việt, vì khi vào thế giới vô hình tại Việt Nam bắt buộc phải học, và hai anh trả lời những câu hỏi cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ”
Dần dần chỉ còn lại các anh Vũ Tiến Phúc, Cao Nguyên Khoa, với anh Phạm Duy Khang tiếp tục chơi cơ một thời gian khá lâu sau đó. Có anh hỏi những vấn đề chiến lược chiến thuật, về tương lai của Việt Nam, và “những vị” trả lời có “vị” xưng là Bà Chúa Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần, có khi là vị thần này vị thánh kia, ..v..v… 
Riêng tôi thì ngưng sau hai tuần tham gia, vì cảm thấy gai gai trong người làm sao á! Tôi không giải thích được,nhưng rõ ràng có vài đêm trong giấc ngủ cứ như có ai đó đến nói chuyện với tôi, vì phát âm không rõ nên tôi không hiểu họ nói gì. Với lại tôi nghĩ rằng: “Chuyện người ở thế giới vô hình nhập vào cơ của thế giới hữu hình là có thật, và trả lời những câu hỏi ngay trong cuộc sống là tin được, nhưng về những câu hỏi có tính cách quan trọng dài lâu trong tương lai, khó mà chấp nhận. Bởi lẽ, nếu cơ cung cấp chính xác về chiến lược chiến thuật ở cấp bậc quốc gia quốc tế, thì ông Tổng Thống chỉ có việc rao truyền trên toàn quốc để tìm mời người “có cơ duyên cao nhất” vào Phủ Tổng Thống ngồi cơ, cầm chắc là Tổng Thống sẽ thành công xuất sắc trên mọi lãnh vực sinh hoạt quốc gia, mà không cần đến năm bảy bộ tham mưu đồ sộ với máy móc tinh vi, lúc ấy ngân sách quốc gia lúc nào cũng thặng dư . Vậy là “dân giàu nước mạnh” rồi. Suy cho cùng, nếu sự thể diễn ra như vậy, hà tất phải tốn công tốn của chọn bầu vị Tổng Thống.
Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta có đức tin riêng, nhưng mỗi người có cách riêng của mình khi nhìn về đức tin, trông chờ sự hiện hữu của đức tin. 

Vá đường.

Tháng 05/1980, vừa ra khỏi cổng trại thì tên võ trang bảo dừng lại:
“Anh Hoa. Anh cử người đến kho lãnh dụng cụ đi sửa đường. Từ hôm nay, Đội phụ trách sửa đoạn đường từ nhà thăm nuôi ra đến nhà máy xi măng”.
“Cán bộ có cho xuống đồng mang dụng cụ về trả kho không?”
“Không cần. Cán bộ Vượng (quản giáo) bảo các anh cứ bỏ dưới đó, để nhân viên kho đi tìm mang về”.
Tôi theo tên võ trang đến kho, hắn bảo tôi:
“Anh vào lãnh dụng cụ đi”. 
Tôi vào kho, vừa nói mượn dụng cụ là tên giữ kho quát: 
“Các anh phải mang số dụng cụ dưới đồng về trả mới được lãnh dụng cụ mới”. 
Tên võ trang bước vào: 
“Đồng chí cho Đội mượn đi, đồng chí Vượng nói sẽ trả sau, vì hôm nay phải sửa đường gấp, chậm trễ là có vấn đề đấy”.
Cuối cùng, chúng tôi cũng mượn được dụng dụ cần thiết. Một bên đường là sườn núi với rất nhiều đá dăm, nên chúng tôi không phải khiêng đá từ xa đến, còn bên kia là triền đồi xuống cánh đồng chiêm. Qua khỏi nhà thăm nuôi, tên quản giáo bảo Đội dừng lại, hắn hỏi tôi:
“Anh muốn Đội bắt đầu từ nhà máy xi măng vào, hay từ đây ra?”
“Báo cáo cán bộ. Tôi nghĩ là nên bắt đầu từ đây ra, vì đoạn này nhiều lỗ trũng mình sửa là thấy kết quả ngay”. 
Tôi nêu ý kiến như vậy vì trước mắt, anh em chúng tôi có cơ hội gặp những gia đình bạn bè có thể hỏi thăm tin tức. Thể nào hắn cũng ngăn cấm, nhưng thể nào chúng tôi cũng có cách qua mặt hắn.
“Được. Anh cho Đội bắt đầu từ đây, nhưng nếu anh nào lén phén chui vào nhà thăm nuôi là anh trách nhiệm. Tôi nói trước để mà tránh, tôi mà nổi điên lên khi bắt gặp anh nào vào nhà thăm nuôi thì mấy anh cũng chẳng ra gì đâu. Nghe chưa?”. 
Hắn muốn nói là hắn sẽ chửi chúng tôi đó. Tên Vượng này nóng tánh và thô lổ nữa, nhưng nghe chừng “bịt miệng” hắn cũng không khó. 
“Vâng. Nhưng tôi xin cán bộ, khi giao trách nhiệm cho chúng tôi cán bộ đừng bảo phải làm thế này thế khác, hãy để chúng tôi làm theo cách của chúng tôi. Trước khi về tôi sẽ báo cáo và cán bộ kiểm soát công tác tại chỗ”.
Hắn im lặng một lúc:“Cứ làm đi”. 
Nói xong, hắn lầm lủi vào dãy nhà dành cho tổ Công An điều hành và canh giữ nhà thăm nuôi.
Chúng tôi chọn địa điểm nấu nước và ngồi nghỉ giải lao chỉ cách nhà thăm nuôi khoảng 50 thước về phía ra Ba Sao. Trong nhà thăm nuôi khá đông thân nhân của tù chính trị chúng tôi, trẻ con cũng khá nhiều. Có lẽ tôi cần giải thích một chút về nấu nước. Mỗi Đội trên dưới 20 người được cử một người phụ trách nấu nước cho Đội uống. Họ phát hai cái thùng loại 20 lít và một đòn gánh. Đội chúng tôi có anh Nguyễn Kỳ Nguyện phụ trách nấu nước. Nước thì anh Nguyện tự tìm chỗ lấy và gánh về, còn củi thì anh Nguyễn Xuân Hường phụ trách lên núi kiếm mang xuống cho anh Nguyện. Một số trong số anh em chúng tôi được gia đình tiếp tế gạo, nên cho nhúm gạo và nước vào lon guigoze có cái quai móc, đem móc vào chung quanh miệng thùng nước, nhờ sức nóng của lửa do anh Nguyện cố tình cho lửa thoát nhiều ra chung quanh, giúp chúng tôi có lon guigoze cơm ngon miệng bụng no. 
Tôi với anh Nguyễn Kim Tây trong một toán. Khi tên võ trang vào nhà thăm nuôi ngồi nhìn ra, tôi đứng sát anh Tây:
“Tây ơi! Thư mới nhất của vợ “ta” cho biết trong tháng này Ba “ta” sẽ ra thăm. Vì vậy mà “ta” hy vọng gặp Ba mình trong lúc tụi mình sửa đường”.
“Nhà ngươi” nhìn vô nhà thăm nuôi chưa?”
“Có nhìn nhưng không thấy, kể cả người quen”. 
Tôi với anh Tây khi nói chuyện với nhau, thường dùng “ta” hay “nhà ngươi” để chỉ ngôi thứ nhất với ngôi thứ hai của chúng tôi. Trong lúc giải lao, tôi thuật lại lời của tên Vượng cấm vào nhà thăm nuôi, và có ý kiến: 
“Tôi nghĩ, nếu bạn nào muốn liên lạc với các chị trong nhà thăm nuôi, nên nhắn ra phía cầu vệ sinh. Nếu hắn có thấy thì nói là mình đi tiêu đi tiểu gì đó cho khớp với nhau. Dần dần tôi sẽ cố gắng thử xem có “bịt miệng” hắn được không rồi mình liệu cách”.
“Bịt miệng” có nghĩa là mua chuộc hắn bằng cà phê thuốc lá, thậm chí là chút ít tiền cuối tuần cho hắn đi xe về nhà. 
Mùa hè trên đất Bắc nóng và oi bức lắm, không như cái nóng hiền hòa của miền Nam. Càng nóng chúng tôi càng mặc quần áo dài tay để giữ mồ hôi bên trong làm giảm sức nóng từ bên ngoài. Lại còn cái khăn lông nhỏ thấm nước phủ lên đầu trước khi đội nón, chốc chốc kéo xuống lau mặt cho mát. 
Cứ như thường lệ, mỗi khi đến chỗ làm chúng tôi được nghỉ 10 phút để thu xếp đồ đạc cá nhân cũng như dụng cụ đi làm. Ba ngày sau đó, trong lúc nghỉ ngơi chuẩn bị mang vác dụng cụ đào đất vá đường, tôi liếc nhìn vào nhà thăm nuôi xem có Ba tôi không. Bỗng, tôi rất đổi ngạc nhiên, dụi mắt, nhìn lại. Rõ ràng là vợ tôi ngồi dựa cột ở hàng hiên … nhìn tôi. Tay trái giở nón lên để thấy rõ và tay phải tôi chỉ vào tôi. Vợ tôi liền đứng dậy, cũng dùng tay chỉ vào vợ tôi. Vậy là chúng tôi nhận nhau rồi. Tôi khều anh Tây: 
“Tây ơi, Tây”. 
Vừa gọi, tôi vừa ngoắc anh Tây đang ngồi uống nước chỗ anh Nguyện, vì còn mấy phút nữa mới bắt đầu lao động. Anh Tây đi nhanh lại:
“Bác đến hả nhà ngươi?”
“Đến rồi. Nhưng không phải Ba ta, mà là vợ ta”.
“Chị đâu?”
“Vợ ta mặc đồ tây kiểu đồ bộ, màu nâu, đứng dựa cột thứ ba từ bên phải qua trái đó. Nhà ngươi thấy chưa?”. 
“Ta thấy rồi. Có phải Chị hơi ốm một chút không? 
“Đúng. Hơi ốm so với giữa năm ngoái. Nhà người đứng đây với anh em giùm ta, ta kiếm thằng Vượng nhờ nó xin thằng Thụ -phụ trách nhà thăm nuôi- cho ta gặp mấy phút được không?”
“Nhà ngươi đi đi. Hình như nó đang ngồi trong chòi của hình sự kìa”.
Đúng là hắn ngồi trong đó. Tôi bước vào:
“Chào cán bộ. Vợ tôi từ Sài Gòn ra thăm, đang có mặt trong nhà thăm nuôi. Cán bộ có thể giúp cho tôi gặp vợ tôi trong chốc lát được không?”
“Không được. Ông Thụ không cho đâu. Để mai gặp luôn”.
“Báo cáo cán bộ, nếu vậy thì có gì phải nói đâu. Sẳn Đội đang lao động ở đây, tôi nghĩ là cán bộ có thể giúp tôi được, chớ chờ mai thì bình thường thôi. Cán bộ gắng giúp tôi trong 10 phút thôi mà”.
“Anh lộn xộn quá. Để tôi vào gặp ông Thụ xem sao”. 
Một lúc sao, hắn ngoắc tôi vào và nói với con Kim:
“Đồng chí Kim (cô này năm ngoái làm ở nhà trồng nấm), cho anh này gặp vợ trong 10 phút. Tôi xin ông Thụ rồi”.
“Được”. Cô ta xoay qua tôi: “Anh vào trong”.
Hai cái bàn dài đông nghẹt người. Cô ta đưa tôi cái ghế của cô ta: 
“Đưa ghế này vợ anh ngồi, còn anh ngồi tạm cạnh vợ anh. Anh chị nói chuyện nhanh lên, chỉ 10 phút thôi. Các ông trong trại ra trông thấy là phiền lắm”.
“Cám ơn cán bộ”. 
Vợ tôi vào chuyện ngay: 
“Hai bên gia đình đều mạnh. Còn chuyện các con vượt biển dưới dạng người Việt gốc Hoa, khi tàu rời Vĩnh Long chưa được một ngày thì tàu quay lại, họ nói là biển động không đi được. Rồi từ đó, mỗi khi có người đến hỏi thì họ trả lời là chưa biết chừng nào mới khởi hành được. Khi hỏi đến số vàng đã đóng thì họ nói đó là chuyện của cấp trên chớ họ không biết, mặc dù vàng thì nộp cho họ. Vậy là chúng nó trấn lột, chỉ kể trong chuyến đó cũng đến cả ngàn lượng vàng chớ ít đâu Anh. Thôi thì các con còn đủ là được rồi. Em đưa các con về Sài Gòn, riêng con Trung vì trước đó đã trốn trại tù nên ở lại Vĩnh Long lánh mặt tụi Công An khu vực trong cư xá mình. Bây giờ thì con Trung với Tín đã đến Thái Lan rồi Anh”. 
“Em được điện tín hay thư của hai con chưa?”
“Có thư của hai con rồi. Hai con vượt biển từ Cà Mau và trốn đi chớ không phải như lần đi năm ngoái. Lần thăm Anh năm ngoái trở về, nhà mình bị tụi nó niêm phong, nó đòi tịch thu. Em liều mạng với tụi nói, cuối cùng nó mới chịu trả. Lúc nào tụi nó cũng chực lấy nhà mình, cũng như nhà của các bạn trong cư xá Bắc Hải mình. Chúng nó toàn cái bọn ăn cướp cả”. 
“Em giỏi lắm”. 


(Trong hình là Phạm Bá Trung & Phạm Bá Tín đang leo qua tàu biển)

“À, có con gái với út Nghĩa theo Em thăm Anh nữa. Hai con với các bạn nó đi tắm rồi, chắc cũng sắp về. Con Hùng đang ở Vũng Tàu, lúc nào đi được là con sẽ đi với thằng Thành con anh Có (Đại Tá Nguyễn Hữu Có) và mấy bạn nữa. Khi nào có tin, Em nhắn cho Anh hay”.
“Hùng gan quá hả Em, dám đi một mình. Có thằng Thành cũng đỡ đần nhau được. À! Em có mang cho Anh hai chiếc nhẫn không?”
“Có. Nhưng bây giờ không tiện lấy ra, vì Em để người. Ngày mai Em đưa Anh. Bây giờ Anh có thể đem con gà luộc này vào trại được không? Em để trong bao ni-lông rồi”.
Tôi quay sang cô Kim: 
“Báo cáo cán bộ, tôi có thể mang cái túi có đựng con gà luộc ra khỏi đây không cán bộ? Cán bộ có thể xem trước, chỉ có con gà luộc thôi”.
“Anh đưa tôi xem….. Được, Anh mang ra khỏi đây, nhưng khi vào trại đừng để mấy ông trực trại trông thấy là phiền phức lắm”.
“Cám ơn cán bộ. Giới thiệu với cán bộ, đây là vợ tôi, còn hai con tôi đi tắm rồi”.
“Tôi biết rồi. Con gái của Anh Chị xinh lắm”.
“Vợ chồng tôi chỉ có mỗi đứa con gái, còn lại đều là trai, nên cưng lắm”.
“Thôi. Anh ra Đội đi. Quá 10 phút rồi. Mai thăm chánh thức, tôi để ngồi nói chuyện lâu hơn”.
Ra đến hàng hiên, vợ tôi chỉ phía dưới dốc: 
“Tụi nhỏ đi tắm về kìa Anh. Con gái đi tận cùng bên phải đó”.
“Con gái mình cao lớn quá hả Em”
“Càng lớn, con gái càng xinh. Mấy chị bạn đều khen con mình”.
Thằng quản giáo Vượng gọi tôi sang bên kia đường, trong lúc hai con tôi đi ngang tôi nhưng là bên này đường. Tôi với hai con tôi chỉ cách nhau mấy thước tây mà chỉ được nhìn nhau qua ánh mắt, chớ không được hôn lên trán con gái, hay ít nhất cũng vuốt được mái tóc dài của con gái tôi mà tôi thường ao ước! Ngày trước, tôi thường khuyến khích con gái tôi để mái tóc dài như Mẹ nó lúc còn đi học. Tên Vượng hỏi:
“Anh nói gì mà lâu thế?”
“Báo cáo cán bộ. Vợ chồng hằng năm trời gặp nhau chỉ 10 phút đồng hồ, vợ tôi mới kể cho tôi nghe về sức khỏe và cuộc sống của hai bên gia đình chúng tôi là hết giờ rồi, còn nói gì nữa đâu cán bộ”.
Tôi trở lại Đội, cùng anh Tây đứng nhìn vợ con tôi vẫn đứng ở hàng hiên nhà thăm nuôi. Tôi gởi cái túi ni-lông cho anh Nguyện, để chốc nữa cho vào cái thùng (nấu nước) mang vào trại. Anh Tây nói:
“Con gái nhà ngươi phúc hậu lắm”.
Sau giờ buồng giam bị khóa cửa, cũng có nghĩa là “giờ tự do” bắt đầu. Tôi thực hiện ý định cất giấu hai chiếc nhẫn khi vợ tôi đưa tôi ở nhà thăm nuôi để mang vào trại, vì hai chiếc này trong ý định táo bạo của một số anh em chúng tôi sẽ chung góp để mua máy thu thanh đưa vào trại theo dõi tin tức trên làn sóng đài phát thanh BBC Luân Đôn. Dạo này tụi nó cho chúng tôi mặc quần tây áo sơ-mi mỗi khi được phép thăm nuôi, vì mặc đồ trại trông thảm hại lắm. Thế là tôi moi cái túi quần bên trái ra, tháo một đoạn chỉ tận cùng phía dưới túi và sát cạnh trước, đủ cho chiếc nhẫn lọt xuống cái túi nhỏ xíu nối dài đến gần đầu gối. Tôi dự trù 2 chiếc nhẫn sẽ xuống nằm yên ở đó. Vì thông thường đám trực trại khi khám xét người, bọn chúng vuốt hai bên túi quần, nhất là túi quần bên phải xuống đến hết cái túi thôi, vì vậy mà tôi hi vọng 2 chiếc nhẫn sẽ qua được những đôi mắt cú vọ với những bàn tay nhám nhúa của đám trực trại. Anh Hậu ngồi bên trông thấy là hiểu ngay:
“Này, cậu nghiên cứu bao giờ mà có sáng kiến hay thế?”
“Qua nhiều lần nhập trại, mình quan sát cách khám xét của tụi nó, nhất là xét mấy bạn thăm nuôi vào trại. Trong đám trực trại thì thằng Thịnh khuỳnh là hắc ám nhất. Nó mằn từ lưng quần xuống tận .. “dế” nữa nghe. Hai hôm trước, trong khi chờ xuất trại không biết Hậu có thấy không, thằng Thịnh nó mằn cái chỗ.. í .. của một anh nào đó ra gặp người nhà, ảnh nhột quá nên nhảy dựng lên làm anh em ngồi chờ xuất trại cười quá trời”. 
“Anh hổng hay nó mằn ra cái thư à?”
“Không. Mà ai vậy?”
“Anh nào đó ở buồng (giam) 15. Nó mằn ra cái thư giấu trong quần lót, nó đuổi vô luôn. Sau đó phải làm bản kiểm điểm nó mới cho ra gặp người nhà”. 
“Mình chuẩn bị bửu bối này, nhưng mình sẽ tùy cơ ứng biến lúc mình ra cửa để vào trại, có thể trong tích tắc mình chuyền sang các bạn mang vào trại giùm”. 
“Theo tôi thì cách đó là ổn nhất, chứ bạn mà lọt vô tay thằng Thịnh khuỳnh nó hành bạn là cái chắc”.
“Sáng mai, lúc nào Hậu cũng liếc mắt nhìn vào hàng hiên nhà thăm nuôi, sẳn sàng để khi mình ra cửa là tùy cơ ứng biến à nghe”.
“Lúc Đội làm ở nhà nấm, con Kim thường hay rù rì với bạn, hi vọng nó không hại bạn đâu”.
“Cái con khỉ. Nó là “cộng sản cái” chớ có phải nó là con gái bình thường đâu. Đã là cộng sản thì “đực cái” cũng vậy thôi. Chúng nó là chúng nó, chúng mình là chúng mình, đừng nói lôi thôi, Hậu phải cứu bồ đó”.
Sáng hôm nay nhà thăm nuôi đông người lắm. Vợ chồng tôi ngồi đối diện nhau, hai con chúng tôi ngồi cạnh tôi, con gái bên phải và con trai bên trái tôi. Con Kim ngồi đầu bàn, nó nói khẻ:
“Anh cho con gái anh sang ngồi với chị, chứ các ông trong trại ra trông thấy là căng lắm”.
Ngay khi vào chuyện, vợ tôi vờ khòm xuống gầm bàn lượm cái khăn mà vợ tôi cố tình làm rơi xuống, rồi nhanh chóng chuyền vào tay tôi hai chiếc nhẫn bọc trong miếng giấy mỏng. Tôi đứng dậy sửa lại thế ngồi của đứa con trai, nhưng thật ra là tôi cho hai chiếc nhẫn vào túi quần bên trái, và nó xuống thẳng cái đáy túi nhỏ như tôi muốn. Xong, ngồi lại một cách tự nhiên:
“Em à! Anh muốn Em đưa các con còn lại cùng vượt biển với Em. Em nghĩ sao?”
“Còn Anh?”
“Không sao đâu Em. Anh đã sống được 5 năm qua mà lại là 5 năm đầu rất gian khổ, nên Anh có đủ nghị lực chịu đựng rồi. Nghị lực vững vàng, với lại sức khỏe của Anh tốt. Mỗi sáng Anh đều tập thể dục đều đặn nữa Em”.
“Họ cho mấy anh ra ngoài tập hả?”
“Nó nhốt tụi anh kỹ lắm, làm gì có chuyện đó. Anh tập chạy và những động tác tay chân thì bên ngoài mùng, nhưng tập những động tác khác thì trong thế ngồi thiền ngay trong mùng”.
“Em với các con đi hết, đâu có ai lo cho Anh. Không được đâu”. Nói đến đó là vợ tôi rơm rớm nước mắt, rồi tiếp: 
“Lúc đó Em còn khổ hơn ở đây nữa. Không được đâu Anh”. 
“Em hãy tập trung lo cho các con có cơ hội xây dựng tương lai, chớ để các con sống mà không có tương lai thì mình làm sao sống được Em”.
“Để Em tính lại rồi cho Anh biết”.
“Em nhớ là chúng mình đồng ý với nhau, tương lai các con là hạnh phúc của chúng mình mà Em”.
“Em sẽ viết thư ra Anh sau”.
Chưa nói được bao nhiêu thì hết giờ. Tiếng con Kim:
“Các anh nhanh lên, hết giờ rồi, để đợt hai còn ra cho kịp”.
Tôi vói kéo tay con gái tôi sang đứng cạnh tôi. Tôi vuốt mái tóc mượt mà của con gái tôi đến mấy lần:
“Con gái cao bằng Ba rồi. Cuối tháng 5 này con gái của Ba tròn 19 tuổi hén. Chúc mừng con gái nghe”.
Tôi nắm chặt tay vợ tôi và con gái tôi, từng bước ra cửa. Tôi vòng tay ôm chặt vợ con tôi trong giây lát, rồi bước nhanh ra chỗ các bạn tôi đang ngồi giải lao, cho tay vào túi quần bên trái giật nhẹ cái túi nhỏ có hai chiếc nhẫn bên trong, buông thỏng cái túi theo ống quần rớt xuống đất cạnh anh Nguyện. Anh Nguyện lượm chuyền liên tiếp sang hai bạn khác, trong khi tôi bước đi ngay vì có vẻ như con Kim trông thấy. Phải chuyền như vậy đề phòng nếu con Kim đến xét chẳng thấy gì hết. 
Tôi và các bạn đẩy xe cải tiến theo con Kim vào trại. Đến đầu dốc xuống, nó đi sát tôi:
“Anh đứng chỗ Đội anh làm gì vậy?”
“Có gì đâu cán bộ. Các bạn tôi trêu tôi nên tôi đáp lễ thôi”.
“Anh có mang tiền hay vàng vào trại phải cẩn thận. Tôi biết là hôm nay ông Thịnh kiểm tra anh. Tôi nghe ông Thịnh nói nếu bắt được anh là anh bị phạt cấm thăm nuôi đó”.
“Không. Tôi chẳng mang gì mà nội qui cấm đâu. Cám ơn cán bộ”.
Đúng là Thịnh “khuỳnh” đang nhắm vào tôi. Trong khi “Thịnh khuỳnh” lục soát toàn bộ quà cáp của tôi, thằng “Thắng chuột” phụ trách an ninh (trước đây phụ trách nhà thăm nuôi) hỏi tôi với cái giọng khá gay gắt kèm theo nụ cười đểu của hắn:
“Hôm qua anh gặp vợ anh rồi, phải không?”
“Không cán bộ. Chúng tôi chỉ đứng nhìn nhau thôi”.
“Tôi nói là anh có gặp”.
“Đó là cán bộ nói thôi”. 
“Anh có muốn gặp vợ anh thêm không?” 
“Báo cáo cán bộ, đâu có người tù nào trả lời “không” với câu hỏi của cán bộ”.
“Được. Anh sẽ không gặp thêm”.
Tôi xuống giọng một chút nhưng cũng có phần thách thức: 
“Vâng. Tùy cán bộ”.
Hắn chắp tay sau mông theo tôi vào tận buồng giam, xem tôi sắp xếp thức ăn với đồ dùng, mặc dù chính hắn với Thịnh khuỳnh lục soát trước nhà trực trại rồi. Món nào nó cũng cầm lên ngắm nghía rồi mằn tới mằn lui, miệng hỏi đủ thứ:
“Gói này là gói gì?”
“Lạp xưởng đó cán bộ”.
“Bao nhiêu tiền vậy?”
“Tôi không biết”.
“Vợ anh không nói với anh à?”
“Nói để làm gì cán bộ”.
“Tiền đâu vợ anh mua?”
“Tiền của chúng tôi”.
“Anh ăn bao lâu thì hết?”
“Có thể ngày mai, ngày mốt, tùy theo tôi mời các bạn tôi cùng ăn”. 
“Anh tốt vậy à?”
“Tôi chẳng tốt lành gì đâu. Anh em chúng tôi thường mời lẫn nhau mỗi khi có quà từ gia đình. Bạn tôi mời tôi, bây giờ tôi mời bạn tôi cùng ăn”.
Cứ thế mà nó hỏi đến phát tức, nhưng nhất định tôi không tức. Vì cái kiểu nó chọc cho mình tức để rồi sơ ý trong lời nói là chúng nó hoạnh hẹ, thậm chí mắng chửi nữa. 
Sáng hôm sau, đã quá giờ lao động mà cả trại im ỉm, tất cả các buồng giam vẫn khóa chặt. Theo kinh nghiệm những lần tương tự như vậy trước đây, nếu không có người trốn trại, thì tất cả tù chúng tôi cũng bị lục soát mọi thứ để chúng nó kiếm tiền hay những thứ mà chúng nó cho là vi phạm nội qui để tịch thu, hoặc luân chuyển tù hay luân chuyển buồng giam, vì chúng sợ lâu ngày chúng tôi móc nối nhau rồi chống đối chúng nó. 
Trong lúc chúng tôi nhốn nháo vì không biết nguyên nhân, thằng “Chi mụn”, quản giáo buồng giam chúng tôi, mở cửa gọi tôi ra “cái chuồng cu” mà thường ngày đám trực trại đứng trong đó kiểm soát xuất trại lao động. Hắn đứng trong, tôi đứng ngoài:
“Chị đến phải không?”
“Vâng. Vợ con tôi đến thăm tôi hôm qua, cán bộ”.
“Anh có muốn thăm nữa không?”
“Có chớ cán bộ”. 
“Anh làm bản kiểm điểm rồi Ban Giám Thị xét sau”.
“Tôi không vi phạm nội qui, tại sao tôi phải làm kiểm điểm?”
“Anh đừng vờ vịt nữa”. 
“Tôi hoàn toàn không hiểu gì cả”.
“Anh biết anh D. bị mấy anh đánh không?”
“Có. Tôi có biết, vì anh ấy bị đánh ngay trong khuôn viên buồng giam chúng tôi, nhưng sao lại dính dáng đến tôi?”
Hắn đứng im, nhìn ra cổng. Một lúc, hắn quay lại và gắt giọng: 
“Anh vào buồng”. 
Tôi ráng hỏi thêm: 
“Liệu tôi có được ra gặp vợ con tôi lần nữa không, cán bộ?”
Hắn nạt tôi: “Anh vào buồng ngay”.
Chỉ mấy phút sau, Thắng chuột vào buồng giam hỏi tôi: 
“Anh đã làm kiểm điểm chưa?”
“Báo cáo cán bộ, tôi không sai phạm gì, tại sao tôi phải làm kiểm điểm?”
“Cán bộ Chi có nói gì với anh chưa?”
“Có. Nhưng tôi hỏi tại sao thì cán bộ Chi không nói mà lại bỏ đi nên tôi không hiểu gì hết”.
Chẳng biết sao bỗng dưng hắn xuống giọng: 
“Ít ra anh cũng phải làm đơn Ban Giám Thị mới xét chứ”.
“Vâng, tôi làm ngay. Thật ra thì thủ tục này tôi chưa từng biết”.
Đến quá trưa hôm ấy, con Kim theo thằng Lực trực trại vào buồng giam, dắt tôi ra nhà thăm nuôi:
“Anh được gặp vợ con anh trong một tiếng đồng hồ. Anh biết tại sao anh bị mấy ông ấy phạt không?”
“Không. Cán bộ có biết tại sao không?”
“Có phải anh chủ mưu đánh anh D. không?”
“Không. Hoàn toàn không. Lúc anh D. bị đánh thì tôi đang trong buồng giam, nghe ồn ào tôi chạy ra mới biết có người đánh anh D. Thế thôi”. 
“Anh bị qui trách chủ mưu đánh anh D. vì có lần anh trông thấy anh D. báo cáo hành động của anh với cán bộ an ninh. Thôi, bỏ qua chuyện đó”.
“Cán bộ có biết tại sao hôm nay không mở cửa xuất trại lao động không”.
“Có hai anh trốn trại đó”.
Ra đến nhà thăm nuôi, cô ta nói: 
“ Anh vô gặp vợ con anh. Nhanh lên”.
Vợ tôi nói ngay: 
“Chiều tối hôm qua, có hai thằng Công An nó bảo Em dặn dò Anh phải bỏ cái thói ngang tàng bướng bỉnh mà lo học tập tốt để có ngày về. Em ức quá, Em nói mấy anh không cho chồng tôi ra làm sao tôi nói cho chồng tôi biết. Tôi biết tính chồng tôi không phải là người ngang tàng với bất cứ ai. Em nói càng lúc càng lớn tiếng, chẳng ngờ hai đứa nó bỏ đi hà Anh”.
“Tụi nó ghìm Anh, cho là Anh tổ chức đánh anh D. vì con nhỏ Công An này (tôi len lén chỉ con Kim) nói với Anh, tụi an ninh với tụi trực buồng giam quả quyết là Anh, vì có lần Anh thấy anh D. viết báo cáo tố cáo Anh dính líu đến những vụ lộn xộn trong trại. Sáng nay hai thằng Công An luân phiên hạch hỏi Anh đủ điều. Có thể là hai thằng nói chuyện với Em chiều qua cũng là hai thằng nạt nộ Anh sáng nay chăng”.
“Anh nói anh D. bị đánh là gì vậy?”
“Chuyện dài dòng lắm, bỏ qua đi Em. Mình chỉ còn hơn nửa tiếng đồng hồ để nói chuyện của mình”.
Vợ tôi tiếp tục kể chuyện về Ba Má chúng tôi bị chúng nó cướp nhà, cướp vườn, nhiều bạn bè trong cư xá cũng trong tình trạng như vậy. Vợ tôi hứa sẽ cố gắng đưa hai con còn lại vượt biển, riêng vợ tôi có đi hay không còn phải suy nghĩ lại. Thoáng một cái, vừa hơn một tiếng đồng hồ:
“Anh Hoa, thu xếp vào trại”. 
Thật ra con bé Công An này nó không chanh chua đanh đá như mấy con bé trước đây phụ trách hướng dẫn tù thăm gặp gia đình, nhưng nó rất sợ đám Công An trực trại với đám an ninh nên nó canh chừng giờ giấc kỷ lắm. Tôi nắm tay vợ tôi thật chặt, hôn mái tóc con gái tôi và hôn thằng trai út lia lịa. Tâm hồn tôi rất thanh thản, vợ tôi quản trị gia đình vững vàng, nhất là có kinh nghiệm đối phó với đám Công An Phường, Công An Quận, trong khi hai con trai lớn đã đến trại tạm trú Thái Lan, con trai thứ ba đang sẳn sàng vượt biển, và hai con còn lại sẽ đi tiếp.
Trước khi vào đến nhà trực trại là một sân trống trước khu nhà dành cho Công An “cai tù” ở, khi đi ngang tôi thấy hai anh trốn trại bị bắt lại đang nằm co quắp vì tay chân bị trói, trong khi con chó đi vòng vòng gầm gừ như sẳn sàng cắn xé hai anh! Nhìn kỷ, áo quần hai anh tả tơi, nhưng không rõ là hai anh đã bị chó cắn hay tả tơi lúc trốn trại? Bọn Công An cai tù chuyên nghiệp này dã man lắm, chúng nó cột hai anh rồi cho chó canh giữ trong khi một nhóm chúng nó ngồi trong nhà uống nước nhìn ra cười toe toét! Đến tối tôi mới biết hai anh ấy bỏ trốn vào chiều qua khi từ dưới đồng leo dốc về trại. Không biết vì sao mà cả đêm hai anh chưa băng qua được cánh đồng chiêm nên ẩn trú trong núi đá ngay bên ngoài trại, để rồi chúng nó dùng chó lùng bắt. 
Ngay tối hôm đó, anh Lê Minh Chúc, tù chính trị duy nhất phụ trách phiên dịch các sách Anh ngữ do tụi cộng sản ở Bộ Quốc Phòng đưa, nên anh được thăm gặp vợ anh lâu hơn mọi người khác. Sau khi từ nhà thăm nuôi trở về buồng giam, anh nói với tôi:
“Khi cán bộ Chi dẫn tôi ra nhà thăm nuôi, nó nói với tôi là Ban Giám Thị quả quyết anh tổ chức đánh anh D nhưng vì chưa có bằng cớ nên trại chưa kỷ luật anh. Giữa anh em, tôi nói để anh đề phòng”. 
“Cám ơn anh. Hồi sáng này, thằng Thắng chuột với thằng Chi mụn quay tôi quá trời, cũng cái vụ ấy”.
 
EDITED: 8 Oct 2018 18:09 by OPLA