Tấm Cám ngày nay

From: Kcl23 Aug 2020 11:44
To: ALL1 of 1

Lật lại truyện Tấm Cám: Cô Tấm-một cô gái dở người

Ngày xửa ngày xưa, có một cô Tấm. Cô Tấm mẹ mất sớm, cha đi lấy vợ có thêm cô Cám, sau đó vài năm cha cũng mất. Tấm ở với mẹ kế. Mẹ kế rất cay nghiệt, bắt Tấm làm lụng luôn chân luôn tay, còn Cám được nuông chiều chả phải làm việc gì.

Một lần mẹ kế bảo hai chị em ra đồng bắt cua…

***

Ơ kìa truyện bảo Cám được nuông chiều không phải làm việc gì mà cũng bị sai đi bắt cua đấy thây?

Xem ra từ thời đó nhà văn đã hơi bốc phét rồi.

Tôi bắt đầu chủ nghĩa xét lại từ đây.

Con bống ngáo ngơ

Đi bắt cua, bị lừa, còn mỗi con cá bống bé, Bụt hiện lên. Thế rồi Tấm nghe lời Bụt, lấy cơm đổ xuống giếng, nuôi con bống. Đến đây ai cũng đã biết.

Nhưng mà nuôi con bống để làm gì? Nuôi để làm con pet thì hơi vô lý vì đời đang khổ như thế, Bụt có phép màu thì tặng cái gì thực tế một tí, chứ ai lại đi an ủi một cô gái bé nhỏ, mất cha mất mẹ, đang bị đày ải bằng cách cho một con pet? Thế có khác nào ông gì bảo dân nghèo chịu khó ngắm pháo hoa để an ủi tinh thần.

Bụt cũng thật quan liêu.

Thế nhưng vẫn bị con pet nó lừa.

Đã là cá của Bụt, nuôi bằng một cách rất thần bí, lại suốt ngày bị đe nẹt phải “ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”, tức nói dằn mặt: “Mày ăn cơm nhà tao bấy nay, phải trung thành với chủ. Chớ có thờ năm cha ba mẹ”. Xuất phát điểm cao vòi vọi, lại được đầu tư giáo dục hàng ngày như thế, chắc chắn là để start up cho công cuộc gì vĩ đại. Theo motif của các truyện Cinderella, tôi mạnh dạn đoán nó sẽ được sử dụng làm phương tiện để Tấm cưỡi đi gặp hoàng tử sau này. Vì, chỉ có lái xe riêng thì mới phải răn đe suốt ngày, yêu cầu tuyệt đối trung thành đến thế, chứ sao!

Ấy thế mà nó cũng ngáo ngơ bất tận, được nuôi bao lâu đến tận trưởng thành vẫn nhận không ra chủ, để mẹ con con Cám vừa giả giọng một câu đã mắc bẫy, bị xách cổ làm thịt trong phút mốt. So với con Bạch long của Tam Tạng đi thỉnh kinh thì bống rõ là hàng dạt, hàng fake, em chã.

Dân miệt Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế thường gọi người ngáo ngáo, vụng về, là “bôống”. Khéo nguồn gốc từ con bống con ông cháu cha này mà ra.

Bống hy sinh (không oanh liệt) rồi, còn nắm xương tàn. Tấm đi đào trong vườn khắp nơi tìm xương bống mãi không ra. Gặp con gà kêu cho nó nắm thóc nó bới xương cho thì mới đạt.

Ở đây lại tiếp diễn một sai lầm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến vận mệnh sau này của Tấm.

Và con gà tổ sư tham nhũng

Thứ nhất, con gà ở đâu ra? Trước đó không hề nhắc đến nó. Sau này cũng không. Chỗ này con gà quả thực lai lịch bất minh.

Thứ hai, con gà vừa bới đã ra ngay nắm xương. Chứng tỏ nó là kẻ chứng kiến mẹ con Cám hành hình con bống, biết chỗ chôn xác nạn nhân. Biết mà không tố cáo tội phạm và kẻ phạm tội, đó là phạm tội hình sự.

Thứ ba, con gà không tự nguyện mà phải đòi hối lộ nắm thóc mới bới. Chứng tỏ tâm ý không trong sáng, có dấu hiệu trục lợi.

Thứ tư, nắm xương có phải thực là xương con bống không? Hiện trường vụ sát bống đã được thực nghiệm hay chưa? Xương con bống đã được giám định ADN chưa? Biên bản khám nghiệm hiện trường có được lập theo đúng thể thức không? Cục máu nổi lên trên mặt giếng thật là máu bống hay là vật gần giống, mua ở chợ về? Ngoài con gà, có con nào nữa chứng kiến vụ này? Những con ấy đâu?

Cần đặt ra giả thiết con bống đã cấu kết với con gà để làm giả hiện trường mất tích nhằm trốn tránh nghĩa vụ sắp tới. Thường cái loại ăn sẵn như nó rất hèn nhát, thấy sắp phải dấn thân là xách quần chạy biến.

Nếu thế, cần điều tra tiếp phải chăng đã có một âm mưu làm giả xương con bống, để ăn được nắm thóc, qua mắt ông Bụt? Xét rằng con gà nói trên có sự liên quan chặt chẽ với các quan chức nhiều tỉnh đã từng làm giả cả xương liệt sĩ cũng chỉ để ăn được nắm thóc, cần làm rõ mối liên hệ thủy tổ.

Sau này, chuyên ngành hối lộ Việt Nam có một thuật ngữ cơ bản là “quy ra thóc”, chính là bắt nguồn từ vụ việc này.

Với cô gái dở người

Đến đây xin nói về cô Tấm.

Cô Tấm là một cô gái dở người.

Khi mẹ kế sai hai chị em đi bắt cua. “Tấm chăm chỉ bắt được một giỏ đầy. Cám mải chơi nên chả bắt được gì. Cám liền bảo chị: “Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm, chị hụp cho sâu kẻo về mẹ mắng”.

Tin lời Cám, Tấm ra chỗ sâu hụp xuống. Cám ở trên bờ trút giỏ của Tấm vào giỏ của mình chạy biến”.

Thường những trẻ sống trong cái ách kìm kẹp đay nghiến sẽ tinh khôn hơn tuổi rất nhiều, còn cô Tấm nghe bất cứ ai nói gì cũng tin ngay, thậm chí không thèm sờ lên đầu xem tóc mình có bị lấm bùn thật không. Cái nết này vài năm nữa chồng con vào rồi thì lại suốt ngày lên mạng share đủ các thứ tin nhảm, “các mẹ ơi các mẹ biết gì chưa”, rồi thì lại lên phường uống nước chè buổi sáng.

Đến khi biết bị lừa rồi cũng chỉ biết khóc. Lẽ ra phải nhanh chân chạy về nhà, vật con Cám kia ra vặn nếu chính tay mày bắt cua thì bắt được bao nhiêu con, bao nhiêu con kềnh, bao nhiêu con bé. Lật cái đáy giỏ không dính tí bùn nào (con kia mải chơi mà, có lội xuống ruộng đâu mà giỏ dính bùn) ra chỉ vào đấy, bằng chứng sờ sờ. Thế mà, hỡi ơi, chỉ khóc…

Khi nuôi con bống thì nuôi đâu không nuôi, lại nuôi ngay trong giếng. Cái giếng nước ăn của cả nhà, mà nó bữa nào cũng đổ cơm xuống đấy, có chết không cơ chứ? Con bống thì bé tí bé tẹo nên mới còn sót lại khỏi con mắt gian tà của con Cám, ấy thế mà ngày nào cũng bị tương xuống ít nhất hai bát cơm, xơi làm sao cho hết? Lại chả ô nhiễm thối rinh cả cái giếng của nhà lên không?

Đã thế, cứ mỗi bữa ăn lại vừa đổ cơm xuống giếng vừa nhìn mặt nước lẩm bẩm lầm bầm một mình. Bảo ở Trâu Quỳ hay Biên Hòa mới ra thì ai chả tin.

Tấm rất đụt. Thụ động. Phụ thuộc.

Lần đầu tiên còn bé, gặp Bụt, từ đó về sau Tấm không còn chút nào tự lập cả, bất cứ điều gì cũng dựa vào Bụt. Động tí là ngồi chảy nước mắt nước mũi. Bống chết: khóc. Bị giao nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo để đi hội: khóc (ít ra cũng phải tự nhặt một lúc rồi thấy vô vọng mới khóc nó mới có cớ chứ!). Được giúp nhặt xong rồi, không có quần áo mới: lại khóc.

Đến thời điểm thóc

…[Message Truncated] View full message.