0

From: OpLa
To: OpLa
Màn kịch thứ hai.

Sau đoạn phim về trận banh tạp nham với hai tổ dịch thuật và văn nghệ, đến đoạn phim tù chính trị ăn cơm chiều với “thực đơn” đặc biệt. Đám trực trại cho dọn cái gọi là nhà ăn của buồng giam số 1, để ở đó một cái bàn với sáu ghế ngồi. Cả mấy trăm tù chính trị mà chỉ có một bàn ăn duy nhất, làm sao che giấu cái bản chất dối trá trước phái đoàn truyền thông quốc tế? Vậy mà họ vẫn cứ thực hiện. Sáu anh tù chính trị được chỉ định ngồi vào bàn ăn “kịch cởm” này, họ bắt phải mặc áo quần mà họ nói là đẹp nhất. Tôi với cụ Hoàng Văn Úy đến từng anh thuyết phục nên mặc đồ thường thôi, vì hy vọng đoàn quay phim này sẽ có tác dụng thuận lợi cho mình khi họ phổ biến trên hệ thống truyền thông thế giới. Các bạn đồng ý, nhưng cũng cố gắng một chút tươm tất, nếu không sẽ không yên với đám an ninh của trại. 
Tôi và anh Đặng Hoàng Long đứng nhìn nhóm Thụy Điển thu hình. Anh chàng chuyên viên chỉ đưa ống kính quét một lượt phần trên bàn, rồi anh ta ngồi bệt trên sàn xi-măng, đưa ống kính vào các ống chân bàn chân của “thực khách” và thu thật chậm nên không sót bàn chân anh nào cả. Đó là những bàn chân nứt nẻ bị bùn đen bám vào, cộng với nước phèn ngấm vào da, làm cho những bàn chân trở nên sàm sở, và người quay phim khai thác một cách rất nghệ thuật về những chứng tích không thể chối cải trong trại tập trung của cộng sản Việt Nam. 

Màn kịch thứ ba.

Lúc ấy trời tối hẳn, vì mùa đông nên thì giờ ban ngày ngắn hơn thì giờ ban đêm. Họ hoàn toàn thu hình mà không hỏi bất cứ ai về bất cứ điều gì. Nhóm quay phim Thụy Điển yêu cầu Công An cho mở các phên cửa sổ để có chút ánh sáng thu hình vài sinh hoạt trong buồng giam số 1. Nghe thông dịch xong, tên Công An từ Hà Nội xuống ra lệnh cho Công An trại:
“Không được. Nói với chúng nó nếu mở tấm phên thì mấy anh này chịu lạnh không nỗi”. 
Thật ra không phải đám Công An Hà Nội sợ tù chính trị chúng tôi lạnh đâu, và đây là bằng chứng vẫn do tên Công An Hà nội nói:
“Bọn này ghê lắm! Chúng nó quay toàn những cảnh không như Bộ hướng dẫn chúng nó trước khi vào trại. Không cho chúng nó quay nữa”. 
Sau cái lệnh không cho mở tấm phên cửa sổ, anh chàng chuyên viên thu hình Thụy Điển cao lêu nghêu, lặng lẽ ra chỗ xe của anh ta ngoài sân đem vào cái ống trắng giống ống đèn néon nhưng lớn một chút, dài khoảng 6 hay 7 tấc gì đó. Hóa ra cái ống ấy là đèn điện tử, tỏa một vùng ánh sáng thật dịu nhưng thật mạnh trong khoảng chừng một thước vuông, đủ để họ lần lượt thu hình 3 quang cảnh. 
Cảnh 1 là anh Đặng Hoàng Long (họa sĩ và là thông dịch viên Anh ngữ) cùng với một bạn nữa (dường như là anh Bửu Uy) đang đánh cờ tướng. 
Cảnh 2 là anh Nguyễn Hữu Vị (Trung Tá, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo) có hàm râu dài trắng phếu, đang ngồi vá chiếc áo mùa đông, trông thật là buồn! 
Và cảnh 3 là anh Phạm Văn Thuần (Đại Tá, Phủ Thủ Tướng) dưới ánh đèn leo lét đang cắm cúi viết “thư tình già” gởi về cho “má bầy trẻ”. Cái gọi là bàn viết của anh Thuần chỉ là cái mền chồng lên cái gối do mấy bộ quần áo tù cuộn lại. (Mấy tháng sau đó, con gái của anh Vị từ Paris gởi về anh Vị tấm ảnh “anh ngồi vá áo” do chụp lại từ trong tivi mà cuộn phim đó trình chiếu trên hệ thống tivi nước Pháp). 
Trước khi rời trại, một anh chàng trong nhóm quay phim của Thụy Điển cầm cái micro dài, đứng giữa sân áng chừng 5 phút trong khi anh chàng quay phim thu hình anh ta. Trại trưởng Bùi Dênh nói với đám trực trại đang đứng nhìn:
“Cứ để nó thu, cho nó thấy sự yên tĩnh trong trại. Điều đó tốt thôi”.
Hôm sau, các Đội xuất trại xong, tên Niệm -phụ trách giáo dục của toàn trại- vào tổ văn hoá:
“Anh Hoa. Anh Vũ Tiến Phúc có đi lao động không?”
“Tôi không biết cán bộ”. 
Hắn quay sang tên Lực trực trại: 
“Đồng chí Lực, cho người xuống đồng tìm anh Phúc, bảo về trại ngay”.
Nửa giờ sau, hắn nói với anh Phúc đang đứng trước mặt:
“Anh đã có tiến bộ về tư tưởng thông qua phóng sự do đài truyền hình Cần Thơ thực hiện hai tháng trước. Ông Bộ Trưởng (Công An) xem xong đoạn phim đó ra lệnh thả anh về. Anh tiến hành thủ tục ra trại ngay hôm nay để cùng về với toán kia”.

Xin nói thêm một chút. Khoảng năm 1977, lúc bị nhốt trong trại tập trung trên Yên Bái, anh Vũ Tiến Phúc có nói với tôi rằng, anh có liên hệ gia đình với cộng sản Võ Trần Chí, Bí Thư thành ủy Sài Gòn mà chúng nó lắp cái tên ông Hồ thay vào chữ Sài Gòn. Theo người nhà của anh cho biết, thì Võ Trần Chí muốn lãnh anh ra trại nhưng anh không đồng ý. Anh nói anh không muốn dính dáng tới cộng sản dù là anh em. 
Về đoạn phim mà tên Niệm gọi là “phóng sự”, thật ra anh em tù chính trị chúng tôi không ai biết về cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Cần Thơ tại trại Nam Hà A này cả. Chỉ biết là họ có thu hình anh Vũ Tiến Phúc và anh Lâm Chánh Ngôn (Đại Tá, Sư Đoàn 21 Bộ Binh). Hôm đó là buổi chiều, họ thu hình hai anh đứng cuốc đất trên khoảng đất nhỏ xíu ngay góc cái giếng lớn cạnh cổng chánh của trại. Khoảng đất “đầu thừa đuôi thẹo” chút xíu xìu xiu này chưa bao giờ trồng trọt gì cả. Còn phỏng vấn lúc nào và ở đâu, chúng tôi hoàn toàn không biết. 
Nếu cho rằng đài truyền hình Cần Thơ muốn phỏng vấn những cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa từng phục vụ vùng đồng bằng Cửu Long mà đài truyền hình này xem là địa phương, thì đâu phải chỉ có anh Phúc với anh Ngôn, mà có các anh Nguyễn Văn Của, Nguyễn Văn May, Huỳnh Thanh Sơn, và nhiều nữa. Phải chăng đó chỉ là cách nói của trại như là lý do ra về của anh Phúc do ông Bộ Trưởng Bộ Công An “tử tế và rộng lượng quá”, chỉ cần lúc nhàn hạ ngồi xem một đoạn phim là đủ yếu tố để quyết định thả tù, loại tù mà ông Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã tuyên bố là không thể tha thứ. 

Buổi trưa, tất cả các anh rời trại chuyến thứ hai, cộng thêm anh Vũ Tiến Phúc, tập trung ở khuôn viên buồng 10 chờ lên xe ra Phủ Lý. Đám trực trại không cho tiếp xúc với anh em còn ở lại. Lệnh là như vậy, nhưng giờ trưa chẳng có tên nào vào trại, thế là anh em chúng tôi tha hồ nhắn gởi về nhà. 
Khi tập trung để đám trực trại điểm số, cũng là lúc nhóm quay phim Thụy Điển làm công việc thu hình. Nhóm này thu hình khi anh em ra cổng trại đi bộ lên chỗ xe buýt đậu trước nhà tên Lưu Văn Hán, trại trưởng toàn trại Nam Hà. Nghe đám trực trại nói chuyện, mới biết là nhóm quay phim Thụy Điển thu hình tại nhà ga Hà Nội, sau đó lên phi cơ vào Sài Gòn để thu hình các anh tại nhà ga Hòa Hưng. 
Tháng sau đó, một anh bạn được vợ đến thăm, nhờ đó mà anh em chúng tôi biết nhóm quay phim Thụy Điển theo anh Đoàn Viết Cảnh -trong số được tha- và gia đình về đến nhà, nhưng không rõ là họ có phỏng vấn gì không.
Khoảng hai tháng sau đó, tên Lực trực trại, vào buồng giam số 1 chúng tôi nói chuyện linh tinh. Sau khi uống tách cà phê, hắn nói:
“Mấy thằng Thụy Điển đểu lắm. Nó quay phim các anh ở đây nó không hỏi ai điều gì, nhưng khi về bên đó nó thuyết minh ngược lại hết làm cho Bộ Công An bị phê bình dữ dội”.
“Họ thuyết minh thế nào vậy cán bộ?”
“Khi thu hình Đội trồng rau trên đường về trại, Ban Giám Thị bảo bó cuốc xẻng lại và vác về cho nó thấy là cẩn thận, nhưng lời thuyết minh trong phim cho rằng trại bắt các anh vác củi về cho trại sau giờ lao động. Nó nói như vậy là vì nó chỉ thu hình từ phía trước, mà phía trước chỉ là những cán cuốc cán xẻng chớ đâu thấy lưỡi cuốc lưỡi xẻng. Còn lúc nó đứng thu âm thanh ở giữa sân, nó thuyết minh là sự khắc nghiệt đến mức mà hằng ngàn tù nhân cũng không dám phát ra một âm thanh nào cả, nghĩa là một không khí im lặng đến nghẹt thở! Đểu đến thế!”
“Đúng là chúng nó đểu rồi”. 
Đó là lời của cụ Hoàng Văn Úy nói theo kiểu vuốt đuôi tên Lực, nhưng trong lòng anh em chúng tôi thầm cười “cái đểu rất đểu với bọn cộng sản quá đểu”. Thế là những màn kịch tồi đã bị nhóm thu hình Thụy Điển vạch trần một cách nghệ thuật. Xin cám ơn các bạn Thụy Điển trong nhóm quay phim ấy. 

Lại một cái Tết trong tù.

Sau khi các anh thuộc chuyến thứ hai ra về, tù chính trị chúng tôi còn lại vừa hơn 400, chuẩn bị “ăn Tết”. Tết đầu 1985 này có cái đặc biệt, rất đặc biệt. Đó là trại trưởng Bùi Dênh cho phép tất cả vợ con của tù chính trị đang có mặt tại nhà thăm nuôi ngày 30 Tết, được ở lại “ăn tết” với chồng. Theo cái lệnh đặc biệt đó, các anh sau đây được sống với vợ con trong 3 ngày Tết: Anh Vĩnh Thái, (Trung Tá Nhảy Dù), anh Trần Hiệp Thới, anh Nguyễn Minh Công, anh Huỳnh Quang Minh, và anh Huỳnh Chí Tài (anh Tài quốc tịch Hong Kong).
Lần đầu tiên, sáng Mồng Một, phái đoàn tù chính trị gồm các anh Đội Trưởng và Tổ Trưởng do tên Dục hướng dẫn lên nhà trại trưởng chúc Tết. Nhưng Lưu Văn Hán, trại trưởng Nam Hà đã về quê ăn Tết, giao lại cho Đại Úy Tân, phụ trách giáo dục toàn trại. Tên Niệm mở đầu:
“Nhân ngày đầu năm, Ban Giám Thị muốn tiếp xúc với đại diện trại viên (họ gọi tù chính trị chúng tôi là trại viên) và các gia đình đang được thăm gặp thân nhân, để chuyển lời thăm hỏi và chúc mừng đầu năm của Trại Trưởng. Bây giờ mời một anh đại diện phát biểu”.
Trước khi ra cổng trại, các bạn tôi giao tôi trách nhiệm đáp lời nếu như họ bảo tù chính trị chúng tôi làm việc đó. Sau khoảnh khắc im lặng, tôi đẩy ghế, đứng dậy:
“Thưa Ban Giám Thị và các cán bộ, thưa các Anh các Chị. Tôi được phép thay mặt các bạn tôi có măt trong phòng này, chúc Ban Giám Thị, chúc cán bộ và gia đình, một năm mới nhiều sức khỏe. Xin chúc các Anh Chị được vui vẻ bên nhau trong mấy ngày Tết lạnh buốt nơi đây. Tôi xin hết lời”.
Nói xong, tôi vòng qua bên kia bàn, trao cho con gái của anh chị Thới và hai con của anh chị Tài, mỗi cháu một nhánh đào bé bỏng mà tôi ngắt từ cành đào thật lớn bên cạnh, với lời chúc mừng các cháu thêm một tuổi. 
Đến chị Trần Hiệp Thới thay mặt các chị, chúc Tết Ban Giám Thị và mời họ một trái dưa hấu. Trái dưa này của chị Vĩnh Thái đưa chị Thới làm quà đầu năm, xem như “có qua có lại” cho sòng phẳng. 
Không phải trưởng trại A Bùi Dênh chúc Tết chúng tôi, mà là Đại Úy Tân, phụ trách giáo dục toàn trại. Cùng lúc, mấy tên Công An trong bộ phận tổ chức và kế hoạch mời chúng tôi uống trà với thuốc lá đen. Thường ngày chúng nó có việc cần là vào trại bảo chúng tôi làm việc như điên, bây giờ chúng tôi ngồi vào ghế để chúng nó mời thuốc mời trà lia lịa. 
Sau đó, các anh chị được thăm gặp nhau trở ra nhà thăm nuôi, anh em chúng tôi quay vào trại. Vẫn là những trò giải trí như năm trước, cờ tướng, đá banh, đánh banh (bóng chuyền). Đó là phần nhiệm của tổ văn hoá, còn đàn hát thì buồng giam nào cũng có. Các bạn “chạy sô văn nghệ” tại các buồng giam như anh Lương Trọng Lạt (Thiếu Tá Cảnh Sát), anh Vũ Quang Tĩnh (Đại Úy Cảnh Sát), anh Phạm Duy Thanh (Thiếu Tá Cảnh Sát), anh Nguyễn Phan Đệ (Đại Úy), anh Phạm Gia Đại (viên chức cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ tại Nha Trang), anh Bửu Uy (Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo), anh Đặng Hoàng Long (họa sĩ, thông dịch viên), và anh Nguyễn Văn Quí (Đại Tá Cảnh Sát). Thật ra thì rất nhiều anh không thuộc tổ văn nghệ, nhưng tiếng đàn giọng hát vững vàng lắm. 
Ngoài các anh kể trên, còn có các anh Lâm Minh Sơn (Thiếu Tá) có biệt danh “Sơn gà tre” vì khi đá banh anh chạy nhanh lắm, Lê Thành Kỉnh (Tuyên Úy Phật Giáo), Chu Mạnh Bích (Đại Úy, lái phi cơ C130), Nguyễn Minh Chí (một trong những bạn rất trẻ), anh Phan Văn Minh (Đại Tá Không Quân), anh Vĩnh Thái (Trung Tá Nhẩy Dù), ..v..v... 
Đâu đã hết, còn có các anh thuộc hàng “thợ ca” như anh Nguyễn Khoa Phước (Nghị Sĩ), anh Vĩnh Biểu (Đại Tá), anh Phạm Kim Tấn, Nguyễn Hữu Vị, anh Đinh Tiến Dũng, anh Nguyễn Dũng, anh Nguyễn Văn Năm (Đại Úy, lái khu trục phản lực), Trương Đình Thăng, Triệu Huỳnh Võ (anh Thăng với anh Võ là Đốc sự hành chánh). Trong số này có hai “thợ đàn với thợ ca” thuộc hạng siêu là anh Nguyễn Văn Năm với anh Nguyễn Dũng. Hai bạn này cạnh nhau, sau khi nằm yên trong mùng thì anh Năm đàn anh Dũng ca. Tiếng đàn với tiếng ca thật nhỏ. Nói nghe có vẻ quá lời, thật ra hai anh có thể đàn hát tới sáng cũng chưa hết bài hát thuộc lòng nữa quí vị quí bạn à!

HQPD_1334792574.pngTối Mồng Một Tết trong buồng giam số 1, chúng tôi quân quần bên nhau trên sàn gác, uống trà uống cà phê đàn ca hát xướng. Chỉ cần một tiếng đồng hồ, anh Đặng Hoàng Long vẽ xong chân dung tôi (bên cạnh), và vẽ một hoạt cảnh bằng bút chì. Ôi thôi, “ca nhạc sĩ” đủ kiểu ngồi nằm vừa đàn vừa hát, áo quần ngổn ngang trên những giây giăng mùng, những túi những lon móc đầy trên vách, đằng sau “ban nhạc” là anh Nguyễn Văn Sảo (Đại Tá An Ninh Quân Đội) “thưởng thức văn nghệ bỏ túi” trong thế ngồi bó gối, có vẻ như anh đang buồn ngủ? Cứ sau khi đám trực trại khóa cửa buồng giam, chúng tôi tự cho mình được tự do ca hát, mà hát toàn những bài liên quan đến đời sống chiến đấu lẫn đời sống tình cảm thời chiến tranh giữ nước. Hát nhạc ngoại quốc, phải công nhận anh Lê Minh Đảo (Thiếu Tướng), anh Phạm Kim Tấn, anh Bửu Uy, anh Vĩnh Biểu, anh Phạm Gia Đại, anh Chu Mạnh Bích, thuộc nhiều mà hát hay nữa. Trong chốn riêng tư của con người, đêm đêm cái đám Công An vào đứng hay ngồi bên ngoài cửa sổ các buồng giam để nghe đàn hát. Những khi không nghe đàn hát, chúng nó yêu cầu chúng tôi hát những bài hát mà chúng nó muốn nghe cứ như “chương trình nhạc yêu cầu” vậy. 
Ngày Mồng Hai Tết, anh Lại Đức Chuẩn, tổ trưởng tổ dịch thuật bên buồng giam số 2, tổ chức văn nghệ có ăn trưa hẳn hòi. Từ 9 giờ sáng đến 1 giờ trưa ngưng lại ăn cơm. Ăn xong tiếp tục phần hai, nhưng có lẽ “mở heo” (từ thịt kho) bám vào thanh quản nhiều quá nên “các ca sĩ” xuống phong độ và chấm dứt sớm. 
Thưa quí vị quí bạn, đó là niềm vui trong cái đắng cay của những người thua trận chúng tôi, nhưng đó cũng là cách góp phần giúp chúng tôi giữ vững nghị lực mà tin tưởng ngày mai, dù ngày mai vẫn là niềm hy vọng chưa có câu trả lời rõ nét.
Còn lại một ngày nghỉ nữa, tôi đưa anh Đặng Hoàng Long mấy tờ giấy “bristol” mà tôi ăn gian của mấy tên Công An nhờ tổ văn hoá trang trí đám cưới của chúng nó, để anh Long vẽ chân dung cho anh nào muốn lưu lại cái kỷ niệm đắng cay trong trại tập trung! 

Tưởng cũng nên kể lại quí vị quí bạn biết qua cách trang trí đám cưới của chúng nó để có khái niệm về lễ cưới của thanh niên xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc. Phần phụ trách trang trí là anh Đinh Tiến Dũng với anh Đặng Hoàng Long. Trên tờ giấy trắng dầy, anh Long vẽ hai trái tim đỏ lòm chồng lên nhau, viết hai mẫu tự đầu của cô dâu chú rể ngay giữa hai trái tim. Trên cuống hai trái tim có hai sợi giây tơ hồng quyện vào nhau do hai con chim bồ câu cắn hai đầu giây đó trong tư thế đang bay. Vẽ xong, dán lên tấm phông trắng treo trên vách sân khấu hoặc tương tự như vậy nếu ở nhà riêng. Bên trên có hàng chữ trăm năm hạnh phúc cắt giấy màu dán lên. Trong khi đó, anh Dũng dùng loại giấy xấu có màu xanh lá cây cắt thành bụi tre. Gần trên ngọn tre có mặt trăng bằng giấy màu vàng. Cạnh bụi tre, vẫn giấy màu xanh, cắt hình một nam một nữ dìu nhau dưới ánh trăng. Toàn bộ đó dán bên trái tấm phông, còn bên phải tấm phông dùng giấy màu tím màu vàng màu đỏ cắt hình một ban nhạc với đầy đủ nhạc công nhạc khí. Trên nền trắng còn lại, cắt những ngôi sao với những nốt nhạc dán lên đó. Đấy là tấm phong gọi là hoàn chỉnh cho một đám cưới.
Anh Long với anh Dũng thường phá chúng nó bằng cách, vẽ hai sợi giây vừa quấn vào nhau mà vừa đá nhau, còn anh Dũng cho chân chúng nó đá nhau dưới ánh trăng, nhưng chỉ có “phe ta” biết chớ chúng nói làm sao biết được cách chơi “xỏ lá” đó. 

Đổi tiền lần thứ ba. 

Trung tuần tháng 9 năm 1985, đây là lần thứ ba chúng nó đổi tiền. Lần thứ nhất vào tháng 09/1975, lúc ấy họ tự qui định 1 đồng của họ bằng 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa cũ. Lần thứ nhì họ gọi là thống nhất hai đồng bạc miền Nam với miền Bắc theo trị giá đồng bạc miền Nam. Bây giờ họ lại tự qui định 1 đồng mới bằng 10 đồng cũ. Nói cách khác, 1 đồng bây giờ bằng 5.000 đồng Việt Nam Cộng Hòa trước.
Sáng sớm ngày đổi tiền, khi nghe cái loa của trại loan tin tôi chạy tìm tên Dục, đang là cán bộ giáo dục của trại A trong khi chờ tên khác đến thay vị trí tên Vũ Quấc buộc phải về hưu:
“Cán bộ có thể đổi giúp giùm tôi ít tiền được không?”
“Anh có nhiều không?”
“Tôi và các bạn gộp lại được 1.200 đồng”.
“Được. Anh đưa tôi”.
Đến chiều, hắn mang vào trại đưa tôi 120 đồng mới. Tôi đưa nó 20 đồng:
“Cán bộ giữ cái này uống cà phê”.
“Không. Các anh chẳng có bao nhiêu, giữ mà tiêu”.
Để sòng phẳng, sáng hôm sau tôi tặng hắn cái áo thể thao với màu sắc rất đẹp. Trông thấy là mắt hắn sáng lên trong khi miệng cám ơn lia lịa. Áo này tôi mua lại của anh Nghiêm hồi năm ngoái với giá 200 đồng. Ở đâu không biết chớ tại trại tập trung này, đám Công An mê hàng sản xuất từ Hoa Kỳ lắm, cứ thấy nhản hiệu USA là sáng mắt ngay.
Công An Dục rất trẻ, tuy đôi lúc bốc đồng nhưng chẳng mấy khi gắt gỏng. Hắn cũng “ngậm” như những tên khác, nhưng được một điều là khi có việc nhờ hắn thì hắn làm ngay. Hầu hết anh em chúng tôi chủ trương sòng phẳng dứt khoát với đám Công An để không dây dưa với chúng nó. 

Về trường hợp tên Vũ Quấc ra rìa và bắt buộc phải về hưu, làm cho hắn xem những đồng chí áo vàng (đồng phục của Công An) của hắn là thù địch. Chuyện là mấy tháng trước, hắn xin đi áp tải tù chính trị duy nhất vào Nam, đó là anh Ung Ngọc Nghĩa, trước kia là đảng viên chính trị. Anh Nghĩa là em ruột của Ung Ngọc Ky, tên cộng sản tập kết ra Bắc năm 1954. Trong khi Vũ Quấc vào Nam, cái đám chi bộ đảng của hắn tại trại Nam Hà A này, đưa tên hắn vào danh sách đề nghị cưỡng bách về hưu. Vũ Quấc là tên Công An vừa tham vừa thâm lại vừa độc, ngay cả với những “đồng chí” của hắn nếu như họ không đứng trong phe cánh với hắn. Theo tên Dục nói lại thì trong một tháng ở Sài Gòn, Vũ Quấc được anh Dương Huy Nam hướng dẫn đến một số các anh tù chính trị về trước để xin tiền. Trở về trại là hắn tối tăm mặt mũi, khi biết bị đám đồng chí của hắn chơi một đòn quá nặng. 
Tôi không rõ là hắn đã gởi đơn tố cáo các đồng chí của hắn ra sao, nhưng hắn nói với tôi thế này:
“Rồi đây sẽ có phái đoàn trung ương đến đây thanh tra, nếu họ có hỏi anh thì anh nói là cả trại này chỉ có ông Quấc là có uy tín, còn thì thối nát cả”.

Thưa quí vị quí bạn, đúng là cái đám Công An trại này đều thối nát, nhưng Vũ Quấc là tên thối nát hơn tất cả, mà ăn nói cũng ngược ngạo hơn tất cả. Hắn nói như vậy, rõ ràng là hắn không hiểu tôi chút nào, và đó là sự thành công của tôi. Tôi nói “thành công”, vì tôi luôn “giữ cái tẩy” để chúng nó không nhận ra được con người thật của tôi đối với chúng nó. Lúc nào cần sòng phẳng tôi sòng phẳng, lúc nào cần xỏ lá là xỏ lá. Có lẽ nhờ vậy mà hắn hiện nguyên hình của một tên Công An ác ôn độc hại khi hắn nói với tôi câu ấy. 
Điển hình cái tham cái độc của Vũ Quấc. Tháng 01/1985, khi anh Liêm (Thiếu Tá) Đội trưởng đội thợ mộc được ra trại, hắn bảo anh Liêm ăn cắp dụng cụ đồ nghề của thợ mộc gồm cưa, bào, đục, giũa, búa, khoan, đem về buồng giam, rồi lúc thuận tiện sẽ có tù hình sự đến lấy đem ra phòng hắn bên ngoài cổng trại. Đến chú Vượng có thời gian giữ kho dụng cụ, trước khi được ra trại, hắn bảo ăn cắp mai xén đất, cuốc bàn, cuốc chim, xà beng, búa tạ, dao lớn dao nhỏ dao dài dao ngắn, bao bọc lại rồi lén mang đến phòng hắn vào buổi trưa. Đâu đã hết tham, hắn xuống buồng giam số 18 thấy mấy tấm “lưới chống B40”, hắn bảo mấy anh tù hình sự tháo ra rồi gập lại cho ngắn gọn, bỏ vào giỏ rác, buổi trưa khiêng ra cổng đổ vào đống rác. Hắn lại bảo anh hình sự phục vụ khu doanh trại, chờ giờ nghỉ trưa lén mang đến phòng hắn, để hắn mang về nhà đúc cái sân thượng nho nhỏ. Nhưng cái số của hắn đã mạt càng thêm mạt, vì cuộn lưới cuối cùng trên đường đến phòng hắn thì tên Công An gác cổng kêu dừng lại xét, và bắt tại trận. Không biết hắn có bị gì không, nhưng anh hình sự bị đuổi về Đội đi lao động, không được phục vụ ngoài khu doanh trại nữa. Cái khác biệt giữa theo đội đi lao động với phục vụ khu doanh trại bên ngoài, tuy cùng là lao động nhưng lao động khu doanh trại tự do hơn, vì chỉ có một mình nên sự đi lại dễ dàng, nhưng ngược lại khi tên Công an nào bảo gì thì làm nấy.
Về hưu cũng là một vấn đề dưới chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc. Không phải nói về hưu là nghỉ ngay đâu. Trước khi thật sự nghỉ hưu, họ được về nhà nghỉ chơi từ hai đến năm năm tùy từng đơn vị, sau đó mới thật sự về hưu. Trong thời gian “đuổi gà cho vợ” họ vẫn hưởng những quyền lợi như đang làm việc, như tiền lương, được phân phối gạo, thịt, đường, với giá như cho không. 

Trại trưởng mới, tù nghẹt thở.

Không biết có phải do “chính sách riêng” của Bùi Dênh về việc nới lỏng đối với tù chính trị chúng tôi hay không, mà sau Tết thì Đại Úy Tân, cán bộ giáo dục toàn trại Nam Hà, thay thế Bùi Dênh trong chức vụ trưởng trại Nam Hà A. Chỉ biết rằng, theo mấy “thằng chèo” biệt danh do chúng tôi đặt ra để chỉ đám Công An cai tù, trong khi người dân vùng này gọi chúng nó là “chó vàng”, nói chuyện với nhau thì nguyên nhân do Bùi Dênh “nới lỏng chúng tôi” nhưng lại “siết chặt chúng nó”. Chữ trói chặt, chúng tôi suy đoán có lẽ do Bùi Dênh nắm quyền trực tiếp quyết định những vấn đề liên quan đến sinh hoạt của tù chính trị thì phải, bởi đó là cánh cửa để chúng nó kiếm “chút cháo” từ chúng tôi.
Cũng không biết có phải vì vậy hay không, mà tên Tân “bô lô ba la” khi nắm quyền trưởng trại là bắt đầu siết chúng tôi lại, và phần thăm gặp gia đình là hắn siết chặt nhất. Điển hình là rất ít trường hợp được thăm gặp 24 tiếng đồng hồ, và tuyệt đối không có trường hợp nào quá 24 tiếng đồng hồ cả. Hạn chế gắt gao nấu nướng và trồng rau cải trong khuôn viên buồng giam. Có lần đám tù hình sự coi chúng tôi đá banh rồi đánh nhau đến đổ máu, thế là hắn cấm đá banh luôn. Từ đó, không khí trong trại trở nên nghẹt thở như lúc ban đầu. Chưa hết, hắn còn ngăn cấm những ai đến thăm thân nhân mà mang giúp quà cho người khác, nghĩa là chỉ được mang quà cho thân nhân thôi. Thường khi vợ anh Huỳnh Chí Tài mang theo rất nhiều quà của các chị bạn với ít tiền công để làm lộ phí, thế là chị Tài bị bắt buộc phải mang về. Nhưng chị ấy mang ra bưu điện Ba Sao gởi, thông thường thì bưu điện Ba Sao gọi trong trại ra lãnh, và trường hợp này thì Tổ văn nghệ của anh Phạm Kim Qui được cử đi.

Đẩy xe cải tiến ra bưu điện Ba Sao nhận bưu kiện, cũng là niềm vui nho nhỏ của tù chính trị chúng tôi. Cứ mỗi lần đi như vậy, một số anh em chúng tôi gởi tiền cho các bạn ra đó mua thức ăn, con gà con cá củ khoai bó rau hay bánh kẹo. Thường khi hướng dẫn ra bưu điện Ba Sao là tên Dục phụ trách cùng với một tên võ trang. Tổ Văn nghệ đưa tiền cho tên Dục giữ lúc ra cổng trại, trên đường ra Ba Sao thì hắn đưa lại anh em. Tất nhiên khi mua hàng thể nào cũng mua cho hắn món gì đó để gọi là sòng phẳng, thế là mọi việc đâu vào đó. Đến Ba Sao, mấy bà trong cái chợ chồm hổm này thấy tù chính trị chúng tôi là mừng lắm, có món gì cũng mời gọi vì các bà ra giá bao nhiêu chúng tôi mua bấy nhiêu, mua không cần trả giá mà lại mua nhiều nữa. Các bà bán hàng gọi chúng tôi là “tù miền Nam” trong khi đám thanh thiếu niên gọi chúng tôi là “tù áo hoa”. Cả hai tên gọi mà người dân ở đây gắn cho chúng tôi, nghe như chỗ thân tình chớ không nhằm châm chọc. 
Một hôm, anh Thanh hỏi mấy cậu bé đứng xem mua hàng:
“Em học lớp mấy?”
Mấy đứa cùng trả lời, đứa lớp 5 đứa lớp 4. Anh Thanh hỏi tiếp: 
“Lớn lên mấy em muốn làm gì?”
Đám trẻ như tranh nhau trả lời, tuy cách dùng chữ có khác nhau nhưng cùng chung một nghĩa:
“Em muốn làm tù áo hoa”.
Không phải riêng anh Thanh mà các anh cùng đi đều ngạc nhiên. Một anh hỏi tiếp: 
“Tù áo hoa tức là như mấy anh đây phải không?”
Thằng bé tỉnh bơ, cứ như trong sự suy nghĩ non nớt của nó hình thành từ bao giờ: 
“Phải”. 
“Tại sao em muốn làm tù áo hoa?”
“Tại vì làm tù áo hoa sướng hơn”.
Trả lời xong là cả đám cháu ngoan của ông Hồ vừa cười vừa chạy, cứ như chúng nó bằng lòng với lời bày tỏ ước vọng tương lai của chúng nó vậy.
Thưa quí vị quí bạn, “tù áo hoa” vì những bộ đồ rằn ri tức đồ trận mà anh em chúng tôi mặc, do họ lấy trong các kho của Tiếp Vận quân lực Việt Nam Cộng Hòa và phát cho chúng tôi sử dụng, và chúng tôi thường mặc khi thời tiết vào đông. Do vậy mà các “đấng nhi đồng với thanh thiếu niên xã hội chủ nghĩa” nơi đây gọi chúng tôi là “tù áo hoa”. Nhưng tại sao các “đấng thiếu niên” đó nói như một ước vọng khi lớn lên làm tù áo hoa sướng hơn? Chữ “sướng hơn” mà cậu bé lớp 5 sử dụng, trong một mức độ nào đó, đã thể hiện rõ nét về đời sống người dân quá khổ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa 20 năm trên đất Bắc này, hay ít nhất cũng là trong khu vực nơi đây! Khổ đến mức tuổi lên mười cũng nhận ra được, và lớp tuổi này cũng nhận ra mức sống của tù chính trị chúng tôi trong trại tập trung để so sánh. 
Trở lại với tên trại trưởng Đại Úy Tân. Hắn có giọng nói ngọng nghịu, cái tật hay nói nhưng sau khi nói quá nhiều thì hắn nói là hắn không muốn nói nhiều. Chúng tôi nói hắn “bô lô ba la”, vì khó khăn lắm hắn mới thoát ra khỏi một đề tài để sang đề tài khác. Vì sự hách dịch và bóp chẹt thăm gặp gia đình, bóp chẹt sinh hoạt trong trại, và cả lao động nữa, một số anh em chúng tôi, nhất là anh Qui với anh Chuẩn, thường cho hắn khi hắn ngửa tay xin thuốc tây cho vợ chồng hắn, đồng ý bóp chẹt lại hắn. Họa hoằn lắm mới nhả ra cho hắn chút chút sau vài lần xin. Đó là cách “trả đủa thụ động” mà chúng tôi có thể làm được. 
Chẳng hiểu chúng nó sắp xếp ra sao, mà tên Thắng “chuột” lại được làm quản giáo nhà thăm nuôi nữa. Chúng tôi gắn cho hắn chữ “chuột” theo sau cái tên của hắn, vì “cái mỏ” của hắn dài và nhô ra trông như mỏ con chuột vậy. Tân “bô lô ba la” với Thắng “chuột” kết lại nhau, càng làm cho trại Nam Hà A này mất sinh khí.
Tháng 06/1986, sau khi vợ tôi đến thăm, cùng với các chị bạn trở lên Hà Nội đề về Sài Gòn. Lúc ấy vùng Thanh Hóa bị cơn bão tàn phá nhiều nhà cửa cầu đường, và xe lửa không lưu thông được vì một đoạn đường rầy hư hỏng. Tất cả các chị từ Sài Gòn ra thăm nuôi đều bị kẹt lại, mà theo thông báo của nhà ga Hà Nội ít nhất phải chậm lại một tuần. Vợ tôi với chị Tài và hai con của chị, mua một ít trái cây trở xuống trại tập trung Nam Hà trao cho chồng. Không phải riêng của tôi với anh Tài, mà còn vài chị bạn cũng gởi thêm chút ít. Nói nghe có vẻ nhiều lắm, nhưng thật ra mỗi người chỉ một gói vàì kí lô thôi vì sợ trại không cho gặp. 
Tên Tân đi khỏi, tên Thụng trại phó không cho gặp. Tên Thung là tên đã uy hiếp tôi bằng cách dùng cây nhọn xoáy nhẹ vào lưng tôi khi phái đoàn Pháp chọn tôi để gặp họ. Tôi nhét cho tên Dục 100 đồng, hắn xoay sở thế nào với đám trực trại mà hắn dắt tôi ra nhà thăm nuôi lúc giữa trưa, và chỉ ở đó trong một tiếng đồng hồ. Khi theo tên Dục vào trại, tôi yên tâm là sáng mai vợ tôi với chị Tài mới ra Phủ Lý. Thế nhưng khi tôi vào đến nhà trực trại thì Thắng “chuột” lù lù tới. Hắn hằn học với tôi, kèm theo nụ cười lúc nào cũng nham hiểm: 
“Ai cho anh ra gặp vợ anh?”
“Tôi không biết. Cán bộ gọi tôi thì tôi đi”.
“Anh có mang thư ra không?”
“Không”. 
Tôi trả lời cộc lốc mà không dùng chữ báo cáo cán bộ.
“Anh có mang tiền vào không?”
“Cán bộ gọi cán bộ trực trại xét tôi đi”.
“Tôi sẽ xét vợ anh xem có thư anh thì anh biết tay tôi”.
“Cán bộ có quyền thì cán bộ cứ xét đi”.
Sau đó không biết Thắng “chuột” nói nặng nói nhẹ gì vợ tôi, mà chú hình sự tôi thường “thuê” chuyển thư “chui”, khi vào trại cho tôi biết là vợ tôi với chị Tài cùng hai con của chị ấy, đi bộ ra Ba Sao ngay lúc xế chiều. Anh ta nói thêm là đoạn đường từ trại ra Ba Sao cũng như từ Ba Sao ra Phủ Lý, từ giờ đó không có xe nào ra Phủ Lý cả. 
Lần thăm nuôi sau đó, vợ tôi thuật lại chuyện hôm ấy như thế này. Hắn hạch hỏi:
“Chồng chị có đưa thư cho chị mang về không?”
“Không có thư gì cả, vì tôi đến thăm thì chồng tôi đâu cần gởi thư”.
“Bây giờ chị phải đi khỏi nhà thăm nuôi”.
Tức quá! Vợ tôi, chị Tài và hai con của chị, đi bộ ra Ba Sao, hy vọng có xe ra Phủ Lý. Người dân ở đây cho biết là không có xe nào ra Phủ Lý vào giờ này đâu, mà ở Ba Sao cũng không có nhà trọ. Thế là vợ tôi với chị Tài quyết định đi bộ, cũng nuôi chút hy vọng mong manh là dọc đường biết đâu có chuyến xe nào ra Phủ Lý quá giang. Cứ thế mà đi! Đi 17 cây số đường đồi đất đá! Không chiếc xe nào ra Phủ Lý! Không một quán nước bên đường để giảm cơn khát! Chập choạng tối mới đến Phủ Lý! Chờ xe lửa lên Hà Nội. Trở lại đến nhà trọ thì tay chân đều sưng lên, trong khi bụng đói, người mệt lả! Trong tình cảnh đó, các chị bạn giúp đỡ xoa bóp và nấu cho chén cháu đỡ lòng thay vì cơm nặng bụng. Hai ngày sau mới giảm bớt, và hai ngày sau nữa lên xe lửa về Sài Gòn. 
Thật lòng mà nói, tôi không thể nào tưởng tượng được là vợ tôi đã đi bộ trên quảng đường dài đến như vậy! Và cũng không thể nào tưởng tượng được là vợ tôi chịu đựng nỗi cái tức trong lòng do tên Thắng “chuột” gây ra, dẫn đến cái khổ về thể xác đến như vậy! 
Điều gì đã giúp vợ tôi vượt lên cái đau cái tức đó? “Phải chăng là tình yêu chồng cộng với tình thương con?” Vợ tôi đã xác nhận như vậy, và nói bên tai tôi rằng:
“Khi Anh vào tù, cuộc sống của Anh và tương lai các Con chính là cuộc sống của Em, như mình đã đồng ý với nhau từ những ngày đầu viết thư qua lại cho nhau”. 

Ánh sáng cuối đường hầm. 

Trước khi nhận ra chút ánh sáng, xin mời quí vị quí bạn đến thăm tiến sĩ Nguyễn Duy Xuân một chút. Tiến sĩ Xuân một thời là Tổng Trưởng Kinh Tế, một thời là Việt Trưởng Viện Đại Học Cần Thơ. Trong thời gian bị giam tại trại Nam Hà này, ông gởi mua sách học tiếng Nga để tự học. Ông nói với tôi là tiếng Nga cũng không khó như ông tưởng. Tôi quen biết với ông từ năm 1964. 
Tại trạm xá có một “bác sĩ” Công An, nhưng thật sự là bác sĩ Trương Văn Quýnh điều hành. Bác sĩ Quýnh từng là Giám Đốc Bệnh Viện Sài Gòn chuyên về cấp cứu, ông có uy tín trong giới y khoa thuở ấy. Phần lớn bác sĩ thời Việt Nam Cộng Hòa đều bị giam ở các trại tập trung trong Nam, nhưng bác sĩ Quýnh và một số ít bác sĩ khác bị chúng nó đưa ra giam giữ cùng chúng tôi trên đất Bắc, do là thành viên của đảng chính trị hoặc do chúng nó gắn cho cái tội trời ơi gì đó. Tuy lúc ấy bác sĩ Quýnh không thấy rõ nếu không nói là gần như bị mù, nhưng ông giúp anh em chúng tôi rất nhiều về kinh nghiệm chuyên môn của ông. Anh em chúng tôi rất quí trọng ông. 
Tôi nhớ hôm ấy là buổi sáng, một anh đau răng đến trạm xá nhờ ông nhỗ, ông Quýnh vừa cười vừa nói.
“Ngồi đó đi, tôi nhổ răng không đau đâu, anh đừng sợ”. 
Vì ông không thấy rõ, nên ông cho tay vào miệng bệnh nhân lắc lắc từng cái răng, và hỏi liền miệng:
“Phải cái này hông? Phải cái này hông? Phải cái này hông?” Đến cái răng thứ tư, bệnh nhân đáp vội vàng:
“Đúng rồi. Đúng rồi. Cái đó đó bác sĩ”.
Bác sĩ Quýnh cầm cái kềm, lựa thế để kẹp cái răng, và chỉ một tiếng “phựt” là cái răng ngoan ngoản theo cái kềm ra ngoài. Súc miệng xong, bệnh nhân ngậm miếng bông gòn chút xíu rồi khoan khoái trở về buồng giam. Chiều hôm ấy, anh “bệnh nhân” trở xuống trạm xá, lớn tiếng từ ngoài cửa:
“Cái răng đau của tôi còn nguyên, vậy mà ông nói ông nhổ răng không đau. Bây giờ ông nhổ lại cho tôi đi”.
Bác sĩ Quýnh tỉnh bơ: 
“Tôi hỏi anh đàng hoàng, anh chỉ cái răng cho tôi nhổ chớ có phải tôi tự ý đâu”. 
Ông cười cười với giọng nửa đùa nửa thiệt: 
“Hồi sáng tôi có nói với anh là tôi nhổ răng không đau, anh cũng đồng ý mà”. 
Rồi ông trở nên nghiêm chỉnh:
“Thôi. Ngồi xuống đây, tôi nhổ cái răng đau cho anh với điều kiện anh phải chỉ đúng cái răng đau à nghe”. 
Trở lại trường hợp tiến sĩ Nguyễn Duy Xuân. Sau khi khám bệnh ông Xuân trong lúc tôi đang xin miếng bông gòn thoa vết trầy ở chân, bác sĩ Quýnh kéo tay tôi bảo sờ ngực trái sát trên xương vai của ông Xuân:
“Cậu Hai có thấy gì không?” Ông thường gọi đùa tôi là “cậu Hai”.
“Không bác sĩ. Tôi không cảm thấy gì hết”.
Ông lại bảo tôi sờ lần nữa, tôi vẫn không cảm nhận gì cả. Ông nói: “Vậy hả”. Rồi im lặng. Mãi đến khi ông Xuân rời khỏi trạm xá ông mới nói:
“Sát trên xương vai trái ông Xuân có cái u nho nhỏ, phải mạnh tay một chút mới cảm thấy. Theo kinh nghiệm của tôi, đó là triệu chứng ung thư. Thông thường, cái u đau thì không nguy hiểm trong khi mấy anh thấy đau thì sợ, nhưng thật sự cái u không đau mới là đáng sợ. Ông Xuân trong trường hợp thứ hai”.
Tôi nghe vậy hay vậy chớ biết gì đâu mà bàn luận. Mấy hôm sau, ông Xuân nghe được lời chẩn đoán của bác sĩ Quýnh, ông xuống trạm xá phản đối lời chẩn đoán đó của bác sĩ Quýnh. 
Sau lần thứ hai bệnh viện Phủ Lý khám nghiệm ông. Bác sĩ cộng sản tại đó hỏi bác sĩ cộng sản trạm xá Nam Hà:
“Tôi nghe nói trong trạm xá của trại có anh bác sĩ gì đó giỏi lắm, anh ấy còn trong đó không?”
“Bác sĩ cộng sản của trạm xá trả lời: 
“Còn. Anh ấy vẫn còn trong trại”.
“Anh bác sĩ đó có nói anh này (tức anh Xuân) bị bệnh gì không?”
“Anh Quýnh cho biết đó là triệu chứng ung thư”.
Anh bác sĩ cộng sản ở bệnh viện Phủ Lý, buông một câu như lời khen thầm kín:
“Ít ra cũng có một bác sĩ chẩn đúng bệnh. Đúng là anh ấy giỏi”.
Và rồi sau đó bệnh ung thư của ông Xuân phát triển rất nhanh. Chỉ trong vài tháng, từ cái u còn sâu dưới lớp da lớn dần và nổi cao lên trên, nếu nhìn theo chiều dài cái trứng gà nhỏ thì nó lớn khoảng một phần ba của cái trứng úp xuống. Lúc ấy ông Xuân không ăn uống gì được nữa. Trại cho phép anh Phạm Hữu Trung (Đại Úy Cảnh Sát), từ buồng giam số 1 xuống trạm xá giúp chăm sóc ông Xuân. Anh Trung rất kiên nhẫn, cứ mỗi lần cho được một muỗng nước pha mật ong vào miệng ông Xuân, anh dùng tay liên tục vuốt ở cuống họng mãi năm bảy phút sau muỗng nước ấy mới xuống thực quản. Anh lại từ tốn cho thêm muỗng nước khác vào miệng ông Xuân, và cứ liên tục vuốt như vậy. Rồi cái u ấy di chuyển dần từ trái sang phải, vừa di chuyển vừa tụt dần xuống đến thắt lưng bên phải. Trong thời gian cái u ung thư di chuyển, cũng là thời gian ông lịm dần theo cái chết. Và khi đến thắt lưng, tiến sĩ kinh tế Nguyễn Duy Xuân chết hẳn! Lúc ấy là cuối năm 1986 do ung thư di căn.

Theo lời tên Dục phụ tá giáo dục, trại chụp tấm ảnh để hồ sơ sau này có cơ quan nào cần thì tham khảo. Đây là lần đầu tiên trong số rất nhiều anh em chúng tôi chết tại đây, nhưng có bao giờ nghe họ nói đến cái vụ chụp hình lưu hồ sơ như trường hợp này đâu. Anh em chúng tôi, mỗi người một tay gọi là tẩn liệm ông vào cái quan tài tồi tàn, nhưng không được phép chôn cất ông như hồi anh Trần Hữu Dụng chết, mà họ giao cho hai anh tù hình sự cột hai vòng giây, xỏ cây đòn dài theo quan tài và khiêng như khiêng món hàng gì đó mà ra cổng trại. Gần một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đứng trong sân trại nhìn hai anh tù hình sự từng bước leo lên đường đỉnh sau nhà thăm nuôi, đem chôn ở thung lũng bên kia trại. Đám tang ông Nguyễn Duy Xuân thật là buồn trong cái lạnh buốt của mùa Đông 1986! Thôi thì điểm đến cuối cùng của qui luật trong cuộc sống của mỗi con người, có hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào đâu! 
Tên Dục cho anh em chúng tôi trong tổ văn hoá xem tấm ảnh chụp trước khi để ông vào quan tài. Cứ vài hôm tôi xuống trạm xá thăm ông Xuân, nhưng khi nhìn tấm ảnh, tôi vẫn không thể tưởng tượng nỗi mức độ tàn tạ của ông. Người trong hình, chẳng qua chỉ là bộ xương bao bọc bởi lớp da nhợt nhạt, ở đôi mắt tinh anh của ông ngày nào nay là hai cái hốc sâu thẳm với màu nâu đậm, những cái xương sườn hiện lên rất rõ. Nói chung là không còn chút gì để nhận ra cái xác ấy là tiến sĩ Nguyễn Duy Xuân, Viện Trưởng Viện Đại Học Cần Thơ cả!
Ít lâu sau đó, cháu của ông Xuân đến trại. Với những gì còn lại đã làm biên bản ngay sau khi ông Xuân chết, trong đó thuốc tây rất nhiều, người cháu yêu cầu trại giao cho cựu Chuẩn Tướng Trực sử dụng, vì ông Trực với ông Xuân là anh em cột chèo.

Thưa quí vị quí bạn, đầu năm 1987, sau vài năm gần như im hơi lặng tiếng về những đồn đoán, nay bừng lên niềm hy vọng dù còn là mong manh, do sự kiện đại hội của cộng sản Việt Nam hồi cuối năm qua (1986) đưa ra nghị quyết “đổi mới” còn gọi là “cởi mở”. Dù họ chưa có chính sách nào rõ rệt về đổi mới, nhưng một xã hội xã hội chủ nghĩa ngày càng kiệt quệ đến mức sát bờ vực thẳm, họ phải tìm cách để tồn tại. Và từ trong cách mà họ tìm sự tồn tại đó, biết đâu vấn đề tù chính trị chúng tôi lại là một cách góp phần “giúp họ” chăng?
Những ngày đầu năm âm lịch năm nay không có cái ồn ào vui nhộn với những thi đấu thể thao, cờ tướng, văn nghệ như những năm gần đây, nhưng bù lại là cái không khí vui vẻ bàn luận về “hy vọng ngày ra trại”. Đó đây trong các buồng giam đều có cảnh tụm năm tụm ba quanh chén trà điếu thuốc, râm ran bàn luận và lần này kết thúc với lời chúc “đoàn tụ gia đình”. Nhưng trong chốn riêng tư, khá đông anh em tù chính trị chúng tôi vẫn giữ mức lạc quan dè dặt. Trong sự dè dặt đó, tôi nói với cụ Hoàng Văn Úy và ông Trương Đình Nam, cả hai cùng là đảng viên Việt Quốc:
“Cụ ơi! Tôi tin là trong đường lối mới của họ có ảnh hưởng đến mình, nhưng tôi cho rằng, nếu điều đó có thành sự thật cũng phải từ nửa cuối năm nay hay chậm hơn nữa chớ không sớm đâu, vì họ cần ổn định cơ cấu lãnh đạo mới của họ. Cụ với ông Nam nghĩ sao?”
Cụ Úy đáp: 
“Tôi đồng ý là có ảnh hưởng tốt, nhưng về thời gian có thể phải sang năm (1988) chớ năm nay chưa đâu ông. Cái bọn cộng sản nó lì lợm lắm ”.
Cái không khí lạc quan có vẻ như tràn ngập trại Nam Hà A này. Nơi chốn đông bạn bè thì mức độ lạc quan theo cái lạc quan chung mà thường là lạc quan quá mức, nhưng trong chốn riêng tư thì niềm lạc quan dè dặt vẫn có, vì chẳng lẽ hơn chục năm trong các trại tập trung mà không rút ra được kinh nghiệm gì về bản chất gian trá và ngoan cố của nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam sao! 
Công An tên Sáng chánh thức giữ chức cán bộ giáo dục trại Nam Hà A thay tên Vũ Quấc. Hắn đến buồng này uống cà phê đến buồng kia ăn bánh uống trà vì vẫn còn hương vị ngày Tết, trong lúc uống cà phê tại buồng giam 1, hắn nói với chúng tôi:
“Các anh có triển vọng được ra về nhờ đường lối cởi mở của đảng. Như thế nào thì tôi chưa rõ, nhưng triển vọng như vậy không phải là không thành sự thật đâu”.
Khi hắn ra khỏi phòng, anh em chúng tôi trong tổ văn nghệ, tổ chăn nuôi, với tổ văn hoá bàn luận. Câu chuyện bàn luận của chúng tôi như thế này:
“Các bạn thấy có thể tin thằng này được không?”
“Tôi nghĩ có thể tin được, vì hai điểm: Thứ nhất là tánh hắn không có cái bí hiểm như tên Quấc “đểu”, Thịnh “khuỳnh”, hay Thắng “chuột”. Chưa thấy hắn gắt gỏng với anh em mình, cho nên tôi nghĩ hắn không “nói đại” để uống tách cà phê của anh Qui đâu. Tin thì mình chưa hẳn tin, nhưng nếu nhìn qua các khía cạnh khác có thể giúp chúng ta có yếu tố để tin hắn hay không tin hắn. Thứ hai là xã hội xã hội chủ nghĩa kiệt lực nếu không nói là sắp sụp đổ, biết đâu sự kiện anh em mình ra trại lại là sự đổi chác gì đó với Hoa Kỳ cũng nên. Tôi tin lời hắn, nhưng tin trong mức dè dặt”.
“Tôi cũng có nhận xét tương tự, nhưng thêm một yếu tố nữa. Đó là anh Đàm Quang Yêu mới nhận thư nhà cho biết, dư luận trong Sài Gòn về nguồn tin anh em chúng mình ra về trong ngày gần đây, và sẽ sang Hoa Kỳ mà Mỹ với cộng sản Việt Nam thỏa thuận rồi”.
“Các anh tin thì tin, tôi chẳng tin gì chúng nó cả”.
“Chúng nó là ai mà ông nói? Ở đây chúng mình bàn chuyện giữa Hoa Kỳ với tụi cộng sản Việt Nam, chớ có phải thằng cộng sản nói đâu. Có tin hay hay thì nói ra cùng nghe, còn đúng hay không còn phải chờ chớ có gì đâu mà ông châm chích”. 
“Thôi, đừng cãi nhau các anh ơi! Anh em cứ có tin gì cứ nói ra, biết đâu là từ những tin tức đó mà mình tìm ra được cái lý vững vàng, cho dẫu “cái lý vững vàng đó” có lợi hay không có lợi, nhưng ít ra niềm tin của mình cần có lý có lẽ chớ”.
Câu chuyện chưa kết thúc thì Thịnh “khuỳnh” bước vào cổng khuôn viên buồng giam, chúng tôi xoay sang chuyện bánh mứt. Hóa ra hắn vào đây tìm chú Nguyễn Minh Chí -tù chính trị trẻ nhất trong buồng giam số 1- ra dọn sạch sẽ nhà trực trại.

Đầu tháng 05/1987, vợ tôi từ Sài Gòn ra thăm mang theo đồn đoán liên quan đến tin tức làm xôn xao anh em tù chính trị chúng tôi. Thêm nữa, tin tức không chỉ đồn đoán tại Sài Gòn, mà thư các con tôi từ Hoa Kỳ cho biết, trong Cộng Đồng Việt Nam bên đó cũng có dư luận về tin tức này và tin tưởng sẽ là sự thật. Ngoài tin tức sốt dẻo nói trên, lại có tin không vui của vợ tôi. Đó là sự kiện hồi tuần trước, trong khi vợ tôi lên xe lửa tại Sài Gòn bị đám lưu manh giựt cái túi xách tay mà trong đó có một số tiền đáng kể, gồm của vợ tôi và của các chị bạn gởi ra để các anh có tiền về đường, và cái túi quần áo cũng bị giựt. Nói chung là cả áo quần lẫn tiền bạc đều mất hết. Sau khi khai báo với Công An, vợ tôi quay về gom góp trong nhà và mượn của đứa em trai để trả lại các chị và mua sắm ít đồ dùng. Dù bị mất mát khá nhiều, nhưng vợ tôi vẫn cố gắng ra thăm tôi để nói với tôi về việc anh em tù chính trị chúng tôi rất có hy vọng được ra về.