0

From: OpLa
To: OpLa
Niềm vui cao nhất. 

Tôi thấy cần giải thích ngay kẻo quí vị quí bạn tưởng là tôi được ra khỏi trại tập trung này. Niềm vui đó là cuối tháng 5 năm 1981, vợ tôi báo tin vắn tắt rằng hai con chúng tôi -Phạm Tuyết Vân 20 tuổi, và Phạm Bá Nghĩa 10 tuổi- sau hai ngày vượt biển đã được thương thuyền ngoại quốc vớt đưa đến Singapore bình an. Hai ngày sau nữa, vợ tôi nhận được điện tín xác nhận tin đó. Tôi nói với anh Nguyễn Kim Tây:
“Tây ơi Tây. Nhà ngươi có nhớ hồi năm ngoái vợ ta ra thăm có dắt theo con gái với thằng trai út không?”
“Có. Tuyết Vân với thằng nhóc đòi uống nước đá chớ gì”.
“Đúng. Bây giờ hai con ta tới trại tị nạn Singapore rồi nhà ngươi”.
“Nhà ngươi được thư của Chị rồi hả?”
“Anh Lê Viết Mười vừa được Chị ấy đến thăm, có mang theo thư ngắn và quà của vợ ta”.
“Vợ nhà ngươi can đảm thiệt. Cho tụi nhỏ đi từng đợt và tất cả đến nơi bình an. Đâu phải gia đình nào cũng có cái may mắn tròn vẹn ấy. Còn thằng ở trại tị nạn Phi Luật Tân đến Mỹ chưa?”
“Nó đến Houston hồi tháng 3 (1981) ở chung với hai anh nó. Ta quên nói với nhà ngươi”.
“Vậy là nhà ngươi ăn mừng chớ?”
“Tất nhiên. Ngay tối nay. Mình ăn bánh uống trà với cà phê trong gói quà mà anh Mười vừa mang vào giùm chiều nay”.


HQPD_1333439274.pngTháng sau đó, tôi nhận được thư của vợ tôi do chị Nguyễn Tài Lâm mang ra và chui qua chú tù hình sự vào “hộp thư chết”. Trong đó có thư của con gái tôi thuật lại rằng: 
“Bác Trại Trưởng và một bác nữa nói là bạn cũ của Ba. Hai bác trợ giúp tụi con về thủ tục giấy tờ nhanh chóng lắm nên Con hi vọng sang Hoa Kỳ sớm”. 
Con tôi không nói tên hai bạn ấy, có lẽ nó sợ cộng sản kiểm soát thư vì thư gởi về Sài Gòn, trước khi đến tôi. Cuối năm 2007, khi viết đến đoạn này, tôi có hỏi con gái tôi (năm nay 46 tuổi) về tên của hai anh bạn giúp nó hồi năm 1981, nhưng con tôi chỉ nhớ như tôi đang nhớ. Vì vậy, tôi nhờ những dòng chữ này chuyên chở lời cám ơn chân thành của vợ chồng tôi đến hai bạn ấy, cùng tất cả những bạn nào đã giúp đỡ các con chúng tôi lúc chạy nạn cộng sản, trong khi tôi bị nhốt trong trại tập trung mà cộng sản gọi là trại cải tạo.
Nhóm chữ “chạy nạn cộng sản” dường như chưa phơi bày hết tính chất độc tài tàn bạo của cộng sản nói chung, và cộng sản Việt Nam nói riêng, có lẽ phải dùng nhóm chữ “cộng sản là thảm họa của nhân loại” mới đúng. Nói ngắn gọn là “thảm họa cộng sản”. Trong tập nhật ký Rồng Rắn của ông Trần Độ, cựu Trung Tướng cộng sản viết trong năm 2000 và 2001. Ông nêu rất nhiều câu hỏi với chính ông liên quan đến chủ nghĩa xã hội mà lãnh đạo của ông tự tôn vinh là ưu việt, nhưng sau 25 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội mà người dân ngày càng kiệt quệ, xã hội ngày càng suy đồi? Và ông nêu câu hỏi với lãnh đạo của ông:
“Tại sao chỉ có từ các nước xã hội chủ nghĩa và đặc biệt là từ Việt Nam, có đến hằng mấy triệu người bất kể hiểm nguy sống chết trốn chạy tìm đường sống ở các nước khác? 

Vì là thảm họa của nhân loại, nên quốc gia nào bị cộng sản cai trị thì y như rằng, các thành phần trong xã hội đều tìm mọi phương cách chạy trốn. Dĩ nhiên không phải muốn chạy là chạy được vì nhiều yếu tố liên quan, chẳng hạn như: Lòng can đảm chấp nhận hiểm nguy bất trắc với mức độ rất cao của người quyết tâm ra đi cũng như của người thân còn lại, tiền bạc, âm thầm tìm tổ chức đưa người vượt thoát, phương cách vượt thoát từ nhà đến địa điểm hẹn mà tránh bị Công An rình rập bắt bỏ tù, thậm chí bị chúng bắn chết tại chỗ, người còn lại phải có cách đối phó với đám Công An địa phương, ..v..v... 

Đầu tháng 09/1981, sau hơn 3 tháng ở trại tị nạn trên đảo quốc Singapore, hai con tôi đến Houston. Thế là các con chúng tôi: Tháng 4 năm 1980 hai con trai vượt biển đến Thái Lan, tháng 10 cùng năm một con trai vượt biển đến Phi Luật Tân, tháng 05/1981 một con gái và một con trai vượt biển đến Singapore, tất cả các con chúng tôi -bốn trai và 1 gái- cùng đến Houston, với sự giúp đỡ của các em tôi là vợ chồng Phạm Phi Long, vợ chồng Phạm Thu Nguyệt, và em út Phạm Bá Sáng, định cư tại đây từ những năm trước đó. Bốn đứa con lớn, vừa đi học vừa đi làm, đứa nhỏ nhất học tiểu học. 
Với nỗi vui mừng tột độ đó, tôi viết trang thư gởi “chui qua hộp thư chết” ra nhà thăm nuôi, nhờ mang về Sài Gòn để vợ tôi gởi sang Hoa Kỳ cho các con tôi. Nội dung gồm những lời khen tặng vợ tôi, cũng là vừa khen vừa khuyến khích các con tôi bắt đầu hành trình “xây dựng tương lai”. Sau khi đọc đi đọc lại mấy lần, tôi nắn nót từ trang thư thành “trang thơ tự do”, với tựa “Dù Thế Nào Anh Vẫn Nhận Ra Em”: 

Vào một ngày nắng hạ
một chín bảy lăm (1975)
Anh phải đi “học tập”
Em ở lại cùng con
Một vòng tay, hai nụ hôn từ giã
Em đứng nhìn, đôi mắt đỏ long lanh
Em nghẹn ngào:
bởi vì đâu, hai đứa phải chia tay Anh hởi?
liệu cuộc đời, bước ngoặc có xa không?
Anh nói khẽ:
hoàn cảnh mình, ai biết được ngày mai
ta hẳn biết, sẽ sum vầy sau ba mươi ngày xa vắng! (1)

***
Nhưng
chẳng phải ba mươi ngày
cũng chẳng phải ba năm (2)
mà là một trăm bốn mươi bảy tuần trăng tròn khuyết (3)
Đó là thời gian
cũng là cuộc sống
Cuộc sống ấy, với biết bao gian khổ
Bủa vây Em, mà Em phải xông pha
Là vợ người chiến sĩ
hai mươi năm dài binh nghiệp (4)
tích lũy dần, đức tính đảm đương
Bằng tình yêu Chồng, và tình Mẹ thương Con 
Em chấp nhận cuộc đời
dẩm lên mà bước
đạp xuống mà đi
và Em đi thật vững
Với Anh
dù ngàn dặm xa xôi cách trở
dù nắng hạ oi nồng
dù rét buốt mùa đông
Em vẫn đến thăm chồng
bằng tất cả tâm hồn trong sáng ấy
Với Con
dù trên lằn ranh tù ngục
dù trên lằn biên sống chết
dù ray rứt tâm tư
bởi tình thương người Mẹ
Nhưng
vì tương lai con trẻ 
Em tập trung nghị lực
vẫn lệ nhòa, khi tiễn các Con đi

***
Các Con này
đường tương lai trước mắt
Phải trau dồi Kiến Thức
Đạo Đức phải vun bồi
Và giũa mài Nghị Lực
phải vững vàng, bước tiếp nghe Con
Đừng ngập ngừng, khi vấp ngã
Hãy đứng lên, kịp bước với bạn hiền
Thành công nào, cũng trả giá nghe Con
Và chính đó, mới vẹn tròn ý nghĩa
Ráng nghe Con
đừng phụ Mẹ Ba
với Ông Bà Cô Chú Cậu Dì
***
Em
Mười hai năm qua 
Em đã lớn biết bao
lớn bởi cách nhìn
lớn do cách nghĩ
lớn về tầm cao nghị lực
và lớn về chiều sâu tâm hồn
Ôi!
Nỗi cô đơn, những năm dài cách biệt
Tình yêu chồng 
Em đong bằng nước mắt! 
Tình thương Con
Em nhỏ lệ cánh thư dài!
Giờ đây
một vòng tay, hai nụ hôn đoàn tụ 
nói gì đây, Anh biết nói gì đây
Anh chỉ nói được rằng:
Dù thế nào, Anh vẫn nhận ra Em
bởi Em, có một tình yêu đầy đặn với Chồng
bởi Em, có một thương dào dạt với Con
bởi Em, có một tình quyến thuộc họ hàng
và bởi Em, có một tình người với bạn
Dù thế nào, Anh vẫn nhận ra Em
bởi Em, là nửa phần hơi thở của hồn Anh
bởi Em, là nửa phần con tim Anh đang nhịp
và bởi Em, là nửa phần cuộc sống của riêng Anh
Dù thế nào, Anh vẫn nhận ra Em 
bởi Em là Người Vợ
Người Yêu
Người Bạn Đời mãi mãi của riêng Anh
Dù thế nào Anh vẫn nhận ra Em
để hôn Em, với những nụ hôn dài
và hôn Em, với những nụ hôn dài …
(1) Tại Sài Gòn, thông cáo của cộng sản bảo chuẩn bị học tập 30 ngày.
(2) Tại trại Tam Hiệp, cộng sản nói chính sách cải tạo 3 năm.
(3) 147 tháng, hay là 12 năm 3 tháng trong các trại tập trung.
(4) 21 năm trong quân ngũ. 


Thưa quí vị quí bạn,
Bài thơ này khi ra trại tập trung về Sài Gòn hồi tháng 9 năm 1987, tôi cập nhật thời gian cho thích hợp. Cũng xin giải thích thêm về nỗi vui mừng của tôi. Trong những năm 1960, vợ chồng tôi bắt đầu một kế hoạch dành dụm cho con trai lớn du học sau khi xong bậc trung học. Vì đến lúc ấy, chúng tôi chỉ có khả năng thế thôi, trong khi hi vọng con tôi sau khi thành đạt có thể đùm bọc các em nó. Giờ đây, dù muốn hay không muốn, rõ ràng là trong cái “nguy” vì chế độ tự do sụp đổ, lại có cái “cơ” hội. Vì không thể sống nỗi dưới chế độ độc tài tàn bạo của cộng sản, ngay đến cái đơn xin vào làm tiệm giặt ủi cũng không được chấp nhận vì là con của “Đại Tá ngụy”, nên các con tôi phải vượt biển tìm tự do, và an toàn đến vùng đất tự do xa quê hương đến nửa vòng trái đất. Vậy là tất cả các con chúng tôi được “du học tại chỗ” trên đất nước có nền giáo dục khoa học kỹ thuật được xếp vào bậc nhất thế giới. Khi biết được “thư chui” của tôi đã đến tay một chị bạn và chị ấy đã rời nhà thăm nuôi để về Sài Gòn, tôi mỉm cười khi nghĩ rằng: 
“Nếu tôi có chết trong trại tập trung của cộng sản, tôi vẫn giữ nụ cười khi nhắm mắt”, vì các con chúng tôi có được tương lai, mà tương lai của các con chúng tôi chính là cuộc sống là hạnh phúc của vợ chồng tôi.

Trại Nam Hà giai đoạn 1982-1987. 

Tết Nguyên Đán đầu năm 1982 là Tết thứ tư tại trại Nam Hà này. Từ cái bánh chưn kha khá, nhỏ dần xuống, rồi đến nhỏ xíu. Tết năm nay cái bánh chưn biến mất, thay vào đó là chén cơm nếp với 5 điếu thuốc lá đen. Nếu như không được gia đình tiếp tế thì tù chính trị chúng tôi sẽ là “những bộ xương cách trí” như tù hình sự thôi. Dưới chế độ cộng sản, từ quận/huyện tỉnh/ thành phố, đặc khu, biệt khu, đều có nhà tù, cộng thêm hằng loạt nhà tù trực thuộc trung ương nữa. Bởi dưới chế độ này, mọi người dân đều có tội với nhà nước vì mỗi người không tội này cũng là tội khác, ngay cả ý kiến khác với nhà nước đã là có tội rồi. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người dân không được nói những điều cộng sản cấm nói mà phải nói những gì cộng sản bảo nói, người dân không được thấy những gì cộng sản cấm thấy những phải thấy những gì cộng sản bắt thấy, người dân không được nghe những gì cộng sản cấm nghe nhưng phải nghe những gì cộng sản bắt nghe. Vì vậy mà nhà tù trên toàn cõi Việt Nam nhiều vô kể. 
Tình hình kinh tế xã hội chủ nghĩa của họ suy sụp dần. Đầu năm 1979, họ bắt đầu cho gia đình đến thăm và mang theo lương thực thực phẩm nuôi tù chính trị. Nhờ vậy mà tình trạng sức khỏe của anh em tù chính trị chúng tôi, nhìn chung là tốt, và “cái tốt” này lại là điều để họ khoe với các phái đoàn ngoại quốc đến thăm, chứng tỏ cho thế giới bên ngoài thấy cái mà họ gọi là chính sách nhân đạo đối với tù chính trị không có điều gì chỉ trích cả. Cái bản chất gian trá của họ dễ dàng nhận thấy trong các trại tập trung.
Có lẽ do đời sống ngày càng suy kém của người dân nói chung, và của đám Công An “cai tù” nơi đây nói riêng, mà gần đây anh em chúng tôi mua chuộc được đám Công An trực trại với đám Công An quản giáo và võ trang, ngoại trừ tên “Thịnh khuỳnh” và tên “Thắng chuột” an ninh. Dần dần chúng tôi có phần dễ thở. Điển hình như trường hợp Đội chúng tôi, cứ mỗi sáng khi đến chỗ lao động, tôi cho tên quản giáo với tên võ trang 20 điếu thuốc quấn với bình trà, thế là chúng nó ngồi trong lều chớ không đi tới đi lui kiểm soát chúng tôi làm. Sở dĩ tôi cho nó thuốc hút với trà uống, vì nó đồng ý với tôi là khi giao việc cho chúng tôi thì chúng nó chỉ kiểm soát trước giờ về thôi. Thật ra chúng nó có bao giờ kiểm soát tất cả đâu. Thí dụ như giao chúng tôi mỗi người mỗi ngày đào và trồng 5 hốc bí rợ trong khu rừng chồi chen lẫn đá tảng, đâu làm sao chúng nó đếm từng cái một để biết chắc là chúng tôi làm đúng hay không đúng số lượng chúng giao.
Ngày Ba Mươi và Mồng Một Tết, không một tên Công An nào vào trong trại. Thấy yên tịnh, bắt đầu có vài cuộc họp mặt đồng hương, ăn bánh mứt uống trà và nói với nhau cả chuyện xưa lẫn chuyện nay. Thấy được, anh em chúng tôi họp mặt nhau trong cùng binh chủng hay cùng đơn vị, hoặc họp bạn đồng khóa. Đông cũng được vài chục bạn, ít cũng năm bảy người. Tất nhiên là phải chọn cái góc nào đó trong trại tương đối kín đáo, hoặc nơi nào dễ trông thấy chúng nó vào trại để kịp giải tán. Hơn 20 anh em cùng khóa 5 Thủ Đức chúng tôi cũng ngồi lại với nhau ở sát góc buồng giam số 2. Mỗi anh mang theo vật dụng đựng nước uống, nếu anh nào có bánh mứt thì mang đến, ngoài ra còn mang theo cái gì đó để làm ghế ngồi. Anh Văn Công Báu (Trung Tá Lực Lượng Đặc Biệt) nấu cho một thùng nước trà. Anh Khoa (Trung Tá Cảnh Sát) nhiều tuổi nhất, được anh em bầu làm “chủ tọa”. Anh Khoa có vài lời:
“Tôi thành thật cám ơn các bạn. Trong chiến tranh, chúng ta gặp nhau trên khắp nẻo đường, bây giờ thua trận, chúng ta gặp nhau trong trại tập trung, đây là điều đáng quí của chúng mình. Mong rằng, buổi họp mặt đơn giản nhưng có phần ấm áp hôm nay, sẽ giữ mãi cho chúng ta một gạch nối tình cảm cho tương lai, dù chúng ta chưa biết tương lai sẽ ra sao. Xin mời các anh cùng nâng chén trà gọi là cùng nhau chúc mừng năm mới”.
Thế là tất cả anh em gần như nói cùng lúc: “Chúc Mừng Năm Mới”, như vừa chúc cho bạn, cũng vừa chúc cho mình. 
Tôi đưa ý kiến:
“Bây giờ chúng ta thử bàn đến lời của ông Phạm Văn Đồng -Thủ Tướng cộng sản- đã nói chúng ta là thành phần ác ôn không thể tha thứ, đồng thời với sự kiện gần đây có dư luận cho rằng Hoa Kỳ sẽ “bốc” chúng ta sang Mỹ. Tôi nghĩ là chúng ta khó có đủ yếu tố khả dĩ dẫn đến kết luận, nhưng biết đâu trong lúc bàn luận lại có những điều mới có thể giúp chúng mình cập nhật những hiểu biết liên quan…..” 
Nói đến đây thì anh Bùi Quang Hiền đứng ở hành lang ngay lối vào buồng 2 này, anh ngoắc tôi:
“Anh và mấy anh cẩn thận. Tụi nó đứng ngoài cổng trại đông lắm, có thằng Thịnh khuỳnh nữa”.
Tôi bước nhanh đến đầu hành lang nhìn ra nhà trực trại ngay bên ngoài cổng. Đúng là tụi nó khá đông. Chạy vội vào trong:
“Các bạn ơi! Không xong rồi, chúng ta nên giải tán thì hơn, chúng nó vào trông thấy là phiền phức lắm”.
Anh Khoa: “Giải tán anh em ơi! Một lần nữa, tôi cám ơn và chúc các anh sức khỏe và giữ vững nghị lực. Chúng ta sang bên Văn Hoá đi”.
Anh em chúng tôi tay xách ghế xách lon theo hành lang ra sân trại để sang bên Văn Hoá. Anh Khoa đi sau cùng. Lúc anh vừa ra khỏi hành lang để sang Tổ Văn Hoá bên kia sân trại, Thịnh khuỳnh vào cổng với một toán Công An sau lưng. Hắn chận anh Khoa lại: 
“Các anh họp hành gì đó?”
“Báo cáo cán bộ, không ạ! Vài anh em chúng tôi ngồi ăn bánh uống trà cho vui thôi cán bộ. Bây giờ sang Văn Hoá xem chung kết cờ tướng”.
Hắn nhìn một lúc: 
“May cho các anh đó. Bộ các anh tưởng chúng tôi không biết các anh làm gì à!”
Anh Khoa lẳng lặng băng qua sân trại về hướng phòng văn hoá. 
Chẳng bao lâu sau đó, anh Khoa bị tai biến mạch máu não và chết ngay. Anh Khoa bị cao huyết áp, đang mùa đông anh nấu nước nóng pha nước lạnh cho ấm để tắm. Nước ấm hết trong khi cơ thể chưa sạch xà bông, anh dùng lon nước lạnh xối lên đầu, thế là ngã quỵ trên nền xi măng. Và chết ngay sau đó. 

Vợ tôi đến thăm.

Tuần kế tiếp, vẫn còn thoang thoảng hương vị ngày Tết Nguyên Đán. Trong khi lao động buổi sáng, tôi mua được nửa kí lô thịt heo nạc và khi cơm xong tôi bắt đầu kho tiêu. Lúc ấy kẻng báo thức buổi chiều vang vang, tôi vội nếm xem mặn lạt ra sao để dẹp vào và chuẩn bị lao động. Anh Nguyễn Tài Lâm gọi tôi:
“Hoa ơi! Cán bộ gọi thăm nuôi kìa”.
“Thiệt hông Lâm?”
“Cán bộ Trọng chờ anh kìa”. Trọng trong toán trực trại. 
Anh Ngô Văn Huế: “Anh vô chuẩn bị đi, để nồi thịt tôi kho cho”.
Tôi ra đến đầu hành lang gặp ngay Trọng “cụ non”. Công An ở đây gọi hắn là “Trọng cụ non” vì lúc nào trông hắn cũng giống như “ông cụ” vậy. 
“Anh chuẩn bị ra gặp gia đình”.
“Ai thăm tôi vậy cán bộ?”
“Tôi không rõ. Cán bộ Thúy nhờ tôi gọi anh đấy”. 
“Cám ơn cán bộ”. 
Tôi nghĩ mãi nhưng vẫn không đoán được là ai đến thăm. Vì mùa đông giá rét này chắc chắn không phải là Ba tôi, còn vợ tôi đang bận lo cho mấy đứa em vượt biển chưa xong. Trong thư gần đây vợ tôi cho biết, sau khi các con đến noi an toàn, vợ tôi lo cho mấy đứa em vượt biển. Ngoài Ba tôi với vợ tôi, tôi nghĩ không có ai đến thăm tôi hết. Có thể là vợ tôi nhờ chị bạn nào đó nhân đến thăm gia đình, thăm tôi luôn.
Quanh năm mặc quần áo tù, lâu lâu được mặc quần tây sơ mi vào, cảm thấy gọn và khỏe. Với cái áo sơ mi ngắn tay màu vàng và cái quần tây màu nâu mà vợ tôi mua cho trong chuyến thăm tôi hồi giữa năm 1980, đôi giày thể thao do Mỹ sản xuất mà anh Trịnh Xuân Nghiêm (Sư Đoàn Nhẩy Dù) nhượng lại tôi vì chân anh đi không vừa. Trước khi ra khỏi phòng, anh Đặng Văn Hậu bảo tôi xoay qua xoay lại:
“Ê! Trông còn phong độ lắm nghe”.
“Thiệt hông đó?”
“Tớ nói thiệt mà”.
Ra đến nhà trực trại, thấy nụ cười của tên Thịnh khuỳnh là phát ghét rồi. Hắn hỏi:
“Ai thăm anh mà diện thế?”
“Báo cáo cán bộ, tôi không biết”.
Công An Thúy, phụ trách hướng dẫn thăm nuôi, cười cười và nói nho nhỏ:
“Đã biết mà còn hỏi. Khéo vớ vẩn”.
Tên Thịnh khuỳnh hỏi tôi: 
“Nào, có thư từ gì bỏ ra ngay”.
“Không có gì cả cán bộ”.
“Chắc không. Tôi kiểm tra có thì anh tính sao?”
“Chắc chắn mà cán bộ. Cán bộ cứ kiểm soát tôi đi, nếu có gì vi phạm nội qui tôi chịu kỷ luật”.
Họ dùng chữ kiểm tra, tôi dùng chữ “kiểm soát. Hắn chưa buông tha: 
“Trong giày có gì không?”
“Chỉ có vớ không thôi, cán bộ”. 
“Anh đùa đấy à?”
“Tôi nói thật mà cán bộ”Không biết hắn có tin hay không, nhưng còn ráng thêm một câu nghe như ân huệ: 
“Được rồi. Đội Trưởng tôi không kiểm tra”.
“Cán bộ nói vậy chớ thật ra cán bộ kiểm soát tôi rồi”. 
Nói xong là tôi đi ngay. Trong thời gian gần đây, không còn cái xe cải tiến nào dành riêng cho thăm nuôi vì chẳng ai tu bổ nên hư hỏng hết trơn. Cứ mỗi lần cần xe cải tiến cho thăm nuôi, phải xuống tổ nhà bếp mượn. Nhà bếp có ba chiếc nhưng chỉ còn một chiếc dùng được. Tuy ọp ẹp nhưng nhờ cái lạnh của mùa đông nên đỡ mệt khi kéo lên dốc. Lên đến đầu dốc, con bé Thúy mới nói:
“Vợ anh thăm anh đấy”.
“ Cám ơn cán bộ”. 
Tôi chửi thầm: “Con quỷ cái” này chắc không vừa với cái miệng quai xách của nó. Nó cầm đơn thăm nuôi trong tay, vậy mà lúc nảy tôi hỏi nó làm thinh. Dễ giận!
Đến nhà thăm nuôi, vừa để cái xe bên ngoài là vợ tôi bước nhanh ra:
“Anh”.
“Em đến lúc nào vậy? Em đi đường có mệt lắm không?”
“Em đến cách đây khoảng 3 tiếng đồng hồ. Em khá quen rồi nên không cảm thấy mệt như mấy lần trước, nhất là lần đầu thăm Anh”.
“Trời lạnh quá sao Em dám đi. Còn mấy cậu nó đi được chưa?”
“Tụi nó đến Thái Lan hết rồi Anh. Nhưng chuyến đi gian khổ lắm vì mưa bão, thức ăn nước uống đều liệng xuống biển cho tàu nhẹ bớt. Cuối cùng thì tàu cũng đến nơi bình yên nhưng rất nhiều người chết vì đói khát, trong số đó có hai đứa con của vợ chồng thằng Bảy (Triệu Văn Trí)”.
“Vậy cũng là may lắm rồi. Em còn áo lạnh nữa không, nên mặc thêm vào chớ như vầy Em dễ bị cảm lạnh lắm”.
“Không sao. Đủ rồi Anh. Để Em lấy hình của các con cho Anh xem. Em để ở phòng nhỏ bên kia”.
Tôi quay sang “Thúy quai xách”: 
“Báo cáo cán bộ, cho tôi sang phòng bên soạn quà giúp vợ tôi?”
Nó làm thinh một lúc mới mở miệng: 
“Được. Chỉ một lúc thôi nhé!”
Tôi bước nhanh theo vợ tôi và hôn vợ tôi thật nhiều, vì phòng nhỏ bên này không có người nào cả. Đây cũng là những nụ hôn đầu tiên sau gần 7 năm xa cách … Ngần ấy, chỉ ngần ấy thôi, nhưng chứa đựng biết bao nồng thắm ngọt ngào bên trong những nụ hôn vội vàng ….
Vợ Chồng tôi cùng mang quà sang phòng bên, nếu vắng lâu thể nào “Thúy quai xách” cũng hỏi han tra xét.
Từ đầu năm 1981, theo lệnh của Bộ Công An, Ban Giám Thị trại cho phép tù chính trị được thăm gặp vợ 24 tiếng đồng hồ. Giấy tờ thì như vậy, nhưng nếu không sòng phẳng với “cái giá phải trả” cho tên Vũ Quấc (tên của hắn là vậy) phụ trách giáo dục trại Nam Hà A này thì đừng hòng, vì hắn cho ý kiến vào đơn xin trước khi đến tên trại trưởng quyết định. Đến lúc bấy giờ, “cái giá phải trả” là 200 đồng cho mỗi lần thăm gặp 24 tiếng đồng hồ. Ngoài ra còn phải sòng phẳng với toán Công An phụ trách nhà thăm nuôi nữa, nhưng cái giá ở đây nhẹ nhàng thôi, chỉ cà phê thuốc hút loại đầu lọc coi như “sòng phẳng”. 

Ngay chiều hôm ấy, tôi được trở ra nhà thăm nuôi đến chiều hôm sau mới hết hạn. Chúng tôi xem hình các con chúng tôi cao lớn cả rồi. Cùng thuê “chung cư” tại Houston sau thời gian được Cô Dượng Chú Thiếm chúng nó giúp đỡ. Vừa đi học vừa đi làm, dĩ nhiên là nhiều khó khăn lắm, nhưng các con chúng tôi chấp nhận vượt qua. Trong thư, các con chúng tôi nói rằng, những khó khăn trên đất Hoa Kỳ không có nghĩa gì so với những gian khổ trên quê hương Việt Nam cộng sản! Các con chúng tôi hứa sẽ thành công trên đất Mỹ. 
Có thời gian dài, vợ tôi kể cho nghe biết bao chuyện buồn vui lẫn lộn. Chuyện trong thân quyến chẳng bao nhiêu, nhưng chuyện mà đám Công An Phường với Công An Quận, đối xử với gia đình chúng tôi mà họ gọi là “ngụy quân ngụy quyền” thật là khiếp đảm! 
- Chính sách lừa dối để đẩy hằng trăm ngàn quân nhân viên chức Việt Nam Cộng Hòa cũ vào các trại tập trung mà họ gọi là học tập cải tạo. (Năm 2004, khi xem tạp chí Dân Vận của đảng bộ Việt Quốc tại Đức, tôi đọc được những con số sau đây: Theo tài liệu của Sở Công An Sài Gòn mà họ gắn cái tên ông Hồ vào đó, đến cuối tháng 07/1975, cộng sản đã đẩy 154.772 người vào các trại tập trung. Đến cuối tháng 10/1975, Cảnh Sát Công An bắt thêm 68.037 người nữa. Cộng chung đến ngày 30/10/1975, tổng số cựu quân nhân viên chức Việt Nam Cộng Hòa cũ, bị họ giam giữ trong khoảng 200 trại tập trung trên toàn cõi Việt Nam là 222.809 người. Trong số khoảng 200 trại này, chỉ riêng Đoàn 776 của họ, đã quản trị đến 82 trại trong tổ chức của 6 Liên Trại trong vùng rừng núi từ Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn, ngược lên thượng nguồn Sông Hồng đến tận biên giới Việt Nam-Trung Hoa) 

- Ngày 20/08/1975, Bộ Văn Hoá Thông Tin cộng sản Việt Nam, ra lệnh thiêu hủy tất cả văn hoá phẩm thời Việt Nam Cộng Hòa vì họ cho là loại phản động và đồi trụy. Họ mở chiến dịch truy lùng bắt giữ những ai tàng trữ, buôn bán, bắt giữ, và truy tố ra tòa án nhân dân. Chính sách này trong một mức độ nào đó, tương tự như chính sách của vua Tần Thỉ Hoàng thời Trung Hoa phong kiến, và của Mao Trạch Đông thời Trung Hoa cộng sản.

- Ngày 18/09/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam bất thình lình thực hiện chính sách đổi tiền. Họ không giới hạn số tiền mang đến đổi, nhưng chỉ được nhận lại tối đa là 200 đồng mới, mà họ qui định 1 đồng bạc mới bằng 500 đồng bạc cũ (1 mới = 500 cũ). Số tiền còn lại, mỗi khi gia đình có nhu cầu phải làm đơn xin và phải được Phường/Xã chứng nhận mới được cứu xét. Còn cứu xét như thế nào thì tùy họ khi vui lúc buồn.

- Ngày 10/11/1975, chính sách triệt hạ kinh doanh thương mãi tự do, ép mọi chủ nhân mà họ gọi là vận động hiến tặng cho nhà cầm quyền toàn bộ cơ sở kinh doanh thương mãi, kể cả nhà ở, rồi chuyển đến các khu hoang vắng mà họ gọi là khu kinh tế mới tự mưu sinh. Trường hợp không chấp hành sự vận động của họ thì bị bắt vào trại tập trung, còn tài sản bị họ tịch thu. Có nghĩa là, cho dù bằng cách nào đi nữa thì tài sản cũng vào tay cộng sản, chỉ khác ở chổ là những chủ nhân có bị vào trại tập nhỏ -tức nhà tù- hay vẫn trong trại tập trung lớn -tức xã hội- thế thôi. 

- Đến chính sách cải tạo văn nghệ sĩ. Tờ L’ humanité của đảng cộng sản Pháp, số ra ngày 21/03/1976 tại Paris, có đăng tải danh sách 321 văn nghệ sĩ thời Việt Nam Cộng Hòa, đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt vào trại tập trung cải tạo từ ngày 13/06/1976. 

- Tháng 06/1977, lại một chính sách khác ra đời. Đó là chính sách buộc tất cả nông dân có ruộng mà họ gọi là vận động đem tập trung vào Hợp Tác Xã. Nông dân vẫn canh tác nhưng sản phẩm do Hợp Tác Xã quản trị, còn nông dân tùy theo lao động của mình bỏ ra mà nhận lại đồng lương bằng sản phẩm do Hợp Tác Xã quyết định. Và họ quản trị lao động công việc đồng áng chẳng khác những trại lính. 
Người dân Việt Nam Cộng Hòa cũ tại Sài Gòn, có câu nói truyền cho nhau nghe thật là cay đắng: “Hòa bình, bắt đầu sum họp, cũng là lúc chia ly!” Những bạn đồng đội từ các đơn vị xa xôi về quê sum họp với gia đình, nhưng rồi lại chia ly không ngày trở lại! Câu này cũng có thể hiểu “bọn cộng sản sum họp, người tự do chia ly! Cũng có câu: “Nếu cái cột đèn mà đi được thì nó cũng vượt biển rồi”. 

Vợ tôi nhắc lại chuyện con thứ tư của chúng tôi là Phạm Bá Hùng vượt biển từ bờ biển Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, hồi giữa năm 1980. Bị quân cộng sản phác giác truy lùng, nhiều người lớn cùng với con tôi và các bạn nó bị bắt. Nhà giam chật quá, với lại có lẽ chúng nó thấy con tôi còn nhỏ (mới 14 tuổi), chúng nó bảo con tôi xuống nhà bếp phụ việc lặt vặt. Mấy ngày sau chúng nó thả về. Lúc ấy con tôi trần trụi vì lúc chạy "bán sống bán chết", cái áo bị các nhánh cây "giữ làm kỷ niệm" lúc nào chẳng hay. Có một gia đình gần đó, thấy vậy mới cho con tôi một cái áo, mà là "cái áo con gái" vì nhà bà không có con trai. Khi con tôi về đến nhà Ba Má tôi ở Nha Mân, Ba Má tôi và vợ tôi trông thấy, vừa cười vừa khóc! Khóc vì thấy nó nhỏ quá mà bị tù, còn cười vì cái áo con gái trên người nó. Khi còn sống, mỗi khi Ba Má tôi nhắc lại chuyện ấy là Ông Bà cười thật tươi. Hiện giờ (năm 2008) con trai tôi đã vào tuổi 42, có vợ 2 con, và có cơ sở làm ăn ở tiểu bang khác. Chúng tôi xin mượn những dòng chữ này để bày tỏ lời cám ơn chân thành của vợ chồng tôi đến gia đình ân nhân của con chúng tôi 28 năm về trước. Cái áo không là bao, nhưng điều nghĩa ân mới là đáng quí". 

Trở lại chuyện thăm nuôi. Những tù chính trị chúng tôi khi được phép gặp gia đình 24 tiếng đồng hồ, chỉ được đi khỏi nhà thăm nuôi cho đến cái cầu vệ sinh thôi, ngoài khoảng cách đó ra đều bị cấm. 
Buổi chiều, có vẻ như thời gian qua nhanh quá! Trong khi tôi đang xếp áo quần của vợ tôi mà chúng tôi giặt ban trưa, tiếng con Thúy ong ỏng:
“Khẩn trương lên chứ. Làm gì mà lề mề thế!
Hôn vợ tôi xong là ra cửa, vợ tôi vừa đi vừa nói:
“Khoảng tháng 5 Em ra thăm Anh. Các con với mấy đứa em đi xong, Em có thì giờ thăm Anh thường hơn”.
Con Thúy chen vào ngay: 
“Thăm gì mà thăm liền thế?”
“Xin lỗi cán bộ có gia đình chưa?”
“Anh định nói gì thế? Đã có thì sao?”
“Vậy mà tôi tưởng cán bộ chưa có gia đình”.
“Tại sao anh tưởng thế?”
“Đã có gia đình thì cán bộ phải thông cảm tình vợ chồng, nhưng sao cán bộ có ý chỉ trích”. 
“Tình cảm vợ chồng ai mà chẳng biết, nhưng còn công tác nữa chứ ”.
“Chẳng lẽ cán bộ cho là chúng tôi trong Nam chỉ biết có gia đình không thôi sao. Nếu vậy mà phải hơn 20 năm, quân đội nhân dân mới vào được Sài Gòn sao cán bộ”.
Cô ta trừng mắt: 
“Anh định nói gì đấy? Đi vô”.

Nhân lúc xuống dốc, tôi phụ đẩy xe quà của anh bạn để khỏi phải lôi thôi với con nhỏ có cái miệng quai xách này. Đám quản giáo với võ trang gọi cô ta là “Thúy tây” vì xem ra cô ta có phần trắng trẻo và sạch sẽ hơn những Công An “tóc dài” khác trong trại này. Con bé này “chưa nhận hối lộ” từ khi phụ trách hướng dẫn thăm nuôi thay con bé Kim. Hơn hai tháng trước, “Thúy tây” rình chụp được một vụ. Hôm ấy anh Vũ Văn Dần (Đại Tá Cảnh Sát) được gia đình đến thăm và được ở lại 24 tiếng. Có mấy anh kéo xe cát về ngang nhà thăm nuôi, ngừng trước cửa, chắc là do anh Dần bảo nên chị Dần bước vội ra và dúi nắm tiền vào đống cát trên xe cải tiến, “Thúy tây” đứng sau khung cửa sổ trông thấy nhưng không nói gì hết. Khi các bạn kéo xe cải tiến đi, cô ta nói lớn:
“Các anh không được đi. Đứng đấy chờ tôi”.
Thế là “Thúy tây” bảo mấy anh đang thăm nuôi ra về cùng với xe cải tiến chở cát. Đến nhà trực trại, “Thúy quai xách” yêu cầu trực trại kiểm soát xe cát. “Trọng cụ non” kiểm soát không thấy gì, cho xe cát đi. “Thúy quai xách” bắt đứng lại, nó bảo mấy anh kéo xe cát phải xúc ra từng xẻng cho nó kiểm soát. Cuối cùng, 500 đồng bạc phơi mình trên đống cát, thế là “Thúy quai xách” lập biên bản. Ngay sau đó nó ra nhà thăm nuôi bắt anh Dần viết kiểm điểm và buộc chị Dần phải hứa 6 tháng sau mới ra thăm nuôi. 

Thế nhưng chỉ hung hăng con bọ xít được vài tháng là quỵ ngã trước sức cám dỗ của quà cáp tiền bạc. “Công An cái” với cái miệng quai xách này nhận hối lộ chẳng kém tên Công An cai tù nào cả. Nó mang cả tiền và thư vào trong trại trao tận tay cho tù chính trị chúng tôi, nhưng nó ăn 15% lận. 
Trở lại trường hợp anh Khoa chết. Trước khi ra về, tôi đưa vợ tôi địa chỉ nhà anh Khoa ở Sài Gòn để vợ tôi đến cho vợ anh Khoa là chị Bạch Vân biết trường hợp anh Khoa chết. Chỉ tuần sau đó, chị Khoa với cô con gái khoảng 20 tuổi đến trại. Chị Khoa xin cho tôi ra gặp chị. Không có đơn của vợ tôi nhờ thăm, có lẽ chị Khoa “hối lộ” cho chúng nó nên tôi được ra nhà thăm nuôi. Trông chị Bạch Vân buồn lắm, nhưng chị cố gắng nói chuyện với tôi:
“Anh biết hông. Lúc chị (Hoa) đến nhà nói với tôi là anh Khoa chết, tôi đâu có tin. Tôi cứ hỏi tới hỏi lui xem chị có nghe lầm không, nhưng chị quả quyết là anh chứng kiến anh Khoa chết thật. Tôi chỉ mới nửa tin nửa ngờ chớ chưa tin hẳn, vì tôi đâu được trại báo tin tức gì trong khi tôi chờ tin anh Khoa về nhà. Đến đây, tôi mới biết đó là sự thật”.
Chị nín lặng khá lâu. Không khóc! Có lẽ chị đã khóc nhiều rồi! Sau cái dụi mắt mà tôi nghĩ là chị lau khóe mắt ươn ướt. Chị trở lại bình tỉnh:
“Tôi nói anh nghe. Anh Khoa chết, coi như tôi thua canh bạc quá lớn anh à!” 
Đến đây thì chị bật khóc thành tiếng! Con gái chị ngồi cạnh cũng khóc theo! Lúc ấy tôi chưa hiểu rõ câu nói của chị, cho đến tối tôi mới nghĩ: “Có lẽ chị Khoa lo tiền lo vàng gì đó để anh Khoa về, và cũng có lẽ đã đưa tiền đưa vàng cho họ rồi và đang chờ ngày anh Khoa về thì phải”.
Một lúc sau, chị lại nói và nói thật lớn như để các anh chị đang có mặt trong nhà thăm nuôi cùng nghe: 
“Mấy anh có biết là ông Văn Vĩ đã lái xe Honda chạy vòng vòng Sài Gòn được rồi hông?”
Hầu như anh em tù chính trị đang thăm gặp gia đình đều ngạc nhiên quá sức. Tôi cũng vậy. Lúc ấy chị Khoa nháy mắt với tôi, thế là tôi hiểu. Và tôi hiểu như thế này. Ông Văn Vĩ là nhạc sĩ cổ nhạc rất nổi tiếng. Bất cứ ai mà thích nghe cổ nhạc, có thể nói là đều nghe đến tên ông với ngón đàn tuyệt diệu của ông. Nhưng ông không thấy đường. Nói rõ hơn là ông Văn Vĩ bị mù. Thế nhưng vừa rồi ai cũng nghe chị Khoa nói là lái xe Honda hai bánh được rồi. Nghĩa bóng của câu ấy được hiểu là người dân Sài Gòn bây giờ sáng mắt ra rồi, tức là hiểu được cộng sản rồi, không còn mù lòa về cái chủ nghĩa cộng sản ưu việt nữa. Tôi nói nho nhỏ:
“Câu nói của chị thật rõ nghĩa. Câu nói công khai như vậy nhưng qua mặt chúng nó dễ dàng vì chúng nó có biết gì đâu. Chị đã mang đến cho anh em chúng tôi một nhận thức chính trị của người dân Việt Nam Cộng Hòa cũ. Cám ơn chị”.

Nỗi khổ của dân quê.

Mùa đông năm 1982, trại tổ chức lại các Đội tù chính trị sau khi các bạn từ trại tập trung Vĩnh Quang và Tân Lập (tỉnh Vĩnh Phú) chuyển đến đây, và một số đã chuyến về các trại trong Nam. Lần tổ chức này không còn các Đội cấp Đại Tá riêng biệt nữa, nghĩa là Đội hỗn hợp. Tôi vào Đội 5 và dọn sang buồng giam số 4, với trách nhiệm Đội Trưởng. Trong Đội 5 có 6 bạn trẻ mà trước đây thuộc Đội 20, bị bắt trong năm 1976 vì tham gia tổ chức Phục Quốc do Công An cộng sản trá hình tổ chức. Đội này lúc ở buồng giam số 8 có lúc công khai chống đối đám Công An, nên bị chúng nó chuyển ra biệt giam tại trại Mễ ở Phủ Lý. Khi trở về trại, sức khỏe của các bạn quá kém vì bị chúng nó hành hạ và phần ăn bị cắt giảm mà vốn dĩ đã không đủ no! Đến mức bạn trẻ Đặng Hữu Nam, trước đó là Đội Trưởng Đội 20, không thể tự mình từ cổng trại vào buồng giam được phải nhờ một bạn cỏng vào!
Đội 5 chúng tôi vào thung lũng khai phá trồng bí rợ và khoai mì. Thung lũng có nhiều cỏ tranh nên đám Công An gọi là thung gianh, trong khi chúng tôi gọi tắt là “thung”. Cách trại khoảng 4 cây số mỗi lượt đi về nên chúng tôi làm “thông tầm”, đi từ sáng đến chiếu mới về. Thung, toàn đá tảng trải dài hai bên triền núi cao, lác đác có đất trống từng mảng nhỏ nhưng cỏ tranh cao khỏi đầu. Công việc của chúng tôi là tìm những phần đất cỏ tranh để dọn sạch đào hốc trồng bí rợ và cuốc những khoảnh đất trống trồng khoai mì. Khởi đầu còn có Đội 6 với Đội 7 cùng vào thung lũng này, nhưng vài tháng sau chúng nó chuyển hai Đội bạn lao động khu vực khác.
Mỗi sáng chúng tôi lãnh phần gạo ăn trưa. Từ vài tháng nay chúng tôi được ăn gạo tuy là gạo đầy trấu và sạn. Nhớ lại những năm ăn 100% bo bo, khoai tây, khoai mì khô, hay bột mì luộc mà hãi hùng! Ngoài phần gạo, có thêm nắm rau. Chỉ thế thôi. Những anh có gia đình đến thăm nuôi hoặc được gia đình gởi tiếp tế thì có chút gì đó giúp cho bữa ăn trưa thêm đậm đà.
Thung lũng này rất rộng. Khi chúng tôi vào đây thì nhiều gia đình nông dân đang dở chòi và đào khoai mì mà họ gọi là thu hoạch để tìm vùng đất khác trồng trọt. Hỏi ra mới biết, nhiều gia đình nông dân từ Phủ Lý vào đây khai thác thung lũng hoang vu này cách nay 3 năm, khi thấy canh tác được nên Công An trại đuổi họ đi nơi khác với lý do đất của trại, họ bị đuổi nhưng không được một đền bù gì cả. Trong số dân nghèo khai phá trồng trọt ở đây, có gia đình ông Tạ với hai cô con gái, chuyển chòi của họ sát vào chân núi mà phía bên kia chân núi là nhà thăm nuôi của trại. Gia đình này đào khoai đến đâu, chúng tôi đào hốc trồng bí rợ đến đó. Tôi hỏi chị Tạ sau khi tìm hiểu về tình cảnh những gia đình canh tác nơi đây:
“Gia đình chị có ngần này người mà ban đêm dám ngủ ở đây sao?”
“Có phải chúng tôi ở đây ban đêm hết đâu. Chiều thì vợ chồng tôi về nhà ngoài Ba Sao một chút, ở nhà còn mấy cháu nhỏ nữa. Chỉ có hai đứa này ngủ đây thôi”. 
Vừa nói chị vừa chỉ hai con bé gái bé xíu của chị. 
Anh Dương Công Liêm ngạc nhiên: “Chị nói thiệt hả?”
Con bé lớn cười cười:
“Chỉ có cháu với em cháu ngủ đây thôi ông à. Mấy năm rồi chứ phải bây giờ đâu. Mà sao ông ngạc nhiên?”
Các bạn chung quanh cùng nói: “Cháu can đảm thiệt”.
Anh Liêm hỏi: “Chị Tạ ơi! Cháu này được mấy tuổi rồi chị?”
“Cháu Oanh 16 tuổi, còn cháu Loanh 15. Cháu có can đảm can điếc gì đâu mấy ông ơi, chẳng qua là do miếng ăn dần dần rồi quen thôi ”.
“Chị nói sao. Một cháu 15 và một cháu 16 à?”
“Vâng. Trẻ con ở cái đất này có được ăn uống như trong Nam mấy ông đâu mà lớn được. Vùng Ba Sao ra đến Phủ Lý trẻ con đều thế cả”.
“Xin lỗi chị. Tôi không có ý gì khác đâu”.
Quả thật khó tin, nhưng trước mắt là sự thật. Chúng tôi không thể ngờ vóc dáng hai cháu này áng chừng 10 hay 11 tuổi là cùng, không ngờ chúng tôi đoán sai quá xa. Ngẫm cho cùng, câu nói của chị Tạ là một lời than cho cái thân phận người dân xã hội chủ nghĩa 20 năm trên đất Bắc! Nếu chưa đủ tiêu biểu cho nhiều địa phương đồng bằng Sông Hồng, ít ra cũng là cái khốn khổ của người dân nói chung và tuổi trẻ nói riêng quanh vùng này!
Mỗi hốc bí rợ, chúng tôi cho vào 80% phân xanh làm từ những cây dại mà thân mềm, và 20% phân cứt dê mà chúng tôi gọi là “phân thầy”. Thường ngày có hai bạn là anh Phạm Kim Tấn với anh Thuận khiêng “phân thầy” từ cái chuồng dê mà chúng tôi gọi là “chung cư của thầy” ở mãi 3 cây số cách nơi chúng tôi trồng bí. Đúng là người ăn độn, súc vật ăn độn, hốc bí rợ xã hội chủ nghĩa cũng ăn độn luôn. 
Đó là công việc, bây giờ mời quí vị quí bạn nhìn qua cuộc sống dọc theo thung lũng này một chút, hi vọng sẽ nhận ra điều gì đó về thân phận người phụ nữ xã hội chủ nghĩa nơi đây. Thượng nguồn thung lũng có một làng của người cùi, xa hơn nữa là nông trường trồng trà. 
Vào những ngày giáp Tết, tên võ trang bảo tôi theo hắn vào làng cùi mua vài món về ăn. Ở đây có bán gà vịt, trái cây, rau cải. Vào làng cùi, phải thú thật là tôi rất sợ, vì mọi người già trẻ lớn bé, không lở loét cũng tay không ngón, chân không bàn. Vì là lần đầu hắn kéo tôi đến đây nên trong túi không có đồng nào cả mà chỉ đi một vòng rồi quay về Đội. Từ ngày Đội chúng tôi vào thung lũng này, có thể nói là chúng tôi “mua đứt” tên quản giáo với tên võ trang, cho dẫu là tên võ trang thay đổi hằng tháng, có khi hằng tuần. Mỗi sáng đến khu vực trồng bí, tôi cho mỗi đứa 10 điếu thuốc quấn và lon guigoze nước trà, do chú Hổ -bạn tù trẻ- nấu. Thuốc quấn, là thuốc điếu người ta quấn bằng tay bán từng bó 100 điếu chỉ vài đồng, mà tôi gởi tên quản giáo mua giùm để phát cho chúng nó hút khi ốheo Đội .
Lúc ăn sáng ăn trưa, ngoài anh Phạm Kim Tấn (Trung Tá Cảnh Sát), tôi, với chú Hổ, còn có tên quản giáo với võ trang cùng ăn với chúng tôi. Trừ lúc ăn, hai tên gần như chỉ ngồi trong cái chòi bé xíu cách chòi chúng tôi không xa, vì hắn đồng ý với tôi là khi giao só lượng hốc bí cho chúng tôi làm, đến chiều trước khi rời nơi đây hắn mới kiểm soát kết quả việc làm. Nhưng làm sao hắn kiểm soát nỗi vì khu vực rộng lớn toàn đá tảng với bụi rậm, chỗ này vài hốc bí, xa xa chỗ kia vài hốc bí, ngay khi chúng tôi đi tìm cũng khó chớ nói gì tên quản giáo kiểm soát. Chỉ khi những giây bí nằm la liệt trên các tảng đá hắn mới trông thấy được.
Trước ngày nghỉ Tết, tên võ trang hướng dẫn một số anh em chúng tôi vào làng cùi mua những cành đào rất đẹp để trang trí buồng giam chúng tôi, đồng thời tặng bên Tổ Văn Hoá để trang trí nơi tranh giải cờ tướng với giải bóng bàn do anh em “cầu thủ” tù chính trị chúng tôi tranh giải. Nói là “tranh giải” cho nó oai chớ thật ra khi chiếm hạng nhất cũng chỉ vài cái bánh ngọt với nhúm trà, và tiếng vỗ tay của bạn bè chung quanh thôi. Nhưng cũng giúp đôi chút nhẹ nhàng thư thái trong cái không khí trại tù vốn dĩ luôn căng thẳng!

Hãy gọi là “thể thao”. 

Nói đến bóng bàn mà không nói đến anh Chu Văn Sáng (Đại Tá An Ninh Quân Đội) quả là thiếu sót lớn. Vào giữa những năm 50, anh Sáng là Trưởng đoàn tuyển thủ bóng bàn Việt Nam đoạt giải bóng bàn thế giới tại Tokyo, Nhật Bản. Chiến thắng oanh liệt của đoàn tuyển thủ Việt Nam khi hạ đoàn tuyển thủ Nhật Bản tại thủ đô của họ trước sự có mặt của Thái Tử Nhật. Sau đó, theo lời mời của đoàn tuyển thủ Pháp, đoàn tuyển thủ Việt Nam sang Paris và hạ luôn đoàn tuyển thủ này ngay tại thủ đô của họ.
Nói đến cờ tướng mà không nói đến anh Nguyễn Văn Phiên (Đại Tá, Tổng Nha Tài Chánh & Thanh Tra Quân Phí/Bộ Quốc Phòng), cũng là một thiếu sót khác. Tuy anh Chu Văn Sáng cũng là tay cờ tướng mà nhiều bạn không đương cự nỗi, nhưng anh Phiên là người đoạt giải. 
Hào hứng nhất là bóng tròn, hay nói cho dễ hiểu là đá banh. Bước đầu hình thành tương đối khó, nhưng sau đó thì cả trại chia ra 3 đội hạng A và 3 đội hạng B. Tôi nói “chia ra” chớ không phải tổ chức, vì bất cứ bạn nào chịu mang giày vào sân, và thích đội nào thì vào đội đó miễn đủ 7 người là được. Thay vì đội banh phải 11 người, nhưng vì sân trại không đủ kích thước của sân banh, nên chỉ cần 7 cầu thủ: 1 thủ môn + 2 hậu vệ + 1 trung vệ + và 3 ở hàng tiền đạo. Chia ra là như vậy, chớ nếu “tổ chức” phải chọn những anh thích hợp từng vị trí trong sân. Nguồn gốc của “phong trào” đá banh, xin tạm gọi như vậy cho ra vẻ một chút, là đầu tháng 09/1981, tổ Văn Hoá do anh Dương Huy Nam (đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng) trách nhiệm, được trại cấp cho 2 trái banh để tù chính trị đá chơi nhân ngày lễ 2/9 của họ. Anh Cao Văn Phước, một thời là thành viên Tổng Cuộc Bóng Tròn Việt Nam, và từng hướng dẫn đoàn tuyển thủ bóng tròn tham dự nhiều giải quốc tế, tương tự như anh Chu Văn Sáng bên bóng bàn vậy. Anh Phước rủ từng anh vào sân đá banh chơi. Thế là nhiều anh em tham gia, đá hươu đá vượn gì cũng được, miễn có chạy tới chạy lui thì đám trực trại mới mở cửa buồng giam cho ra ở ngoài xem. 
Mang đôi giày vải vào sân là may rồi chớ làm gì có giày đá banh. Còn cái sân banh chính là cái sân giữa trại, hai bên là hai bức tường đá tảng, bên trên có hàng rào kẽm gai, nền sân là nền đá lổm chổm, nếu không cẩn thận là đá luôn những cục đá nho nhỏ trên sân nữa. Chuẩn bị cho trận banh đầu tiên, anh Phước hỏi tôi:
“Anh muốn đá ở vị trí nào?”
“Tôi quen hậu vệ giữa, nhưng với kích thước sân này anh cho tôi đứng trung vệ xem sao”.
“Ủa. Bộ anh có đá banh rồi hả?”
“Trong những năm 1937 đến 1940, lúc học trường sơ học Đại Ngãi (Sóc Trăng), tôi là “vua ăn trộm” bưởi trên cây đem thui cho mềm một chút rồi cột giây chuối vào để đội banh tí hon tụi tôi đá được vài trận. Bị đòn quá trời nhưng hổng bỏ cái bệnh đó được vì tôi mê đá banh lắm. Năm 1954, lúc học ở Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, tôi cũng đá trong đội banh của trường. Năm 1956-1958 phục vụ Trung Đoàn 35 ở Plei Ku rồi Kon Tum, tôi vẫn đá”.
“Ê! Trung vệ phải chạy lên tấn công rồi chạy về tăng cường phòng thủ, mệt lắm à nghe. Nhắm kham nỗi hông đó?”
“Lo gì, cứ thử một hiệp xem sao”.
Thế rồi trận đầu tiên với hai đội tạp nham, với chiến thuật cũng tạp nham, mạnh ai nấy đá, trúng cũng đá mà trật cũng đá, nhưng rất ư là vui vì “khán giả” ngồi bít các đầu hành lang vào các buồng giam, vỗ tay liên hồi. Vỗ tay, không phải do đá hay mà là đá loạn trên sân làm cho các bạn tức cười. Vậy là vui rồi. Nhưng sáng hôm sau hầu hết “cầu thủ” chúng tôi đều khai bệnh, vì bắp thịt chân “bị xổ” nên đi đứng rất khó. Anh này nhìn anh kia, muốn cười mà cười không nỗi. Mỗi lần leo lên sàn gác bên trên, tay phải nắm song sắt cửa số đầu hồi buồng giam, tay trái nhấc cái chân để lên nấc cái thang sắt thẳng đứng, đến lượt thay tay để nhấc chân phải lên, và lần thứ hai là ngồi trên sàn gác được rồi. Nhưng sau vài trận thì các bắp chân bình thường trở lại, không thấy đau nữa. Thật ra đâu phải mỗi ngày được đá banh, mà chỉ được đá vào chiều thứ bảy hoặc ngày chủ nhật thôi, nhưng có cái lợi là khi đá banh thì đám trực trại không đóng cửa buồng giam, nếu không đá banh thì chúng nó khóa cửa nhốt trong buồng.
“Phong trào” đá banh được hình thành trong sự hào hứng như vậy đó, nhưng nuôi dưỡng được phong trào mới khó, thậm chí rất khó vì làm sao có banh để đá, và có nước chanh đường để uống hằng tuần. Công An trại chỉ có thể cho vài trái banh nhân ngày lễ của họ thôi. Với lại banh do mấy cái xí nghiệp trời ơi của xã hội chủ nghĩa trên đất bắc sản xuất, đá vài trận là nó sút chỉ hết trơn, lúc ấy chỉ có liệng vào đống rác thôi. 
Trong lần vợ tôi thăm hồi đầu năm 1982, tôi thuật vợ tôi nghe về điều khó khăn để nuôi dưỡng phong trào đá banh, vợ tôi hứa sẽ nói với một số chị bạn trong mục đích luân phiên ủng hộ banh cho anh em chúng tôi. Thế là từ cuối mùa xuân năm 1982, gần như cứ hai tháng chúng tôi nhận được một trái banh từ Sài Gòn gởi ra. Thỉnh thoảng còn có một lố khăn lông nhỏ để lau mặt trong lúc giải lao giữa hai hiệp. Phải công nhận những trái banh do kỹ nghệ tại Sài Gòn sản xuất có phẩm chất tốt hơn nhiều so với kỹ nghệ xã hội chủ nghĩa 20 năm trên đất Bắc. Đá được 7 hay 8 trận mới loại ra, dù rằng sân đá banh toàn đá dăm nên da banh mau mòn lắm. Anh Dương Huy Nam gởi Công An đi phép cuối tuần mua giùm cái còi cho trọng tài là anh Cao Văn Phước. Thỉnh thoảng anh Bùi Đức Tài (Đại Tá Tỉnh Trưởng Tây Ninh) hoặc tôi luân phiên làm trọng tài. Có điều là chúng tôi chỉ đá mỗi hiệp 30 phút thay vì theo đúng luật phải đá 45 phút, vì lẽ anh em cầu thủ chúng tôi trẻ nhất cũng hơn 30 tuổi, còn già sơ sơ như tôi cũng hơn 50, đá đúng luật theo thời gian e kiệt sức. 
Do hàng hóa sản xuất tại Sài Gòn dù là Sài Gòn cộng sản vẫn có được phẩm chất tốt, cho nên những tên Công An được đi công tác trong miền Nam, họ xem như tương đương với xuất ngoại sang Liên Xô vậy. Và đám Công An quản giáo với võ trang, rất thích đá banh sản xuất tại Sài Gòn, nhưng vì không có nên chúng nó muối mặt vào trại đá với tù chính trị chúng tôi. Chúng tôi đá với nhau còn nương tay nương chân, nhưng với đám Công An thì chúng tôi đá đến nơi đến chốn lắm, nghĩa là thẳng chân. Ngón nghề nào dùng được là dùng với họ nhưng không sợ chúng nó trả thù, vì khi đến chỗ lao động chúng nó vẫn nhờ cậy chúng tôi về trà thuốc, nhất là thuốc tây trị bệnh. Thỉnh thoảng cũng có đứa chơi xấu, lúc ấy anh em khán giả chúng tôi la ó dữ lắm, có hôm đến mức đám trực trại phải đánh kẻng nhốt vào buồng giam.
Bình thường không có lý do gì để “tranh giải” thì giữa các buồng giam cáp độ đá với nhau, đội banh của buồng nào thua phải đãi bên buồng thắng một nồi chè. Chè gì cũng được nhưng phải ngọt đúng mức, vì có lần buồng chúng tôi thắng trận nhưng khi ăn chè giống như ăn đậu xanh luộc vậy quí vị quí bạn à! Có những trận giữa hai đội lão tướng, hoặc hai đội trẻ, lần vui nhất là đá với nhau giữa hai đội độc thân. Vui vì độc thân được hiểu là còn trẻ, thế nhưng anh Nguyễn Kim Tây lúc ấy hơn 50 tuổi mà vẫn độc thân, cũng phải vào sân. Theo banh một lúc là đứng thở để banh lăn tự do. Chưa hết, chúng tôi còn cáp độ giữa khu bên này với khu bên kia nữa, tức là các buồng giam khu bên kia thành lập một đội banh, đấu với đội banh của các buồng giam khu bên này. Như vậy quí vị quí bạn cũng hình dung được là các cầu thủ “xào qua xáo lại” để có những cái tên đội banh nghe như nhiều lắm, chẳng hạn như trận đấu giữa hai đội lão tướng, trận đấu giữa hai đội thanh niên, trận đấu giữa hai đội của hai khu, trận đấu giữa hai đội độc thân, trận đấu giữa đội nhà bếp với “đội tuyển trại”, vì đội nhà bếp có nhiều cầu thủ ngon lành lắm, ..v..v…Có điều là trận banh càng dở chừng nào càng làm cho khán giả cười đến đau bụng lận. 
Sau Tết, khoảng trung tuần tháng 03/1983, một số các anh cấp Đại Tá đã chuyển trại trên Yên Bái hồi tháng 10/1977, lại chuyển đến trại Nam Hà. Lúc ấy tôi mới biết các anh ấy từ Yên Bái chuyển xuống trại Tân Lập tỉnh Vĩnh Phú, sau đó chuyển vào trại Thanh Phong tỉnh Thanh Hóa. Tại đây một số trong số đó chuyển vào các trại trong Nam, và số còn lại chuyển đến trại Hà Tây tỉnh Hà Sơn Bình, nay cả trại Hà Tây chuyển đến đây. 
Tháng sau đó, khoảng 200 cấp Đại Tá trong trại Nam Hà A -kể cả số Đại Tá từ trại Hà Tây mới chuyển đến- cùng chuyển vào Nam, và nghe đâu bị nhốt trong các trại tập trung ở Xuân Lộc với Hàm Tân. Riêng số bạn cấp Đại Tá hoặc viên chức hành chánh cao cấp trong Tổ Dịch Thuật từ Hà Tây đến, không một bạn nào chuyển vào Nam. Tổ này chuyên dịch các tài liệu và các sách Anh ngữ lẫn Pháp ngữ, nghe nói do cơ quan nghiên cứu gì đó thuộc Bộ Quốc Phòng của cộng sản đưa dịch. Trong số các bạn từ Hà Tây xuống, còn có các vị cựu Tướng Lãnh và bị nhốt riêng trong buồng giam số 3. Các vị không ra ngoài lao động mà chỉ quanh quẩn trong khuôn viên buồng giam này. 
Trở lại Đội 5 chúng tôi trồng bí rợ và trồng khoai mì trong thung lũng cỏ tranh. Bên rìa thung lũng có một khu đất nho nhỏ chưa thể gọi là “nghĩa trang” nhưng cũng có một số mộ của tù chính trị lẫn tù hình sự. Mỗi khi có một tù nhân chết, họ sai hai tù hình sự khiêng cái gọi là quan tài đi chôn. Các anh hình sự cứ chỗ nào tiện đào là bỏ quan tài xuống đó mà lấp đất, tiện nhất là cứ tìm cái mộ nào thân nhân đã hốt cốt rồi quẳng cái quan tài xuống rồi lấp đất sơ sài là xong. Vì vậy mà những ngôi mộ ngang dọc rất ư lộn xộn, không biết đầu đít ngôi mộ ở phía nào vì không có cái gì khả dĩ thay thế mộ bia. Sở dĩ chúng tôi biết có khu mộ này là do con gái của anh chị Tạ nói. Lúc nửa giờ nghỉ trưa, tôi nhờ Hổ với Tâm, hai anh bạn tù trẻ trước kia thuộc Đội 20, lén theo con bé để nó chỉ khu mộ đó để biết mà đốt nhang khi có thể thực hiện được. 
Nhân tháng “Thanh Minh”, tôi với Hổ lén đến khu mộ toàn cỏ tranh rậm rạp cao khỏi đầu. Hóa ra là gần cái chòi của hai con bé Oanh và Loanh. Hầu hết đã bị trâu bò dẫm nát và gần như chỉ còn một nhúm đất cao thôi, nếu không được hai cô bé tội nghiệp kia chỉ từng nhúm đất thì không thể nhận biết đó là ngôi mộ, ngoại trừ mộ của anh Khoa là dễ nhận. Thật là buồn! Đồng đội và đồng tù của chúng tôi khi từ giả cuộc đời không một người thân bên cạnh! Ngày vào trại tập trung với nguyên vẹn một con người từ thể xác đến tinh thần, ngày ra khỏi cổng trại lại nằm trong cái quan tài nhỏ bé tồi tàn, máng trên hai vòng giây với cây đòn dài do hai chú tù hình sự khiêng đến chân núi bên kia trại mà ”yên nghỉ” dưới lớp đất sơ sài gọi là những nấm mộ! 
Sau khi cắm nhang xong, tôi nói với chú Hổ:
“Hổ, mình đứng yên lặng và cúi đầu một phút để tưởng nhớ các bạn đồng tù đã không còn nữa nghe Hổ!”
Xong. Tôi với Hổ lần lên triền núi thử tìm hai ngôi mộ mà lúc cầu cơ có hai hồn nhập vào nói là sĩ quan Hoa Kỳ chết vì kiệt sức tại trại Nam Hà A này, nhưng không tìm được bất cứ dấu vết gì để có thể xem đó là nấm mộ cả. Thuật chuyện quí vị quí bạn nghe như cả buổi trời, nhưng thật ra chỉ trong khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ là chúng tôi quay về, vì e thằng võ trang biết được thì phiền lắm.

Nỗi khổ của nữ công nhân. 

Trưa hôm sau, tôi nhờ Hổ lén sang nhờ hai con bé Oanh với Loanh làm cỏ quanh những ngôi mộ, nhưng hai con bé này đòi đến 5.000 đồng tiền công, đào đâu ra ngần ấy tiền vì chúng tôi ước tính năm bảy chục đồng thì chấp nhận được. Thế là anh Huỳnh Chí Tài -quốc tịch Hong Kong- bị Công An bắt vì cờ bạc rồi đưa vào nhốt chung với chúng tôi, cùng với chú Hổ tình nguyện mỗi trưa lén sang làm cỏ. 
Cũng may là vài hôm sau đó, tên võ trang gọi tôi:
“Anh Hoa, anh vô Đội 4 Nông Trường chè (trà) với tôi”.
“Chi vậy cán bộ?”
“Đi chơi mà. Nếu tiện thì mua ít đổ (đậu) xanh về nấu chè ăn”. 
“Xa không cán bộ?”
“Khoảng 1 giờ đi chân”.
“Liệu cán bộ Cảnh -quản giáo- có cho tôi đi không?” 
“Tôi nói với cán bộ Cảnh rồi”.
“Không được cán bộ, tôi phải hỏi cán bộ Cảnh cho chắc”.
Hắn ở đằng chòi, nghe nói thế bèn lên tiếng:
“Tôi đồng ý anh đi với cán bộ Minh, nhưng phải trở về đây trước giờ về trại”. 
Tôi xoay sang tên võ trang: “Cán bộ chờ tôi một chút”. 
Tôi gọi chú Hổ: 
“Hổ, chú rủ anh Tài sang khu mộ làm cỏ được rồi, vì tôi đi với cán bộ Minh cũng phải 3 tiếng đồng hồ lận. Áng chừng hai tiếng đồng hồ là quay về đây nghe Hổ”.
 
EDITED: 8 Oct 2018 18:10 by OPLA