0

From: OpLa
To: OpLa
Bốn vị cựu Tướng đến trại Nam Hà. 

Thời tiết đang vào Đông. Bất ngờ có 4 vị cựu Tướng Lãnh từ trại tập trung Hà Tây tỉnh Hà Sơn Bình chuyển đến trại Nam Hà, nhốt chung với chúng tôi. Đó là Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Thiếu Tướng Lý Tòng Bá, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, và Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang. Thiếu Tướng Đảo và Chuẩn Tướng Sang vào buồng giam số 1 (tôi ở đây) còn hai vị kia vào buồng giam số 2. Qua tin tức của hai vị Tướng, chúng tôi mới biết 29 vị Tướng Lãnh từ Liên Trại 1 ở Yên Bái, đã chuyển xuống trại tập trung Hà Tây cùng ngày với chúng tôi chuyển đến trại Nam Hà này. 
Từ hôm 4 trong số 29 vị cựu Tướng Lãnh chuyển đến trại này, lại phát sinh một số thắc mắc từ các bạn tù trẻ. Xin nói qua một chút về các bạn trẻ bị giam chung trong các buồng giam trại Nam Hà A. Đa số trong số các bạn này trong tổ chức “Phục Quốc” sau ngày 30/4/1975. Tổ chức này do bọn tình báo cộng sản tạo ra với cái tên có sức thu hút nhiều người không khuất phục kẻ thắng trận. Họ phong cấp bậc chức vụ cho những người ghi tên tham gia, cấp phát thẻ của tổ chức nữa. Sau khi nắm được đầy đủ họ tên và địa chỉ, thế là trong một đêm chúng nó bắt tất cả những ai là thành viên của “Phục Quốc”. Đa số trong số thành viên Phục Quốc bị bắt là các bạn trẻ, như: Nguyễn Minh Chí, Đinh Vượng, Đặng Hữu Nam, Nguyễn văn Tiếng, Nguyễn Văn Thuận, ..v..v... Chính mấy chú trẻ này thắc mắc “tại sao có gần 30 vị cựu Tướng Lãnh ở trại Hà Tây mà chỉ có 4 vị lại chuyển về trại này?” Và “liệu mấy vị này có phải đến đây để làm cò mồi tiếp các phái đoàn đến thăm trại tù không?” 
Thấy cựu Chuẩn Tướng Sang có vẻ buồn dù vốn dĩ ông là người ít nói, trầm tỉnh, tôi gợi chuyện:
“Thưa Anh, trong hoàn cảnh chúng mình, nhận thức của vài anh em chưa được sắc bén về một số vấn đề trong cuộc sống, nên thường kết luận khi chưa nắm được những yếu tố liên quan. Anh có thấy như vậy không?”
Ông chậm rãi:
“Tôi đồng ý với anh. Đánh giá con người mà chỉ nhìn bên ngoài, quả là phiến diện”.
Lại có một số bạn cho là cựu Thiếu Tướng Lê Minh Đảo “ủng hộ” cộng sản khi ông vừa đánh đàn vừa hát cho nhóm quay phim từ Bộ Công An ở Hà Nội đến đây thu hình. Tất nhiên chúng nó thu hình đoạn phim này để “quảng cáo” về cái gọi là “khoan hồng nhân đạo” của chúng, cho dù chẳng có giấy tờ gì nói như vậy nhưng với cộng sản nhất là Công An sử dụng tất cả mọi hình thức để phục vụ mục đích chính trị của chúng, Về trường hợp này, nhận xét của tôi có phần khác. Tôi quen biết với anh Đảo từ năm 1962 khi tôi giữ chức Chánh Văn Phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, lúc ấy anh Đảo là Sĩ Quan Tùy Viên của Thiếu Tướng Lê Văn Kim. Anh là người rất say mê âm nhạc. Khi anh đứng trên sân khấu với cây guitare trong tay, trông anh chẳng khác người nghệ sĩ chuyên nghiệp bao nhiêu. Lần sau cùng tôi được thưởng thức tiếng đàn của anh là hôm Sư Đoàn 25 Bộ Binh kỷ niệm ngày thành lập Sư Đoàn tại căn cứ Củ Chi, anh đệm guitare cho ca sĩ Phương Hồng Quế hát. Bây giờ, cũng dáng điệu như vậy ngay trong khuôn viên buồng giam số 1 (trại Nam Hà) dưới ống kính của Bộ Công An, và một vài anh em chỉ trích phong cách của anh như là sự ủng hộ cộng sản, nhưng tôi cho rằng niềm say mê âm thanh nốt nhạc của anh vẫn như lúc nào thôi. 
Một buổi chiều, anh Đảo xách cây đàn ra góc sân lớn gần cổng ra vào trại dạo những khúc nhạc giật gân, khá đông anh em chúng tôi đứng bao quanh, tên trực trại -Trung Sĩ Lực- trông thấy. Hắn chạy vào hét lớn:
“Các anh giải tán. Vào buồng ngay”.
Một anh lên tiếng: 
“Anh em chúng tôi chơi một chút mà cán bộ”.
“Không được. Tôi nói giải tán là giải tán. Anh Đảo về buồng ngay”.
“Giải tán thì giải tán chớ có gì mà cán bộ la dữ vậy”. 
Hắn trở ra phòng trực trại, vội vàng đánh kẻng hiệu lệnh bảo tù vào buồng giam khóa lại. Mỗi lần vào buồng giam thì chúng tôi ngồi hai hàng dọc, hàng đầu ngay thềm cửa và hàng cuối tận tường rào, trông như “bầy vịt” mỗi chiều chủ lùa vào chuồng, chỉ khác một chút là chúng tôi ngồi thẳng hàng ngang dọc. Chiều nay, buồng giam số 1 chúng tôi đóng cửa sau cùng, cho nên ngồi chờ khá lâu. Tên Lực bước vào khuôn viên buồng giam với cái mặt hầm hầm, hai tay chắp sau lưng với xâu chìa khóa hằng mấy chục cái. Anh Buồng Trưởng chờ nó vào vị trí để báo cáo như thường lệ. Nhưng không, hắn đứng giữa sân một lúc rồi phát lời chửi mắng:
“Đừng có ương ngạnh mà chống cải tạo, đừng làm cái việc lấy nạng chống trời. Thằng nào, thằng nào không chấp hành nội qui, thằng nào chống cải tạo, giỏi thì đứng lên coi tao dám gông đầu cho rục xương không”.
Hắn im lặng nhưng đôi mắt cú vọ của hắn lướt từ trước đến sau rồi từ sau đến trước, và ghìm vào anh Đảo (ngồi gần hàng đầu). Thời gian lúc ấy như đọng lại, và khoảng không gian lúc ấy thật yên ắng, nhưng là cái yên ắng trong nghẹt thở. Hắn gằn giọng:
“Sao. Không thằng nào dám đứng dậy à? Đứng dậy đi, tao trị cho biết tay”.
Anh em chúng tôi vẫn im lặng. Cái không khí lắng đọng đó kéo dài thêm một lúc, anh Buồng Trưởng nhìn sang hắn, nhỏ nhẹ:
“Báo cáo cán bộ, có thể cho anh em vào được không?”
“Được”. 
Cái cung cách của Công An trại tập trung này ăn nói cụt ngủn vậy đó. Anh Buồng Trưởng Nguyễn Đức Khoái: 
“Các anh đứng dậy đi.”
Khi chúng tôi đứng dậy, cứ như bài bản mỗi chiều, anh Buồng Trưởng dỏng dạc:
“Buồng 1… Nghiêm. Báo cáo cán bộ, Buồng 1 tổng số 51. Đủ. Chờ lệnh cán bộ”.
“Được. Cho vào.” 
“Đằng trước … Bước”. 
Thế rồi sau lưng vẫn tiếng rít của thanh sắt khi kéo mạnh, vẫn tiếng crắc của ống khóa khi bấm vào. Đó là những âm thanh mà chúng tôi không bao giờ quên! Vào buồng giam, tôi nói trống không như để phá tan cái không khí yên ắng một cách ngột ngạt:
“Các anh ơi! Từ giờ phút này đến sáng mai là chúng ta được tự do trong cái cõi không gian bé tí của mình rồi”. 
Tôi nghĩ: Lúc bị tên Lực quát mắng xỉa xói, anh Đảo nên đứng dậy một cách mạnh mẽ nhận trách nhiệm cho phải lẽ với anh em. Đó cũng là cách chứng tỏ khí khái của vị Tướng quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Có quá lắm thì tên Lực hằn học chửi mắng anh chớ đâu phải nói gông là gông được.
Có phải bị mắng bị chửi riết rồi quen chăng? Không! Không bao giờ quên chớ đừng nói gì quen quí vị quí bạn à! Cái đau cái uất ức do bị nhục mạ, tuy không hằn lên cơ thể như cái đau khi bị hành hạ bằng tay chân gậy gộc, nhưng nó hằn sâu trong khối óc con tim, mà khi đã hằn vào nơi đó thì không thể nào quên và cũng không bao giờ quên được! 

Trồng rau.

Đội chúng tôi xuống “cánh đồng chiêm” phụ trách trồng rau. Cũng anh em chúng tôi đào ao nuôi cá, rồi dùng đất đào lên đấp thành một khu tương đối cao và bằng phẳng để trồng rau. Ngày đi làm hai buổi sáng chiều chớ không đi “thông tầm” từ sáng đến xế chiều mới về. Lúc ấy cũng giữa mùa rau muống nên chúng tôi trồng bằng cọng rau muống chớ không trồng bằng hột, vì trồng bằng cọng thì 4 tuần là ăn được trong khi trồng bằng hột phải 6 tuần. Phân bón gồm phân người, nước tiểu, và phân chuồng (trâu bò). Mỗi khi cắt rau, gánh về giao cho bếp của Công An và bếp trong trại. Rõ ràng là anh em tù chính trị chúng tôi, ăn những cọng rau lá rau do phân và nước tiểu của chúng tôi mà vươn lên! Vì vậy mà mỗi người chúng tôi tự trồng rau trên bất cứ khoảnh đất trống nào dù chỉ một hai thước rộng mà Công An gọi là đầu thừa đuôi thẹo, và chúng tôi ăn những cọng rau lá rau đó tuy ít nhưng sạch. 
Lúc đầu chúng tôi cũng trồng những thứ rau đang trồng trong luống, nhưng vì đám Công An biết là những đám rau bé tí do chúng tôi trồng là vệ sinh nên chúng nó xin hoài. Anh Nguyễn Kim Tây xin hột “khổ qua” từ cô em gái của anh để trồng, vì đám Công An không biết ăn “khổ qua”. Anh cho tôi một nhúm hột, chúng tôi cùng trồng. Đúng là đám Công An không ăn được chất đắng của “khổ qua”, đó là thòi gian đầu nhưng sau khi ăn thử vài lần, trời đất ơi chúng nó xin hoài và khen “khổ qua” dồn thịt ngon lắm. Chúng tôi phải trồng đằng sau những lùm bụi dọc bờ mương để che giấu chúng nó. 
Hằng ngày Đội chúng tôi đi từ trại trên triền núi xuống cánh đồng chiêm như cái hồ rộng lớn ra đến Ba Sao. Dọc triền núi toàn đá tảng có nhiều hốc kín đáo, làm tôi chợt nhớ đến bài học về “hộp thư chết” trong trường hợp liên lạc bí mật. Thế là tôi bàn với anh Dương Công Liêm về một “hộp thư chết” nối vào tù hình sự chuyển ra nhà thăm nuôi nhờ các chị mang về Sài Gòn giùm. Vấn đề là phải móc nối với tù hình sự phụ trách vệ sinh nhà thăm nuôi. Vụ này thì anh Liêm hay lắm. Anh móc nối không khó khăn, nhưng dù sao chúng tôi phải thử một vài lần mới khẳng định “nên hay không nên” thực hiện.
Do hẹn trước, chú tù hình sự (tên Thành) xuống cánh đồng trồng rau, xin cán bộ quản giáo nắm rau ra nhà thăm nuôi ăn. Cũng không phải tốt lành gì mà đám quản giáo cho ngay, vì thỉnh thoảng có được mấy chị thăm nuôi cho món gì thì hắn cũng dâng một ít cho những tên quản giáo, nhất là tên Đại Đội Trưởng võ trang, vì tên này có quyền đề nghị với Ban Giám Thị cử hình sự dọn dẹp sạch sẽ nhà thăm nuôi, cũng là phục vụ cho toán Công An phụ trách nhà thăm nuôi. Nhờ đó mà tôi với anh ta thỏa thuận những điều kiện về hộp thư chết. Tôi chọn địa điểm rồi chỉ cho anh ta. Cứ mỗi thứ hai và thứ sáu, hắn đến hộp thư chết nhận thư và tiền công. Trường hợp có thư hay tiền mà thân nhân cần hắn trao tận tay, hắn sẽ xuống vườn rau chúng tôi, chỉ cần hắn nháy mắt là tôi với hắn giả bộ như cắt rau. Lúc ấy hắn khom xuống, để tiền hoặc thư lên luống rau. Khi hắn lên triền núi thì tôi xách thùng nước đến tưới, rồi cho những thứ ấy vào thùng. Khi chuẩn bị về trại, tôi dùng giây quấn những thứ ấy vào ống chân. Cứ thế, tôi theo Đội vào trại. 
Sở dĩ chúng tôi phải nghĩ đến hộp thư chết, vì chúng tôi thường gởi thư về gia đình nói những chuyện mà không thể nói trong thư gởi chánh thức. Riêng tôi, từ năm 1979, bắt đầu viết vắn tắt những sự kiện xảy ra trong trại dự trù sau này sử dụng, và nhờ đó tôi mới có tài liệu viết lại những trang sách này. Khởi đầu tôi hỏi ý kiến Công An quản giáo Đội tôi tên Hèo, mang thư chúng tôi ra bỏ thùng thư bưu điện cứ mỗi thư chúng tôi trả hắn một đồng khi chiều thứ bảy hắn về thăm nhà. Hắn đồng ý. Hai lần đầu chúng tôi mở thư cho hắn xem, toàn chuyện nhà chớ không liên quan gì đến trại để lấy lòng tin của hắn. Từ đó về sau viết những chuyện mà mình thấy cần viết, riêng những thư của tôi toàn là những chuyện mà đám Công An “cai tù” nơi đây không thể chấp nhận. Mỗi lần trao thư cho tên Hèo, hắn cũng được từ 20 đến 30 đồng với 2 viên đường hóa học, xem như về nghỉ cuối tuần không tốn tiền. Riêng hai viên đường hóa học có lẽ hắn vui ngang bằng số tiền do mang thư đi gởi nữa. Lần đầu tiên nhận được đường hóa học, hắn nói:
“Tôi đem về làm nước chanh cho bố tôi uống, chỉ bỏ một viên vô ly nước là đủ và bố tôi ngạc nhiên vô cùng. Ông ấy coi như đó là điều kỳ diệu trong xã hội miền Nam”. 
Theo lời hắn nói, lúc đầu bỏ tất cả thư vào một thùng thư không sao, nhưng mấy tuần sau đó, hắn phải bỏ vào 3 hay 4 thùng thư khác nhau vì hắn nhận thấy có vẻ như nhân viên bưu điện theo dõi. Và rồi đến lúc hắn không dám nhận gởi thư nữa, vì an ninh của trại nghi ngờ đám Công An của họ mang thư chúng tôi ra ngoài gởi. 
Không biết có phải vì tên Hèo bị nghi ngờ (theo lời hắn nói) hay không mà tên Phụ đến thay tên Hèo. Tôi lại phải ướm thử với hắn về việc mang thư chúng tôi ra bưu điện gởi, với giá tiền công cho hắn là một đồng/một cái như đã trả cho tên Hèo. Hắn đồng ý. Bốn tuần qua, cứ tưởng là công việc lén lút gởi thư đâu vào đó, nào ngờ trong nhóm gởi thư chui của chúng tôi tình cờ trông thấy một xấp thư trong cái ụ chứa phân người mà họ gọi là “phân bắc” dưới triền đồi. Cái ụ này dành cho các Đội trồng rau khiêng xuống cánh đồng chăm bón rau xanh. Cố gắng bươi cái đống … ghê tởm hôi thúi mùi “phân bón xã hội chủ nghĩa ưu việt” ấy ra có thêm mấy cái xem được những dòng chữ trên bao thư. Trời đất ơi! Toàn là thư của chúng tôi gởi tên Phụ tuần trước. Đúng là tên trấn lột! Từ đó, chúng tôi trừng phạt hắn bằng cách không cho hắn thuốc lá với trà uống mỗi sáng nữa, và nghĩ cách khác để gởi thư. 
Bỗng dưng tôi nhớ đến bài học tình báo dạy về cách sử dụng “hộp thư chết”. Thế là tôi ứng dụng nó mà khởi đầu là anh Liêm liên lạc “móc nối” với chú tù hình sự như nói trên. Nhưng sự việc cũng nhiêu khê lắm quí vị quí bạn à! Lúc này tất cả anh em chúng tôi chuyển từ các trại tập trung ở Yên Bái đến đây, đều đi lao động bên ngoài trại và làm “thông tầm”. Họ dùng chữ “thông tầm” để chỉ cho thời gian đi lao động từ sáng đến chiều mới về, mang phần ăn trưa theo ăn tại chỗ. Việc đầu tiên phải làm là tôi tìm cách liên lạc với tù hình sự phụ trách dọn dẹp nhà thăm nuôi, cách trại khoảng hơn 1 cây số. Nhà thăm nuôi cất đơn sơ bên cạnh triền núi, sát con đường trải đá từ trại tập trung này ra đến chợ Ba Sao. Từ Ba Sao, cũng theo con đường trải đá ra đến thị xã Phủ Lý. Anh bạn trẻ tù hình sự phụ trách dọn dẹp nhà thăm nuôi cũng ở trong trại với chúng tôi nhưng bên khu hình sự. Tiếp xúc và thỏa thuận giá 1 đồng cho mỗi cái thư và 2 đồng cho mỗi cái hộp. 
“Hộp thư chết” mà tôi chọn là một tảng đá lớn có nhiều tảng đá nhỏ chung quanh, trong đó có cái hộc đủ cho hai bàn tay chụm lại đưa vào. Chính cái hộc này là “hộp thư chết”, cạnh lối đi quanh co khúc khuỷu từ trên trại theo triền đồi xuống khu trồng rau dưới thung lũng. Cách trại chừng 200 thước, và cách lối đi khoảng vài thước rất tiện để tôi tách ra khỏi Đội và nhanh tay cho thư vào đó. Thông thường thì anh Nguyễn Thế Lưỡng giúp canh chừng hai tên Công An đi đằng sau mỗi khi tôi vào “hộp thư chết” để nhận thư hay gởi thư. 
Một hôm tới ngày hẹn anh tù hình sự lấy thư vì tại nhà thăm nuôi đang có vợ của anh Vĩnh Thái thăm anh ấy, lại là ngày nhiệt độ xuống đến 10 độ C nên trại cho nghỉ và sẽ đi làm bù vào ngày khác. Lúc ấy trong tay tôi có 18 cái thư. Quýnh quá. Tôi rũ anh Lưỡng (bạn cùng khóa 5 Thủ Đức với tôi):
“Lưỡng ơi! Tôi với anh thay thế hai anh vệ sinh của buồng (giam) khiêng rác xuống đồi đổ, vì trưa nay thằng hình sự đến hộp thư chết lấy thư đem ra cho chị Vĩnh Thái. Mấy anh trực vệ sinh đồng ý rồi”.
“Ớn quá Anh! Nó bắt được tụi mình bị kỹ luật là cái chắc”.
“Nếu bị bắt, tôi nhận hết và xem như anh không biết gì cả. Hai đứa khiêng, anh đi trước tôi đi sau. Anh cứ tỉnh bơ, còn mọi việc tôi sẽ tùy cơ ứng biến. Ráng bình tỉnh nghe Lưỡng”.
Thế rồi chúng tôi khiêng thùng rác lên vai, đứng lại một lúc để anh Lưỡng bình tỉnh trước khi chường mặt ra cổng. Đến cổng, dừng lại, trong khi anh Dương Công Liêm đứng nép sát bên trong cổng, ngay đầu hành lang vào buồng 1 buồng 2 quan sát tình hình. Theo đúng qui định, tôi báo cáo:
“Báo cáo cán bộ, buồng 4 xin ra cổng đổ rác”.
“Trực buồng đâu mà hai anh khiêng rác?” 
Hắn quen mặt hai anh trực buồng 4 phụ trách đổ rác, nhưng nghe giọng hắn không có vẻ nghi ngờ, tôi cười cười: 
“Báo cáo cán bộ, chiều qua tôi để quên cái muỗng kim khí dưới bãi, xin cán bộ cho ra để tìm vì tôi chỉ có cái muỗng duy nhất thôi cán bộ”.
Làm thinh một lúc: 
“Được. Anh ra đi. Tìm được là về ngay”.
“Cám ơn cán bộ”.
Chúng tôi đi thật nhanh. Anh Lưỡng nói: 
“Anh làm tôi hồi hộp quá trời!”
Xong việc. Trở lên đến cổng, tôi móc từ trong lưng quần ra cái muỗng mang theo lúc chuẩn bị ra cổng:
“Báo cáo cán bộ. Xong công tác, và tôi tìm được cái muỗng rồi. Cám ơn cán bộ”.
Được. Vào đi”. 
Thế là xong một “phi vụ” cho hộp thư chết. Nhưng rồi một hôm, anh Liêm hoảng hốt khi hay tin tên hình sự phụ trách dọn dẹp ở nhà thăm nuôi sắp bị tên Thụ, Đại Đội Trưởng Đại Đội Võ Trang thay thế. Chúng tôi bàn nhau và cuối cùng anh Liêm trách nhiệm dò tìm để biết tên hình sự nào được tên Thụ cử ra đó, rồi tùy cơ ứng biến. Hóa ra có đến hai tên hình sự mà tên Thụ đang chọn. Anh Liêm móc nối được anh hình sự mặt mày tương đối dễ cảm. Hắn yêu cầu cho hắn 200 đồng, để hắn vừa tổ chức bữa nhậu đãi Đại Úy Thụ, vừa “lót tay” anh ta 100 đồng, hi vọng sẽ được chọn. Anh Liêm vừa có ý kiến cũng vừa hỏi tôi:
“Anh Hoa, tôi thấy mình nên cho hắn. Nhưng anh có nghĩ là liệu thằng quỷ đó (thằng hình sự) có gạt mình không?”
“Có chớ anh. Nhưng hành động nào mang lại lợi ích cho mình cũng có cái giá của nó mà anh. Có điều nếu chúng ta bị nó gạt, coi như cái giá đó đắt hơn mình nghĩ. Thế thôi”.
“Anh 100 tôi 100 nhé! Nhiều anh em gởi thư nhưng tạo đường giây chỉ có tôi với anh. Chẳng sao, miễn đường giây chuyển thư an toàn là được rồi, chớ so đo quá e mình không tiếp tục được mục đích chuyển tin tức về gia đình như những cơ hội trong hai năm qua”. 
Số tiền 100 đồng là khá nặng, nhưng tôi đồng ý với anh Liêm:
“Được, mặc dù tôi phải vét hết số tiền đang có. Nghĩ cho cùng, tôi với anh là gởi nhiều thư hơn bất cứ bạn nào khác. Riêng tôi mỗi tuần ít nhất là một hộp đựng thư”. 
Ngày anh tù hình sự nhận việc ở nhà thăm nuôi, anh ta xuống vườn rau gặp tôi để xin rau cho toán Công An phụ trách thăm nuôi, tôi với anh ta thỏa thuận những vấn đề liên quan đến nhân thư, chuyển thư, chuyển tiền, và giá của mỗi “loại hàng dịch vụ” này. Tuy vậy, chúng tôi cũng đề phòng bằng cách trong hai kỳ thư đầu tiên, mỗi kỳ chỉ 5 thư xoay quanh những chuyện gia đình, để xem anh ta như thế nào rồi quyết định. Dù sao thì chúng tôi vẫn phải đề phòng vì chung quanh anh ta toàn là Công An, trong khi chúng tôi chỉ biết anh ta một cách khái quát về mặt nổi chớ có biết gì về lý lịch anh ta đâu. Nói chung là không thể tin Công An và tù hình sự được, vì họ đều là công dân xã hội chủ nghĩa mấy chục năm rồi. 
Nhưng rồi công việc chuyển thư ra nhà thăm nuôi cũng như chuyển thư và tiền vào trại cho nhóm chúng tôi, tốt đẹp. 

Nấu ăn. 

Cuối năm 1981, sau thời gian khá dài, những vật dụng của chúng tôi bị bắt buộc để bên ngoài buồng giam bị mất cắp càng lúc càng nhiều vào ban đêm, nhất là thức ăn do gia đình mang đến khi thăm nuôi, tất cả Đội Trưởng chúng tôi cùng đề nghị Ban Giám Thị trại giải quyết tình trạng này, vì ban đêm không một tù chính trị lẫn tù hình sự nào ở ngoài buồng giam cả. Chúng tôi không nói ra, nhưng điều đó có nghĩa là chúng tôi muốn nói “Công An canh gác và tuần tra trong khuôn viên trại” là kẻ cắp chớ không ai khác. Chỉ có buồng giam 15 và 16 vì không có “nhà ăn” bên ngoài nên tất cả đồ đạc lỉnh kỉnh đều để trong buồng giam, còn các buồng giam có nhà ăn phải để đồ đạc bên ngoài.
Trại tổ chức buổi họp với tất cả Đội Trưởng tù chính trị chúng tôi. Thảo luận một lúc, họ chấp nhận cho chúng tôi mỗi chiều đem vào buồng giam những gì mà chúng tôi thấy cần, và mỗi sáng phải đem ra ngoài ngay khi cửa buồng giam mở. Đồ đạc đem vào để ở lối đi giữa hai sạp nằm. Thấy được một bước, chúng tôi đề nghị cho tù chính trị chúng tôi được nấu ăn trong khuôn viên buồng giam để có thêm dinh dưỡng. Thế nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên là họ chấp nhận đề nghị của chúng tôi ngay. Rất có thể họ đã có quyết định về việc này để họ khỏi mang tiếng với thế giới là họ bắt chúng tôi vào tù mà không nuôi ăn cũng nên? Họ nói thêm:
“Khi lao động về, các anh được mang theo bó củi nhỏ vào ngày thứ ba và thứ sáu, nhưng cả Đội phải cột lại hai bó thôi. Bếp làm sát hàng rào phía sau khuôn viên buồng”.
Thế là chúng tôi sắm nồi niêu tô chén bằng cách xin gia đình mang theo khi đến thăm nuôi hoặc gởi các chị bạn mang giúp. Cái bếp là dễ nhất, chỉ cần mấy cục gạch là xong. Củi thì lượm ở khu trồng rau mang về, hoặc mua lại của những bạn mang vào trại vừa sử dụng vừa bán. Lệnh của họ bắt phải cột lại thành hai bó, nhưng những tên Công An -ngoại trừ tên Thịnh khuỳnh- cũng nương tay, nên mỗi người chúng tôi cũng mang vào được một bó nhỏ. Từ lúc ấy, nhiều anh em chúng tôi trong các Đội trồng rau cũng như trong các Đội làm gần đó “ăn cắp rau” nhiều hơn. Ăn cắp thì không khó vì là bạn cả, nhưng đem được rau vào trại mới thật sự là khó. Ấy vậy mà rau vào trại ”bất hợp pháp” ngày càng nhiều thêm. 
Đây là cái hoạt cảnh “chuyên chở rau” vào trại mà tôi là điển hình vào những tuần lễ đầu tiên, lúc ấy rau chúng tôi trồng chưa ăn được, nên phải sang Đội bên cạnh xin hoặc “ăn cắp”. Rau muống hoặc cải xanh tùy mùa. Xin lỗi quí vị quí bạn dùng tay che mắt lại cho tôi cởi cái quần dài ra, tôi dùng sợi giây quấn vòng quanh bắp chân lên đến bắp vế. Sau khi mối cuối cùng cột lại cho chặt, tay trái nong sợi giây ra rồi ghim những cọng rau vào. Cứ lần lượt như vậy cho đến khi những cọng rau nằm im hai bên ống chân từ trên xuống dưới, tôi mặc cái quần dài vào là xong. Bây giờ quí vị quí bạn buông tay ra được rồi. Thế là tôi thản nhiên vào trại. Nói vậy chớ thật ra có hôm bị đám trực trại xét cũng phập phồng lắm, tuy không phải lúc nào họ cũng khám xét trên người. Các bạn tù trẻ còn ghim những cọng rau vào phần ngực và bụng để có được nhiều thêm chút ít. 
Tôi nói “họ nương tay” cũng không phải đơn thuần như vậy đâu quí vị quí bạn à! Thật ra là ngay sau cái lệnh cho anh em chúng tôi nấu ăn thêm, từng bước, anh em chúng tôi tùy khả năng mỗi người, “mua chuộc” đám trực trại với quản giáo và võ trang bằng những tách cà phê, thuốc lá đầu lọc, bột ngọt, mì gói, nhất là thuốc tây trị bệnh. Thuốc tây thì anh Phạm Kim Qui (Đại Tá Phụ Tá Tư Pháp tại bộ tư lệnh Cảnh Sát) nhiều nhất vì vợ anh gởi về từ Paris. 
Cạnh khu vực trồng rau có hai cái mương vừa lớn vừa dài do đất đào lên đấp thành khu trồng rau. Thường ngày có những cậu bé từ chợ Ba Sao vào, hoặc những tên quản giáo với võ trang đến đây câu rê. Nhờ đó mà thỉnh thoảng tôi mua được cá lóc. Chúng tôi gọi là cá lóc nhưng người dân địa phương gọi là “cá trào” hay “cá trèo đồi”. Mỗi khi mua được cá, tôi làm sạch để nguyên con cho vào cái gà-mèn tròn, cùng với rau muống, muối, bột ngọt đem theo, treo cạnh thùng nước đang nấu trên bếp của anh Nguyện. Khoảng 30 phút sau là tôi có gà-mèn canh. Thế là giờ giải lao giữa buổi, tôi với anh Nguyễn Kim Tây có bữa ăn thật ngon.
Do được nấu ăn mà họ gọi là “bồi dưỡng” mà sức khỏe tù chính trị chúng tôi, nhìn chung, có phần khá hơn những năm trước đó. Nhớ lại những năm 1977-1980 mà hãi hùng! Rất nhiều bạn đã chết do thiếu dinh dưỡng. Trong những năm đó, chỉ riêng trong buồng giam số 1 chúng tôi có thể chia thành ba nhóm về phong cách ăn uống: Nhóm thứ nhất, có bao nhiêu cứ ăn hết bấy nhiêu cho cái bao tử dễ chịu một chút. Nhóm thứ hai, vừa ăn vừa dành dụm cho những ngày kế tiếp. Nhóm thứ ba, ăn theo kiểu “sương rơi mùa hạ” mà điển hình là ăn đường cát. Mỗi ba tháng lãnh được 100 gram đường cát. Vài bạn trong nhóm này dùng cây tăm xỉa răng hoặc bẻ nhánh cây chuốt nhỏ lại như cây tăm, để vào lưỡi cho đầu cây tăm thấm ướt, cho vào đường cát dính ở đầu cây tăm trên dưới 10 hột đường, cho vào miệng nhâm nhi thưởng thức cái chất ngọt trôi chầm chậm vào cơ thể. Và cứ thưởng thức như vậy cho đến hết 100 gram đường, tương tự như lúc ăn bo-bo bằng cây tăm vậy.
EDITED: 8 Oct 2018 17:12 by OPLA