Bà Nội ...

From: tieutuong (HTHINH) 6 Dec 2017 10:26
To: ALL1 of 1

Bà Nội - Bài thơ đạt giải nhất cuộc thi thơ lục bát 2016 - Hội nhà văn Việt Nam

Thuộc thể thơ lục bát truyền thống, bài thơ mang âm hưởng ca dao. Giọng thơ khi ngân nga dìu dặt như tiếng mõ chuông vang vọng, khi thì nhịp nhàng đều đặn như tiếng giã gạo. Âm thanh của nhịp sống cần lao hòa quyện với âm thanh của thiền đã tạo nên “tiếng nói” riêng của bài thơ. Mặc dù bài thơ được sáng tác theo hệ hình thi pháp truyền thống nhưng có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện. 

BÀ NỘI

Nguyễn Thị Thùy Linh

Mõ chuông đã rải tím trời
Hoàng hôn rẽ tóc một người nằm mơ
Đồng xưa nối với bây giờ
Mảnh thon cái hạc ngẩn ngơ gọi chiều

Đỏ vườn cay mắt hạt tiêu
Mẹt nong bà sảy hoang liêu về đồng
Nỗi buồn đã kịp trổ bông
Quả chuông úp xuống thinh không cuộc đời

Bám quê bám ngọn lửa cời
Rặng tre xòe ngón gọi mời ngày xưa
Áo tơi manh nón chạy mưa 
Đội mùa tất tả sấm vừa tới nơi

Xế trăng lặn vết đồi mồi
Cối kia vẫn nhớ khôn nguôi nhịp chày
Bấy nhiêu tuổi một lần xay
Hồn như vỏ trấu tuột tay gạo già

Áo bà đã hóa phù sa
Ao sen lặng giữa chén trà mùa thu
Lời Kinh cũng móm mém như
Miệng bà dẫn hạt đi tu dặm trường

Hai tay dắt nhớ dìu thương
Về đêm về với vô thường trần gian
Hương nhu, bồ kết chưa tàn
Thấy bà chải tóc cuối hoàng hôn xa.

Sống nơi đô thành trong nhịp sống xô bồ, bon chen, tôi ao ước được đặt chân đến một miền quê yên tĩnh, được gặp gỡ con người chân quê chân chất, hiền hòa, tâm thiện. Hiện thực không cho tôi thực hiện điều ao ước đó nên tôi đành tìm đến thơ ca. May mắn , tôi được Nguyễn Thị Thùy Linh, một nhà thơ trẻ, đã dẫn tôi đến nơi này để gặp được con người ấy bằng bài thơ “Bà nội” do cô sáng tác (Bài thơ được giải nhất cuộc thi thơ lục bát năm 2016. Hội nhà văn Việt Nam).

Bài thơ được Nguyễn Thị Thùy Linh sáng tác trong cảm hứng tôn giáo (Phật giáo). Đây là cảm hứng chủ đạo xuyên suốt bài thơ lục bát dài sáu khổ hai mươi bốn câu. Ngay từ câu thơ mở đầu, tác giả đã đưa ta đến một không gian đượm mùi thiền “Mõ chuông đã rải tím trời”.Một không gian lúc chiều tà nơi miền thôn dã thoáng đãng, buồn lặng“tím trời”. Cái buồn lặng vốn có của vũ trụ khi sắp kết thúc một ngày. Rồi trong khoảng ngày còn sót lại ngắn ngủi đó bỗng vọng lại âm thanh. Không phải là tiếng “ Gõ sừng mục tử lại cô thôn” (Bà Huyện Thanh Quan) mà là tiếng “mõ chuông” vang vọng từ một ngôi chùa nào đó. Tiếng mõ chuông “đã rải” lan tỏa trong khỏang thinh không ấy như điểm vào “khúc chiều” một giai điệu nhặt khoan gieo vào lòng người cảm giác thanh thản, yên bình. Giữa không gian ấy, hình ảnh người bà xuất hiện:

Hoàng hôn rẽ tóc một người nằm mơ
Đồng xưa nối với bây giờ
Mảnh thon cái hạc ngẩn ngơ gọi chiều

Đó là một lão nông vốn gắn bó với ruộng đồng “Đồng xưa nối với bây giờ”, mái tóc nhuộm màu hoàng hôn “Hoàng hôn rẽ tóc”, dáng hình thanh mảnh “Mảnh thon cái hạc”. Dáng vẻ của một lão nông mà đem ví với “cái hạc” nghe có vẻ chưa phù hợp lắm nhưng khi đối chiếu với “Mõ chuông” ở câu thơ đầu người đọc chợt hiểu ra : bà sống đời cần lao nhưng tâm hồn luôn vọng tưởng đến “mõ chuông”, đến cõi thiền. Đó là đời sống tâm linh thanh khiết, thánh thiện. Một tâm hồn như thế chỉ có thể ẩn sau “mảnh thon cái hạc” mà thôi.

Nhưng bà là một phụ nữ chân quê, vì thế ngòi bút của thi sĩ lại tiếp tục câu chuyện về bà : “Đỏ vườn cay mắt hạt tiêu/ Mẹt nong bà sảy hoang liêu về đồng”. Đọc câu thơ mà mắt tôi cũng chợt thấy “cay”. Không phải cay vì mùi nồng cay của tiêu nơi vườn nhà bà mà là vì thấy mắt bà rưng rưng trước cảnh hoa màu vườn nhà khô cháy dưới trời nắng lửa. Chỉ với một hình ảnh thơ đầy sáng tạo được xây dựng từ trường liên tưởng độc đáo (đỏ nắng- đỏ vườn, cay tiêu- cay mắt) , tác giả đã lấy đi bao giọt nước mắt đồng cảm của người đọc trước cảnh ngộ khắc nghiệt mà bà phải gánh chịu do thiên nhiên mang lại. Hết nắng lửa lại mưa dầm. Thế là “Áo tơi manh nón chạy mưa/ Đội mùa tất tả sấm vừa tới nơi”.

 Nói về con người có bản lĩnh chống chọi với thiên nhiên, dám “Đội sấm, đội chớp, đội cả trời mưa” thì đã được nói trong thơ cậu bé Trần Đăng Khoa. Mới đây có “ bà đội cả trời nắng to” (Nguyễn Vĩnh Tiến). Tác giả bài thơ này cũng nói về “đội” nhưng không phải đội nắng ,mưa, sấm ,chớp mà là “đội mùa”. Đối với người nông dân mùa màng chẳng phải là sự sống? Có ai mà không trân quý sự sống của mình? “ Đội mùa” đâu chỉ là trân quý sự sống mà còn là trách nhiệm bảo vệ sự sống ấy nữa. Mà để “đội mùa” thì phải “ chạy mưa”. Lúc này ta thấy cái “áo tơi”, “manh nón” của bà như có sức mạnh phi thường trong cuộc “chạy mưa”. Cái sức mạnh của ý thức và tình yêu đối với cuộc sống.

Cuộc sống của bà vốn gắn bó sâu nặng với bờ ao, gốc lúa, rặng tre. Đó là nơi chôn nhau cắt rốn cũng là đất tổ quê cha để lại bao đời “Bám quê bám ngọn lửa cời/ Rặng tre xòe ngón gọi mời ngày xưa”. Mặc dù cuộc sống đó quanh năm phải “dãi nắng dầm mưa”, “bán lưng cho đất bán mặt cho trời” nhưng bà vẫn “bám”, “một tấc không đi một li không rời”. Được sống và gửi mình nơi chôn nhau cắt rốn là hạnh phúc. Ông bà ta xưa nay vẫn nghĩ thế mà. Còn bà, bà có nghĩ gì không về cái “ ngày về” với đất ? Có:

Nỗi buồn đã kịp trổ bông
Quả chuông úp xuống thinh không cuộc đời

“Quả chuông úp xuống”- “Ngày về” của bà. Chốn bà về là “thinh không”, là hư vô. Ngày về của bà mang một không khí thiền. Nếu lúc sống , lòng bà luôn vọng tưởng đến “mõ chuông”, hướng về bến thiện thì đến lúc về bà cũng mong được về trong tiếng mõ chuông, âm thanh linh thiêng huyền bí của cõi thiền. Đây là điều tâm niệm sâu kín dễ gì bà thố lộ cùng ai vậy mà một người trẻ tuổi như Nguyễn Thị Thùy Linh đã “thấu hiểu” được lòng bà thì quả là cây bút “ già dặn”. Có ai khi nghĩ đến “ngày về” mà không buồn chứ. Nhưng “Nỗi buồn” của bà chỉ “kịp trổ bông” khi ý nghĩ ấy chợt thoáng qua thôi. Còn thực tế thì bà vẫn an nhiên với nhịp sống cần lao vốn dĩ của nghề nông “Xế trăng lặn vết đồi mồi/ Cối kia vẫn nhớ khôn nguôi nhịp chày”.

…[Message Truncated] View full message.
EDITED: 6 Dec 2017 10:26 by HTHINH