0

From: OpLa
To: OpLa
Tên võ trang đi trước, tôi theo sau. Băng qua làng người cùi, ngang qua khu rừng chồi, bắt đầu vào khu vực Đội 4 Nông Trường Trà ở thượng nguồn thung lũng. Hắn mặc đồ Công An, tôi mặc quần áo tù. Đứng trước gian nhà thật nhỏ ngay đầu dãy, đang có sáu cô gái ngồi bên trong. Một trong sáu cô gái vui vẻ:
“Chào anh Minh”. Rồi cô ta nhìn tôi: “Chào anh”.
Tên Minh đưa tay về phía tôi: 
“Giới thiệu với các cô, đây là anh Hoa”.
Cô vừa chào, lên tiếng: 
“Mời anh Minh và anh vào. Các anh thông cảm cho cảnh nghèo của chúng em nhé!”
Tên Minh có vẻ nịnh đầm: 
“Sao hôm nay cô Lan rào đón thế?” 
Hai cô cầm hai chiếc ghế đẩu mời ngồi cạnh cái bàn già nua ọp ẹp, trong khi bốn cô kia ngồi chung trên cái giường cá nhân mà tuổi đời với phẩm chất của nó cũng tương đương với cái bàn. Tên Minh hỏi:
“Tất cả các cô ở chung gian nhà này à?”
Cô gái tên Lan trả lời: 
“Không anh à! Mỗi gian chúng em ở hai hoặc ba người. Gian này em ở với chị Ánh. Đây là nhà ở, vừa là văn phòng của Đội 4”.
Cô ta quay sang tôi: 
“Mời anh dùng chè. Anh có dùng chè xanh được không? Ở đây chúng em nghèo lắm, chè này nếu phải mua chúng em cũng không có tiền mua đâu. Đây là chè xanh trên mấy ngọn đồi mà các anh vừa đi qua đấy”.
Từ nảy giờ tôi im lặng dò xem thái độ các cô gái này đối với tôi xem sao, vì trông vào bộ đồ của trại tù tất nhiên các cô này đoán biết tôi là tù. Các cô nhìn tôi, nhìn thẳng lẫn nhìn lén. Có lẽ các cô muốn nhận biết người miền Nam như thế nào, cho dẫu người miền Nam đang đối diện với các cô là tù chính trị. 
“Cám ơn các cô. Đến nay là hơn 7 năm tôi ở trong các trại trên đất Bắc, tôi uống trà xanh này khá nhiều. Có nghĩa là tôi uống được. Còn các cô than nghèo, thật ra đất nước nghèo, người dân nghèo, điều này cả nước biết mà. Tôi xin hỏi, các cô có biết tôi là thành phần nào ở vùng này không?”
“Dạ có, vì nơi anh ở là trại Ba Sao, nơi anh đang ngồi là nhà chúng em ở Nông Trường Ba Sao, nên chúng em biết”. 
“Vâng. Cám ơn các cô”.
Cô Ánh hỏi tôi: 
“Anh có đến đây lần nào chưa?”
“Đây là lần đầu tiên. Chẳng lẽ cô nghĩ tôi muốn đi là đi được sao?”
“Xin lỗi anh”. Im lặng một lúc, cô ta nói tiếp:
“ Chắc anh chưa biết hoàn cảnh của chúng em. Trong Đội 4 này có 102 công nhân, nhưng có đến 100 nữ mà chỉ có hai nam công nhân thôi …”. 
Tên võ trang cắt ngang dường như nó quê vì không cô nào nói chuyện với nó: 
“Trong số 100 cô, có bao nhiêu cô có chồng?”
“Chỉ có hai chị có chồng”. Cô Lan trả lời.
“Buồn nhỉ?”
“Anh nói anh buồn hay anh nói chúng em?”
Tên Minh ú ớ mãi mà chưa trả lời, tôi mĩm cười:
“Có lẽ cán bộ Minh muốn làm người thứ 3 lập gia đình ở đây nhưng chưa rõ ý các cô ra sao thì phải”.
Cô tên Ánh nói như một lời than: 
“Không ai đến đây với chúng em đâu anh!”
Ngưng một lúc, dường như cô ta đang xúc động!
“Chúng em biết số phận của chúng em trong xã hội này lắm anh. Có khi cả năm mới có một vài anh vì lý do gì đó mới tạt vào đây, chứ chẳng anh nào muốn làm bạn với những cô gái lam lũ quanh năm chỉ quanh quẩn những đồi chè như chúng em đâu!”
“Tôi là người miền Nam, nhưng các cô đừng nghĩ là tôi quá lời về miền Nam chúng tôi. Miền Nam chúng tôi có rất nhiều đồi trà mênh mông bao quanh thành phố Plei Ku và vùng Bảo Lộc, mà là có từ bốn năm chục năm trước. Nhưng ngay trong mấy chục năm chiến tranh mà công nhân vẫn có mức sống cao cùng với mọi tiện nghi trong gia đình, và hưởng mọi tiện nghi tân tiến trong xã hội nữa. Thật lòng mà nói, tôi không hiểu tại sao đời sống của các cô như thế này?” Tôi xin hỏi thêm, theo các cô thì những cô gái ở các vùng khác có cuộc sống khá hơn các cô ở đây không?”
Tên võ trang lên tiếng: 
“Tại vì chế độ trong đó thoáng hơn”.
Tôi đáp với chút ngạc nhiên: “Có thể là như vậy”. 
Lẽ ra tôi phải nói chính xã hội chủ nghĩa làm cho dân nghèo, đất nước nghèo, nhưng dù gì thì thằng này cũng là Công An cai tù, nói như vậy cũng đủ rồi. Câu của hắn vừa rồi, không hiểu là hắn muốn bẫy tôi, hay trong lúc bất chợt hắn bộc lộ nhận thức chính trị trong con người thật của hắn? Hắn hỏi tôi:
“Anh có đọc bài báo viết về Nông Trường Chè Sông Bôi chưa?”
“Có, vì tôi phụ trách đọc báo trong buồng giam”.
Cô tên Lan hỏi tôi: “Bài báo nói gì vậy anh?”
“Tôi không biết là có nên nói hay không nữa”. 
Đó là cách gợi thêm tính tò mò của cô ta nên tôi bỏ lửng như vậy. Tên Minh châm mồi:
“Bài báo nói bên Nông Trường Sông Bôi có đến mấy trăm cô chưa chồng đó mà”.
Cô Lan tỉnh bơ: 
“Tưởng gì chứ tin đó bình thường thôi. Hiện giờ công nhân nữ ở Nông Trường nào cũng thế đấy. Bộ anh Minh tưởng Nông Trường này ít à!”
“Tôi thấy bài báo nói ở đó hơn 400 cô chưa chồng, nhưng không thấy nói tổng số các cô ở đó là bao nhiêu nên chưa thể nói là nhiều hay ít”. 
“Họ nói chưa đúng đâu anh …..”. 
Tên Minh cắt ngang: 
“Chẳng lẽ cứ câu chuyện này mãi sao!
Như một lời than, cô Lan nói: 
“Thú thật với các anh, chuyện của chúng em ở cái xó rừng này quanh quẩn chỉ thế thôi. Đó là sự thật không thể chối bỏ, đến mức chúng em xem nó bình thường nên chẳng tránh né gì cả”. 
Không thể chần chờ được nữa vì phải một tiếng đồng hồ đi bộ để còn kịp giờ về trại, tôi nhắc tên võ trang ra về. Cô Lan vào trong cầm ra một bọc giấy nhỏ:
“Anh Minh cho anh Hoa nhận trà xanh đem về trại uống được không?”
“Được”. Anh Hoa nhận đi”.
Cô ta quay sang tôi:
“Anh Hoa, anh mang trà này về trại uống. Ở đây chúng em chỉ có thế”.
“Cám ơn cô. Chào các cô”. 
Sau lời chào đó, tất cả các cô bước ra cửa vẫy tay như một cử chỉ thân thiện. Trên đường về, tôi hỏi:
“Bộ thanh niên vùng này không thích cưới vợ là công nhân ở các Nông Trường sao cán bộ?” 
“Anh không biết. Thời bây giờ chẳng anh nào lao đầu vào cưới các cô không có kinh tế cơ bản cả. Tôi không rõ trong Nam các anh ra sao, nhưng ngoài này (tức đất Bắc), sắc đẹp là thứ yếu, kinh tế (ý nói có tiền) mới là chủ yếu”. 
“Cán bộ có thể nói trường hợp điển hình được không?”
“Bất cứ cô nào trong số đó, nếu chuyển sang làm mậu dịch viên (tức là đứng bán hàng) là tôi cưới ngay. Làm mậu dịch hoặc nghề máy khâu (thợ may) thì có đồng vào, chứ cưới vợ mà vợ không đẻ ra tiền lại đẻ ra con thì chết sớm thôi. Thanh niên ngoài này (tức trên đất Bắc) thế đấy”.
“Tôi nhớ ra rồi. Có lần cán bộ Giao nói với anh em chúng tôi rằng, sở dĩ cán bộ Giao không cưới cô Liên em gái cán bộ Thịnh (khuỳnh), mà cưới cô nào đó làm thợ may ở Ninh Bình vì cô thợ may có tiền vô hằng ngày, dù rằng cô đó kém cô Liên về sắc đẹp. Cán bộ Giao còn nói cô Liên chỉ là công nhân nhà bếp, vài chục đồng lương mỗi tháng làm sao mà sống”.
“Thanh niên miền Bắc chúng tôi vậy đó anh. Anh biết vợ cán bộ Lực không?”
“Biết, vì khi Đội chúng tôi trồng rau dưới đồng, cô ấy hay xuống xin rau”.
“Xấu như ma lem mà ông Lực vẫn cưới, chỉ vì bố vợ ông Lực là Đại Úy trưởng phòng tổ chức của trại, nên ông Lực nương vào bố vợ để tiến thân. Nhờ vậy ông Lực mới được cái chức trưởng toán trực trại chứ bình thường thì đừng hòng”. 
“Cán bộ có biết vụ cán bộ Hèo từ hôn với cô nào đó không?”
“Có chứ. Bị ông bố ép quá nên ông Hèo mới chịu làm lễ đính hôn với cô công nhân trồng cói (tức lát làm chiếu). Mà anh có nghe nói gì về cô đó không?” 
“Không, cán bộ”.
“Cô ấy nom xinh xinh nhưng vì không có kinh tế cơ bản, nên sau một tháng đi lại với nhau thì ông Hèo bỏ luôn”.
“Theo cách nhìn của tôi, cán bộ Hèo hành động như vậy không đúng. Thà không chịu từ lúc đầu, đằng này cán bộ Hèo dắt cô ta về quê cả tuần rồi dứt giây là không tốt”.
“Anh nói theo anh ở trong Nam, chứ thanh niên ngoài Bắc này nhất trí (tức đồng ý) với hành động của ông Hèo”.

Qua câu chuyện vừa rồi, tôi nhận ra vài điểm sau đây:

- Thật lòng mà nói, lời của các cô gái xã hội chủ nghĩa ở Nông Trường trà vừa rồi, chính là những lời than tự con tim các cô ấy rất là tội nghiệp! Các cô nói lên sự cùng cực về vật chất, và cùng cực về tình yêu trai gái như một số phận! Chấp nhận một cách tự nhiên như hơi thở từ giây này sang giây khác vậy! Nhưng tôi không cho là số phận, mà chính là tội ác của lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã đẩy xã hội miền Bắc xuống đến tận cùng của đau khổ! 

- Lời của tên Minh võ trang “tại vì chế độ trong đó thoáng hơn”, tôi tin là hắn bộc lộ bản chất thật trong con người của hắn. Hắn nhận ra điều đó, nhưng hắn không thể nói với đồng chí của hắn, và trong lúc bất chợt hắn không kịp nén lại bên trong mà thốt nên lời. Chừng như hắn nhận ra sự lỡ lời đó nên hắn xoay sang đề tài khác. 

- Vậy là quan niệm hôn nhân của thanh niên xã hội chủ nghĩa trên đất bắc này không còn lồng trong cái gọi là lý tưởng cộng sản nữa, mà là gói gọn trong vật chất dù chỉ là mớ vật chất nhỏ nhoi của cô thợ may hay cô gái bán hàng mà họ gọi là mậu dịch viên. Hoàn toàn không còn tình yêu trong hôn nhân nữa. 

Những nhận xét trên đây, chính là ông Hồ và những nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam, vừa xây dựng con người trên nền tảng duy vật vừa phá tan đạo đức dân tộc để thay vào đó cái gọi là đạo đức cách mạng, chỉ biết nghe theo đảng và chết cho đảng. Hoàn toàn không có cái gì thuộc về bản thân của những thế hệ thanh niên đúng nghĩa thông thường nữa. 
Miên man trong câu chuyện xã hội chủ nghĩa mà lần đầu tôi được biết qua những cô gái vừa nghèo vừa khổ, mà về đến Đội lúc nào không hay. Khi tiếng chú Hổ gọi tôi mới ngưng suy nghĩ vì đến cái chòi của chúng tôi rồi. 
Tôi rút cây viết ra vì trong cây viết có cái đồng hồ nhỏ xíu mà vợ tôi cho hồi đầu năm nay, thấy còn thì giờ, tôi đi một vòng xem qua những đám bí rợ và khoai mì. Bí rợ thì vài tuần nữa là hái được, nhưng khoai mì còn phải vài tháng nữa. Trồng khoai mì thì sau khi bỏ “cọng hom” xuống cái hốc, cứ chờ đến ngày nhỗ lên lấy củ, trong khi dây bí rợ bò tứ tung phải kéo đầu nó để lên các tảng đá hoặc những nhánh cây nhỏ cho nó bám vào. Khi bí rợ ra hoa mà hoa thì có hoa đực hoa cái, cứ mỗi sáng anh Nguyễn Xuân Dung (Đại Tá Thiết Giáp) được phân công, len chân vào đám bí ngắt “hoa đực” đem cắm vào “hoa cái” gọi là “thụ phấn” để có đủ âm dương mà kết thành trái. Đúng ra theo tự nhiên thì “hoa cái” thụ phấn do ong, bướm, kiến, đậu trên hoa đực rồi bám vào hoa cái, thế nhưng “nước sông công tù” nên dư nhân công để làm “cái việc ấy” thay ong bướm. Khi từ nụ hoa kết thành trái thì phát triển nhanh lắm. Đến khi không cần cho kết trái nữa sau khi mỗi giây chỉ để 2 trái cho nó lớn, chúng tôi tha hồ ngắt đọt bí và bông bí luộc hay nấu canh đều ngon cả. Tôi nói luộc hay nấu canh, quí vị quí bạn nghe như những món ăn “đâu ra đó” chớ thật ra chỉ là nồi nước với đọt bí bông bí bên trong, đổ nước ra gọi nó là luộc, để nguyên nước cho vào chút muối với chút bột ngọt gọi nó là canh. 


Nỗi khổ của hai ba thế hệ.

Nơi mà chúng tôi chọn làm cái lều nhỏ xíu để nấu nước cho Đội và anh em tự nấu cái gì đó để ăn, là ngã ba đường mòn. Con đường mòn này dài theo thung lũng, có cái ngã ba leo lên dốc núi khá cao để qua thung lũng bên kia núi thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, vì bên đó có nhiều người dân từ Phủ Lý vào khai phá trồng trọt. Trong số những người dân làm lụng bên đó có một gia đình bốn người, gồm: Một ông già khoảng 60 tuổi với 3 đứa cháu: Một cô gái khoảng 20 tuổi, và hai cậu bé 12 và 14 tuổi. Theo lời ông cụ, mỗi lần vào là ở đó một tuần, về lại Phủ Lý vài ngày thì trở vô. Nhìn thấy cả gia đình gánh khoai mì từ thung lũng bên kia, leo lên đỉnh núi cao, lại tuột dốc xuống thung lũng chúng tôi đang làm, lại leo lên cái đỉnh núi nữa mới xuống đến con đường đá gần nhà thăm nuôi để ra Ba Sao rồi về Phủ Lý. Những củ khoai mì cột chặt ở hai đầu cây tre mà gánh. Ông cụ với cô gái, mỗi người khoảng 15 kí lô, mỗi cậu bé 7 kí lô. Nhìn tận mắt cái lam lũ của gia đình này thật là tội nghiệp! Cuộc sống của họ bi đát quá! Hơn 20 năm sống trong xã hội xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc cằn cỗi này, họ chỉ được ăn những củ khoai mì mà họ đổ ra biết bao công lao cộng với hiểm nguy của núi rừng mới có được! Nếu muốn ăn gạo, phải bán 3 kí lô khoai mì mới đủ mua 1 kí lô gạo. 
Từ khi Đội chúng tôi vào đây, mỗi khi gia đình này cũng như những gia đình khác đi ngang đều ghé vào lều xin nước uống, vì chúng tôi luôn có nước trà. Một hôm tôi hỏi:
“Mỗi lần vào rẫy, bác phải mang theo thức ăn hay vào mua trong đó?”
“Đâu có mang gì theo ngoài gạo hoặc bắp với muối. Trong đó cũng đâu có gì ăn được ngoài rau, mà rau đâu phải lúc nào cũng có. Khi trồng chưa ăn được, phải chia nhau vào rừng tìm những thứ ăn được hái về ăn”.
“Bác làm gì ăn khi có rau?”
“Luộc chấm với muối chớ có gì khác đâu ông”.
“Bác có quen dùng bột ngọt không?”
Ông già hỏi lại: “Ông nói bột ngọt là gì thế?”
Cậu bé nhanh miệng: “Là mì chính đó Nội”.
Tôi hỏi cậu bé: 
“Vậy là ở nhà có dùng phải không cậu bé?”
“Dạ có, nhưng ít khi lắm, vì phải mua”.
“Bây giờ tôi biếu bác một ít đủ nấu canh trong mấy hôm ông với các cháu ở trong rẫy. Dù sao thì có chút canh dễ ăn hơn”.
Tôi quay sang chú Hổ: 
“Hổ ơi! Chú ráng cho ông cụ đầy hai muỗng bột ngọt nghe Hổ”.
Nhìn thằng bé cứ mân mê gói bột ngọt chút xíu trên tay với nụ cười vừa dễ thương vừa tội nghiệp! Chừng như nó đang nghĩ là sẽ được những bữa ăn ngon do cái gói nhỏ xíu này vậy!
Ông già run run: 
“Cám ơn ông. Thật là quí hóa quá”.
“Không có chi đâu bác. Chắc bác cũng biết, trong hoàn cảnh chúng tôi chẳng phải nhiều nhỏi gì, nhưng giúp nhau được gì thì anh em chúng tôi không hẹp bụng đâu”.
“Chúng tôi biết. Ngoài Phủ Lý cũng biết. Tuy các ông như vậy (ý nói ở tù thì phải), nhưng cuộc sống của các ông vẫn hơn chúng tôi nhiều. Chúng tôi làm gì có cơm trắng như các ông, chỉ mong ăn no chứ đâu dám mong ăn ngon”.
“Thật tình tôi không ngờ cuộc sống của người dân đất Bắc xã hội chủ nghĩa này kém cuộc sống của người dân trong Nam chúng tôi không thể tưởng tượng được, dù rằng chúng tôi phải đương đầu với chiến tranh triền miên do ngoài này gây ra”.
Ông già buông một lời than rất tội nghiệp: 
“Ngoài này nghèo lắm ông ơi!”
Trong cái chòi của chúng tôi có cái vạt giường nhỏ xíu và cái bàn ăn cũng nhỏ xíu, là tôi trả công cho hai cô con gái của anh chị Tạ bằng 100 gram bột ngọt. Hai con bé vào rừng tìm những sợi giây leo cở ngón tay út, phơi vài nắng cho dai rồi kết lại thành cái vạt giường nằm êm lưng lắm. Cái chân bàn bằng cây rừng, cái mặt bàn làm bằng cây chổm. Trước khi về trại phải đem giấu trong bụi rậm chớ để đây là mất, vì khu vực này có tù hình sự thường đi ngang để vào làng cùi mua gì đó cho những tên Công An cai tù.
Thời gian cứ tuần tự trôi qua và đám bí rợ đến ngày cắt trái. Đội chúng tôi cắt và gom lại một chỗ, Đội khác vào đây khiêng về. Phải một tuần lễ mới cắt hết trái. Tổng cộng lần cắt bí này mà họ gọi là thu hoạch đầu tiên, bộ phận kế hoạch cân được 2.600 kí lô. Thật ra, trước khi cắt bí thì anh em chúng tôi tự do ăn cắp những trái nho nhỏ đem về trại luộc, xào, kho, hay nấu canh. Còn tại chỗ thì cắt ăn công khai. Ngay cả quản giáo với võ trang, cho dẫu có lục lọi cách mấy cũng không thể nào tìm thấy tất cả trái bí. 

Khu vực này khoảng 2 cây số vuông, rất nhiều tảng đá hốc đá mà ở đó giây bí trái bí chen lẫn với cỏ tranh và cây dại hoa dại. Tôi, anh Trần Ngọc Thống, và anh Nguyễn Xuân Dung chuyên viên thụ phấn, chúng tôi biết rõ những trái bí nằm ở đâu vì chúng tôi giấu nó từ lúc còn nhỏ, nên chúng tôi chỉ chỗ cho các bạn ăn cắp. Với lại theo lời của cán bộ Cảnh -quản giáo- thì bộ phận kế hoạch cho là “được mùa bí” nên họ chỉ kiểm soát qua loa chớ không hạch hỏi gì. Nói chung là họ không thể tìm thấy “cái bê bối” về cái gọi là “chỉ tiêu” đã giao cho chúng tôi. 
Tôi xin nhấn mạnh, cái không khí dễ chịu đó không phải do chính sách của họ, mà là do chúng tôi mua chuộc mới có kết quả như vậy. Bất cứ lợi ích nào cũng có cái giá của nó mà. Trong nhà tù cũng vậy, nếu mình nhận ra được yếu điểm của họ trong khi mình có thể và có cách trả giá thì cái giá sẽ nhẹ nhàng. 
Bếp của Đội chúng tôi có anh bạn sồn sồn và hai chú bạn trẻ. Trẻ là chú Hổ nấu cơm và chú Phùng A Ốn nấu nước. Sồn sồn là anh Trương Đình Thăng (Đốc Sự Hành Chánh) lấy củi cung cấp cho Hổ và chú Ốn. Anh Thăng cẩn thận lắm, khi vác củi về còn chặt nhỏ phơi khô mới giao “nhà bếp”. Nhờ vậy mà cứ vào đến chòi một lúc là chú Ốn gọi các bạn đến lấy nước sôi, vì dòng nước bên cạnh trong khi có sẳn củi khô. Các bạn cần nấu cơm thì đến suối vo gạo, cho nước vào rồi đem gởi chú Ốn vừa nấu nước vừa nấu giùm những lon gô hoặc gà mèn cơm hoặc canh. Những cái có quai thì chú máng quanh miệng thùng nước, những dụng cụ nấu nướng mà không quai, chú cào than ra ngoài và để lên đó. 

Một hôm anh Thăng vác củi về là “tấn công” tôi:
“Anh Hoa, hai dì cháu con nhỏ đó hỏi thăm anh kìa”.
“Gì kỳ vậy. Hai dì cháu nào mà hỏi bất tử vậy cha nội?”
“Đừng vờ vịt nữa. Tuần trước có hai người, một sồn sồn một trẻ xinh xinh, ghé lều xin nước uống đó chớ ai. Có không? Khai mau lên?”.
“A! Hôm ấy là chú Hổ mời uống nước chớ hổng phải tôi à nghe. Lúc tôi vác cuốc về lều cũng là lúc bà ta đi ra, chớ có nói gì đâu mà bây giờ hỏi thăm”.
Anh Thăng cười cười: 
“Tôi hổng biết, bà ta hỏi thăm thì tôi chuyển lời thôi. Còn muốn biết có hay không thì hôm nào dì cháu người ta đi ngang chận lại mà hỏi”.
“Anh quỷ quái lắm. Đã quen với ai trên núi rồi về đây kiếm chuyện phải hông? Khai thiệt nghe coi”. 
Chú Hổ nhảy vào: “Anh Thăng có bồ rồi anh Hoa ơi”.
Anh Thăng xuống giọng chậm rãi: 
“Đi trên núi, người ta chào mình, mình chào lại chớ có gì đâu”. 
Tôi bắt bí anh: 
“Vậy là nhận rồi hén. Người ta là ai? Khai lẹ lên”.
“Người ta là dì cháu đấy. Sao mà hỏi kỹ thế”.
“Hỏi kỹ đặng nghiên cứu xem có nên mét hay không vậy mà”.
Anh Thăng cười lớn: 
“Đó” thì chưa rõ, chớ “đây” có hiếu với vợ lắm, đừng hòng mà đe với dọa”.
Tôi bèn cười theo: 
“Ô! Đây cũng thế. Vậy là Phe ta rồi. Cho bắt tay cái đi”.


Vài nét đặc biệt. 

Trong Đội 5 chúng tôi hầu như mỗi người có cái nét gì đó, hay gọi cho oai là cái “tài” gì đó, chẳng hạn như: 
- Anh Huỳnh Văn Trứ (cựu Dân Biểu) là “kỹ sư” sửa đồng hồ. Đồng hồ hư nhận sửa đã đành, đồng hồ không hư cũng nhận sửa cho hư rồi sửa lại hết hư để khỏi cuốc đất.
- Anh Nguyễn Khoa Phước (cựu Nghị Sĩ) là ca sĩ già với giọng rất hấp dẫn “phụ nữ”, nhưng tiếc một điều là trong trại tập trung này không có tù nữ. 
- Ông Lê Văn Sớt (Phủ Đặc Ủy Tình Báo) nằm cạnh tôi, tóc bạc trắng nhưng không bỏ sót buổi tập thể dục nào. Tôi với ông Sớt, ai dậy trước thì kêu người kia. Chúng tôi tập ngay trong mùng từ mờ sáng trước khi trực trại mở cửa buồng giam, chớ ra sân làm gì có thì giờ mà tập. 
- Chú Nguyễn Văn Thuận (Sĩ quan Cảnh Sát) trong số các bạn trẻ của Đội 20, chuyên viên trốn lao động nhưng có tài kể truyện chưởng với những chi tiết được “pha chế” làm cho nội dung trở nên ly kỳ hấp dẫn. 
- Chú Tâm “mập” cũng là bạn trẻ trong Đội 20 cũ, “mê” khơi khơi một cô khi thấy cô ta về làng cùi thăm thân nhân. Mê đến nỗi lúc say rượu mà miệng cứ nói câu “nàng ơi, nàng đừng bỏ ta nghe nàng”. Bạn bè cười quá trời, vì anh chàng Tâm thương cô nào đó chớ cô ta có thương lại đâu. Tình yêu một chiều đó quí vị quí bạn à! 
- Chú Nguyễn Kim Tiếng (Cảnh Sát đặc biệt) cũng là bạn trẻ trong Đội 20 cũ, từ lúc ở tù không một thân nhân nào đến thăm. Ấy vậy mà chỉ hai bàn tay trắng trơn dần dần trở thành một trong những tù chính trị “giàu sụ” nhờ “bán hàng lậu” trong trại và ngoài trại. “Hàng lậu” thoạt nghe tưởng như ghê gớm lắm nhưng thật ra chỉ là những món lặt vặt như nắm rau, con cá, hộp sữa, trái chuối, củ khoai, … mua bên ngoài mang “chui” vào trại bán, mua áo quần từ bên trong mang “chui” ra ngoài bán. Nét đặc biệt của chú bạn trẻ này là khách hàng của chú, chẳng những là bạn tù trong trại, mà khách hàng còn là dân bên ngoài trại, và cả Công An cũng là khách hàng của chú nữa. Ngay đám nữ Công An bán hàng cho chú Tiếng đủ thứ hết, ngược lại thì mua áo quần lẫn những thứ hàng thường dùng do trong Nam sản xuất hoặc hàng ngoại quốc, như xà bông thơm, viên thuốc tây, kem đánh răng, răng vàng, nhẫn vàng, nói chung là thượng vàng hạ cám trong trại tù có đủ hết. Cái hoạt cảnh vui nhộn hơn hết là lúc Nguyễn Kim Tiếng, cầm cây kềm cạy cái răng vàng còn trong miệng một bạn cần bán để có tiền mua thuốc lào. Phải công nhận Nguyễn Kim Tiếng vóc dáng không có gì hấp dẫn, nước da ngâm đen, nhưng nói chuyện kèm theo nụ cười rất có duyên. 
Khi có phương tiện trong tay kể cả tiền, chú bạn trẻ này dần dần mua chuộc được “Thịnh khuỳnh”, và mua luôn tên phụ trách giáo dục trại Nam Hà A là Vũ Quấc nữa. Nhờ vậy công việc “mua bán chui” vào trại ra trại an toàn mặc dù nội qui nghiêm cấm. Đến mức mua nguyên con dê của tên Niệm, phụ trách giáo dục toàn trại, khiêng vào trại bán lại anh em gần như công khai nhưng an toàn.
Thấy vậy, Đội 5 chúng tôi chuẩn bị Tết Nguyên Đán đầu năm 1984. Nguyễn Kim Tiếng tình nguyện mua nguyên con heo làm sẳn từ những Công An “tóc dài”, đem vào trại bán lại cho anh em có thịt ăn Tết, chỉ cần lời bộ đồ lòng nấu cháo cho cả Đội ăn là được. Thế là chiều 30 Tết, anh em trong Đội được ăn cháo lòng đúng nghĩa của nó. Điểm đáng quan tâm là tất cả anh em trong Đội, đều chung tay góp sức vào tổ chức tất niên chiều nay. Bạn nào làm được việc gì thì nhận ngay việc ấy, kể cả công việc lặt rau, kiếm củi, gánh nước, chụm củi, ..v..v.. Cũng xin nói thêm là mỗi khi chúng tôi “chui” được con dê hay con heo vào trại xẻ thịt bán cho nhau, thì y như rằng, đám Công An trực trại cũng có bữa nhậu không mất tiền. Âu đó cũng là “sòng phẳng theo luật chơi”, vì nếu không như vậy thì không thể nào “chui cả con heo con dê” vào trại được. 

Anh em chúng tôi khoái nhất là mua cá do đám Công An cai tù mang vào trại bán. Khoái là vì bọn họ thức đêm thức hôm lặn lội xuống mấy cái hồ dưới cánh đồng chiêm câu cá, nôm cá, để rồi sáng sớm chúng nó đem cá chui vào cái khe thoát nước ở bờ tường đá tảng từ trong trại ra ngoài, sau đó chúng nó vào cổng trại túm cá trong cái bao đem bán cho chúng tôi. Chính vì vậy mà chúng tôi sử dụng chút tiền với vật dụng có được, để khai thác đúng mức cuộc sống thiếu thốn của chúng nó, ảnh hưởng trực tiếp vào sinh hoạt hằng ngày của tù chính trị chúng tôi càng lúc càng dễ thở hơn. Có lần tên cán bộ Quan, trong lúc uống cà phê với anh Phạm Kim Qui ở hàng hiên buồng (giam) số 1, hắn buột miệng:
“Tôi không hiểu tại sao khi mấy anh mới đến trại, chúng tôi bắt mấy anh phải đứng xa 6 mét mỗi khi cần nói chuyện với chúng tôi. Thật ra mấy anh rất tốt”.
Tất nhiên là hắn chỉ nói với chúng tôi chớ đâu dám để “đồng chí” của hắn nghe câu nói ấy, vì chúng nó có bao giờ tin vào chúng nó đâu.
Trong trại tập trung Nam Hà A này, tuy là qua những góc cạnh nhỏ thôi, nhưng chúng tôi có nhận xét chúng nó rất luộm thuộm về mặt tổ chức. Chẳng hạn như cấm mang tiền vào trại, nhưng khi tiền vào trại rồi thì tha hồ mua những thứ mà chúng nó đưa vào trại hoặc ngang qua các anh phụ trách mua hàng ở căn-tin của chúng nó ngay bên ngoài trại. Có lần bọn chúng đi săn được con nai, xẻ thịt để ở căn-tin bán từ sáng đến chiều không hết, bọn chúng mang vào bày ở giữa sân trại bán lấy tiền mặt mà không hỏi han gì về số tiền đó ở đâu ra. Sự thể như vậy, nhưng khi chúng nó khám xét lục soát buồng giam mà thấy tiền là tịch thu ngay trong khi chúng tôi không thể phân bua gì được, vì trái nội qui. Cho nên mua bán có vẻ dễ dàng, nhưng lúc nào cũng phải cất giấu tiền bạc cẩn thận. Phần tôi, tôi giấu tiền trong cái hộp đựng sữa bột mà tôi thường dùng loại này để gởi được nhiều trang thư về vợ tôi. Chiếc nhẫn thì giấu trong cái túi da đựng kem, bàn chải, xà bông, và dao cạo râu. Cái túi này có hai lớp mà phần đáy khá dày, để vào ngay lằn xếp và may dính vào đó.
Đến đêm, anh em chúng tôi trong buồng giam này cùng đón Giao Thừa bằng hoạt cảnh Sớ Táo Quân, có đủ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào Bắc Đẩu, với Táo Quân. Nếu quí vị quí bạn đứng bên ngoài cửa sổ đầu hồi buồng giam, sẽ thấy chúng tôi cười đến ra nước mắt, và ngay sau đó là từng nhóm năm ba người quây quần bên những gói bánh mứt, những cái ca cái lon nước trà hoặc cái gì đó đựng chút cà phê. Nhóm nào trong số chúng tôi cũng nói chuyện râm ran với ý tưởng lạc quan về ngày ra khỏi trại tập trung, nhưng không có chuyện nào dẫn đến kết luận rõ nét cả, vì lẽ chưa đủ yếu tố vững chắc mà toàn là đồn đoán trong dư luận, dư luận ở Sài Gòn, dư luận trong trại, và dư luận ngay trong buồng giam chúng tôi. 
Trong những ngày nghỉ Tết, hầu như tất cả tù chính trị chúng tôi quây quần với cờ tướng, bóng bàn, bóng chuyền, nhưng ba môn thể thao này có khuynh hướng chìm dần trong khi môn bóng tròn ngày càng được anh em hâm mộ. Vài tháng nay, hai khung thành của cái gọi là “sân banh” có lưới bọc phía sau và hai cạnh. Lưới này đan bằng giây thừng phế thải từ kho của trại. Anh Dương Huy Nam, Tổ Văn Hóa, xin được gói thuốc lá đầu lọc của một bạn vừa được vợ đến thăm nuôi, làm “chìa khóa” (hối lộ) mở cửa nhà kho khiêng vào trại đống giây mục đứt nhiều đoạn. Lại phải trả công bằng 2 kí lô giò heo và 2 kí lô hủ tiếu cho mấy anh tù hình sự đan 2 lưới khung thành. Tuy không sắc sảo nhưng không đến nỗi tệ. Nói nghe nhẹ nhàng suông sẻ như vậy, nhưng thật ra cuộc sống trong trại tập trung mà chúng tôi làm được những chuyện như vậy không phải là dễ dàng, nếu như không có niềm tin vào tương lai dù chưa biết tương lai sẽ như thế nào, cộng với những phương tiện trong tay.

Tấm ảnh đầu tiên.

Tết năm 1984 này có sự kiện được xem là đặc biệt. Đó là tên trại trưởng trại Nam Hà A -Đại Úy Lới- cho phép gia đình anh Nguyễn Viết Tân (Đại Tá Hải Quân) ở lại một tuần kể từ 27 Tết, để nuôi anh Tân trong tình trạng bại liệt do tai biến mạch máu não. Gia đình anh Tân gồm vợ và con gái tên Phương Nga. Nhà trực trại dành một phòng trống nhỏ xíu để anh Tân được bạn khiêng từ trong trại ra nằm, vợ và con anh Tân từ nhà thăm nuôi vào đó chăm sóc anh. Hết giờ làm việc chiều, vợ con anh Tân trở ra nhà thăm nuôi, trong khi anh Tân được các anh Phan Văn Minh (Đại Tá Không Quân), Nguyễn Văn May (Đại Tá Hải Quân), và anh Phan Văn Phương (Thiếu Tá Hải Quân) khiêng vào trạm xá. Chị Tân và cháu Phương Nga có trường dạy “nữ công gia chánh” cùng tên Phương Nga ở góc đường Phạm Ngũ Lão, gần chợ Thái Bình, Sài Gòn. Chị Tân có mang theo nguyên liệu và dụng cụ làm bánh, kể cả mua than từ Hà Nội. Nhờ vậy mà mỗi đêm, chị Tân với “con gái rượu” của chị làm và nướng bánh, để sáng mang vào nhà trực trại hoàn chỉnh phần “bắt bông kem” để tặng Ban Giám Thị với trực trại gọi là “có đi có lại cho toại lòng nhau”. Chị cũng tặng cho anh em chúng tôi gần phần nửa trong số bánh mà chị với con gái của chị làm. Đều đều như vậy trong một tuần lễ chị được phép chăm sóc chồng.
Sáng Mồng Một Tết, theo đơn xin của chị Tân, tôi được ra nhà trực trại ngay trước cổng trại gặp chị. Lúc ấy cháu Nga lấy trong giỏ ra cái máy ảnh, tôi nói khẻ:
“Nga, con cẩn thận”. 
Vừa nói tôi vừa chỉ tấm vách có chiều cao lưng chừng:
“Bên kia họ trông thấy và theo dõi nghe con. Nếu họ bắt gặp con chụp ảnh, có thể họ sẽ tịch thu cái máy, mà hổng chừng sẽ có biện pháp gì đó trong những lần thăm nuôi sau này nữa nghe con”.
“Dạ. Con cám ơn bác, con sẽ cẩn thận. Bác bước ra sát vách, con chụp lén cho bác một tấm ảnh đem về đưa cho bác gái”. 

HQPD_1334792213.pngThế là cháu Nga ra ngoài cửa xem có tên Công An nào ở đó không. Vắng vẻ. Tôi bước ra ngoài đứng vào một góc trong khi cháu bước vào trong rồi quay lại bấm máy thật nhanh. Tuy tấm ảnh không thành công về mặt kỹ thuật, nhưng với tôi thì thành công về tâm lý, vì từ nửa vòng bên kia trái đất, các con tôi trông thấy tôi qua tấm ảnh mờ mờ này. 
Đến trước ngày hết phép, chị Tân lại làm đơn xin cho tôi ra nhà trực trại lần nữa. Chị nói với tôi:
“Anh biết không. Khi được trại cho phép ở lại một tuần, má con tôi mừng lắm. Nhưng ban đêm ở nhà thăm nuôi, má con tôi sợ lắm anh ơi! Nhà thăm nuôi sát chân núi, bên cạnh chỉ có dãy nhà của Công An, còn trước mặt là cái thung lũng mịt mù bóng tối. Nói thiệt với anh, má con tôi không dám ngủ cho nên phải thức làm bánh choán thì giờ còn hơn là nằm mà run, vì lúc nào cũng nghe như có bước chân bên ngoài. Không biết họ canh gác tuần tra hay rình rập ám muội gì thì không rõ, nhưng lúc nào má con tôi cũng sợ hãi!”
“Tôi nghĩ, không phải chúng nó canh gác gì đâu vì chúng nó đâu có sợ chị trốn mà canh giữ chị. Nhưng bên ngoài có người đi lại thì không ai khác hơn là bọn chúng nó đâu chị”. 
“Suốt đêm, tôi với con Nga đâu dám ra ngoài. Hai má con cột cánh cửa dính vô cái ghế đặng không cho bên ngoài đẩy vào. Chỉ làm được như vậy thôi anh à”.
“Thành ra tuần lễ Tết này chị với cháu Nga vất vả quá, nhưng bù lại có được thời gian trực tiếp chăm sóc anh Tân, phải hông chị?”
“Con Nga nó vui lắm anh”.
Tôi phải vào trại ngay để kịp đá banh. Tôi thuộc đội banh hạng B nên đá trước để còn thì giờ cho hai đội hạng A. Tôi nói hạng A với hạng B chắc là quí vị quí bạn nghe có vẻ như “đâu ra đó” lắm, nhưng thật ra cứ anh nào nhanh tay lẹ chân mà biết kỹ thuật đá banh chút ít là hạng A, còn lại là hạng B chớ có gì ghê gớm đâu. Đang mùa Đông khá lạnh, cứ khoảng 5 giờ chiều là màn đêm xuống rồi. Sân trại toàn đá dăm mà chúng tôi gọi là “sân banh”, chiều nay “khán giả” đông nghẹt. Khán giả tù chính trị lẫn khán giả Công An vào xem. Cái lý do thu hút khán giả hôm nay là vì có “con gái rượu” của anh chị Nguyễn Viết Tân đứng xem. Cháu Phương Nga, khoảng 20 tuổi. Chỉ có “khán giả dân” duy nhất này trở thành cái “đinh” của khán giả Công An. Đội hình đội banh buồng 5 chúng tôi với chú Đinh Vượng trong khung thành, tôi hậu vệ thòng ở giữa, hậu vệ bên phải bên trái là anh Nguyễn Đức Đào với anh Hoàng Bá Thông. Trận banh bắt đầu độ 15 phút thì tạm ngưng, vì tên võ trang mới lên phiên gác cổng bước vào hỏi cháu Phương Nga:
“Cô là ai mà vào đây?”
“Tôi đến thăm ba tôi là Nguyễn Viết Tân. Thấy đá banh vui tôi vào xem”.
Hắn nạt: “Đi ra ngoài ngay”.
Tiếng một bạn nào đó trong số khán giả tù chính trị chúng tôi:
“Với phụ nữ phải lịch sự một chút chớ”.
Hắn quay tìm hướng có tiếng nói: “Anh nào phát biểu đó?”
Đâu có bạn nào điên mà lên tiếng, thế là hắn quê. Càng quê hắn càng tức, nhưng cũng tiết ra một chút lịch sự: 
Mời cô đi ra”.
Không tên Công An nào có mặt lên tiếng cả, vì đó là quyền của tên gác cổng. Lại có tiếng của một bạn tù chính trị: “Vừa phải thôi chứ”.
Hắn không lườm lườm tìm ai nói nữa mà theo cháu Phương Nga ra cổng, rồi leo lên “chuồng cu” tiếp tục nhiệm vụ gác cổng.
Những ngày Tết trôi qua… Đội 5 chúng tôi trở vào thung lũng cỏ tranh, chuẩn bị đất xuống 10.000 cọng hom khoai mì cho số lượng phải trồng trong năm 1984. Ngày đầu tiên vào thung lũng, tên Cảnh -quản giáo- và tên Minh -võ trang- đồng ý cho Đội chúng tôi nghỉ trọn ngày. Tôi ướm thử tên quản giáo:
“Nhân ngày Tết, cán bộ có thể cho một số anh em chúng tôi sang khu nghĩa trang cắm nhang cho bạn bè nằm ở đó được không cán bộ?” 
Hắn suy nghĩ một lúc: 
“Tôi đồng ý nhưng anh phải hết sức cẩn thận, vì mấy ổng thấy chẳng những mấy anh bị mà tôi cũng bị kiểm điểm nữa”.
“Hổ ơi! Chú lo cơm trưa cho tuị nó nghe. Chú chịu khó đi dọc theo thung lũng nhổ cải trời về luộc ăn với thịt heo kho cũng được lắm nghe chú”. 
Tôi với 10 anh nữa vẹt lau sậy và nhanh chân sang chân núi, nơi có một số mộ của các bạn. Đến nơi, tôi trao mỗi anh 5 cây nhang do hôm trước chị Tân cho tôi. Chúng tôi chia ra mỗi bạn đi một hướng, cứ thấy ngôi mộ thì khấn vái cắm nhang mà không phân biệt mộ của ai. Thật ra cũng khó nhận ngôi mộ lắm, vì mấy anh tù hình sự đấp sơ sài rồi trâu bò đạp lên, nên thấy đất cao cao một chút có vẻ như ngôi mộ là cắm nhang. Trong khi một số bạn theo tên võ trang vào làng cùi, xem họ ăn Tết ra sao, và nếu có gì mua được thì mua.
Sau khi trở về chòi, tôi với anh Thống đi vòng quanh khu trồng cây “so đủa” mà họ giao chúng tôi trồng thử. Chúng tôi trồng hai bên đường mòn dọc theo dòng nước quanh co giữa thung lũng, khi nó cao ngang đầu người trông đẹp lắm. Cây “so đủa” là cây nhiệt đới, bông của nó nấu canh chua hoặc xào ngon lắm, vì trên đầu của bông có cái hộc nhỏ chứa một chút mật, còn thân cây làm củi. Mùa hè và mùa thu, cây so đủa phát triển tốt như trồng ở miền Nam vậy, nhưng mới hai tháng mùa đông nó khuỵu hết trơn. 
Trồng khoai mì xong, chúng tôi phải trồng 1.200 hốc bí rợ mà họ gọi là bí đỏ, sau bí rợ là trồng bí đao mà họ gọi là bí xanh. Bí rợ trồng theo hốc cho bò lên những tảng đá, bí đao trồng theo luống và làm giàn hình chữ A, cao 8 tấc (0.8 thước), để hai hàng giây bí leo lên. Vì thung lũng này toàn đá tảng, cho nên có những giàn bí chỉ có năm bảy giây mỗi bên thôi. 

Tổ Văn Hoá.

Một buổi chiều về đến cổng trại, tên Lực trực trại điểm số cho Đội vào, nhưng hắn bảo tôi:
“Anh để Đội vào, còn anh đứng lại”.
Khi Đội vào trại xong, hắn ra lệnh:
“Ngay chiều nay, anh nhận bàn giao của anh Dương Huy Nam với trách nhiệm Tổ trưởng văn hoá, vì anh Nam được tha ra trại. Nhận xong, anh dọn sang buồng 7 ngay tối nay”.
“Sao lại là tôi?”
“Thôi. Vô trại lo công việc đi, ở đó mà hỏi tại sao”.
Anh Dương Huy Nam, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng tôi không rõ anh thuộc hệ phái nào, có điều tôi thắc mắc anh là thành viên đảng chính trị mà lại được ra trại một mình.
Anh Nam hướng dẫn tôi phải làm gì, khi có đơn thăm nuôi từ trực trại đưa vào, khi có báo do bộ phận giáo dục đưa vào, cho mượn sách và đòi sách, tổ chức vài môn thể thao để anh em vui Tết, nói chung là chẳng có gì gọi là quan trọng cả, vì tên Vũ Quấc là Tổ Trưởng Giáo Dục mà Tổ văn hoá này dưới quyền hắn. Nói cho dễ hiểu là làm theo lệnh của hắn chớ có tự mình đâu. Cái công tác tham mưu có gì ghê gớm mà Vũ Quấc cứ hỏi tôi:
“Anh có nắm được không?”
“Báo cáo “ban” có”.
Ở trại tập trung này, tất cả tù chính trị chúng tôi lẫn tù hình sự, phải gọi những Công An dù là lính, hạ sĩ quan, hay sĩ quan, là “cán bộ”. Nhưng còn một “tầng lớp” nữa mà chúng tôi phải gọi là “ban”. Ban, nguyên chữ là “Ban Giám Thị” nhưng gọi tắt là ban. Khi đứng trước tên nào đó trong thành phần Ban Giám Thị mà cần báo cáo, phải nói: “báo cáo ban” …. Ban Giám Thị trại này chỉ năm ba người gì đó tôi không rõ, nhưng trường hợp Vũ Quấc mà anh em tù cũ -trước khi chúng tôi từ Yên Bái đến đây- đều gọi là “ban”. Do vậy mà khi cần nói gì với hắn, phải mở đầu: “Báo cáo ban” trở thành cái lệ không miễn trừ, dù hắn không thuộc thành phần để được gọi là “ban”, nhưng nếu gọi hắn là cán bộ thì cái mặt của hắn trở nên cau có và có chuyện ngay.
Hắn nói thêm: 
“Anh có điều gì không rõ phải hỏi anh Nam để được hướng dẫn”.
“Báo cáo ban, tôi không có gì phải hỏi thêm”.
Anh Dương Huy Nam hầu hạ tên Vũ Quấc này đến nơi đến chốn lắm. Mỗi năm có một hoặc hai lần nhà bếp có làm heo thì y như rằng anh Nam xuống bếp -kể cả ban đêm- chỉ cho các bạn nhà bếp xén những phần thịt ngon cung cấp với tính cách riêng tư cho hắn. Nhiều anh em chúng tôi bất mãn với anh Nam về cái việc cắt xén quyền lợi chung của cả trại để cung phụng riêng tư cho tên Quấc . 
Tôi đang muốn ra sân vì trận banh gọi là tiễn anh Dương Huy Nam đang ồn ào ngoài sân trại. Sở dĩ có trận banh giao hữu giữa Đội banh tù chính trị chúng tôi với Đội banh Công An cai tù để tiễn anh Nam, vì phong trào đá banh bắt đầu từ anh Nam nối vào anh Phước về tổ chức, và tôi phụ trách cung cấp banh do vợ tôi cho kể cả xin của các chị bạn. Cuối cùng tôi cũng vào đá hiệp hai. Đội tù chúng tôi thắng Đội Công An cai tù 4-2.
Trở lại Tổ Văn Hoá. Năm 1978, khi chúng tôi từ trại Yên Bái chuyển xuống đây, văn phòng Tổ Văn Hoá trong gian nhà ọp ẹp mà họ gọi là câu lạc bộ. Trong một cơn mưa giông đã đè cái câu lạc bộ nằm sát mặt đất nên Tổ Văn Hoá phải chuyển vào khuôn viên buồng giam số 10, sử dụng gian nhà để đồ đạc làm văn phòng, còn buồng giam làm nơi hội họp được gọi là hội trường.

Tổ Văn Hoá, ngoài Tổ trưởng, còn có cụ Hoàng Văn Úy (Việt Nam Quốc Dân Đảng), anh Đinh Tiến Dũng (Thiếu Tá An Ninh Quân Đội. Anh Dũng là em ruột của kịch sĩ Thanh Hoài), anh Khiêm (Thiếu Tá bộ binh), và bạn tù trẻ Đinh Vượng (tổ chức Phục Quốc). Đó là trong văn phòng, còn phụ trách làm vườn trong khuôn viên buồng 10 là ông Vũ Văn Vỵ (đảng chính trị). Công việc gồm có:
- Nhận đơn thăm nuôi do trực trại đưa vào, ghi vào sổ, gọi các anh có gia đình đến thăm, hướng dẫn ra cổng cho trực trại.
- Nhận báo. Vài ba ngày tên Vũ Quấc hoặc tên Dục -phụ tá tên Quấc- đem vào một lần. Chuyển đều cho các buồng (tù hình sự không có). Khi các buồng hoàn trả, cho vào tủ cất. 
- Trong trại có xảy ra việc gì làm mất trật tự thì đến giảng hòa, nếu không được thì báo cho đám trực trại vào giải quyết. Các buồng giam tù hình sự đánh đấm đâm chém như cơm bữa, không đánh nhau cũng là tranh cãi ồn ào. 
- Nếu có bạn nào bệnh bất ngờ, đi mời bác sĩ (cũng là bác sĩ tù) ở trạm xá lên hoặc khiêng bệnh nhân xuống trạm xá. 
- Điều hành công việc cho mượn sách. Trong ngăn sách có khoảng 700 cuốn, có đến hơn phân nửa là sách dịch của Nga.
- Vài ba tháng, bộ phận giáo dục có đem phim vào chiếu ở sân trại. Thông báo các buồng đến xem. Phần lớn là phim của Nga. 
- Tổ chức văn nghệ và thể thao nhân ngày Tết, do anh em chúng tôi thực hiện.

Trại trưởng mới, tù dễ thở.

Bận rộn nhiều nhất của chúng tôi là đá banh. Từ đầu năm 1984, chúng tôi được tổ chức đá banh nếu có thì giờ chớ không cần đến ngày nghỉ nữa. Thường thì các Đội làm thông tầm về trại khoảng 2 đến 3 giờ chiều, hễ “cáp độ” được là ra sân đá ngay. “Cáp độ mà tôi dùng ở đây, được hiểu là có được hai Đội thì đá chớ với nhau cho vui, chớ không mang tính chất ăn thua bằng vật chất. Xem như phụ trách cáp độ là ông Lê Phước Thưởng (đảng chính trị), tuy lớn tuổi nhưng tinh thần thể thao còn cao lắm. Ông thường đến các buồng cáp độ ra sân, có khi cáp độ ngay tại chỗ lao động nữa. Ông là cầu thủ Đội “lão tướng”, đá hậu vệ, nhưng nhớ khoảng sau 10 phút là phải đưa lão tướng khác vào thay để ổng ra ngoài đứng thở. 
Đội banh lão tướng chúng tôi gồm: Anh Cao Văn Ủy thủ môn, ông Lê Phước Thưởng, ông Nguyễn Hữu Vị (Phủ Đặc Ủy Tình Báo), ông Lê Văn Sớt (Phủ Đặc Ủy Tình Báo), anh Phạm Kim Tấn góc trái (Trung Tá Cảnh Sát), anh Nguyễn Thành Long (Phủ Đặc Ủy Tình Báo), và anh Trương Đình Thăng (Đốc Sự Hành Chánh). Nhưng chỉ sau hai trận thì Đội banh “trẻ” phản đối cầu thủ Thăng dữ quá, với lý do cầu thủ lão tướng mà chưa đến 50 tuổi. Thế là phải “loại” anh Thăng ra và đưa cầu thủ Bùi Đức Tài vào. Anh Tài là cầu thủ góc mặt. Tôi phụ trách trọng tài có cái còi hẳn hòi, chỉ vào trận khi thiếu “lão cầu thủ”.
Trong khi “phong trào” đá banh -tạm gọi như vậy- giúp anh em chúng tôi không bị nhốt trong buồng giam, thỉnh thoảng tên Vũ Quấc (tên của hắn viết như vậy đó), cán bộ giáo dục trại vào kiếm chuyện. Có hôm hắn nói đá banh gây ồn ào trong trại, có hôm hắn dọa đóng cửa buồng giam, và rồi hắn yêu cầu tên Lực, cán bộ trực trại nhốt tất cả vào buồng giam, nhưng tên Lực trả lời là Ban Giám Thị cho phép. Vì đó là quyền của trực trại nên hắn im. Trong thời gian gần đây, tên Quấc tỏ ra lấn quyền Trưởng Trại A mà tiêu biểu là gần như quyết định về thời gian thăm nuôi của tù chính trị chúng tôi. Không rõ hắn với Đại Úy Lới -Trưởng Trại A- như thế nào mà mỗi khi hắn cho ý kiến “thuận” sau khi nhận tiền đút lót, thì hầu như Trưởng Trại đều chấp thuận đơn xin thăm gặp gia đình theo ý kiến của hắn. Theo tên Dục, phụ tá cho hắn thì hắn đang âm mưu “hạ bệ” tên Lới để hắn lên nắm chức Trưởng Trại A này. 
Dưới nét nhìn của chúng tôi, tên Thịnh “khuỳnh” trực trại là loại ác ôn về những sinh hoạt của tù trong phạm vi quyền hạn của hắn, trong khi Vũ Quấc vừa độc vừa đểu khi hắn cho ý kiến cái gọi là “nhận xét về mức độ cải tạo” của tù. Có thể nói một cách chắc chắn rằng, không một tên Công An nào trong trại Nam Hà A này chơi với hắn cả. 
Cuối cùng thì trại Nam Hà A cũng có Trưởng Trại mới, nhưng không phải Vũ Quấc mà là Đại Úy Công An Bùi Dênh. Cũng từ đó, tên Vũ Quấc mờ dần ở vị trí cán bộ giáo dục trại A. Vẫn theo tên Dục, những đơn xin thăm gặp gia đình của tù chính trị, tuy rằng Vũ Quấc vẫn có ý kiến nhưng không còn tính cách quyết định như thời tên Lới làm trại trưởng nữa. Tuy Bùi Dênh là loại vai u thịt bắp, nhưng hắn có chút ít cởi mở đối với tù chính trị chúng tôi. Tôi nhấn mạnh về “chút ít cởi mở” của Bùi Dênh, là do chính hắn sau một chuyến công tác trong Nam trở về Bắc, chớ không phải cởi mở do chính sách của Bộ Công An. Tiêu biểu cho “chút ít cởi mở” là Bùi Dênh cho phép gặp gia đình 24 tiếng đồng hồ, đôi khi được 48 tiếng, và có trường hợp bệnh hoạn cần gia đình chăm sóc sẽ được xét thăm gặp trọn tuần. Mặt khác, Bùi Dênh còn khuyến khích chúng tôi tiếp tục giữ phong trào đá banh. 
Phải công nhận rằng, được thăm gặp một ngày hay hai ngày, nói chung là nhiều giờ, ngoài chuyện riêng tư còn giúp vợ chồng hiểu sâu thêm hoàn cảnh gia đình nhất là cuộc sống và học hành của các con, sau khi chúng tôi bị đẩy vào các trại tập trung. Từ đó, người chồng có cơ hội “rót” vào tai vợ những lời khen nhẹ nhàng, người cha “rót” vào tai con những lời khuyến khích nồng nhiệt cùng với những hướng dẫn cần thiết, bởi lời khuyến khích hay lời hướng dẫn của những người chồng người cha bị nhốt trong bốn bức tường trại tập trung có ảnh hưởng mạnh mẽ, nếu như khéo léo tế nhị trong cung cách xử sự với vợ với con. Và cao hơn nữa, trong một đôi ngày bên nhau có khả năng củng cố thêm tình cảm thân thương gia đình, nâng đỡ thêm nghị lực để vượt qua cuộc sống đầy bất trắc trong xã hội mà nhóm lãnh đạo cuồng tín cai trị, luôn ập lên đầu gia đình các sĩ quan viên chức và cán bộ Việt Nam Cộng Hòa cũ! 
Nhìn chung, trong đầu trưởng trại Bùi Dênh có mưu định gì thâm độc đối với tù chính trị chúng tôi hay không thì không rõ, nhưng có điều trước mắt là anh ta tạo không khí giảm bớt tính cách hà khắc với chúng tôi. Nhớ lại thời trưởng trại Huy “hô”, cái không khí trong trại tập trung này lúc nào cũng nghẹt thở, bởi những gì xếp vào loại hắc ám nghiệt ngã đều có ở đây. Cho đến cuối thời tên Huy có nới lỏng đôi chút do các anh em Đội Trưởng chúng tôi tranh đấu đòi hỏi, như ban đêm đem đồ vật vào buồng giam để tránh mất trộm và nấu ăn có thêm dinh dưỡng. Thời trưởng trại Lới “lé”, sự sa ngã của đám Công An từ trực trại, quản giáo, võ trang, đến đám Công An hướng dẫn thăm nuôi rất rõ nét, chung qui do tù chính trị chúng tôi mua chuộc bằng tiền và bằng vật chất. Vì bất cứ sản phẩm gì do xã hội xã hội chủ nghĩa sản xuất với phẩm chất quá ư tồi tệ, nên những sản phẩm mà anh em chúng tôi có là từ ngoại quốc gởi về, hoặc ít nhất là do sản xuất trong miền Nam phẩm chất vẫn cao hơn, nên khả năng thu hút họ rất mạnh tong cuộc sống thiếu thốn của họ. 
Thấy đám trực trại cũng như đám quản giáo buồng giam giảm bớt mức độ khắc khe, từng bước, các anh trực buồng giam xới khoảnh đất bé xíu phía sau buồng để trồng vài luống rau có thêm chất dinh dưỡng. Dần dần những bầu những mướp đậu rồng đậu đủa che kín bờ tường, bên dưới thì hành ngò cải xanh cải bắp ớt cà xanh tươi. Không thấy phản ứng của họ, nhóm chúng tôi trong tổ văn hoá cũng xới khoảnh đất phía sau hội trường trồng rau trồng đậu. Nhìn vào chẳng bao nhiêu, nhưng thật sự những hoa màu ít ỏi đó cũng góp phần đáng kể cho bữa ăn của chúng tôi, nhất là các anh bị bệnh khó trị.
Về “thư chui” mà trong suốt thời gian trong Đội trồng rau tôi gởi vào “hộp thư chết”, nhưng khi vào tổ văn hoá thì tôi rất lo là không biết phải bằng cách nào để tiếp tục gởi thư chui. Nhưng rất may có chú Đinh Vượng rất trẻ, thường giúp đám trực trại những thứ lặt vặt mà chúng nó cần, nên chú được đám trực trại cho ra vào cổng trại với nhà trực trại khi cần. Do vậy mà tôi nhờ chú lận lưng “thư chui” đưa ra cho anh tù hình sự từ nhà thăm nuôi vào trực trại, hoặc vào bếp của Công An bên ngoài trại. Một đôi khi chú Vượng ra tận nhà thăm nuôi, bằng cách len lỏi luồn lách giữa các dãy nhà lụp xụp của Công An, rồi xuống lưng chừng triền núi ra tận nhà thăm nuôi, tạt vào nhà của đám Công An phụ trách ở đây để mời chúng nó hút thuốc hay biếu gói cà phê, sau đó xin phép chúng nó chạy qua nhà thăm nuôi đưa cho các bà các chị thăm tù chính trị chúng tôi nữa. Phải có “tí hối lộ” với vài lời “giao tế” như vậy mới “thuận buồm xuôi gió”. 
Công việc tương đối nguy hiểm, nhưng Đinh Vượng nhanh tay lẹ chân mà lại mau miệng nữa, nên chẳng mấy khi bị chúng nó bắt tại trận, chẳng qua là nghi ngờ thôi. Nếu bị bắt, Đinh Vượng xuống nước năn nỉ, điều mà các anh lớn tuổi như chúng tôi không thể hạ mình làm như vậy. Lại có khi Đinh Vượng mang vào trại một lúc đến mấy ngàn đồng trao lại các bạn, và hoàn toàn mang giùm chớ không nhận đồng thù lao nào cả. Trước kia Đinh Vượng là chuyên viên cơ khí phục vụ Sư Đoàn 3 Không Quân, bị bắt năm 1976 khi tham gia tổ chức Phục Quốc. 
Anh em trong Tổ văn hoá chúng tôi lại dọn sang buồng giam số 1, ở chúng với tổ văn nghệ của anh Phạm Kim Qui, và tổ chăn nuôi của anh Chu Mạnh Bích (Đại Úy Không Quân).

Những màn kịch cởm.

Hạ tuần tháng 1/1985, hơn 100 anh được ra về. Trước ngày chánh thức có lệnh tha ra trại, nhiều tin đồn đãi đưa vào trại là người này có tên người kia có tên, bắt nguồn từ những Công An “tóc dài” có liên lạc buôn bán chui hoặc thường nhờ vả thuốc men của tù chính trị. Anh Huỳnh Văn Châu (Không Quân) đang trong tổ thợ điện của trại, chạy tìm tôi đang chăm sóc vườn rau “mini”:
“Anh ơi! Em có tên về rồi. Con “Hoa điện” vừa cho em hay và em đã hỏi lại thì đúng rồi”.
“Hoa điện” là tổ trưởng điện, cán bộ quản giáo của anh Châu.
“Hay quá. Vậy thì anh có thì giờ thu xếp chuyện gia đình cho ổn, chớ tình trạng của anh còn kéo dài, tôi e gảy gánh thiệt đó Châu”.
“Em cũng lo lắm anh”.
“Hãy cố lên. Đã có được thời gian, anh đừng để vấn đề vuột khỏi tầm tay nghe Châu”. 
Anh Ngợi cũng tìm tôi: 
“Anh ơi! Em cũng có tên về rồi Anh. Anh Châu có nói với anh chưa?”
“Có. Châu mới nói với tôi đây. Anh về là nhanh tay lẹ chân tổ chức đám cưới cô bạn gái chờ anh hơn chục năm rồi. Tình yêu như vậy tôi cho là đẹp lắm, vì thời gian thử thách quá dài với lại trong hoàn cảnh nghiệt ngã”.
“Em sẽ cố gắng nhưng phải về mới biết rõ sự việc được anh”. 
Phải nhận rằng, anh em tù chính trị chúng tôi xôn xao trong ý nghĩa tốt, có thể nói vui vẻ là khác. Tối đến, anh Châu với tôi ngồi đối diện hai bên sàn gác. Châu nói:
“Anh ơi! Một trăm mấy anh em mà tụi nó chia làm hai chuyến đi, cách nhau vài ngày, và nghe đâu chuyến thứ nhì có quay phim nữa”.
“Liệu về kịp Tết hông Châu?”
“Con Hoa nó nói em về đến Sài Gòn trước giờ Giao Thừa. Thôi thì miễn về là được rồi anh, sớm muộn cũng không sao”.
Quả thật khi họ đọc danh sách thì những anh được đồn đoán đều đúng, và về Sài Gòn trong hai chuyến cũng đúng luôn. Ngay sau khi họ đọc danh sách ra trại, tổ văn hóa chúng tôi bận tíu tít, vì họ bảo viết đến mấy bản danh sách, cùng lúc gọi các anh đến hội trường làm thủ tục. Anh Khiêm trong tổ văn hoá được về trong đợt này. Anh em có tên ra về cùng với khá đông anh em không có tên cũng có mặt trong khuôn viên buồng 10, về thì vui đã đành nhưng chưa về cũng vui, vì nhắn gởi về gia đình. Tụm năm tụm ba trò chuyện khá ồn ào, pha lẫn trong tiếng của đám Công An gọi từng anh vào làm thủ tục. Chuyến thứ nhất lên xe trại ra Phủ Lý để lên Hà Nội, các bạn trong chuyến thứ nhì chuẩn bị cho đoàn quay phim dường như của Thụy Điển đang thu hình các Đội trồng rau gánh rau về trại. Cứ mỗi lần có phái đoàn đến thăm trại cho dù là cộng sản hay tư bản thân cộng, Bộ Công An từ Hà Nội xuống hướng dẫn trại trưởng tổ chức màn kịch để phô trương. Muốn phô trương phải che giấu cái tồi tệ của họ, mà chính vì che giấu lại làm cho màn kịch của họ trở nên tồi tệ hơn. Mời quí vị quí bạn theo dõi 3 màn kịch tồi.

Màn kịch thứ nhất.

Thật là vô duyên khi hai đội banh tạp nham bị bắt buộc vào sân đấu với nhau để họ quay phim. Theo lời của đám trực trại thì Bộ Công An muốn đoàn quay phim ngoại quốc thấy cảnh sinh hoạt của tù chính trị, nhưng theo chúng tôi nhận xét thì nhóm quay phim chú trọng thu hình những lối ra vào khu vực các buồng giam, vì họ đặt hai máy thu hình ở hai đầu sân thu hình sự đi lại của anh em chúng tôi ra vào các hành lang đó. Không hiểu họ khai thác góc cạnh nào trong sự đi lại của anh em chúng tôi, nhưng rõ ràng là họ chú trọng những hình ảnh đó hơn là trận banh trên sân. 
Đến tổ dịch tài liệu do anh Lại Đức Chuẩn phụ trách, được chọn lọc hẳn hòi chớ không phải toàn tổ đều tham dự trình diễn tại hội trường, trong khi tổ văn nghệ do anh Phạm Kim Qui phụ trách trình diễn nhạc hòa tấu. Trong màn này có lẽ họ muốn phô trương “sinh hoạt của tù chính trị trí thức” là như vậy đó. 
 
EDITED: 8 Oct 2018 17:20 by OPLA